ĐỜI
SAU KHÁC ĐỜI NÀY
Thiên Chúa dựng nên con người để con
người được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình
tiến về đời sau. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú chóng
tàn mà quên đi cùng đích cuộc đời là gặp được Chúa.
Ðức Cha Fulton J. Sheen trong tác phẩm
"Trên đỉnh caoThập Giá" đã kể rằng: Sau khi bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi
Ðịa Ðàng và gánh chịu hình phạt lao dịch, A-đam đã phải vất vả khổ cực tìm kiếm
của ăn. Một lần kia, trên đường ra nương rẫy, A-đam vấp phải thân xác bất động
của A-ben. A-đam nâng dậy vác con lên vai đưa về nhà đặt trong vòng tay E-và.
Ông Bà lay gọi nhưng A-ben không đáp trả. Trước đây A-ben là đứa con ngoan,
lanh lợi, không có trầm lặng như vậy. Ông Bà nâng tay A-ben lên, bàn tay lại
rơi xuống đất bất động, trước đây A-ben không hề như thế. Ông Bà nhìn vào đôi mắt
của con: lạnh lùng, trắng dã, vô tư một cách bí mật, trước đây đôi mắt của
A-ben có vô tình như vậy bao giờ đâu. Ông Bà kinh ngạc, nỗi kinh ngạc tăng dần
lên. Thế rồi hai Ông Bà chợt nhớ lời Thiên Chúa: "Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ phải chết".
Cái chết của A-ben là cái chết đầu tiên
của nhân loại. Khi Nguyên tổ phạm tội, Ðịa Ðàng đã đóng ngõ cài then. Ðau khổ
và sự chết đã tràn vào thế giới và chảy dọc theo thời gian. Thiên Chúa đã sinh
ra sự sống, nhưng tội lỗi đã khởi phát ra sự chết. Sống và chết là hai thái cực
đối chọi nhau. Sự sống và sự chết đều là kỳ công của Thiên Chúa. Con người
không thể làm ra được sự sống cũng không tài nào cản ngăn được sự chết. Thế giới
càng văn minh thì Tử Thần càng xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng khác nhau. Có
cái chết êm đềm thư thái, có cái chết đau đớn khốn khổ, muốn chết không được,
muốn sống không yên. Càng chạy trốn Tử Thần, thì Tử Thần càng đến gần. Càng
tránh đau đớn thì đau đớn càng nhiều.
Ở mọi thời đại, cái chết vẫn là một mầu
nhiệm thách thức lý trí con người. Tại sao con người lại phải chết ? Chết là gì
? Ðó luôn luôn là những câu hỏi làm xao xuyến tâm não con người trong mọi không
gian và thời gian. Sự chết là một đề tài suy niệm phong phú. Mỗi tôn giáo, mỗi
con người nhìn và hiểu một cách tuỳ theo quan niệm của mình, tuỳ theo niềm tin,
tuỳ theo chọn lựa và thái độ cuộc sống.
Ðối với Ki-tô giáo chúng ta, Thiên Chúa
là Chúa của sự sống, ý định của Người là thông ban sự sống chứ không phải sự chết.
Vậy sự chết bởi đâu mà có ? Kinh Thánh trả lời rằng: sự chết là hậu quả của tội
lỗi (Rm 5, 12; 6, 23). Nhưng Thiên Chúa "vì
quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để những ai tin vào Người
Con ấy sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời" (Ga 3, 16) và lời
tuyên bố của Chúa Giê-su trước khi làm cho La-da-rô sống lại là một trong những
lời kỳ diệu nhất: “Thầy là sự sống lại và
là sự sống”. Lời mặc khải này có nhiều người tin vào Chúa, nhưng cũng không
ít người nghi ngờ, không tin.
Bài Phúc Âm hôm nay kể về phái Xa-đốc
không tin có sự sống lại, họ đặt ra những vấn nạn vô lý để chất vấn Chúa
Giê-su. Họ trích sách Ðệ nhị luật 25, 5-6 để hỏi Người: Nhà kia có 7 anh em
trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy
chị goá để có con nối dõi, và cả 7 anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị
goá đó vợ sẽ là của ai ?. Họ đưa ra ví dụ mà chẳng thể xảy ra trong thực tế.
Trong thế giới mai sau, bà vợ thuộc về ai trong số 7 ông chồng? Chẳng lẽ 7 ông
đánh nhau để dành 1 bà trên thiên đàng? Kiểu lý luận hàm ẩn một quan niệm, thế
giới mai sau cũng như hiện tại, nối dài hiện tại. Người Việt Nam cũng vậy, thói
quen đốt vàng mã, đốt đôla, đốt xe honda, đốt nhà lầu… cho người cõi âm xài… Người
ta tin rằng thế giới mai sau cũng giống như thế giới mình đang sống cho nên người
đã chết cũng cần xe, cần tiền…
Chúa Giê-su trả lời với hai nét độc đáo:
thế giới mai sau là một thế giới hoàn toàn khác, hoàn toàn được biến đổi, và sự
sống mới hoàn toàn được bắt đầu từ hôm nay.
Ðời sau khác đời này. Người ta không lấy
vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng
sự và ca ngợi Chúa. Ðời sau không còn bóng dáng của Thần Chết. Con người thoát
khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được
sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến
đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì: “Ðức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ
Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người
không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với
Người tất cả đều đang sống”.
Qua mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh sắp
tới, Ðức Giê-su sẽ hoàn tất mạc khải này. Ðức Giê-su đã chiến thắng sự chết bằng
chính cái chết trên Thập Giá và Người đã sống lại để trao ban sự sống mới, sự sống
của Ðấng Phục Sinh. Chính bởi sự yêu mến, vâng phục và dâng hiến nên cái chết của
Chúa Ki-tô là một sự chiến thắng, bẻ gãy mũi nhọn của thần chết (1 Cr 15, 14).
Thánh Phê-rô đã nói một cách sâu sắc: "Tội
lỗi của chúng ta, chính Ðức Ki-tô đã mang vào thân thể, mà đưa lên cây thập
giá, để một khi đã chết với tội lỗi, chúng ta được sống cuộc đời công
chính" (1 Pr 2, 24).
Vì Ðức Giê-su đã thắng được những xao
xuyến, thắng được những tuyệt vọng, nên Người đã biến cái hố thẳm hay biển cả
mênh mông ngàn trùng xa cách giữa con người và Thiên Chúa thành biển cả tình
thương liên kết hiệp nhất Thiên Chúa và loài người. Ðức Ki-tô đã trở nên con đường
giao hoà và Thập Giá Ðức Ki-tô đã trở thành như chiếc thang nối liền trời và đất,
kết hợp Thiên Chúa và loài người. Yếu tính sự chết đã được biến đổi. Sự chết
không còn là tang tóc nữa mà đã trở thành Lễ Vượt Qua để tiến tới Vinh Quang
Thiên Quốc. Từ nay Ðức Giê-su không còn lệ thuộc vào thân xác vật chất nữa, những
gì thuộc về thân xác vật chất đều đã chết trên Thập Giá. Chúa Ki-tô đã được Thần
Khí hoá (Rm 8, 11; 1 Pr 3, 18), và sự sống của Người thuộc về Thiên Chúa (Rm 6,
10)
Niềm tin vào Ðức Giê-su, Ðấng đã chết và
sống lại là niềm tin cao cả nhất. Khi trái tim một người Ki-tô hữu ngừng đập
thì chuông Nhà Thờ vang lên báo tin cho mọi người biết linh hồn một người đã được
Chúa gọi về. Nghe chuông báo tử, mọi người đến tang gia để thăm viếng, phân ưu,
đọc kinh cầu nguyện, tham dự nghi thức tẩm liệm, cùng đưa người chết đến Nhà Thờ.
Linh cửu được đặt ngay trước Nhà Tạm của Chúa Giê-su. Cây nến Phục Sinh tượng
trưng cho sự sống lại của Chúa và của những ai theo Người được thắp sáng lên đặt
cạnh quan tài. Thánh Lễ được cử hành để hiệp thông cầu nguyện cho người chết,
nói lên việc Giáo Hội trân trọng với cả xác chết. Ðại diện cho Giáo Hội là Linh
Mục tiễn đưa người quá cố từ Nhà Thờ đến Ðất Thánh, làm phép huyệt để thánh hoá
nơi người chết an nghỉ và nói lên niềm hy vọng tuyệt vời: "Chúng ta gởi thân xác người thân yêu ở lại đây, đợi ngày sống lại
gặp nhau trên Thiên Ðàng."
Sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô
không những đã chuộc lại được cho con người những gì nó đã mất vì tội lỗi,
nhưng còn là một cuộc sáng tạo. Bởi vì nhờ sự chết và sống lại của Người mà nhịp
cầu liên kết giữa Thiên Chúa và con người được nối lại và một tương quan mới được
thiết lập, đó là tương quan Cha Con. Nhờ cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa
Ki-tô, con người được tha thứ, được gội rửa sạch tội lỗi, khỏi án chết đời đời
và trở nên con cái Thiên Chúa. Từ nay con người được gọi Thiên Chúa là Áp-ba,
Cha ơi (Rm 8, 15).
Tin và sống trong ân tình của Chúa Ki-tô
chính là chiến thắng sự chết, chính là đã mang trong mình mầm sống của sự sống
đời đời: "Ai sống và tin vào Thầy
thì sẽ không bao giờ chết" (Ga 11, 26; 1 Ga 3, 14). Không bao giờ chết
chính là không bao giờ mất sự hiện hữu trong tương quan với Thiên Chúa, không
bao giờ mất sự sống trong tương quan ân tình với Người. Niềm tin vào sự sống
mai sau đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Niềm tin ấy mang lại ý nghĩa
cho cuộc đời và cho mọi sinh hoạt của chúng ta hôm nay. Niềm tin đó thôi thúc
chúng ta sống theo Tin Mừng Chúa Giê-su. Niềm hy vọng ấy thôi thúc chúng ta hy
sinh cầu nguyện nhiều hơn, siêng năng dâng lễ, làm việc lành phúc đức nhiều hơn
trong tháng 11 nầy để cầu cho những người thân yêu và các tín hữu đã ra đi trước
chúng ta được về quê trời vui hưởng hạnh phúc ngàn thu.
Thiên Chúa dựng nên con người để con người
được hưởng hạnh phúc đời này và cả đời sau. Sống là một cuộc hành trình tiến về
đời sau. Đừng mải mê với những hạnh phúc mau qua, những lạc thú chóng tàn mà
quên đi cùng đích cuộc đời là gặp được Chúa. Hạnh phúc duy nhất và cũng là quan
tâm duy nhất của người sống đời sau là được ở gần Chúa để phụng thờ Người.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho
Chúa, và chúng con còn khắc khoải mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa
(Thánh Augustinô). Amen
Lm Giuse Nguyễn Hữu An