TÔI PHẢI Ở LẠI NHÀ ÔNG
Chúng ta chưa gặp hạnh phúc là vì
chúng ta còn mải lo tìm kiếm nó ở nơi đâu khác mà không nhìn về Chúa...
Một bà quí tộc đem đến cho Ruskin, một hoạ sĩ Anh nổi tiếng, xem chiếc khăn tay đắt tiền của bà, suýt soa tiếc rẻ vì nó đã vị vấy mực.
Ruskin không nói gì, ông chỉ xin cho ông mượn chiếc khăn trong một ngày. Hôm sau, ông trao lại chiếc khăn cho người đàn bà mà
không nói một lời nào. Nhưng khi
mở chiếc khăn ra, bà ta hết sức ngạc nhiên thấy một bức tranh đẹp được vẽ từ dấu mực hôm trước.
Cũng ngạc nhiên và vui mừng, nhưng lớn hơn biết bao, khi nói về ơn cứu độ Chúa thực hiện cho chúng ta: Bất kể tội lỗi chúng ta lớn lao đến đâu, Chúa vẫn một lòng xót thương.
Ngài “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.” (Kn 11,23)
Chúa là tình yêu, Ngài “nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.” (Tv 145,8-9). Chúa đi tìm người tội lỗi: “Con Người đến tìm kiếm và chứu chữa những điều đã hư mất.” (Lc 19,10)
Được dựng nên theo hình ảnh Chúa, nên tự đáy sâu tâm hồn chúng ta là sự khao khát, khao khát Thiên Chúa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến tôn nhan.” (Tv 41,3). Do đó mà ơn cứu độ có thể được trình bày cách đơn giản là Thiên Chúa ở cùng con người: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1,23)
Niềm vui của Giakêu chỉ diễn tả phần nào sự no thoả bởi mầu nhiệm ‘Thiên Chúa ở cùng chúng ta’, sự no thoả mà ơn cứu độ mang đến cho nhân loại, một ơn phúc vượt trội hơn hẳn mọi phúc lợi trần gian. Mọi sự giàu sang trần thế đều trở nên không đáng kể so với sự hiện diện của Chúa: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19,8)
Sự giàu có đích thực, như thế, đã nằm ngay trong tầm tay mỗi người. Chúng ta chưa gặp hạnh phúc là vì
chúng ta còn mải lo tìm kiếm nó ở nơi đâu khác mà
không nhìn về Chúa: “Hồn tôi hỡi, cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi? Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng Cứu độ, là Thiên Chúa của tôi.” (Tv 41,6)
Ơn cứu độ, hạnh phúc, đã sẵn trong tầm tay, nhưng điều kiện đầu tiên để đón nhận Tin Mừng là sự hoán cải, như lời rao giảng của Gioan Tẩy giả: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15) Chúa đã đến, Giakêu đã vui mừng, nhưng hạnh phúc của ông chỉ nên trọn vẹn khi Giakêu tự nguyện thay đổi cuộc sống theo chuẩn mực Phúc âm, và Chúa công bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”.
Giakêu như thế, còn chúng ta thì sao? Một số tín hữu Thessalônica
lại tìm kiếm Chúa theo
cách của trần gian, giữ đạo đối phó, tìm vào
Nước Trời bằng con đường rộng nhất mà bỏ quên sự hoán cải là bước đầu tiên để đón nhận Tin Mừng. Đối với họ, ‘ngày Chúa gần đến’ lại là một tin dữ làm ‘cho tinh thần giao động’ và gây ‘hoảng sợ’.
Tình yêu Chúa đến với mọi người, không đòi một điều kiện nào, không trừ một ai, cả ông thu thuế Giakêu. Thế nhưng vấn đề vẫn còn đó: sự hiện diện ban ơn cứu độ của Chúa chỉ nên trọn vẹn với sự cộng tác của con người. Đó là điều làm thánh Phaolô quan ngại: “chúng tôi hằng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng
ta đoái thương
làm cho anh em xứng đáng ơn Chúa kêu gọi anh em, và xin Người dùng quyền phép mà kiện toàn những ý định ngay lành do lòng tốt của anh em và công việc của lòng tin anh em.” (2Tx 1,11)
Góc Nhà, tuần san CGvDT số 1629, ngày 19-10-2007, có đăng câu chuyện về nhà tù
Humaita, tác giả Dũ Lan Lê Anh Dũng:
“Tiến sĩ, luật sư Mario Ottoboni là người Công
giáo Brazil. Vào thập niên 1970, ông và một nhóm Ki tô hữu làm đơn xin
tiếp nhận nhà tù Humaita ở thành phố São José dos Campos, bang São Paulo, khi nghe
tin chính phủ muốn đóng cửa nó. Thỉnh nguyện được chấp thuận, các Ki tô hữu Brazil bắt đầu điều hành nhà tù Humaita theo
phương châm APAC. Đây là bốn chữ tắt rút gọn từ câu tiếng Bồ: “Amando al
preso, Amando el Christo”, nghĩa là “Yêu thương tù
nhân, yêu thương Chúa Ki tô.”
“Triết lý của nhà tù
Humaita là “Hãy diệt kẻ phạm tội và cứu lấy con người.” Phương
pháp hành động là tình thương. Một trong
những người có công thành
lập nhà tù
Humaita theo phương châm APAC giải thích: “Tội ác là sự chối bỏ tình thương một cách bạo liệt và bi đát. Chúng ta được tạo ra để thương yêu. Thiên Chúa tạo ra
chúng ta vì Ngài thương yêu chúng ta và như thế chúng ta có thể yêu thương
Ngài và yêu thương nhau. Nếu chúng
ta được tạo ra vì tình thương và để thương yêu, thì tại sao
chúng ta lại yêu thương nhau khó khăn đến thế?”
“Mỗi khi tiếp nhận một tù nhân mới, việc đầu tiên là người ta tháo còng ra khỏi tay anh ta và bảo: “Trong nhà tù này anh không còn bị xiềng bằng sắt thép nữa; anh sẽ được xiềng bằng tình thương của Chúa Kitô.”
Sau đó, người tù mới sẽ được đặt trong sự chăm nom của một bạn tù đã thấm nhuần tình yêu thương
Chúa. Bởi thế, dù việc trốn khỏi nhà tù
Humaita không hề khó khăn, tù nhân vẫn không bỏ trốn.
“Trước mỗi bữa ăn, các tù nhân
đứng quanh
bàn ăn và đọc kinh bằng tiếng Bồ. Trong căn phòng biệt giam mà nhiều năm liền chỉ “nhốt” duy nhất thánh tượng Chúa, người ta gắn lên tường ở phía trên thập giá một tấm biển viết bằng tiếng Bồ: “Chúng ta ở cùng bên nhau.”
Các tù nhân hiểu rằng họ đang gắn liền với Chúa Ki tô, Đấng vì họ mà thọ khổ.”
Câu chuyện Giakêu có thể tóm lại trong ba câu nói:
Chúa ngỏ lời với Giakêu: “Tôi
phải ở lại nhà
ông.”
Lời đáp trả của Giakêu là: “Tôi xin bố thì nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Chúa vui mừng: “Hôm
nay nhà này được ơn cứu độ.”
Chúa cũng đã ngỏ lời với tôi như với Giakêu, đâu là lời đáp trả của tôi?
Lm. HK