Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 27c


CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
NĂM C
Kb 1, 2-3; 2, 2-4; 2Tm 1, 6-8. 13-14; Lc 17, 5-10
BÀI ĐỌC I: Kb 1, 2-3; 2, 2-4
1           2 Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa , con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: "Bạo tàn! " mà Ngài không cứu vớt? 3 Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.
 2             2 Đức Chúa trả lời và nói với tôi: "Hãy viết lại thị kiến và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy. 3 Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định. Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu. 4 Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình. "
ĐÁP CA: Tv 94
Đ. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!
Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng
. (c 7b. 8a)
1 Hãy đến đây, ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi đá độ trì ta, 2 vào trước Thánh Nhan, dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
6 Hãy vào đây, ta cúi mình phủ phục, qùy trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. 7a Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
7b Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. 8 Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mê-ri-ba, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, 9 nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức, và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm. 1, 6-8. 13-14
            6 Anh em thân mến, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. 7 Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. 8 Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng.
13 Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. 14 Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.
TUNG HÔ TIN MỪNG: 1Pr 1, 25
Hall-Hall: Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Hall.
TIN MỪNG: Lc. 17, 5-10
            5 Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con. "6 Chúa đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.
            7 "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", 8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!?9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. "

ĐỨC TIN TRÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ
            Người Tông Đồ nào của Chúa mà không phấn khởi khi nghe Đấng Toàn Năng hứa: Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình ” (Kb. 2, 4: Bài đọc I).
            Nhưng nhìn vào thế giới này, dường như thấy ngược lại: Người công chính bị trù dập, còn kẻ ác cứ phây phây…!
            Vì thế người công chính thường cất lời kêu than: “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa , con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên: "Bạo tàn! " mà Ngài không cứu vớt? Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau? Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ. ” (Kb. 1, 2-3: Bài đọc I).
            Cụ thể như Tông đồ Phaolô, ông nhiệt tình hết sức vì công lý, vì hạnh phúc đồng loại, thế mà ông vẫn bị kẻ ác thắng, tống ông vào ngục. Ngồi trong tù, ông Phaolô lo sợ cho môn đồ Timôthêu mất Đức Tin, nên ông viết thư nâng đỡ niềm tin: Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2Tm 1, 7-8: Bài đọc II).
            Muốn chu toàn sứ mệnh làm chứng cho Chúa, người Kitô hữu phải:
1- ĐẶT NIỀM HY VỌNG TRONG THẾ GIỚI PHỤC SINH .
Người Tông Đồ của Chúa chỉ có thể thấy được giá trị hoạt động của mình, thấy được sự thiện thắng sự ác trong thế giới Phục Sinh. Đan cử: Nếu ta chỉ nhìn Chúa Giêsu kết thúc đời Ngài trên thập giá, thì làm sao ta thấy được sự chiến thắng của Đấng Toàn Năng? Như ta biết: ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày của quyền lực sự ác; còn ngày Chúa Phục Sinh mới là ngày của Thiên Chúa, ngày khai mào chiến thắng của sự thiện trở thành Ngày Thứ Nhất Trong Tuần!
            Kìa bà Monica kêu khóc ròng rã hơn 30 năm, chỉ xin Chúa cho con trở lại Đạo, mãi đến gần giờ chết, bà thấy được ơn đã xin, nhưng trong mầu nhiệm Phục Sinh, bà mới thấy con mình làm Giám mục, thánh Tiến sĩ, và cả bà cũng được Hội Thánh tôn phong làm thánh Bổn Mạng Các Bà Mẹ Công Giáo. Ơn này quả Chúa ban vượt quá ước mơ của bà!
            Bởi thế thánh Tông Đồ nói: “Nếu chúng ta chỉ đặt hy vọng vào Đức Kitô vỏn vẹn ở đời này thôi, thì chúng ta theo Chúa là những kẻ khốn nạn nhất trên đời” (I Cr. 15, 19). Vậy Đức Tin Công Giáo dạy ta hướng về tương lai, bởi vì Chúa đã nói với ngôn sứ Khabacuc: “Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, chứ không làm cho ai thất vọng. Nếu nó chậm tới thì cứ đợi chờ, vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu” (Kb 2, 3: Bài đọc I). Do đó thánh Phaolô nói: “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?” (Rm 8, 24). Như thế niềm tin trong Cựu Ước chỉ là nụ, thời Tân Ước nở hoa, cánh chung mới được hái trái.
2- KHIÊM TỐN NHẬN BIẾT CHÚA TRAO NHIỆM VỤ TỪNG PHẦN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA NGƯỜI.
            Thánh Phaolô nói: Tôi trồng, anh Apôlô tưới, Thiên Chúa mới làm cho mọc lên (I Cr. 3, 6).
Bởi thế mỗi người Tông Đồ chỉ được Chúa trao từng việc trong công trình cứu độ loài người:
°      Hoặc chỉ làm công tác trồng.
°      Hoặc chỉ làm công tác tưới bón.
°      Giỏi lắm là vừa trồng vừa tưới.
°       Có kẻ may mắn được đi gặt mà không vất vả trồng tưới bón.
Nhưng phải nhớ rằng “trồng hay tưới chẳng là gì, Đấng làm cho mọc lên mới đáng kể”(1Cr 3, 7).
Thật đúng như Lời Đức Giêsu đã nói: ““Người này gieo, kẻ khác gặt, Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi đã không vất vả làm ra, có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi thừa hưởng công lao của họ, nhưng kẻ gieo người gặt đều hoan hỷ” (Ga. 4, 36-38).
Vậy “khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. " (Lc 17, 10: Tin Mừng).
3- CHÚA KHÔNG XỬ VỚI TA NHƯ MỘT ĐẦY TỚ VÔ ÍCH.
      Mặc dầu, Đức Giêsu đưa ra một ví dụ: Người đầy tớ đã lao động suốt ngày ngoài đồng dưới nắng nôi thiêu cháy, về đến nhà, bụng đói vẫn còn phải vâng lệnh chủ: hầu bàn cho chủ ăn trước! Đầy tớ hữu ích như vậy mà nó đâu được quyền đòi chủ phải biết ơn nó? Nó vẫn phải làm vì nó là thân phận tôi tớ (x. Lc 17, 7-9: Tin Mừng). .
      Trong tình yêu, Chúa đòi chúng ta không được thua tinh thần phục vụ của đầy tớ ấy, dù lắm lúc cảm thấy mình chỉ là đầy tớ vô dụng, không muốn làm nữa, nhưng vì “việc đã ký thác cho ta phải chu toàn” (x. I Cr. 9, 17). Khi xong việc Chúa đã trao, Ngài không cư xử với ta như người đời, bắt đầy tớ làm việc phụ trội, mà chủ không biết ơn, nhưng ngược lại “ông chủ sẽ đặt đầy tớ ấy vào bàn ăn, mà qua lại hầu hạ nó” (Lc. 12, 37). Hình ảnh này ta chỉ có thể thấy nơi Ông Chủ Giêsu đặt các môn đệ vào bàn tiệc, rồi Ngài tự lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào thau và đến rửa chân hầu hạ các ông (x. Ga 13, 4-5). Như thế nếu ta hết lòng phục vụ theo ơn gọi của mình, cho dù không đạt kết qủa như lòng mong ước, thì ta hãy vui vì được Chúa Giêsu mời ta chung bàn tiệc Thánh Thể với Ngài. Và như vậy minh chứng ai được dự tiệc Thánh Thể, người ấy được chính Chúa Giêsu Phục Sinh phục vụ, Ngài cho họ được thông dự cùng sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 6, 57).
      Người Tông Đồ đi phục vụ có được ba xác tín trên, chính là họ đã diễn tả Đức Tin Hội Thánh Công Giáo, mà Đức Giêsu gọi đó là Đức Tin bằng hạt cải”, vì chính Ngài đã nói: “Nước Trời ví như hạt cải gieo xuống đất” (x. Mt 13, 31-32), tất cả mọi người đều được sống nhờ Đức Tin này, đây là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công. Do đó mỗi khi dâng Thánh Lễ, Hội Thánh thiết tha cầu nguyện trong Nghi Thức Hiệp Lễ: Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến Đức Tin của Hội Thánh Chúa, xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa”. Đức Tin ấy đưa đến kết quả phi thường được diễn tả qua hình ảnh: chuyển núi dời non hoặc bứng cả gốc cây dâu xuống mọc dưới biển!
      Đan cử: Thầy Gioan Maria Vianey khi được cha Giáo sư khảo bài, thấy Vianey quá dốt, cha Giáo trách:
-         Dốt như lừa, làm sao làm Linh mục để Chúa nhờ được?
      Vianey vui vẻ đáp:
-         Thưa cha, xưa ông Samson chỉ dùng một hàm lừa mà giết được cả ngàn quân thù (xTp. 15, 9t). Sao Chúa không dùng cả con lừa Vianey để Ngài chiến thắng sự dữ? Bởi lẽ Chúa đã hứa cho những “ai tin vào Ngài, chẳng những làm được những việc như Ngài, mà còn làm được những việc lớn lao hơn thế nữa!” (Ga 14, 12)
      Mà thực, người đầy tớ trong Chúa Giêsu làm được những việc lớn lao hơn Thầy, hơn Chủ. Cụ thể khi ta ban Bí tích Thánh Tẩy cho một người nguy tử, khi họ qua đời là được lên Thiên Đàng ngay. Đó là ta đã làm công việc của Chúa Giêsu; hoặc mỗi lần đi dâng Lễ, ta cầu nguyện cho những người đã an nghỉ trong Chúa, thì chắc chắn nhờ Đức Tin của Hội Thánh Chúa, mà ta được đóng góp phần Đức Tin của mình nhỏ bé như hạt cải, làm nhiều linh hồn được Chúa đón vào Thiên Đàng. Trong khi Đức Giêsu vất vả suốt đời phục vụ cho đến chết, Ngài mới đưa được một tên trộm lành vào Thiên Đàng (x. Lc 23, 43).
      Vậy “tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy!” (Dt. 11, 1)
THUỘC LÒNG.
Ơn cứu độ đã đến cho ta như một hy vọng. Hy vọng mà thấy được thì hết là hy vọng, vì điều thấy được, ai nào hy vọng nữa! Nhưng thực ta hy vọng điều ta không thấy, thì ta kiên nhẫn đợi trông (Rm. 8, 24-25).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh