Giáo lý Phúc Âm cntn 27c


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXVII Quanh Năm C
Kb 1, 2-3; 2, 2-4; 2Tm 1, 6-8. 13-14; Lc 17, 5-10 

I. Giáo Huấn PHÚC ÂM:
Đức tin không đo lường bằng khối lượng nhưng bằng hiệu năng.
Chỉ cần tin tưởng nơi Chúa, dù chỉ nhỏ nhoi, ít oi bằng hạt cải thôi cũng có thể chuyển núi dời non.
Việc “chuyển núi dời non” không do tài năng hay sức lực của con người, nhưng do quyền năng Chúa thực hiện qua đức tin nhỏ bé của con người. Nên người có đức tin phải nhìn nhận: Chúa thực thi tất cả với sự đóng góp ít oi của con người.
II. Vấn nạn PHÚC ÂM
Tiên Tri Habacúc:
 Là một tiên tri nhỏ xuất hiện ở miền Nam Giuđêa khoảng năm 606 trước công nguyên. Tên Habakkuk rất xa lạ và không mang chở một ý nghĩa nhất định. Có người cho rằng, Habacúc trong tiếng Do Thái có nghĩa là chấp nhận hay ôm lấy. Tên Habacúc được dịch là đón nhận hay chấp nhận có thể vì ở phần cuối sách, chương 3:16-19 tiên tri đã gửi sứ điệp là phải đón nhận ý Chúa và chương trình của Chúa, dù cho quốc gia có rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào.
Theo truyền thống Do Thái, Habacúc là con trai của người đàn bà xứ Shunam, vì tiên tri Elisha trong sách các Vua quyển II đã bảo bà: “Năm sau bà sẽ sinh hạ một người con trai” Không có nhiều chi tiết về cuộc đời của tiên tri. Người ta biết nhiều và nhớ về Ông qua câu chuyện: Ông có bộ tóc rất dài đến nỗi thiên thần Chúa đã nắm tóc ông mang sang tận Babylon với cả thức ăn để ông nuôi sống tiên tri Daniel trong hang sư tử.
Rất khác biệt với các tiên tri trong Cựu Ước, Habacúc thay vì mang lệnh truyền của Chúa đến dân thì ông lại trình bày với Chúa về nỗi thống khổ cũng như về những phàn nàn của dân đối với Chúa. Qua đó chúng ta thấy, tiên tri là người của Chúa, nhưng lại đứng về phía dân chúng để nói lên những điều không hiểu về chương trình của Thiên Chúa như cảnh lưu đày hay những khốn khổ dành cho Dân Do Thái. Cách chung ngôn sứ xoay chung quanh các vấn nạn:
Tại sao lại có những ác xấu xảy ra cho những người tốt?
Bao lâu còn sống trên đời, con người không sao hiểu nổi đường lối của Chúa. Xin cho có đức tin để chấp nhận.
Nên trong bài đọc một hôm nay, tiên tri Habakkuk 1, 2; 2. 2-4 đã than thở và cũng như chất vấn Chúa về những cảnh bất công cứ tồn tại và người ác cứ nhởn nhơ, không bị phạt. Và Chúa đã trả lời, đã chỉ ra con đường duy nhất đưa đến giải thoát: ấy là tin tưởng vào Chúa và trung tín với Giao ước trong suốt cuộc đời của mình, vì khi đến thời của Ngài, Ngài sẽ ra tay tái lập sự công chính.
Đức tin là gì?
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo diễn giải: Đức Tin là một nhân đức nhờ đó ta tin vào Thiên Chúa, tin tất cả những gì Người nói và mặc khải, cũng như những gì Hội Thánh dạy ta phải tin. Khởi đầu thì đó chỉ là một niềm tin trước thần linh, nhưng nhờ giáo dục và từng trải, niềm tin ngày một kiên định trở thành một nhân đức: Đức Tin. Đức Tin là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là sự đáp trả của con người trước hồng ân của Thiên Chúa. Theo Thánh Augustinô: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” như trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Sự đáp trả ấy mang tính toàn diện nghĩa là của cả lý trí, tình cảm và hành động. Vì thế, đức tin phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể, vì "Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" như trong thư Thánh Giacôbê 2, 17. Hơn thế nữa, người môn đệ Chúa Kitô còn phải can đảm làm chứng và truyền bá đức tin theo Hiến Chế về Giáo Hội số 42. Đòi hỏi nầy xuất phát từ chính bản thân của đức tin, và là đòi hỏi cần thiết để được cứu độ. Muốn được cứu độ, phải sống chứng nhân Tin Mừng: Tuyên xưng đức tin trước mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc "Ai nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy cũng chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời như trong Phúc Âm Matthêô 10, 32-33 ; “Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” như trong Thư bThánh Phaolô gửi Rôma 1, 17; “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” như trong thư Thứ Nhất Thánh Phêrô 5, 9
Đức tin vô hình sao lại có thể so sánh là “lớn bằng hạt cải”?
“Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải thì dù các con có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống biển mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời các con”, Phúc Âm Lc. 17. 5-6.
Thật ra đức tin là nhân đức đối thần, là vô hình thiêng liêng, không ai thấy đức tin bao giờ cả. Nhưng để có thể hình dung được hiệu năng của đức tin và quyền năng của Thiên Chúa trên người có đức tin. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt cải. Hạt cải là hạt giống nhỏ nhất như trong Phúc Âm Matthêô 13, 32. Đức Giêsu so sánh đức tin với hạt cải, là có ý nhấn mạnh về mặt phẩm chất hơn là về số lượng của đức tin. Hạt cải, hạt nhỏ hơn cả hạt quả của cây trứng cá, mà cây thì tương đương với cây trứng cá cao khỏang 4-5 mét. Hình ảnh đó nói lên một sự phó thác dù nhỏ đến đâu, nếu được thực hiện trong đức tin, thì vẫn có thể làm được những điều lớn lao kỳ diệu. Vì bấy giờ người ta làm không phải do sức riêng mình, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Nên khi làm một so sánh giũa đức tin và hạt cải, Đức Chúa Giêsu muốn các tông đồ trông cậy tuyệt đối vào quyền năng cũng như lòng nhân hậu Chúa. Câu nói về cái cây bật rễ không nên hiểu theo nghĩa đen. Đây là cách nói diễn tả mạnh mẽ của người Đông phương và có ý nghĩa là đức tin có sức mạnh lớn lao, với đức tin việc gì xem ra không thể lại trở thành có thể.
Hệ quả của lòng tin và sự phó thác hoàn toàn nơi Chúa sẽ đưa đến một tinh thần phục vụ trần trụi không tính toán. Vì tất cả đến từ quyền năng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, chứ không cậy vào sức mình, rồi đòi trả công. Như thế mọi chức vụ trong Giáo hội chỉ là một việc làm nhỏ bé để kéo ơn Chúa xuống cho mọi người. Đừng lấy đó làm vênh vang, vì ta chỉ là đầy tớ vô dụng.
III. Thực hành PHÚC ÂM:
Bà là ai?
Trong cơn hôn mê vì bệnh nặng, bà vợ ông thị trưởng, người Công Giáo thấy mình bị đưa ra trước toà Chúa. Có tiếng hỏi bà:
- Bà kia, bà là ai?
Bà vợ Ông thị trưởng đáp:
- Thưa, con là vợ của ông thị trưởng.
Nhưng tiếng ấy lại nghiêm nghị hơn:
- Ta không hỏi ngươi là vợ của ai, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?
Người đàn bà vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của câu hỏi. Bà tiếp tục thưa: bà là mẹ của bốn đứa con, bà là giáo viên... Nhưng lần nào tiếng nói cũng vẫn hỏi lại:
- Ta không hỏi ngươi làm nghề gì, Ta chỉ muốn biết ngươi là ai mà thôi.
Nghe đến đây người đàn bà liền thưa:
- Con là một Kitô hữu.
Tiếng nói lại tỏ dấu bất bình và hỏi tiếp:
- Ta không hỏi ngươi có đạo hay không có đạo, hoặc theo đạo nào, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi?
Người đàn bà làm một cố gắng cuối cùng, bà trình bày như sau:
- Thưa, con là người đi lễ mỗi ngày và luôn giúp đỡ những người thiếu thốn. Tiếng nói lại càng bất bình hơn nữa:
- Ta không hỏi ngươi đã làm gì, Ta chỉ hỏi ngươi là ai mà thôi
Người đàn bà chợt hiểu được ý nghĩa của câu hỏi.
Sau khi hồi tỉnh và bình phục từ cơn bệnh nặng, bà quyết tâm trả lời cho bằng được câu hỏi ấy. Và điều đó đã làm cho bà thay đổi hoàn toàn cuộc sống. Để trả lời câu hỏi trên đây, có lẽ chúng ta phải thưa bằng chính lời của Chúa Giêsu, Ngài nói về một đầy tớ phải làm việc quần quật suốt ngày, rồi chiều về còn phải hầu hạ chủ mình.
Chúa Giêsu nói như sau: “các con cũng thế, sau khi đã làm hết tất cả những gì mình phải làm, các con hãy nói: Chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng”.
Tương quan giữa con người và Thiên Chúa là một tương quan nhưng không. "
Vô dụng trong Phúc Âm Thánh Luca hôm nay không mang ý nghĩa đồ bỏ hay đồ phế thải đáng vứt vào sọt rác. Không! Nhưng hãy nghĩ mình vô dụng trước những thành công quả lớn lao của lòng tin. Dù chỉ lớn bằng hạt cải, nhưng với quyền năng của Thiên Chúa chúng ta có thể làm những chuyện phi thường, có thể khiến cây dâu “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển mà mọc!”
Đọc lại lịch sử địa phận nhỏ bé của mình đang làm việc, tôi thật sự cảm nhận sự can thiệp chuyển núi dời non của Thiên Chúa trong việc gìn giữ Giáo Hội. Năm 1948 địa phận được thành hình với nhiều con SỐ KHÔNG: KHÔNG nhà thờ chánh toà. KHÔNG toà Giám Mục. KHÔNG có nhiều tiền trong ngân hàng và KHÔNG đủ linh mục phục vụ. Rồi sau đó vài chục năm, địa phận lại quá nhiều thứ không cần có: tới 4 linh mục đi ngồi tù vì chuyện quấy nhiễu tình dục. tới 13 linh mục đến tuổi hưu trí trong tồng số 45 linh mục. quá ít mầm non ơn thiên triệu. Nếu may mắn thì 5 năm mới có một tân chức, rồi nhiều giai đoạn trống toà, có khi kéo dài cả hơn hai năm.
Nhưng cái quan trọng cần có thì đã có là CÓ ĐỨC TIN CHỈ LỚN BẰNG HẠT CẢI. Chính vì hạt cải đức tin nầy mà Chúa đã giữ gìn Giáo Hội Chúa cách chung và địa phận tôi cách riêng. Chúa làm hết! Chúng ta chỉ là công cụ hay nói theo Mẹ Têrêsa, chúng ta là cây bút chì trong tay Chúa.
Titanic, chiếc tàu không thể chìm?
Chiếc tàu Titanic của Anh Quốc, đóng vào đầu thế kỷ 20 tại Belfast, Ái Nhĩ Lan. Kỹ thuật tân kỳ được tận dụng cùng bao tâm huyết của rất nhiều người góp sức thực hiện chiếc tàu vĩ đại to bằng 4 khu phố, cao 13 tầng, nặng trên 46 ngàn tấn có thể chứa được 3000 người. Lúc ấy người ta trầm trồ, tán thưởng chiếc tàu, xem đây là một kỳ công của nhân loại, xem như vượt xa công trình của Hoá Công hay cũng gọi là xảo đoạt thiên công! Những người có liên hệ trực tiếp với chiếc tàu thường khoe đây là chiếc tàu không chìm (The Unsinkable).
Ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic khởi hành từ Southampton, Anh Quốc nhắm tới New York với lối 2200 hành khách, nhiều người là quý tộc và trưởng giả. Ngày khởi hành, viên thuyền trưởng ngạo nghễ tuyên bố một câu xanh dờn: “Ngay cả Chúa cũng không thể đánh đắm chiếc tàu này nổi” God himself could not sink this ship. Không tới 5 ngày sau, tàu đụng vào tảng băng sơn khổng lồ, nứt ra và chìm dần xuống đáy biển Đại Tây dương mang theo trên 1500 sinh mạng, tàu biến mất khỏi mặt biển sáng sớm ngày 15 tháng 4, 1912).
Chính tôi và nhiều anh em linh mục khác mang khuynh hướng muốn lưu danh hậu thế. Chúng tôi hay giảng và nhiều khi nhắc đi lặp lại đến thuộc lòng rằng: Tôi đã mua tượng Đức Mẹ La Vang từ Việt Nam. Tôi đã sửa lại Basement nhà thờ. Tôi đã tạo dựng các lớp giáo lý và các lớp Việt Ngữ. Tôi đã… và tôi đã… Thôi thì bao nhiêu là công khó và xứng đáng để ghi bảng lưu danh hậu thế.
Nhiều khi chúng ta quên chân lý nầy: Vanity of vanities, phù vân! Tất cả chỉ là phù vân. Xây dựng là chuyện vật chất. Không có thứ vật chất nào tồn tại trong thế giới vật chất chóng qua nầy. Tất cả sẽ chìm sâu hơn tàu Titanic. Tất cả đi vào quên lãng qua thời gian. Cách hay nhất và bền bỉ nhất là qui mọi việc mình làm là bổn phận phục vụ giáo xứ trong chương trình cứu rỗi các linh hồn theo ý Chúa.
Xin hãy cầu cho đức tin lớn bằng hạt cải để nghiệm ra rằng: chúng ta chỉ là công cụ, chúng ta phải chìm vào quên lãng để danh Chúa được lưu danh hậu thế. Nếu chấp nhận hậu quả “chìm vào quên lãng”, chúng ta sẽ dễ dửng dưng và vui vẻ, nếu có ai đó quên ghi công chúng ta.
Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên