Suy niệm hạnh thánh _ 30/10

Thánh ANPHONGSÔ RODRIGUEZ
 (1532-1617)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Anphôngsô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, Anphôngsô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của Anphôngsô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho Anphôngsô rước lễ lần đầu.
Vào lúc 23 tuổi, một mình Anphôngsô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.
Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho Anphôngsô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, Anphôngsô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này Anphôngsô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng Anphôngsô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận Anphôngsô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.
Trong vòng 45 năm kế đó, thầy Anphôngsô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617.
Suy niệm 1: Tạm trú
Họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của Anphôngsô.
Một chỉ thị của Đức Giêsu cho các sứ giả truyền giáo, đó là đến nhà nào mà được tiếp nhận thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi, đừng đi nhà này sang nhà khác, và đồng thời hãy chữa bệnh cho những người đau yếu (Lc 10,7.9).
Vâng theo chỉ thị này, Cha Phêrô Favre thường tạm trú qua đêm ở nhà Anphôngsô. Ngài không chữa bệnh phần xác mà linh hồn. Ngài đã chuẩn bị cho Anphôngsô rước lễ lần đầu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết nhận ơn thì đáp trả đặc biệt về mặt tinh thần.
Suy niệm 2: Thảm kịch
Nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho Anphôngsô.
Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, Anphôngsô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp.
Khi đứa con trai từ trần, Anphôngsô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng Anphôngsô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận Anphôngsô làm thầy trợ sĩ. Trong những năm cuối đời, thầy Anphôngsô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con kiên tâm vượt qua thử thách để rèn luyện bản thân.
Suy niệm 3: Học
Anphôngsô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em.
Người ta thường chủ quan cho rằng người lớn đóng vai trò chủ đạo trong sự trưởng thành của đứa trẻ. Tuy nhiên trong cách mà trẻ con sống, có khi người lớn cũng học được hoặc học lại những bài học đắt giá. Trẻ con sống cuộc đời của mình với niềm vui hiện tại, lòng nhiệt tình với mọi thứ, thái độ ham học hỏi, trí óc tò mò và một năng lượng dồi dào, đặc biệt sự ngây thơ và vô tư, tính trung thực, tin vào điều kỳ diệu của cuộc sống, tình yêu thương vô điều kiện.
Như thế người lớn có thể học nhiều điều từ trẻ thơ, bằng việc quan sát những gì chúng làm và lắng nghe những gì chúng nói. Thực tế cho hay: Thử hỏi xem giữa những thương đau của cuộc sống, giữa những hoen ố của cuộc đời, có khi nào chúng ta ao ước trở lại như trẻ nhỏ, để một lần nữa, sống những chuỗi ngày hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng? Phải chăng chúng ta đã đánh mất những điều quý giá đó trong tiến trình làm người lớn? Hay đó là những điều thật khó giữ gìn, khi ta lớn lên?
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy trở lại mà nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Suy niệm 4: Kiên nhẫn
Anphôngsô rất kiên nhẫn.
Tính kiên nhẫn có thể định nghĩa là một đức tính đưa đến các đức tính khác và đóng góp sự tăng trưởng cũng như sức mạnh cho các đồng đức tính khác của nó là đức bác ái, tha thứ và đức tin.
Trước hết “lòng bác ái có thể nhịn nhục lâu dài”. Đó là tất cả những gì về tính kiên nhẫn. Lòng bác ái “không dễ bị khiêu khích” là một khía cạnh khác của đức tính này. Và cuối cùng lòng bác ái “nhẫn nại mọi sự”. Chắc chắn là một sự biểu lộ của tính kiên nhẫn. Việc tha thứ bảy mươi lần bảy hẳn phải mất đi một số lớn sự kiên nhẫn. Với đức tin, chúng ta chỉ có thể tăng trưởng trong đức tin, nếu chúng ta sẵn lòng chờ đợi một cách kiên nhẫn các mục đích của Thiên Chúa và các mẫu mực mà sẽ được cho thấy trong cuộc sống của chúng ta theo lịch trình của Ngài.
Từ các yếu tố định rõ này thì hiển nhiên là nếu không có tính kiên nhẫn tô điểm cho linh hồn chúng ta, thì chúng ta sẽ phải tự xem mình khá thấp kém về phương diện có được cá tính giống Đức Kitô (Robert C. Oaks).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con rèn luyện đức kiên nhẫn để dê trở nên giống Chúa hơn.
Suy niệm 5: Nổi tiếng
Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Một linh mục dòng Tên phải kêu lên: "Thầy đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Đồ của Người Nô Lệ Da Đen.
Sự nổi tiếng lúc ngài còn sống càng được thấy rõ trong tang lễ của ngài, vốn có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hiểu rằng tìm vinh danh Chúa cũng mang lại việc sáng danh mình.
Suy niệm 6: Từ trần
Trước khi từ trần, thầy Anphôngsô được rước Mình Thánh.
Trong những năm cuối đời, ngài bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến.
Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con càng gặp khổ đau tinh thần và thể xác thì càng siêng năng rước Mình Thánh.