Thánh GIOAN
Ở CAPISTRANO
(1385-1456)
Lược sử
Người ta thường nói các
thánh là những người lạc quan
nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng
các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Đức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Đức Kitô không chỉ ảnh
hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời.
Thánh Gioan sinh ở
Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Đức sống trong thành phố. Ngài
học luật ở Đại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi,
ngài được Hoàng Đế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong
cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về,
ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài
31 tuổi.
Chính dòng Phanxicô cũng
trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh
Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm
luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Đạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại
được nêu cao.
Ngài từ trần ở Illok,
Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.
Suy niệm 1: Lạc quan
Các thánh là những người
lạc quan nhất thế giới.
John Hofer, người viết tiểu
sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lấy tên của thánh nhân, nhằm
mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô
Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Động."
Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là
người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề
thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Đức Kitô.
Trên mộ của thánh nhân ở
làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau:
"Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng
được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng
say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và
công bình, gương sáng cho đơi sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời
ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng
đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống
được như các thánh là luôn lạc quan.
Suy niệm 2: Ơn cứu độ
Các thánh luôn đặt niềm
tin vào quyền năng ơn cứu độ của Đức Kitô.
Sức mạnh hoán cải của Đức
Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.
Thật thế hai tông đồ lừng danh được tôn vinh là cột trụ của Giáo Hội cũng có
quá khứ tội lỗi: Phêrô đã ba lần chối Chúa (Mt 2669-75), còn Phaolô tích cực bắt
đạo Chúa (Cv 9,1). Thánh nữ Maria Mađalêna cũng thoát chết nhờ sự can thiệp của
Chúa sau lần bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (Ga 8,1-11).
Không kể bao nhiêu bệnh
nhân mắc đủ thứ bệnh tật được Chúa chữa lành (Mt 8,16) thậm chí kẻ chết cũng được
Ngài cho sống lại (Lc 7,12-15;8,50-56;Ga 11,38-44). Cơn đói hoành hành đoàn lũ
dân chúng được Chúa cho ăn no nê (Ga 6,5-13). Sóng gió đe dọa sinh mạng các
tông đồ cũng được Chúa dẹp yên (Mt 8,23-17).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con vững
tin vào quyền năng ơn cứu độ của Chúa.
Suy niệm 3: Hỗn loạn
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn
loạn về đạo cũng như đời.
Một phần ba dân số và gần
40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Nước Anh và nước Pháp đang
giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó
đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.
Về đạo, Cuộc Đại Ly Giáo
Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà
đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Đức Grêgôriô XII ở Rôma, Benedictus XIII ở
Avignon (Pháp) và Alexander V ở Pisa (Ý). Trong bối cảnh ba giáo hoàng, Jean
Hus không coi Giáo Hội cơ chế là Giáo Hội thực. Bị kết án, nhưng ông vẫn được
dân Tiệp Khắc ủng hộ. Jean Hus mạnh dạn đến công đồng Constancia, chứng minh ý
kiến mình có căn bản Tin Mừng. Bị bắt giam, ông viết thư tự nhận mình tử đạo
cho chân lý. Cuộc hành hình Jean Hus gây ra nội chiến nhiều thập niên, vì ngay
khi đó 450 lãnh chúa viết thư bênh vực ông là người chính thống về giáo lý.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho Giáo Hội
được ơn hiệp nhất và bình an như ý Chúa muốn.
Suy niệm 4: Hiệp sĩ
Thánh Gioan là con của một
cựu hiệp sĩ người Đức.
Hiệp sĩ là một thành viên
của tầng lớp quân nhân thời Trung Cổ ở Âu Châu, là một chiến binh cưỡi ngựa và
thường là kỵ binh hạng nặng, chỉ xuất hiện trong chiến tranh có tên gọi là “Trăm
Năm”. Động từ “tấn phong hiệp sĩ” tức là làm cho những ai có tinh thần thượng
võ trở thành hiệp sĩ xuất hiện vào năm 1350. Maximilian I Hoàng Đế La Mã Thần
Thánh (1459-1509) thường được coi là người hiệp sĩ thật sự cuối cùng. Còn Thánh
Jeanne d Arc (1412-1431) là nữ hiệp sĩ duy nhất thời Trung Cổ.
Kế thừa dòng máu hiệp sĩ
của thân phụ và nhất là với đức tuân phục, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi
tuổi, được Đức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy
thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ, khi vua Hồi Giáo là
Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn
Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở
Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày
23-10-1456.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn sống tinh thần cao thượng của một hiệp sĩ của Đức Kitô.
Suy niệm 5: Bị phản bội
Trong cuộc chiến tranh với
người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù.
Bị cầm tù do bị phản bội,
ngài có thời gian suy nghĩ và cảm nhận sự đau lòng còn nặng trĩu hơn nỗi khổ
thân xác. Thảm cảnh của Đức Giêsu bị phản bội trở thành liều thuốc an thần và bồi
dưỡng tâm linh ngài. Vì thế, sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời
và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong
linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Đức, Bohemia, Áo,
Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì
ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung
Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của
Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
thà bị người đời phản bội chứ đừng bao giờ phản bội Chúa.
Suy niệm 6: Tà giáo Fraticelli
Qua các nỗ lực không ngừng
của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo
Fraticelli bị cấm hoạt động.
Trong 30 năm cuối cùng của
thế kỷ 14, Hội Đồng Thành Phố Lyon cho phép Dòng Phanxicô được sở hữu tất cả
tài sản đang sử dụng. Đó là luật áp dụng cho các dòng tu cũ, nhưng vài tu sĩ ở
Marches đã nổi loạn phản đối, vì họ tin rằng tinh thần của Luật đã bị phản bội,
vì tu sĩ Dòng Phanxicô không được sở hữu một vật gì cả, dù là cho cá nhân, cho
tu viện, hay cho dòng tu đi nữa. Những kẻ nổi loạn này đã bị tù chung thân.
Nhiều năm sau đó, cha bề
trên Raymond Gaufredi đã đến gặp các tù nhân ở Arcana và phóng thích họ. Trong
số các tù nhân được phóng thích này, có một người tên là Angelus Clarerus đã đến
gặp Pierre Olieu rồi gặp Ubertino, và như thế phong trào của các tu sĩ
Fraticelli được hình thành, với cách sống ở ngoài dòng, ngày ngày đi xin của bố
thí và làm thuê làm mướn, không lưng lận một của riêng nào. Bấy giờ dân chúng gọi
những người này là Fraticelli. Hàng ngàn hàng vạn người dân chất phác công nhận
lời giảng đạo của Angelus và Ubertino, rồi nó truyền lan đi khắp nước. Đức
Boniface VIII ký một sắc lệnh thẳng thắn tố cáo các thầy tu hành khất lang
thang quanh vùng ven xa xôi của Dòng Phanxicô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn tuân phục Quyền Giáo Huấn và thẫm quyến của Giáo Hội.