Người ta thường nói các thánh là những
người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả
của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Ðức Kitô.
Sức mạnh hoán cải của Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh
hưởng cả đến các tai họa.
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo
cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh
dịch hạch. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh
không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước
Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển
nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.
Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý
năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài
học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi,
ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong
cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù.
Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô
ở Perugia năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn
năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba
Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được
nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón
ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những
khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.
Chính dòng Phanxicô cũng trong tình
trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua
các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của
ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền
lại được nêu cao.
Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa
tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức
Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống
với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu,
ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm
1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được
đặt làm quan thầy của các luật gia.
Lời
Bàn
John Hofer, người viết tiểu sử Thánh
Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lấy tên của thánh nhân, nhằm mục
đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô
Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Ðộng."
Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là
người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn
đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Ðức Kitô.
Lời
Trích
Trên mộ của thánh nhân ở làng
Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: "Ngôi
mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng,
người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở
nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình,
gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng,
ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng đáng
cho một người lạc quan chân chính và thành công.