Suy niệm hạnh thánh _ 22/10

Thánh PHÊRÔ Ở ALCANTARA
 (1499-1562)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công Đồng Triđentinô bế mạc.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Đại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài.
Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines.
Ngài được phong thánh năm 1669.
Suy niệm 1: Cha giải tội
Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila.
Là cha giải tội và cũng là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô.
Khao khát sống Tin Mừng hơn, và nhận thấy sự lỏng lẻo về kỷ luật tu trì trong tu viện cũng như trong các tu viện khác của Dòng Carmel, chị Têrêsa Avila quyết định hiến mình cho việc cải cách Dòng. Được Thánh Phêrô nâng đỡ, năm 1562, chị lập tu viện cải cách đầu tiên của các chị Dòng Carmel “đi chân không”, tu viện Thánh Giuse ở Avila. Tại đây các nữ tu nghiêm ngặt tuân giữ Bộ Luật Dòng Carmel nguyên thủy. Các ơn gọi tăng nhanh và sự sốt sắng của các chị em thật cao vời. Vài năm sau, năm 1567, chị được phép của Bề Trên tổng quyền Carmel thiết lập thêm những tu viện cải cách khác. Thế là chị Têrêsa Avila bắt đầu một cuộc sống kỳ diệu, hầu như luôn luôn hành trình trong sự thiếu tiện nghi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn vâng theo sự chỉ dẫn của cha giải tội, đặc biệt cha linh hướng để vững tâm tiến bước trên đường trọn lành.
Suy niệm 2: Cải cách
Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của Thánh Phêrô Alcantara.
Thật thế vào thế kỷ thứ XVI, những phong trào cải cách trong lãnh vực xã hội chính trị cũng ảnh hưởng sâu đậm đến phạm vi Giáo Hội đến mức ly khai mà nổi bật cần nêu lên là Cải Cách Tin Lành và Anh Giáo.
Không đi theo đường hướng đó vốn gây thảm họa cho Giáo Hội như chính Luther, ông tổ của Cải Cách Tin Lành, đã phải thừa nhận: “Không một ai trọng đạo hữu chúng ta lại không có đời sống xấu xa hơn trước”, Thánh Phêrô Alcantara cũng như Thánh Têrêsa Avila đã nỗ lực cải cách Giáo Hội và mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp, bằng cách khởi sự từ việc cải tổ chính mình và trở về nguồn luật nguyên thủy.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị cải cách đi đúng Thiên Ý để tạo sinh khí chứ không hủy hoại Giáo Hội.
Suy niệm 3: Trổi vượt
Phêrô Alcantara chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt.
Trong thời gian tu tập, ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.
Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: "Để chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú tâm phấn đấu có trổi vượt thì không về vật chất trần thế mà về nhân đức và đời sống lành thánh.
Suy niệm 4: Cải tổ
Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài.
Một công việc cải tổ bản thân cần khởi sự để có hiệu quả tốt, đó là cải tổ cách nhìn, nghĩa là thay vì xét người thì hãy xét mình. Có xét mình mới thấy được những thiếu sót, những khuyết điểm, những tật xấu cố hữu để sửa chữa và từ bỏ, nhờ đó trở nên càng ngày càng tốt hơn.
Một công việc cải tổ bản thân cần thực hiện nữa, đó là đào sâu việc gặp gỡ riêng tư với Chúa, như thế cần phải ở trong cô tịch và chiêm niệm Chúa trong nội tâm của mình. Hai tông đồ nhờ cuộc diện kiến cá nhân với Chúa mới được ơn trở thành tông đồ Chúa (Ga 1,39). Chính cách cải tổ này mới xây dựng được Giáo Hội (LG 46), và giúp thánh hóa ngày sống (SC 84,86,90) cũng như chuẩn bị tốt cho hoạt động tông đồ. Vì thế Đức Giêsu hằng song hành hai việc: vừa không ngừng cầu nguyện vừa luôn miệt mài rao giảng. Cũng nhờ thế mà lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết khởi sự công cuộc cải tổ bằng việc cải tổ chính mình.
Suy niệm 5: Được phép
Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô.
Nhờ việc cải tổ bản thân bằng việc xét mình hơn là xét người, ngài đã tiến sâu trong đức khiêm tốn, đến mức dầu ngài nổi danh trổi vượt về chức vụ cũng như nhiều đức tính, ngài cũng không làm gì vượt quá quyền hạn của mình. Do đó chỉ sau khi được phép, ngài mới thực hiện ý hướng cải tổ bằng việc thành lập một nhóm tu sĩ sống nghiêm nhặt theo luật nguyên thủy.
Hơn thế ngài cũng truyền sang cho con linh hướng của ngài là Thánh Têrêsa Avila tinh thần này. Do đó dầu việc cải tổ có kết quả rất khả quan, nhưng chỉ sau khi được phép của Bề Trên tổng quyền Carmel, chị mới tiến hành việc thiết lập thêm những tu viện cải cách khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết khiêm tốn không làm gì vượt quá quyền hạn của mình.
Suy niệm 6: Tu sĩ Alcantarines
Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines.
Họ sống sự khó nghèo như là một phương tiện chứ không phải cùng đích. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát. Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta -- giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.
Linh đạo khó nghèo được biết đến qua một đoạn Thư Thánh Phêrô Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila: "Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu mến Đấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin".
Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Đệ.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ sống tất cả chỉ vì lòng yêu mến Đấng Cứu Thế.