Suy niệm hạnh thánh _ 18/10

THÁNH LUCA
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Đức Kitô và của Giáo Hội. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phaolô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Cl 4,14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Suy niệm 1: Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại, vì trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái. Đặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh:
Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Đức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Đavít mà còn là con cháu A Dong như được ghi trong gia phả (Lc 3,38), và người ngoại giáo là bạn của Ngài, vì Ngài xuất hiện như là ánh sáng soi đường cho dân ngoại (Lc 2,32). Thật sự dân ngoại đã hăm hở đón nhận Lời Thiên Chúa (Cv 11,1) mà Thiên Chúa đã dùng các lọi khí để mang đến (Cv 9,15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng cục bộ nhưng luôn mở rộng tầm quan tâm đến cả người giáo và lương (Cv 10-11,18).
Suy niệm 2: Phúc Âm của Sự Nhân Từ
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Đức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan (Lc 10,33;17,16), người phong cùi (Lc 7,22), người thu thuế (Lc 5,27;7,29;15,1;18,10;19,2), người lính (Lc 3,14), người tội lỗi công khai (Lc 7,39), người nghèo (Lc 7,22;14,13.21).
Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,37), dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15), và người trộm lành Lc 23,40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống nhân từ đặc biệt đối với người tội lỗi và người đau khổ.
Suy niệm 3: Phúc Âm của Người Nghèo
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Phúc Âm của Người Nghèo: "Người bé mọn" thường nổi bật - ông Zecharia và bà Elizabeth (Lc 1,40), Đức Maria và Thánh Giuse (Lc 1,27), các mục đồng (Lc 2,8), cụ Simeon và bà Anna (Lc 2,25.36).
Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là "sự nghèo khó phúc âm." Sự nghèo khó này không chủ yếu theo nghĩa nghèo khó xét về phương diện vật chất cũng không hẳn nghèo khó theo nghĩa tinh thần. Vấn đề không phải tìm ra chỗ trung dung, nhưng là đưa suy nghĩ lên bình diện khác, đặt con người không phải trước mặt của cải mà là đối diện với Thiên Chúa. Người nghèo khó đặt mình trước mặt Thiên Chúa như người thu thuế khi vào đền thờ cầu nguyện. Người ấy không như người biệt phái. Ông này ở trước mặt Chúa mà chỉ thấy mình đầy công trạng: ông giàu có quá. Còn ông kia chỉ thấy khiếm khuyết và bất lực: người này nghèo thật. Và Chúa bảo người này ra về thì được công chính hơn, còn người biệt phái thì không.
Vậy nghèo khó phúc âm là gì? Là còn thiếu ơn cứu độ của Chúa, là muốn được ơn cứu độ ấy nhiều hơn, nhưng không có khả năng và còn bị trăm ngàn cản trở, là thiếu thốn thật sự và chỉ còn biết trông dựa vào lượng từ bi phong phú của Chúa, là đang đi trên đường về Nước Trời nên không dừng lại nơi một tạo vật nào mà chỉ biết như thánh Phaolô: “bỏ mọi sự lại đàng sau, lao thẳng về phía trước, theo ơn Chúa kêu gọi” (Pl 3,13-14), và nhất là theo gương Chúa Giêsu:
Ngài thật nghèo không phải chỉ vì d đã sinh ra nghèo, đã sống nghèo và đã chết nghèo. Nhưng cái nghèo đích thực của Ngài là cái nghèo ở trước mặt Thiên Chúa. Khi bị cám dỗ nơi sa mạc, Ngài không dựa vào gì khác để chiến thắng ngoài việc tựa vào Lời Chúa. Suốt thời gian giảng đạo, lương thực của Ngài là ý định của Chúa Cha. Cuối cùng khi hoàn tất sứ mạng trên Thập Giá, Ngài đã hư vô hóa mình, ra nghèo trong sự chết, để được đổ đầy sự phục sinh và được tôn làm Chúa (GM Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống nghèo theo tinh thần nghèo khó phúc âm.
Suy niệm 4: Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Đối
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Đối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Đức Kitô.
Để theo Chúa, để làm môn đệ đích thực của Chúa, một điều kiện tiên quyết Thánh Luca cho hay, đó là phải từ bỏ mọi sự (Lc 14,33) với mức cao điểm là quên mình tuyệt đối (Lc 9,23). Thật ra chính đó là lời mời gọi của Chúa, không mang tính áp đặt, vì con người có quyền sử dụng sự tự do của mình để từ chối như trường hợp chang thanh niên giàu có. Nhưng một khi đã chấp nhận thì không còn tiếc nuối để nhìn lại đàng sau (Lc 9,62), để xứng với một hiệu quả nghịch thường, là được gấp trâm mà theo chương trình giáo dục tiệm tiến của Chúa có thể không chỉ là tinh thần mà còn vật chất nữa. Bà góa Xarépta hy sinh chút bột và chút dầu làm bánh cho Êlia thì được cả vò bột và bình dầu không cạn cho đến khi hết hạn hán (1V 17,16) cũng như mạng sống của cậu con trai (1V 17,23). Bà góa nghèo từ bỏ chút tiền nuôi sống mình để dâng vào hòm cúng thì được Chúa nan lời khen thưởng (Lc 21,3-5).
Việc quên mình tuyệt đối được biểu hiện dậm nét ở thái độ luôn sẵn dàng từ bỏ không chỉ mạng sống mà nhất là ý riêng, đặc biệt cả những thiện ý được đánh giá là chính đáng và lành thánh, nhưng không theo đúng Thiên Ý. Thánh Phaolô ao ước được ra đi về với Chúa nhưng ngài vui lòng ở lại trần thế để tiếp tục sứ vụ rao giảng theo Thiên Ý (Pl 1,23). Trổi vượt hơn cả là mẫu gương của Đức Maria. Ngài muốn sống độc thân đồng trinh để toàn ý toàn tâm và toàn thân hiến dâng phụng sự Chúa nhưng ngài xin vâng Ý Chúa đi vào đời sống gia đình để chương trình cứu độ được thực hiện.
Theo gương đó, Thánh Luca hy sinh nghành y để xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phaolô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phaolô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phaolô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Đức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phaolô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phaolô có nhắc: "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tm 4,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống giá trị nghịch thường của việc đánh mất đời tạm này để được sự sống đời đời mai sau.
Suy niệm 5: Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Đức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ: để ra mắt và khai mở sứ vụ rao giảng (Lc 3,21-22), lập nhóm Mười Hai (Lc 6,12-16), mạc khải thân phận Kitô (Lc 9,18-22), và Thiên tính (Lc 9,28-36), dạy cầu nguyện (Lc 11,1-4) với các đặc điễm là kiên trì và không nản chí (Lc 18,1) cũng như khiêm tốn (Lc 18,10) để khỏi sa chước cám dỗ (Lc 22,40).
Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo, với các ơn như linh báo (Lc 2,26), dẫn dắt (Lc 4,2), tác động (Lc 10,21), dạy dỗ (Lc 12,12). Người được diễn tả bằng hành động ngự xuống (Lc 1,35;2,25) một cách tràn đầy (Lc 1,15.41.67;4,1). Vì thế ai nói phạm đến thì chẳng được tha (Lc 12,10).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm cầu nguyện để được tiếp nhận Chúa Thánh Thần (Cv 2,1-4).
Suy niệm 6: Phúc Âm của Niềm Vui
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.
Niềm vui đã có mặt như một mối phúc kép trong bản Hiến Chương Nước Trời (Lc 6,21.23), vốn là một ơn mạc khải cho kẻ bé mọn (Lc 10,21) mà Thiên Chúa vui lòng ban cả Nước Trời cho ai sống theo (Lc 12,32). Niềm vui đến từ các việc hiển hách Chúa minh chứng (Lc 13,17;19,37), để có được những người tội lỗi hối cải (Lc 15,6-7.9.32).
Để rồi ngài kết thúc với đoạn kết ngập tràn niềm vui: "Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giêrusalem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa"(Lc 24,50-53).          
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống đạo hôm nay trong tinh thần lạc quan vì chúng con đang đi đúng con đường dẫn tới niềm vui vĩnh cửu thiên đàng.