Suy niệm hạnh thánh _ 15/10

Thánh TÊRÊXA AVILA  
(1515-1581)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Đó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Đồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đơi đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Suy niệm 1: Tin Lành-Luther
Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành.
Vào năm 1517, một linh mục dòng Âu-Tinh tên là Luther vốn có một tâm hồn “khắc khoải lo âu”, lại nhận thấy Tòa Thánh quá quan tâm đến quyền lợi trần tục của nước mình, hàng giáo phẩm có nhiều gương xấu với đời sống xa hoa của giáo đô cũng như lạm dụng “Ân Xá” để quyên tiền.
Luther làm một cuộc cải cách với chủ trương: Tiền Định theo số mạng, Chỉ nhận Thánh Kinh là nguồn đức tin và tự do phê phán theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chối bỏ Thánh Truyền, Phủ nhận quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, Từ chối mầu nhiệm “biến thể” trong Thánh Thể, Kết án vấn đề ân xá, việc hành hương, viếng hài cốt các Thánh, Không công nhận giá trị lời tu thệ, Nhạo báng luật độc thân giáo sĩ, Công chính hóa nguyên bởi đức tin. Ba quan điểm nền tảng: Tội nguyên tổ hoàn toàn làm hư hoại con người, Thiên Chúa tiền định theo số mệnh cho một số được rỗi, Con đường cứu rỗi là tin vào lời hứa Phúc Âm.
Đức Giáo Hoàng Lêô X công bố án vạ tuyệt thông ngày 03/01/1521. Luther chính thức ly khai ngày 12/10/1524 và sau đó lấy tên là Thệ Phản hay Tin Lành do một bản “Thệ Ước Phản Đối” ngày 19/04/1529 chống lại quyết định Nghị Hội Spira.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện ước muốn làm nên di chúc của Chúa: Ước gì chúng được nên một (Ga 17,11.21-23).
Suy niệm 2: Tin Lành-Zwingly
Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành.
Vào năm 1518, một linh mục tên Ulrich Zwingly đi theo hướng cải cách của Luther với một ít đổi thay trong chủ thuyết:
Công chính hóa bằng nguyên đức tin, nhưng dựa trên Thánh Ý của Thiên Chúa, Ý Chúa được biểu hiện trong Thánh Kinh (tự do giải thích theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần), Từ chối Thánh Truyền và các luật lệ Giáo Hội Công Giáo, Chỉ nhận bí tích Rửa Tội và Tiệc Ly (chỉ là một kỷ niệm, bánh thánh chỉ là tượng trưng).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện ước muốn làm nên di chúc của Chúa: Ước gì chúng được nên một (Ga 17,11.21-23).
Suy niệm 3: Tin Lành-Calvin
Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành.
Vào năm 1534, Calvin cũng tiếp nối đường hướng cải cách của hai vị trên với một số dị biệt:
Tội nguyên tổ làm hủy hoại con người nên không còn ý chí tự do làm lành lánh dữ, Thiên Chúa tiền định cho một số người vào con đường cứu rỗi là đức tin, Bí Tích chỉ là trợ lực của đức tin, Chỉ nhận Rửa Tội và Tiệc Thánh (Có sự hiện diện tiềm thể của Chúa Kitô).
Xét về mặt luân lý, ăn ở tử tế không phải để được cứu rỗi nhưng để xứng với ơn được rỗi, tuy nhiên cũng rất khắt khe: cấm khiêu vũ, rượu chè, cờ bạc.
Xét về mặt tổ chức: Có 4 cấp: Mục Sư, Tiến Sĩ, Nghị Sĩ và Phó Tế.
Xét về mặt xã hội, khuyến khích công tác xã hội như lập bệnh viện, và không lệ thuộc chính quyền.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con quyết tâm thực hiện ước muốn làm nên di chúc của Chúa: Ước gì chúng được nên một (Ga 17,11.21-23).
Suy niệm 4: Phụ nữ
Têrêxa Avila là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới "trọng nam khinh nữ" vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Đẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Đức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêxa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêxa là người đáng khâm phục và noi gương.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đặc biệt giới nữ sống được các đức tính sách chói của thánh nhân.
Suy niệm 5: Chiêm niệm
Têrêxa Avila là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Thánh Têrêxa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: "Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết." Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: "Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn kiên trì luyện tập bằng việc cầu nguyện để có thể chịu đau khổ.
Suy niệm 6: Sửa đổi
Têrêxa Avila là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Têrêxa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu - luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Dòng Cát Minh bấy giờ cũng như nhiều Dòng Tu khác đang ở thời kỳ suy biến mà chưa có ai đứng lên cải cách. Thiếu tinh thần hy sinh, cầu nguyện, suy gẫm, ngược lại ưa sống đời thế tục, bỏ qua những luật lệ nghiêm nhặt của Dòng. Nhìn thấy đời sống sa sút của Dòng, ngài quyết ra tay cải cách. Từ năm 1559, thánh Phêrô Alcantara, người cải tổ Dòng Phan Sinh và là cha linh hướng của ngài, đã khuyến khích ngài làm công việc đó. Ba năm sau, ngày 24/8/1562, cha D. Bunez, Dòng Đa Minh, đặt Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm, ngài trao áo dòng cho 4 chị em, thiết lập một đan viện mới lấy tên Thánh Giuse, không xa đan viện Incarnacion. Đan viện Thánh Giuse quy tụ khoảng 6 chị em cùng muốn sống nhiệm nhặt như ngài “ẩn dật, thinh lặng, khinh chê các tiện nghi, nhưng vui vẻ như trẻ thơ; khiêm nhượng, nhưng nhận chân giá trị linh hồn mình; tùng phục, nhưng là tùng phục Chúa Thánh Thần; say mê, nhưng là say mê Chúa Kitô; từ bỏ mọi sự, nhưng làm nữ vương thế giới”.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị được ơn cải tổ luôn tùng phục Giáo Hội và đi đúng đường hướng Chúa muốn.