Thánh Giáo hoàng CALLISTUS I
(c. 223?)
Lược sử
Chúng ta có được những dữ
kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu
tiên, sau này đã tử đạo.
Callistus là một nô lệ
trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Về sau chính ngài được bầu làm giáo
hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công
bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly
này kéo dài 18 năm.
Hippolytus được kính trọng
như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải
với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm - học thuyết và kỷ luật.
Đức Callistus bị tử đạo
trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ
Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.
Suy niệm 1: Thù địch
Chúng ta có được những dữ
kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus,
vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo.
Sự kiện mỗi bàn tay trong
chương trình sáng tạo kỳ diệu của Thiên Chúa đều có mặt trái và mặt phải giúp
cho loài người chúng ta chân nhận một chân lý trong cuộc sống trần thế là phải
luôn đối diện với thực tế hai mặt của mọi vấn đề.
Như thế thù địch là một
thành phần bất đắc dĩ không ai muốn có nhưng cũng không thể tránh khỏi. Mặt
tiêu cực thật quá rõ ràng, nhưng mặt tích cực cũng cần lưu ý tới, đó là những
nhận xét của giới thù địch luôn gần với sự thật, vì các bình phẩm của họ không
mang tình nịnh hót, lấy lòng nhưng luôn thẳng thắn và cứng rắn chẳng sợ đụng chạm,
nhưng chưa hẳn hoàn toàn trung thực mà chỉ gần với sự thật thôi, vì họ khó vượt
qua tâm lý thường tình được diễn đạt qua câu nói “khi ghét thì trái bòn hòn cũng
méo” với các chỉ trích xuyên tạc thậm chí bóp méo sự thật, như người Pharisêu xưa
đã từng phê bình Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu (Mt 11,18-19).
Dầu sao ở trường hợp này,
nhờ vào Hippolytus, một thù địch của Đức Callistus I, mà chúng ta có được những
dữ kiện xác thực về vị thánh này, như một nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu
Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn xây dựng cách chân thật và thẳng thắn, dù thù hay là bạn (Cn 24,26).
Suy niệm 2: Đầu tiên
Chúng ta có được những dữ
kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus,
vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo.
Dự hiện diện của những người
chống đối lại Giáo Hoàng là một trong những hiện tượng lạ kỳ nhất trong lịch sử
của Giáo Hội
Thánh Hippolytus (mất
235) thường được coi là vị giáo hoàng đối lập sớm nhất trong lịch sử Giáo Hội,
người đã chống lại Giáo Hoàng Callistus I và đứng đầu một nhóm riêng biệt trong
Giáo Hội Rôma. Hippolytus sau đó đã hòa giải với người kế nhiệm của Callistus I
là Giáo Hoàng Pomtian, khi cả hai cùng bị bắt và đi đày ở một hầm mỏ ở Sardina.
Mặc dù hai hay nhiều người đã cho rằng có sự lẫn lộn trong các tường thuật này
về Hippolytus, và liệu Hippolytus có thực sự tự xưng là giám mục Rôma, không có
gì là chắc chắn cả, đặc biệt không có một tuyên bố nào như vậy được trích dẫn từ
các tác phẩm được quy cho ngài.
Một trích dẫn từ một bản
văn sớm nhất của Eysebius thành Caesarea có một câu truyện về Natalius,người đã
được chấp nhận là giám mục của một nhóm người lạc giáo ở Rôma, nhưng những người
này đã sớm hối hận, ăn năn và xin Giáo Hoàng Zephyrius cai quản từ năm 199-217 để
trở lại trong sự hiệp thông. Nếu Natalius đã được tuyên bố như giám mục của
Rôma chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ trong thành phố thì ngài có thể được coi
là một ngụy giáo hoàng sớm hơn Hippolytus và là ngụy giáo hoàng đầu tiên trong
lịch sử.
Novatian (mất 258), một gương
mặt khác vào thế kỷ 3, người chắc chắn đã được tuyên bố giành tòa Rôma trong sự
phản đối với Giáo Hoàng Cornelius, và nếu Natalius và Hippolytus đã bị loại trừ
vì những xung đột liên quan đến họ, Novatian có thể được nói đến là ngụy giáo
hoàng đầu tiên.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn cảnh tỉnh về hiện tượng có những kitô giả và ngôn sứ giả như Chúa đã tiên
báo (Mt 24,24).
Suy niệm 3: Tử đạo
Chúng ta có được những dữ
kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus,
vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo.
Tử đạo là hình bóng sống động
của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Vị tử đạo rao giảng Ngài bằng cách “gây chú ý”
cho thế gian, các thiên thần và loài người. “Thân xác các bạn bị gươm đâm thấu,
nhưng tinh thần các bạn không bao giờ bị rút khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Chịu
đau khổ với Chúa Kitô, các bạn được thiêu đốt bởi những khúc than nóng bỏng của
Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa, bị xaa6m chiếm bởi ước muốn thần thiêng, các thánh tử
đạo của Chúa vui mừng vì mình đầy thương tích”. Giáo Hội đã ca tụng như thế
(Okoloichos, grec).
“Các anh có uống được
chén mà Ta sắp uống chăng”. Chúa hỏi các tông đồ như vậy. Câu hỏi khủng khiếp
này khiến cho vị tử đạo xứng với chén tạ ơn, linh hồn vị tử đạo mang lấy sự hiện
diện đặc biệt của Chúa Kitô. Theo một truyền thống cố cựu, mọi vị tử đạo vào
lúc chết đều nghe văng vẳng lời ngỏ cho người trộm lành “hôm nay con sẽ ở trên
thiên đàng với Ta”, và lập tức bước vào Nước Trời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
chọn lấy phương cách tử đạo cá biệt của thời bình.
Suy niệm 4: Callistus
Callistus là một nô lệ
trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Được giao cho công việc giữ tiền của chủ,
ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được
thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền
thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được
thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.
Sau đó ngài được giao cho
công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu
tiên do Giáo Hội làm chủ. Đức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là
bạn và là người cố vấn.
Về sau chính ngài được bầu
làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị
tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối
lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
luôn vượt qua được nhãn giới của người đời hay đánh giá người theo điểm xuất
thân (Ga 1,46).
Suy niệm 5: Học thuyết và kỷ luật
Hippolytus tấn công
Callistus về hai điểm - học thuyết và kỷ luật.
Dường như Hippolytus đã
quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì
ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng.
Ngài cũng kết án
Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên:
(1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm
dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ
và người tự do - trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã
lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy
đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với
những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con
khiêm tốn xây dựng chứ đừng kiêu căng chống đối và tách rời.
Suy niệm 6: Học thuyết và kỷ luật
Hippolytus tấn công
Callistus về hai điểm - học thuyết và kỷ luật.
Đời sống của thánh nhân
cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính,
không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để
xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với
sự sai lầm.
Về phương diện kỷ luật,
Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Đức Kitô đối với sự khắt khe, trong
khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi
một giáo hoàng - đúng hơn mỗi một Kitô Hữu - phải đi trên con đường khó khăn giữa
sự khoan hồng "hợp lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các vị lãnh
đạo luôn biết sống chừng mực vì đó là điểm rất khó (1Tm 3,2;Tt 1,8).