Cầu Nguyện Với Lòng Khiêm
Tốn
Khiêm tốn khi cầu nguyện, trung thực trong cách
nghĩ, dịu dàng trong lời nói và khiêm nhường trong lối sống là điều
chúng ta phải tập luyện suốt đời.
Một vị hòa thượng bảo đệ tử:
-
Tránh cái lợi dễ hơn tránh cái danh. Ngay
những bậc ẩn sĩ, những bậc tu hành cũng mong được người ta biết đến
mình. Họ muốn giảng kinh, thuyết pháp trước đám đông, chứ không muốn
ở ẩn trong một cái am nhỏ mà đàm đạo với một đệ tử như chúng mình
lúc này đây.
Đệ tử thưa lại:
-
Bạch Thầy, quả thực Thầy là bậc duy nhất
tuyệt được lòng ham danh ở đời.
Và vị hòa thượng đó mỉm cười.
Vị
hòa thượng phê phán tính hám danh lại khéo léo khoe về sự đức độ
của mình và thật vui khi được đệ tử khen là bậc chân tu. Quả thật
tính khoe khoang và háo danh đã len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc
sống con người, dù là nơi phố chợ hay chốn tu hành, dù người đó là
một nghị sĩ nổi danh hay bậc tu hành đang ở nơi thâm sơn cùng cốc.
Người
biệt phái trong đoạn Tin Mừng vừa nghe lên đền thờ cầu nguyện, nhưng
thực chất ông chẳng cầu nguyện chút nào mà chỉ để khoe khoang những
việc đã làm; đã vậy, ông còn tự cho mình cái quyền miệt thị người
khác, và khinh rẻ người thu thuế cũng đang cầu nguyện trong đền thờ
lúc đó: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn
Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình,
hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho
Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18, 11-12)
Người
biệt phái nói thật những gì ông đã làm, nhưng lại quên hay cố tình
quên rằng: theo luật Maisen thì hầu hết những việc ông đã thực hiện
chỉ là bổn phận của một người tin vào Giavê Thiên Chúa, và những
của cải ông dâng đều là ân huệ Chúa ban. Vậy mà ông lại dùng những
việc làm đó để tự hào với Chúa và lên mặt coi khinh kẻ khác. Chắc
chắn ông biệt phái này chưa nghe hoặc đã không nhớ lời Đức Giêsu căn
dặn: “Đối với anh em cũng vậy; khi
đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi
là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy
thôi.” (Lc 17, 10)
Ngược
với thái độ của người biệt phái, người thu thuế nhận biết mình là
kẻ tội lỗi, nên anh không dám tiến gần bàn thờ, cũng chẳng dám
ngước mắt lên trời, chỉ biết đấm ngực thú nhận tội lỗi và kêu cầu
ơn tha thứ: “Lạy Thiên Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18, 13) Sự thống hối, thái độ
khiêm tốn và lời cầu khẩn chân thành đã đem lại ơn tha thứ cho ông: “Người này, khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính rồi.” (Lc 18, 14a).
Sự
thường, nước không đậu lại trên đỉnh đồi trọc mà chảy tràn về thung
lũng phía chân đồi. Cũng tương tự như thế, kẻ kiêu căng như ngọn đồi
trọc làm vuột mất nhiều điều tốt lành; ngược lại, người khiêm tốn
như thung lũng có khả năng đón nhận muôn vàn ơn phúc trong cuộc sống.
Trước
hết, với chính bản thân, người biết sống khiêm tốn dễ nhận ra
những khuyết điểm của mình, nhưng không phải để tự ti mặc cảm hoặc
than thân trách phận mà để cố gắng sửa mình, nhờ vậy mỗi ngày có
thể nên hoàn hảo hơn.
Với
tha nhân, người khiêm tốn vì biết mình bất toàn, nên tránh được
thái độ tự cao tự đại và tính hay phê phán người khác; chẳng
những thế, họ còn dễ cảm thông với anh chị em đang vướng phải những
tật xấu cố hữu nào đó.
Lời
cầu nguyện của người khiêm tốn còn nên như hương trầm bay lên tới ngai
tòa Thiên Chúa, và làm cho người ấy trở nên như chiếc bình rỗng
không, để Thiên Chúa đổ đầy ân huệ của Người vào cuộc đời họ. Tác
giả sách Huấn Ca đã viết: “Lời cầu
nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây, nó sẽ không yên
lòng cho đến khi lời nguyện đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi
Đấng Tối Cao đoái nhìn.” (Hc 15, 17)
Với
đồng loại, đức khiêm tốn giúp chúng ta trở nên bạn của mọi
người. Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta càng cần khiêm tốn,
vì chúng ta chỉ là hư không, còn Thiên Chúa là tất cả. Hẳn nhiều
lần chúng ta đã hợp với Giáo Hội để thưa với Chúa: “Lạy Chúa là Cha chúng con và là Đấng
ban phát mọi ơn lành, này chúng con nhìn nhận: hết những gì chúng
con đang có, và ngay chính bản thân chúng con, tất cả đều bởi Chúa.”
(Lời nguyện nhập lễ, lễ Tạ Ơn, mẫu B)
Chúng
ta đều nhận thấy ai cũng có tính khoe khoang và tự mãn, khác chăng
là ở mức độ. Vì thế, để có lòng khiêm tốn thực sự, chúng ta cần
tìm đến với Chúa xin ơn sống khiêm nhường và cố gắng noi theo mẫu
gương của Đức Giêsu, Đấng mời gọi chúng ta: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi
có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi
bồi dưỡng.” (Mt 11, 29) Chúng ta cũng có những mẫu gương thật gần
gũi và sống động là Đức Maria và các thánh.
Khiêm
tốn khi cầu nguyện, trung thực trong cách nghĩ, dịu dàng trong lời
nói và khiêm nhường trong lối sống là điều chúng ta phải tập luyện
suốt đời. Mỗi ngày cần tha thiết xin Chúa dạy chúng ta sống khiêm
tốn và biết cầu nguyện với lòng khiêm nhường thẳm sâu.
Lm.
Mt