NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ
Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm
đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên
Chúa”.
Dụ ngôn này nhắc nhở
tôi câu chuyện về một người đàn ông khoe khoang như sau: nếu trên trần thế này
chỉ còn lại hai người tốt mà thôi thì đó chính là tôi và con trai của tôi.
Nhưng nếu chỉ còn lại một người tốt, thì chắc chắn người đó phải là tôi!
Người Pharisêu tự thấy
mình cũng như người đàn ông đó, nổi tiếng và gương mẫu về mọi phương diện, từ đầu
đến chân, trên mọi người khác. Thật thế, ông ta đã nói: “Tôi lương thiện và ai giống tôi?”
Điều nguy hiểm khi đọc
dụ ngôn này là chúng ta tự khen ngợi mình không giống như người Pharisêu kia,
cũng như người này tự khen ngợi mình không giống như người thu thuế. Nếu chúng
ta dám nhìn kỹ hơn, tôi thiết tưởng có rất nhiều điều giống với người Pharisêu ở
trong tất cả chúng ta. Vấn đề là giống bao nhiêu mà thôi.
Vào
một ngày nắng đẹp trời, một con voi ngâm mình trong một cái hồ ở trong rừng
sâu. Một con chuột đến bờ hồ và yêu cầu con voi ra khỏi hồ. Con voi hỏi: “Tại
sao?” Con chuột nói: “Tôi sẽ nói cho bạn biết tại sao, khi bạn ra khỏi hồ.” Vì
vậy con voi đã ra khỏi hồ và nói: “Tao ra khỏi hồ rồi đó. Vậy mầy muốn gì?” Con
chuột đáp: “Tôi chỉ muốn xem có phải bạn đã mặc bộ đồ tắm của tôi không.”
Tất cả chúng ta là những
tay tổ trong nghệ thuật phóng đại sự kiện, tự quan trọng hoá mình.
Tự ca ngợi mình không phải là ca ngợi
Chúa Giêsu đã dùng những
kỹ thuật gây nên sửng sốt. Qua câu chuyện này, thính giả của Ngài đều nhận biết
một nhân vật là tốt, còn nhân vật kia thì xấu. Nhưng Chúa Giêsu đã làm cho họ sửng
sốt bằng cách kết án nhân vật tốt và ca ngợi nhân vật xấu.
Để hiểu câu chuyện gây
nên sửng sốt đến mức độ nào cho những người nghe nói lần đầu tiên, chúng ta phải
nhận thức rằng người Pharisêu ở đây không phải là một kẻ giả dối. Ông ta thực sự
tốt hơn những người khác. Ông đã đi quá xa hơn những gì ràng buộc ông ta. Ông
ăn chay hai lần một tuần không phải là điều bắt buộc đối với ông. Người
Pharisêu cũng không bắt buộc phải dâng cúng cho Chúa một phần mười tài sản của
mình. Tất cả những điều đó đều tốt và đáng ca tụng nữa.
Rõ ràng công bằng mà
nói thì người thu thuế là một nhân vật hoàn toàn xấu. Vào thời Chúa Giêsu, thuế
má được thâu bởi những nhà kinh doanh địa phương. Những thuế đó được ấn định bởi
những người La-mã mà dân chúng ghét cay ghét đắng, nhằm hỗ trợ cho quân đội chiếm
đóng.
Một khi người La-mã đã
lấy đủ phần mình, họ không phải quan tâm tới số hoa hồng mà người thu thuế thêm
vào. Những người này đã bày đủ thủ đoạn làm tiền để ăn chặn của dân chúng càng
nhiều càng tốt. Chính những người thu thuế đó mới đáng ghét và bị tất cả những
người tử tế lánh xa.
Trong dụ ngôn của Chúa
Giêsu, người thu thuế tự gọi mình là “kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13). Như thế ông ta
đã nói lên một điều hoàn toàn đúng sự thật. Vậy tại sao người thu thuế – không
phải người Pharisêu – đã ra về được chứng minh là công chính trước mặt Thiên
Chúa.
Sự phản bội
Người Pharisêu đến đền
thánh, không phải để cầu nguyện nhưng để khoe khoang, để cho Chúa biết ông ta tốt
chừng nào, để cổ võ chính hình ảnh của ông. Lời cầu nguyện của ông đầy những chữ
“tôi”, “tôi” và “tôi”. Đó là “tự kỷ trung tâm” (tự cho mình là trung tâm điểm của
vũ trụ), thay vì đặt để Thiên Chúa làm trung tâm điểm.
Chúng ta nên cảnh giác
đừng chỉ ngón tay vào người Pharisêu. Đó là một thói quen rất nguy hiểm. Điều
đó có nghĩa là ba ngón tay kia chĩa lại chúng ta!
Lấy thí dụ đi xem lễ
Chúa nhật. Tại sao tôi đi xem lễ? Động cơ nào đã thúc đẩy tôi? Có phải tôi đến
để thoả mãn Chúa hay chỉ để thoả mãn tôi? Có phải tôi đến nhà thờ để được
khuyên giải và an ủi? Để vinh danh Chúa hay tự vinh danh tôi? Để làm vui lòng
Chúa hay làm vui chính tôi? Có phải tôi đã làm đúng, nhưng động cơ thúc đẩy tôi
lại sai?
T.S. Eliot trong vở kịch
“Murder in the Cathedral” (“Án Mạng trong Nhà Thờ Chính Tòa”) đã đề cập đến việc
làm thì đúng, nhưng động cơ thúc đẩy thì sai, nên cuối cùng là một hành động
“phản bội”.
Chúng ta thường nghe
nhiều người than phiền như sau: “Tôi đi
xem lễ nhưng chẳng được ích gì. Tôi không thể chịu đựng được vị linh mục. Bài
giảng chán ngấy. Tôi không thể nghe ca đoàn hát. Tôi không thể chịu được tiếng ồn
ào. Tôi không thể chịu đựng trẻ con.” Tất cả đều là “tôi”, “tôi” và “tôi”.
Đúng họ là những chuyên gia về “cái tôi”!
Những người khác không
cùng nhau đến nhà thờ không phải vì bị chống đối; họ không bị đá bị đuổi, đứng
trên phương diện đạo giáo. Giờ đây, nếu tôi đến dự lễ hay không đến “vì tôi, cho tôi, để tôi được nhận nhưng
không cho đi”, tức nhiên có điều gì đó tự bản chất đã sai lầm rồi. Tôn giáo
chân chính là tôn giáo lấy Thiên Chúa làm trung tâm, chứ không phải lấy tôi làm
trung tâm (“tự kỷ trung tâm”).
Sự khác biệt giữa “TÔI” và “CHÚA”
Lời cầu nguyện của người
Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm
đến “Thiên Chúa”. Người Pharisêu nói: “Lạy
Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính,
ngoại tình…” (Lc 18, 11). “TÔI!” Còn người thu thuế chỉ nói: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi.” (Lc 18, 13). “CHÚA!”
Điều khác biệt giữa sự
tiếp cận “CÁI TÔI” và sự tiếp cận “THIÊN CHÚA” trong bất cứ tương quan nào, dù ở
trên trời hay dưới đất, là điều khác biệt giữa sự kiện sống cho chính mình hay
cho kẻ khác, giữa sự vị kỷ hay vị tha, giữa sự ấu trĩ hay đã trưởng thành. Chính
người thu thuế, chứ không phải người Pharisêu đã đi về nhà được công chính hoá
trước mặt Thiên Chúa.
Có
một câu chuyện nói về một cậu bé đi xem lễ sáng sớm Chúa nhật. Mẹ cậu cho cậu
hai đồng tiền bằng bạc và nói: “Một đồng cho con, còn đồng kia con dâng cho
Chúa,” tức là bỏ trong giỏ khi thu tiền trong nhà thờ. Cậu bé cầm chặt hai đồng
tiền trong nắm tay, khi bắt đầu đi đến nhà thờ. Trong khi băng qua đường, cậu
bé vấp ngã trượt chân và té. Tự nhiên theo bản năng, cậu bé mở tay ra để chống
đỡ cho khỏi bị ngã và hai đồng tiền vuột khỏi tay cậu. Một đồng lăn tới nằm ở lề
đường, còn đồng kia lăn xuống đường mương. Cậu nhặt đồng tiền ở lề đường lên và
nhìn xuống đường mương.
Đột nhiên một cuộc chiến
đấu dữ dội nổi lên bên trong con người của cậu. Sau một lúc do dự, cậu đút
nhanh đồng tiền nhặt được vào túi, nhìn lên trời và nói: “Chúa ôi, con rất lấy làm buồn, đồng tiền của Chúa nằm dưới đường mương
rồi!”
Không biết câu chuyện
đó có xác thực không? Nhưng cũng có thể lắm. Tất cả đều tùy thuộc vào “cái tôi”
và có thể trở thành điển hình cho toàn bộ việc tiếp cận của chúng ta với Thiên
Chúa. “Tôi”, chỉ “tôi” thôi, luôn luôn là “tôi” và không ai khác. Một chân lý
chứa đựng nhiều điều trong câu chuyện có tính cách bông đùa đó!
Người thu thuế “đã hiểu
điều đó một cách đứng đắn.” Việc tiếp cận của ông với Thiên Chúa là lương thiện,
khiêm tốn và được công chính hoá. Giờ đây sự tương quan giữa ông với Đấng Tạo
Hoá được trực tiếp, thẳng tắp và một cuộc sống mới đã bắt đầu đối với ông.
Vincent
Travers