Lời Chúa cntn 27c _ đức tin và khiêm tốn


Đức tin và khiêm tốn
“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm. ”
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Hai vấn đề chính trong bài tin mừng hôm nay:
Chúa dậy ta:
* Sức mạnh của lòng tin (đức tin)
* Bài học phục vụ một cách khiêm tốn.
Ta bàn về cách vụ khiêm tốn trước, sau đó chúng ta sẽ đề cập tới đức tin.
* Con người chúng ta nhiều khi buồn bã, đau khổ vì, sau những vất vả khó nhọc của mình, do đã thực hiện một công việc gì, mà rồi chẳng ai để ý tới, nhiều lần ta vất vả làm ơn cho người khác, mà rồi không nhận được một đền đáp tương xứng nào, thậm chí làm ơn mà rồi cũng chẳng ai biết ơn mình nữa. Chúa bảo ta: Sau khi đã thi hành bất cứ việc to nhỏ, vĩ đại hay bình thường, hãy tập cho mình tinh thần khiêm tốn bằng cách luôn luôn bảo mình:
“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm. ”
Xác tín như thế, bảo mình như thế chúng ta sẽ đễ dàng có bình an thực sự trong tâm hồn ta. Chính Chúa đã phán:
“Hãy học cùng Ta sống hiền lành và khiêm nhường, chúng con sẽ được bình an thực sự trong tâm hồn. ”
* Về đức tin: ta thấy các tông đồ được sống với Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm, mà các Ngài còn xin Chúa: “Xin thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Điền này nhắc nhở chúng ta hằng ngày phải xin Chúa chẳng những duy trì, mà còn ban thêm lòng tin mạnh mẽ cho ta. Trong thời đại ta, về đức tin ta cần lưu ý mấy điểm sau đây:
* Những điều ta tin là những chân lý do chính Chúa mặc khải trong Thánh kinh. Vì là những màu nhiệm siêu nhiên, vượt ngoài tầm suy luận của lý trí, vượt ngoài sự khám phá của khoa học. Do đó không có vấn đề mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học vì là hai phạm vi hoàn toàn khác nhau.
* Thánh kinh chỉ dạy ta những bài học về phạm vị luân lý, chứ không nhằm dạy ta những sự kiện về khoa học tự nhiên. Do đó, như việc tạo dựng được ghi trong Thánh Kinh chỉ nhằm mục đích cho ta biết: Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ, muôn vật, kể cả loài người, còn việc dựng nên như thế nào, sự tiến hóa và phát triển ra sao, khoa học có thể dần dần khám phá ra (thực sự những điều con người biết về nguồn gốc của vật chất, cũng như sự kiện tiêu hóa v. v. cho tới nay vẫn chỉ còn là những giải thiết, và các vấn đề này vẫn luôn luôn là đối tượng tìm tòi, khám phá của khoa học qua các thời đại.)
* Chúng ta có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa qua công việc tạo thành của Ngài. Tuy nhiên hành vi đức tin là hành vi của ý chí: Mỗi lần ta giục lòng Tin Chúa, ta làm được một việc có công phúc.
* Mặc dầu, theo Thánh Kinh, Thiên Chúa ta thờ là Thiên Chúa ẩn tàng (Deus absconditus, Is 45, 15), nhưng để nâng đỡ lòng tin của ta, Ngài cũng tự biểu lộ qua một số sự kiện mà ta gọi là phép lạ, tức là những sự kiện khoa học không giải thích nổi, và bắt lý trí ta nhận có một sức mạnh vô hình, ví dụ câu truyện có thực sau đây:
Ngày 16 tháng 2 năm 1867 một nông dân tên là Pierre Rudder ở tại Jabbeke nước Bỉ, bị cây đổ đè gãy ống chân bên trái: nhiều mảnh vụn của xương gãy nát ra tới nỗi, theo lời các bác sĩ điều trị, mỗi lần cử động xương ống chân, người ta nghe thấy tiếng rắc rắc bên trong như là tiếng kêu của nhiều viên bi để trong chiếc hộp vậy. Hai phần xương bị gãy cách nhau tới ba phân. Thời đó khoa giải phẫu và băng bó chưa tiến triển được như ngày nay nên hai xương bó thế nào cũng không liền được. Phần dưới của xương không nối được với phần xương trên được, nên ống chân có thể xoay tứ phía. Các bác sĩ giải phẫu, hết bác sĩ này đến bác sĩ khác đều bó tay, cho tới bác sĩ điều trị sau cùng là bác sĩ Thiriart ở Bruxelles (thủ đô nước Bỉ) đề nghị anh cưa chân.
Rudder không chịu cưa, và ròng rã 8 năm trời, anh chịu đau đớn, mỗi ngày phải thay băng nhiều lần. Nghe nói tới hang đá Oostakker (nơi xảy ra nhiều phép lạ cho người hành hương tới cầu xin Đức Mẹ) anh quyết định tới đó cầu xin Đức Mẹ.
Ngày 7 tháng 4 năm 1875 vợ anh và ba người giúp anh đi từ Gand tới Oostakker bằng tàu hỏa. Khi xuống ga, anh được chở bằng xe buýt đến địa hạt Oostakker. Vết thương chân anh, tuy được cuốn vải kỹ, nhưng nước vẫn chảy ra ướt cả ghế ngồi.
Tới tượng Đức Mẹ, anh nghỉ một lát, uống một ngụm nước, và theo các thói quen các khách hành hương, anh muốn đi vòng quanh hang đá ba lần. Được vợ anh dắt, anh đi được hai vòng, và rồi kiệt sức, anh ngã xuống. Người ta xúm lại, vực anh nằm trên chiếc ghế dài, anh kêu xin Đức Mẹ cứu chữa anh và rồi anh bất tỉnh. Người ta ngờ là anh đã chết, nhưng chỉ trong giây lát anh tỉnh lại, không biết là đang ở đâu. Anh thấy mình không còn đau, quỳ được dưới tượng Đức Mẹ. Chân anh đã lành. Xương gãy đã nối liền lại với nhau, anh không bước khập khễnh nữa, hai chân đã dài bằng nhau.
Phép lạ kì diệu này vang dội cả nước Bỉ, 22 bác sĩ tới điều tra, xem xét. Người công giáo cũng như không công giáo đều hết sức vô tư trong cuộc điều tra. Người ta hỏi han kỹ lưỡng các bác sĩ đã điều trị cho anh, hỏi các người trong làng Jabbeke, và hỏi cả những người thấy anh lúc anh lên tàu hỏa, tình rạng vết thương của anh lúc đó. Người ta cũng điều tra những người đã chứng kiến lúc phép lạ xảy ra. Mọi người đều công nhận: một vết thương không điều trị được, đột nhiên lành lại trong giây lát, và một khúc xương dài ba phân mọc lại chỗ hở sau một lời cầu xin. Thế rồi trải qua 23 năm, Rudder đi lại bằng hai chân vững và thăng bằng như bình thường. Chân bị thương không còn để lại dấu tích gì. 
Anh chết ngày 22 tháng 5 năm 1898, thọ 84 tuổi. Ngày 24 tháng 5 năm 1899 mộ anh được khai quật lên, để khám nghiệm xương ống chân anh. Người ta đã thấy một khúc xương mọc ra có một vết xanh dài ba phân chứng tỏ là đã có lần xương bị gãy ở nơi đó.
Xương ống chân anh đã được đưa trưng bày ở đại học Louvain, và một mô hình xương ống chân này được trưng bày tại phòng xét nghiệm y khoa ở Lộ Đức
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
  • Đề tựa của Lm. HK