Suy niệm hạnh thánh _ 28/9

Thánh WENCESLAUS
 (907?-929)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Nếu Giáo Hội được mô tả một cách sai lầm như bao gồm những người "thuộc thế giới khác," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh chứng cho sự khác biệt đó: Người bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Người sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Đức, nhưng chính vì thế người đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo.
Mặc dù cái chết của người là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khắc trước kia.
Suy niệm 1: Chính trị
Wenceslaus bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa các mưu đồ chính trị.
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hòa cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Động, 46)
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm khi phải tham gia sinh hoạt chính trị.
Suy niệm 2: Đoàn kết
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Đức.
Đoàn kết luôn là sức mạnh vô địch. Nếu như không đoàn kết nhất trí trong công việc thì sẽ dẫn đến thất bại. Đoàn kết là cái gì đó rất gần gũi với chúng ta, hằng ngày chúng ta thường nhắc đến nó, chúng ta hay bảo “đoàn kết là sức mạnh”, nhưng chỉ nói suông thôi thì không giải quyết được gì, mà phải hành động thiết thực.
Hành động thiết thực có nghĩa là phải hiểu được nhau, cùng chung mục tiêu, cùng chung cái hướng tới. Cả hai bên phải đứng trên lập trường của nhau mà suy xét vấn đề. Không thể đoàn kết khi có cùng chung một đích điểm, nhưng lại có hai cách suy nghĩ trái ngược nhau, hai quan điểm khác nhau và có sự mâu thuẫn giữa hai quan điểm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thấy được giá trị của sự đoàn kết để biết hy sinh cá tính của mình vì lợi ích chung.
Suy niệm 3: Hỗ trợ
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Đức.
Thiện ý hỗ trợ Giáo Hội bằng việc bênh vực các giá trị Kitô Giáo của ngài đã sớm thực hiện ngay trước khi lên ngôi, và đã được hỗ trợ. Thật thế bà nội thánh thiện của người là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ người với hy vọng người sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo.
Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ, để rồi ngài có cơ hội thuận lợi tiếp tục tiến hành tinh thần hỗ trợ Giáo Hội cho dầu phải chết vì chí hướng này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hỗ trợ Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân, thậm chí phải minh chứng bằng cái chết vì đức tin
Suy niệm 4: Hòa bình
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Đức.
Về đối nội, ngài nỗ lực xây dựng sự đoàn kết để tạo sức mạnh. Về đối ngoại, ngài cố gắng gìn giữ biên giới để bảo vệ sự bình yên cho dất nước.
Một phương cách ngài dùng theo chiều hướng duy trì hạnh phúc an bình thịnh vượng cho dân, đó là tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình chứ không dùng biện pháp chiến tranh vốn luôn gây nên những hậu quà khốc hại: sinh hoạt thông thường trong xã hội bị xáo trộn, cuộc sơ tán đến những chỗ ở bất đắc dĩ, tâm lý bất an về sinh mạng, sự mất mát thương tâm của các gia đình có thân nhân bị tử vong, cảnh hoang tàn đổ nát phải khắc phục sau chiến tranh…
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà cầm quyền biết giải quyết vấn đề hòa bình bằng phương án đàm phán hơn chiến tranh.
Suy niệm 5: Khó khăn
Wenceslaus đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo.
Nỗi khó khăn nổi bật cũng là niềm khổ đau lớn nhất trong đời ngài, đó là cảnh nồi da xáo thịt, vì tình địch chủ chốt cực lực chống đối ngài không ai khác, chính là người em ruột của ngài.
Thật thế em của ngài là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các gia đình luôn sống hòa thuận yêu thương nhau trong việc cùng hợp ý thờ phượng Chúa.
Suy niệm 6: Tử đạo
Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin.
Xưa nay có lẽ chúng ta đã quen đi với cách thức phân biệt các thánh tử đạo với các thánh giáo phụ, hiển tu, đồng trinh… Nhưng chúng ta quên rằng thánh nào cũng là thánh, và thánh nhân kitô giáo nào cũng trước tiên phải là chứng nhân của Tin Mừng, hay nói cách khác, chứng nhân của Chúa Kitô, chỉ khác nhau cách thức làm chứng mà thôi.
Vậy thì vị tử đạo, trước tiên phải là chứng nhân của Chúa Kitô như mọi chứng nhân khác, trên bình diện đời sống. Cái chết” vì đạo” của người tử đạo chỉ là một cách thức làm chứng mà thôi, chứ không phải làm thay đổi bản chất người chứng của Chúa Kitô. Tại sao người ta dám tử đạo, dám làm chứng cho Tin Mừng, dám làm chứng cho Chúa? Thưa vì người ta quý sự sống đời đời. Người ta cho phần rỗi linh hồn là quý hóa và không có gì có thể đổi lấy được (lm Dr. Francis Hồ ngọc Thỉnh).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín và sống lời Chúa: “được lợi cả thế gian mà mất linh hồn thì ích lợi gì” (Mc 8,36).