THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ
Lược sử
Cha Vinh-sơn, người đề xướng việc bác ái hiện đại, là đấng sáng
lập Dòng Lazaristes và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái tại Pháp.
Là nông dân vùng
Landes, Vinh-sơn Phao-lô vừa thông minh lại vừa có trực giác tốt. Sau khi học
xong thần học ở Toulouse,
Thầy Vinh-sơn được phong Linh Mục năm 1600. Vào năm 1612, người ta thấy cha ở
trong triều của vua Henri IV. Sau đó là cha xứ Clichy,
gần Paris, rồi
tổng tuyên úy quân đội.
Nhưng vào năm 1617 mới xẩy ra điều mà sau này cha gọi là “cuộc
trở lại" của mình. Là cha xứ Châtillon-sur-Chalaronne, nằm ở trung tâm
vùng Dombes, cha khám phá ở giữa vùng đầm lầy này tình trạng nghèo đói và bệnh
tật, một tình trạng khốn khổ khủng khiếp. Cha Vinh-sơn lập tức hiểu ra rằng sự
cứu trợ khẩn cấp không thể giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng khốn khổ ấy.
Cha bàn bạc với các phụ nữ – là những người có óc thực tế – để thành lập
"Hội Các Bà Bác Ái". Cha Vinh-sơn Phao-lô cũng quan tâm đến việc rao
giảng Tin mừng cho các miền nông thôn: năm 1625 cha thành lập các Linh Mục
truyền giáo mà sau này người ta gọi là Dòng Lazaristes vì các Linh Mục này sống
ở Paris trong
khu vực tu viện Thánh La-da-rô. Cha Vinh-sơn cũng phụ trách việc huấn luyện các
Linh Mục là những người thường rất dốt nát vào thời bấy giờ.
Cha Vinh-sơn tuyển mộ các thiếu nữ nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại
tình trạng nghèo đói: đó là các “Nữ Tử Bác Ái", do Louise de Marillac hướng
dẫn. Mọi người đều nhớ đến chiếc áo thô dày và cái nón trắng lớn hình cánh
chim: các chị đi xe đạp hay xe hơi hai ngựa ( 2 cv: 2 mã lực ), đó chính là các
nữ tử bác ái ! Vào thời ấy Nước Pháp rất cần đến các chị. Các chị làm cho các
bệnh viện thành nơi dễ chịu hơn, vì khi ấy bệnh viện là nơi làm người ta phải
sợ hãi vì bệnh nhận chen chúc sáu người trên một chiếc giường. Đường phố đầy
dẫy các người ăn xin, Cha Vinh-sơn quyết định mở một nhà đón tiếp, rồi mở nhiều
"nhà nhỏ" do các nữ tu quản lý. Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị bỏ rơi
ở Paris: Louise
de Marillac thành lập một bệnh viện cho các trẻ mà người ta nhặt được này. Để
cứu giúp vùng Lorraine
bị chiến tranh tàn phá, cha Vinh-sơn tổ chức đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên
trong lịch sử.
Là một con người khiêm tốn nhưng nhiệt tâm và tháo vát, cha Vinh-sơn đã mặc cho Bác Ái một
dung mạo hiện đại. Cha được phong thánh năm 1737 và là bổn mạng của công việc bác ái từ năm 1885.
Suy niệm
1: Sinh nhật Vinh-sơn Phao-lô
Là
nông dân vùng Landes, Vinh-sơn Phao-lô vừa thông minh lại vừa có trực giác tốt.
Vào
năm 1580, tại một nông trại ở Gascony, nước Pháp, một hạt mầm đức ái mang danh
xưng Vinh Sơn đã được Thiên Chúa Tình Yêu gieo vào. Tiếng khóc chào đời của hài
nhi Vinh Sơn, xét về mặt ngoại diện, chẳng mang một âm điệu nào khác với bao
trẻ sơ sinh khác nhưng lại ẩn chứa một nội dung thật độc đáo: khóc thương cho
tình trạng nghèo đói cả về mặt vật chất lẫn tinh thần và thiêng liêng của nhân
loại mà chưa mấy ai thật sự quan tâm giải quyết bằng hành động cụ thể.
Tiếng
khóc vang lên càng thảm thiết và đơn độc như cánh én lạc đàn giữa tiếng cười
hồn nhiên của gia đình, của thân nhân, của láng giềng đang tề tựu mừng ngày
sinh nhật lần thứ nhất của Vinh Sơn. Tất cả như muốn diễn đạt thực trạng thế
giới lúc bấy giờ. Bao nhà “phú hộ” đang vô tâm yến tiệc linh đình trước sự thèm
khát dầu chỉ là một mụn bánh từ bàn ăn rơi xuống của tầng lớp “Ladarô” nghèo
đói để kéo dài cuộc sống. Bao “con cái Ítraen” đang khát khao có được một cuộc
sống người cho ra người mà không được vì ách “Pharaon” quá tinh vi và kiên
vững. Và không thiếu những con người đang tái hiện lại lối sống sa đọa và xa lìa Thiên Chúa của thời Noê, của thành
Xơđôm và Gômôra, như thể Đấng Cứu Thế chưa đến trên trần gian.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết khóc vì người nghèo sắp phải chết đói,
khóc vì bao trẻ đầu đường xó chợ không được ai giúp đỡ về mặt nhân bản, khóc vì
bao kitô hữu đang làm tôi hai chủ…
Suy
niệm 2: Cha xứ
Là
cha xứ Châtillon-sur-Chalaronne, nằm ở trung tâm vùng Dombes.
Là
Cha Xứ Châtillon-sur-Chalaronne vào năm 1617, Ngài nhận thấy người dân vùng đầm
lầy Dombes thật cơ cực. Ngài mời gọi một số chị em cọng tác bằng những hành
động cụ thể, như biến mình thành những chiếc khăn nhỏ lau khô nước mắt của bao người thiếu may mắn trong và ngoài vùng. Bệnh
viện được xây dựng. Các trẻ bị bỏ rơi được tiếp nhận. Hơn 1200 nô lệ da đen
được chuộc lại. Người ăn xin được tiếp cứu. Đặc biệt Ngài có sáng ý cho một
đoàn xe cứu trợ nhân đạo đầu tiên đến Lorraine.
Người
tốt đẻ ra việc tốt. Nhu cầu nảy sinh thêm nhu cầu. Vào năm 1625, Ngài quy tụ
các nam nhân và gọi là Lazaristes. Các Linh Mục này khấn giữ 3 lời khuyên Phúc
Âm: Vâng lời, Khó nghèo và Khiết tịnh cũng như đã tận tụy làm việc ở bất cứ môi
trường nào được sai đến dù thành phố hay thôn quê. Ngài tổ chức những cuộc tỉnh
tâm và mở khóa tu nghiệp cho các Linh Mục.
Có thể nói Ngài đã góp công rất nhiều trong việc thành lập chủng viện và
thổi một luồng sinh khí mới cho hàng giáo sĩ Pháp thời hậu chiến. Nền tu đức
được phục hồi. Kiến thức được phong phú. Trình độ văn hóa được nâng cao.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các Cha Xứ có một trực giác thật tốt để có được những
sáng kiến phục vụ hữu hiệu địa phương.
Suy
niệm 3: Tuyển mộ
Cha
Vinh-sơn tuyển mộ các thiếu nữ nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại
tình trạng nghèo đói: đó là các “Nữ Tử Bác Ái".
Trải
qua năm tháng, cây Vinh Sơn đã đơm hoa kết trái. Từ một “hạt cải” tí xíu nay đã
biến thành cây đại thụ cành là xum xuê làm nơi cho muôn người khôn trên khắp thế
giới đến đậu, để cùng chiêm ngắm và học hỏi hạnh thánh Ngài mà Giáo Hội đã
chính thức và công khai biểu dương vào năm 1737 cũng như được Đức Giáo Hoàng
Lêô XIII tôn vinh làm quan thầy của các tổ chức bác ái vào năm 1885.
Nhựa
sống giúp cây Vinh Sơn sống mạnh và sống vững trải qua bao bảo tố cũng như nắng
hạn, đó là linh đạo và tinh thần của Tu Hội mà Ngài để lại: “phục vụ người
nghèo”. Chúng ta không thể nào không sống nghèo, nghĩa là không thể nào không
thể hiện cách tỏ tường sự khó nghèo vật chất trong cuộc sống của chính mình.
Nói khác đi chúng ta phải là những người nghèo giữa những người nghèo như những
người nghèo khác. Đã là nghèo thì dĩ nhiên là không phải giàu, nghĩa là không
có gì dư thừa mà chỉ vừa đủ với mức tối thiểu của một người nghèo phải có theo
mức sống của những người nghèo sống trong địa phương mình. Đàng khác phải nói
thêm: Đã là nghèo thì không được giàu có, nhưng cũng không phải bần cùng túng
thiếu dưới mức tối thiểu không xứng với nhân và tu phẩm để khỏi “bần cùng sinh
đạo tặc”.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sử dụng của cải vật chất như là phương
tiện để đạt được mục đích phục vụ người nghèo.
Suy
niệm 4: Bác Ái
Cha
Vinh-sơn tuyển mộ các thiếu nữ nông thôn cho cuộc chiến ác liệt nhất chống lại
tình trạng nghèo đói: đó là các “Nữ Tử Bác Ái".
Là
thành viên của Đạo Bác Ái và đặc biệt nếu thuộc cộng đoàn sống theo tinh thần
bác ái Vinh Sơn, mỗi người phải sống đoàn kết yêu thương nhau vì đó là sự sống
còn của Tu Hội, là dấu chỉ của người môn đệ Chúa (Ga 13,35).
Phần
mở đầu Bài nói chuyện ngày 26.4.1634 của T. Vinh Sơn và sau đó T. Louise de
Marillac đã diễn đạt rõ hơn trong bút tích thiêng liêng của Ngài ở trang 823 :
“Phải sống chung tốt đẹp trong sự đoàn kết chặt chẽ và tình thân ái, bằng cách
yêu thương nhau, để noi theo sự kết hiệp và đời sống của Đức Giêsu, Chúa chúng
ta”. Cụ thể mức độ yêu thương nhau là yêu thương không mức độ. Phải yêu thương
nhau không như yêu thương chính mình mà phải yêu thương nhau theo như mẫu gương Chúa yêu thương chúng ta.
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống yêu thương đoàn kết hiệp nhất với
nhau nên một.
Suy
niệm 5: Khiêm tốn
Là
một con người khiêm tốn nhưng nhiệt tâm và tháo vát, cha Vinh-sơn đã mặc cho
Bác Ái một dung mạo hiện đại.
Là
cộng đoàn bác ái nhằm “phục vụ người nghèo”, chúng ta cần phải có tinh thần
khiêm tốn. Nói cách khác, khi “phục vụ người nghèo”, chúng ta phải phục vụ với
tinh thần khiêm tốn của một “Tôi nam tớ nữ của người nghèo”, nghĩa là phải theo
mẫu gương khiêm tốn của Đức Kitô (Pl 2,6-8) và Mẹ Maria (Lc 1,38).
Sống
khiêm tốn theo gương Đức Kitô và Mẹ Maria với tư cách một “Tôi nam tớ nữ”, đó
là trước hết phải nhận ra bản chất “Tôi Tớ người nghèo” của mình. Có nghĩa là
dầu xuất thân từ dòng dõi quý tộc hay quyền thế, dầu lắm kiến thức sâu rộng với
nhiều bằng cấp trong tay, nhưng tất cả đều trở thành thứ yếu trước ơn gọi căn
bản đã được cân nhắc chọn lựa, đó là Tôi Tớ của người nghèo. Cha Mc Cullen đã
từng nhắc nhở : “Chúng ta nói rất nhiều về việc phục vụ người nghèo. Chúng ta
sẽ làm tốt nếu chúng ta nghĩ đến ơn gọi người tôi tớ nhiều hơn nữa. Một bên là
phục vụ người nghèo và một điểm khác là tôi tớ người nghèo. Có một sự khác biệt
lớn giữa công việc phục vụ và là tôi tớ” (Tiếng Vang Tu Hội, tr.12).
*
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết cần khiêm tốn để thực hiện được tình
hiệp nhất trong tính đa đạng (HP 3,14).
Suy
niệm 6: Bổn mạng
Cha
Vinh Sơn được phong thánh năm 1737 và là bổn mạng của công việc bác ái từ năm
1885.
Giáo
Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức,
thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những
người cần sự giúp đỡ -- đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo
đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho
mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của
người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của
con cái Thiên Chúa.
"Hãy
cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải
thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi
sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy
bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng
vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao
khát" (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều
kiện hiện tại và luôn tin tưởng vào Chúa.