Thánh PACIFICO ở SAN SEVERINO
(1653-1721)
Lược sử
Pacifico sinh trưởng
trong một gia đình đặc biệt ở San Severino trong vùng Ancona thuộc miền trung
nước Ý. Sau khi gia nhập dòng Tiểu Đệ, ngài
được thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ
vụ rao giảng một cách
thành công.
Pacifico là một người khổ hạnh. Ngài ăn chay trường,
sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. "Áo nhặm" của ngài được làm bằng
sắt. Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài nhiều nhất.
Vào năm 35 tuổi,
Pacifico bị bệnh nặng khiến
ngài bị điếc, bị mù và bị què. Ngài dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại. Pacifico cũng là bề
trên tu viện San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.
Suy niệm 1: Dòng
Tiểu Đệ
Sau khi gia nhập dòng Tiểu Đệ, Pacifico được thụ phong linh mục.
Ngày 1/12/1916, đánh dấu cái chết cô đơn của vị tu sĩ Charles de Foucauld
tại sa mạc Sahara, tưởng chừng mọi nỗ lực của một người đã muốn hiến dâng trọn
đời mình cho Người Anh Chí Ái là Đức Giêsu và cho những người bị bỏ rơi nghèo
hèn Touareg đã rơi vào quên lãng từ đây. Mãi đến năm 1933, cha René Voillaume
mới bắt đầu sáng lập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, sống theo tinh thần của Charles
de Foucauld. Từ đó dòng Tiểu Đệ đã có mặt trên khắp thế giới dưới hình thức
những Nhà Huynh đệ và đã có mặt ở Việt Nam vào năm 1954. Dòng chính thức là
dòng giáo hoàng từ năm 1968 sau khi Tòa Thánh đã phê chuẩn Hiến Chương.
Như Đức Giêsu ở Nadarét, anh Charles và các Tiểu Đệ được kêu gọi sống đời
tận hiến trong đời sống bình thường cho Thiên Chúa và cho hết mọi người không
phân biệt giai cấp, tôn giáo hay chủng tộc, nhưng với một thiện cảm đặc biệt
với những ai bị bỏ rơi nhất trong xã hội. Anh em đến với họ không phải với mục
đích giảng dạy nhưng để sống với họ, chia sẻ cuộc sống, thân phận với họ; giữa
họ như một người anh em “dịu hiền” và không biên giới; kiếm kế sinh nhai hằng
ngày bằng lao động; chia sẻ thân phận hẩm hiu như mọi người nghèo. Đời sống
Tiểu Đệ phải là đời sống chiêm niệm, chiêm niệm giữa đời, gắn bó với Đức Giêsu,
cầu nguyện trước Thánh thể hằng ngày.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết họa lại cuộc sống của Đức Giêsu ở Nadarét như linh đạo của dòng
Tiểu Đệ.
Suy niệm 2: Rao
giảng
Pacifico dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ vụ rao giảng một
cách thành công.
Thánh Pacifico sống sát với những lời của Thánh Phanxicô. Lời ngài rao
giảng và cuộc sống có liên hệ với sự hy sinh hãm mình đền tội. Thánh Phanxicô
khuyến khích các tu sĩ rao giảng Lời Chúa mà không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư
lợi. Và vì thế, lời của họ mới thực sự là lời của Chúa và hướng đến phúc lợi
của người nghe. Đời sống của Thánh Pacifico đã thể hiện lời ngài rao giảng, và
người nghe nhận ra sức mạnh trong lời của ngài.
"Ngoài ra, tôi khuyên bảo và nhắc nhở các tu sĩ rằng trong sự rao
giảng, lời nói của họ phải được nghiên cứu và minh bạch. Họ phải nhắm đến ích
lợi và sự thăng tiến tâm linh của người nghe, nói một cách ngắn gọn về tính tốt
cũng như tính xấu, sự trừng phạt và sự vinh quang, vì chính Chúa chúng ta cũng
nói ngắn gọn khi ở trần thế" (Thánh Phanxicô, Quy Luật 1223, Ch. 9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con khi rao giảng thì phải nhắm đến ích lợi và sự thăng tiến tâm linh của
người nghe, chứ không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư lợi.
Suy niệm 3: Khổ hạnh
Pacifico là một người khổ hạnh.
Ngài ăn chay trường, sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. "Áo
nhặm" của ngài được làm bằng sắt.
Do ăn quả cấm, tội lỗi xuất hiện và một hệ lụy đi theo là vấn đề áo mặc che
thân cũng xuất hiện (St 3,7), có nghĩa là thiện ý vẫn còn do sự hiện diện của
hình ảnh Thiên Chúa khi con người được tạo dựng không bị lấy đi, nhưng khuynh
hướng xấu đến từ tác động của ma quỷ trên ngũ quan của thân xác đã lên ngôi, đến
mức điều tốt muốn làm thì không thực hiện mà điều xấu không muốn làm thì lại
thực hành (Rm 7,19).
Chính vì thế để phục hồi sức mạnh của thiện ý và để chế ngự khuynh hướng
xấu, người thành tâm thiện chí thường dùng đến một phương thế hữu hiệu là sống
khổ hạnh đặc biệt trong lãnh vực ăn và mặc. Điều này cũng gặp thấy không chỉ ở
người tín hữu công giáo mà ngay cả ở các tôn giáo khác.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con biết sống khổ hạnh vì tinh thần thì hăng say nhưng thể xác lại yếu
hèn (Mt 26,41).
Suy niệm 4: Nhớ đến
ngài
Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài
nhiều nhất.
Tâm lý thường tình con người ai cũng mong được người nhớ đến đặc biệt sau
khi tạm biệt nhau nhất là vĩnh biệt nhau bằng cái chết, vì thế vấn đề các kỷ
vật được đặt ra. Chính Đức Giêsu trước khi ra đi chịu chết cũng lập nên bí tích
Thánh Thể và mời gọi các tông đồ hãy làm để tưởng nhớ đến Ngài (Lc 22,19).
Riêng kỷ vật không phải vật chất mà tinh thần và thiêng liêng mà thánh
Pacifico đã để lại cho các anh em tu sĩ và hậu thế là chính hai đức tính khó
nghèo và vâng phục qua mẫu gương sống của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con hằng chú tâm tích lũy cho mình không phải những kỷ vật vật chất sẽ
phai tàn theo thời gian mà là những kỷ vật tinh thần tồn tại mãi qua thời gian
là các gương sáng.
Suy niệm 5: Bệnh
nặng
Vào năm 35 tuổi, Pacifico bị bệnh nặng.
Ngài bị bệnh nặng khiến ngài bị điếc, bị mù và bị què. Là một bệnh nhân,
ngài thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh, nên với ơn Chúa ban, ngài đã chữa lành
nhiều bệnh nhân đến với ngài.
Về phần ngài, ngài đón nhận với cái nhìn lạc quan. Ngài điếc để không còn
nghe được tiếng người đời nhưng có nhiều điều kiện để nghe rõ được tiếng Chúa
hơn. Ngài mù nên không cần đến ánh sáng tự nhiên để cậy dựa vào ánh sáng thần
linh soi lối dẫn đường ngài tiến lên đỉnh trọn lành nhiều hơn. Ngài què không
thể dễ dàng di chuyển được để an tâm ngồi bên chân Chúa như một Maria xưa mà
tâm tình với Chúa (Lc 10,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
các bệnh nhân luôn có được cái nhìn lạc quan để vui sống và sống dồi dào các ơn
nghĩa Chúa.
Suy niệm 6: Người
tội lỗi trở lại
Pacifico dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại.
Một người đang lành mạnh và nhất là đang ở độ tuổi thanh xuân đầy sức sống,
nay bị bệnh nặng khiến bị điếc, bị mù và bị què như ngài, thật không gì đau khổ
bằng. Nhưng ngài đã biết đón nhận thánh giá này cách tích cực bằng cách dâng sự
đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại.
Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu cũng phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong
suốt cuộc đời. Nhưng ngài cũng biết sống cách tích cực theo hướng cầu nguyện
cho các linh hồn. Quả thật một tử tù cố chấp trước mọi lời khuyên bảo của cha
tuyên úy, cuối cùng trước khi lên đoạn đầu đài đã sám hối và chết lành nhờ vào
lời cầu nguyện đầy hy sinh của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp
chúng con cũng biết dâng mọi hy sinh và lời cầu cho người tội lỗi trở lại để
tạo niềm vui lớn cho cả thiên đàng (Lc 15,7.10).