Suy niệm hạnh thánh _ 17/9

Thánh ROBERT BELLARMINE
 (1542-1621)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Khi Robert Bellarmine thụ phong linh mục năm 1570, vấn đề học hỏi lịch sử Giáo Hội và các Giáo Phụ bị lãng quên một cách đáng buồn.
Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, ngài đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng, vì ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Đặc biệt nhất là các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. Trong khi sống ở Vatican, Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh.
Một trong những công việc của ngài là trở nên thần học gia của Đức Giáo Hoàng Clement VIII, và chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội. Sự khó khăn sau cùng lớn nhất trong đời Bellarmine là năm 1616 khi ngài phải khiển trách người bạn của ngài là Galileo, người mà ngài rất khâm phục. Bellarmine từ trần ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài được bắt đầu năm 1627 nhưng bị đình hoãn cho đến năm 1930 vì lý do chính trị, phát xuất từ các văn bản của ngài.
Vào năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Suy niệm 1: Học giả
Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, Bellarmine đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, triết gia hay các nhà thông thái khác có ảnh hưởng đáng kể trong thế giới ý tưởng thì thường được gọi chung là học giả. Ngài cũng được như thế, vì ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành.
Ngài là linh mục dòng Tên đầu tiên làm giáo sư ở Louvain. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Đặc biệt nhất là hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn đào sâu Kinh Thánh để sống và để bảo vệ Giáo Hội.
Suy niệm 2: Học thuyết Công Giáo
Bellarmine hệ thống hóa học thuyết Công Giáo. Sự canh tân Giáo Hội mà Công Đồng Vatican II theo đuổi thì thật khó cho nhiều người Công Giáo. Trong sự thay đổi, nhiều người cảm thấy thiếu sót một hướng dẫn vững chắc từ giới có thẩm quyền. Họ mong muốn có những lý luận chính truyền vững như bàn thạch, và một mệnh lệnh cứng cỏi có xác định thẩm quyền hẳn hoi.
Trong văn kiện Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Công Đồng Vatican II đảm bảo chúng ta rằng, "Có nhiều thực thể không thay đổi và có nền tảng thực sự từ Đức Kitô, Đấng hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi." Thánh Robert Bellarmine đã hy sinh cuộc đời để nghiên cứu Kinh Thánh và học thuyết Công Giáo. Các văn bản của ngài giúp chúng ta hiểu rằng, không chỉ có nội dung đức tin là quan trọng, mà còn chính con người sống động của Đức Giêsu Kitô--như được biểu lộ qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người--đó là nguồn gốc của ơn cứu độ.
Nguồn gốc thực sự của đức tin không chỉ là mớ lý thuyết nhưng đúng hơn là con người của Đức Kitô hiện đang sống động trong Giáo Hội ngày nay. Khi từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đảm bảo với họ về sự hiện diện sống động của Người: "Khi Thần Khí của chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến chân lý toàn vẹn" (x. Gioan 16,30).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con lưu ý đến việc sống đức tin, vì đức tin không việc làm là đức tin chết (Gc 2,17.16).
Suy niệm 3: Thế quyền
Các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. Ngài chọc tức cả nước Anh và nước Pháp khi chủ trương rằng thần quyền của các vua chúa không thể tồn tại. Ngài khai thác học thuyết về thẩm quyền gián tiếp của đức giáo hoàng trong các giao tế nhân sự; mặc dù ngài bảo vệ đức giáo hoàng chống với triết gia Barclay, ngài cũng bị Đức Giáo Hoàng Sixtus V tức giận. "Chia sẻ mối quan tâm với tất cả giáo hội, các giám mục hành xử quyền bính của mình, mà họ đã lãnh nhận qua lễ tấn phong, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Tối Cao và dưới quyền của người. Tất cả kết hợp thành một tập thể hay thân thể để giảng dạy về Giáo Hội hoàn vũ của Thiên Chúa và để điều hành giáo hội như các mục tử" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Các Giám Mục, 3).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà cầm quyền dân sự biết tôn trọng chứ không xen vào nội bộ của Giáo Hội.
Suy niệm 4: Khổ hạnh
Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh. Ngài giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa chỉ còn những gì thật cần thiết, ngài ăn các thực phẩm dành cho người nghèo. Được biết là ngài đã chuộc một người lính bị sa thải khỏi quân đội, và dùng các màn cửa trong dinh cơ của ngài để may quần áo cho người nghèo, vì theo ngài nói, "Các vách tường không thể bị cảm lạnh được."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khi được may mắn dư giả thì cũng biết giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu (2Cr 8,14).
Suy niệm 5: Thần học gia
Một trong những công việc của ngài là trở nên thần học gia của Đức Giáo Hoàng Clement VIII. Ngài đã chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội. Cũng nhờ vậy ngài được Đức Giáo Hoàng Clement VIII tấn phong hồng y là vì "ngài chưa được những gì xứng với tài học." Vào năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lỗi lạc về mặt giáo lý, nhưng chưa hẳn là tài ba về các lãnh vực khác như khoa học… Chính vì thế ngài đã vấp phải một sai lầm trong vụ Galileo. Theo các chỉ thị của Tòa Án Dị Giáo Rô Ma , ngài ra lệnh cho ông “không tin hay bảo vệ” ý tưởng rằng Trái Đất di chuyển và Mặt Trời đứng yên ở trung tâm. Đây là một thí dụ điển hình cho thấy các thánh vẫn có thể sai lầm.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con khiêm tốn nhận ra sự hiểu biết hạn hẹp của mình trong nhiều lãnh vực.
Suy niệm 6: Vụ Galileo
Bellarmine phải khiển trách người bạn của ngài là Galileo, người mà ngài rất khâm phục. Bellarmine đại diện cho Tòa Thánh chuyển trao văn thư cảnh cáo, mà trong đó quyết định rằng lý thuyết về thái dương hệ của Galileo thì trái với Kinh Thánh. Sự khiển trách chung quy là một lời cảnh cáo đừng đề cao các lý thuyết chưa được hoàn toàn chứng minh -- khác với giả thuyết.
Quan điểm địa tâm đã là thống trị từ thời Aristote, và sự tranh cãi nảy sinh sau khi Galileo trình bày thuyết nhật tâm như một minh chứng khiến Giáo Hội Công Giáo Rô Ma cấm tuyên truyền nó như một sự thực đã được chứng minh, vì nó chưa được chứng minh theo kinh nghiệm ở thời điểm ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh Thánh. Galieo cuối cùng buộc phải từ bỏ thuyết nhật tâm của mình và sống những ngày cuối đời trong cảnh bị quản thúc tại gia theo lệnh của Tòa Án Dị Giáo Rô Ma.
Vào ngày 31/11/1992, Đức Gioan Phaolô II thể hiện sự hối tiếc về cách phán xét vụ Galileo. Tháng 3/2008, Vatican hoàn thành việc phục hồi cho Galieo bằng cách dựng một bức tượng ông bên trong những bức tường thành Vatican. Tháng 12 cùng năm, Đức Bênêđitô XVI đã ca ngợi những đóng góp của ông cho thiên văn học.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết khiêm tốn và anh dũng nhận lấy sai trái để phục hồi danh dự cho người.