THỜ Ơ
Chúa
Giêsu chẳng kể ra một sai lỗi nào của nhà phú hộ giàu có, ngoại trừ sự lãnh đạm
thờ ơ trước nỗi túng cực khốn cùng của Ladarô
Hai con lừa chở hàng về
nhà, con đi trước to khỏe hơn mà chỉ phải mang một bao hàng, con kia nhỏ và yếu
hơn mà phải mang tới hai bao. Đường núi quanh co, gập ghềnh khó đi. Con mang nặng
đi sau nài nỉ con đi trước: “Tôi mệt quá.
Anh mang đỡ giùm tôi một bao nhỏ này nhé”. Con đi trước lên mặt: “Đừng có lười, phần ai nấy mang”. Con đi
sau càng đi càng mệt, nhưng vẫn rán lết đi, nó dần dần chậm hẳn lại, bước chân
xiêu vẹo, mà con đi trước vẫn không đoái hoài đến.
Rồi con đi sau gục xuống
mà chết… Người quản gia lúc đó bắt con đi trước mang hết số hàng hoá, lại thêm
xác con lừa kia nữa. Một gánh nặng bất ngờ đè lên lưng nó. Nó muốn tắt thở vì
quá sức nhọc mệt: “Giá mà chết đi được
thì hơn!”
Vâng, tình yêu chân thực
là tình yêu sẵn lòng hy sinh vì người mình yêu. Khi đó tình yêu là sự sống và sức
mạnh của con người. Khi yêu nhau người ta sẵn lòng chịu khổ vì nhau mà không hề
thấy ngần ngại, vì ngay cả cái khổ đó cũng đáng yêu.
Người vị kỷ đi tìm sự thoả
mãn và an toàn cho thân xác mình, nhưng các tiện nghi đó và lời chúc dữ đi liền
với nhau: “Các ngươi đã nằm ngủ trên giường
ngà, mê đắm trên ghế dài: ăn chiên con trong đoàn và bê béo trong đàn… chẳng
thương gì đến nỗi băn khoăn của Giuse… vì thế, giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu
các kẻ lưu đầy” (Am 6,4-7).
Chúa Giêsu chẳng kể ra một
sai lỗi nào của nhà phú hộ giàu có, ngoại trừ sự lãnh đạm thờ ơ trước nỗi túng
cực khốn cùng của Ladarô: “Lại có một người
hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được
những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho”
(Lc 16,20-21).
Là Kitô hữu, để “đoạt lấy sự sống đời đời”, chúng ta phải
“chiến đấu trong cuộc chiến đấu chính
nghĩa của đức tin” (1Tm 6,12).
Trong cuộc chiến này, phải
đặc biệt lưu ý đến tính ích kỷ, đơn giản chỉ vì nó đối nghịch một cách tuyệt đối
với hạnh phúc Nước Trời. Câu truyện nhà phú hộ và Ladarô nhấn mạnh điều ấy:
Nhà phú hộ chỉ thờ ơ với
Ladarô thôi, thế mà khi xin Abraham cứu giúp thì ông đã nghe trả lời: “Giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một
vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không
thể từ bên đó qua đây được” (Lc 16,26).
Có một đôi vợ chồng trẻ đến
thăm tu viện của Mẹ Têrêxa và tặng một món tiền lớn để mua thức ăn cho người
nghèo. Khi đó số người ăn hằng ngày lên đến chín ngàn người.
Thấy họ còn trẻ, Mẹ tò mò
hỏi: “Hai con có thể cho mẹ biết tiền đâu
mà hai con có nhiều thế?”
Họ trả lời: “Chúng con vừa cưới nhau được hai ngày. Trước
ngày cưới, chúng con đã suy nghĩ nhiều. Sau cùng, chúng con quyết định không
may đồ cưới, cũng không tổ chức yến tiệc linh đình, chúng con muốn dùng khoản
tiền chi phí cho đám cưới để tặng những người không được may mắn như chúng
con".
Ở Ấn Độ, một người thuộc giai cấp thượng lưu khá giả mà đám
cưới không có quần áo cưới và tiệc cưới là một điều nhục nhã.
Mẹ Têrêsa hỏi: “Tại
sao chúng con lại quyết định táo bạo như thế, chúng con không sợ rằng việc làm
như thế sẽ làm phật lòng cha mẹ và họ hàng sao?”
Họ trả lời: “Chúng
con yêu nhau tha thiết. Vì thế chúng con muốn tặng cho nhau một món quà cưới thật
đặc biệt. Chúng con muốn khởi đầu cuộc chung sống của chúng con bằng một hy
sinh mà cả hai đều dự phần vào”.
Thờ ơ là căn bệnh của thế giới hôm nay, di chứng của lòng
ích kỷ.
Chung quanh tôi có nhiều hạng người. Có những người tôi
thích hỏi thăm, giúp đỡ, có những người tôi chẳng muốn nói chuyện với họ. Tất nhiên
là tôi có lý do chính đáng cho những cách đối xử ấy. Nhưng với những ai mà tôi
không muốn gặp họ, chính Chúa lại ghi tên họ vào những danh sách những người cần
được quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn: "Người
khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi
người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn." (Lc
5,31-32)
Câu truyện nhà phú hộ và Ladarô cũng là lời Chúa nhắc tôi xét mình xem tôi có phải là môn đệ của Chúa không?
Lm. HK