Lề Luật của
Ta, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng
(Mở đầu bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, về các mối phúc)
(Mở đầu bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, về các mối phúc)
Chính những lời lẽ của Chúa Ki-tô cho
ta hiểu đâu là giáo lý của Người. Ai muốn đạt tới phúc trường sinh bất tử phải
khám phá ra những bậc thang dẫn tới hạnh phúc muôn đời.
Anh em thân mến, Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đã rao giảng Tin Mừng
Nước Trời. Người rảo khắp xứ Ga-li-lê, chữa lành mọi thứ bệnh tật. Các phép lạ
Người làm gây tiếng vang trên toàn cõi xứ Xy-ri-a. Từ khắp miền Giu-đê, đông đảo
quần chúng tìm đến với vị lương y từ trời xuống. Quả vậy, những người ít học
không vội tin những gì mình không thấy và hy vọng những điều mình không biết.
Chính vì vậy mà để vững tin vào giáo huấn của Chúa, họ cần có những gì hữu ích
cho thể xác, những dấu lạ mắt phàm thấy được. Khi cảm nghiệm được quyền năng
đem lại lợi ích như vậy, họ không còn hòai nghi là đạo lý của Chúa đưa người ta
đến ơn cứu độ.
Vì vậy, để biến những dấu lạ bên ngoài thành linh dược bên trong, để đem
lại sức khỏe cho linh hồn sau khi chữa lành thân xác, Chúa tránh xa quần chúng
vây quanh Người, rồi gọi các Tông đồ, và cùng với các ngài lên một ngọn núi cao
và ẩn mình tại đó. Từ nơi giàu ý nghĩa tượng trưng này, Chúa cho các ngài thấm
nhuần những giáo huấn cao siêu nhất. Tự bản chất của nơi chốn và việc làm, Chúa
cho hiểu Người chính là Đấng xưa kia đã đoái thương đàm đạo với ông Mô-sê, Đấng
xưa kia vừa xa cách vừa đáng sợ, nay thành Đấng vừa thánh thiện vừa dịu hiền, để
thực hiện lời hứa ngôn sứ Giê-rê-mi-a từng loan báo: Này sẽ đến những ngày – sấm
ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới.
Sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa -, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc
vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta.
Đấng đã nói với ông Mô-sê cũng là Đấng nói với các Tông đồ; trong tâm hồn
các môn đệ này, bàn tay của Ngôi Lời, khác nào bàn tay khéo léo của kinh sư, đã
viết những điều răn của Giao Ước Mới. Chẳng phải như xưa kia từ những đám mây
dày đặc, qua sấm chớp hãi hùng khiến đám dân khiếp đảm không dám đến gần ngọn
núi, nhưng đây là một cuộc trò chuyện thân tình giữa những người hiện diện,
trong một khung cảnh yên tĩnh. Và như thế ân sủng dịu dàng dẹp bỏ Lề Luật cứng
cỏi, thái độ mạnh dạn của Người Con đã tiêu diệt nỗi sợ hãi của đứa nô lệ.
Chính những lời lẽ của Chúa Ki-tô cho ta hiểu đâu là giáo lý của Người.
Ai muốn đạt tới phúc trường sinh bất tử phải khám phá ra những bậc thang dẫn tới
hạnh phúc muôn đời. Người nói: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời
là của họ. Ta có thể tự hỏi: Đấng tuyên bố mình là chân lý đã muốn nói đến hạng
người nghèo nào khi tuyên bố: phúc thay ai nghèo khó, nếu Người không xác định
người nghèo ở đây là ai. Ta có cảm tưởng như để được hưởng Nước Trời, chỉ cần nỗi
thiếu thốn mà nhiều người phải chịu vì hoàn cảnh cực kỳ quẫn bách. Thế nhưng
khi nói: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, Chúa cho thấy Nước Trời được dành
cho những ai có tinh thần khiêm nhu hơn là thiếu của cải vật chất.