Suy niệm hạnh thánh _ 21/8

THÁNH GIÁO HOÀNG PIÔ X
 (1835-1914)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Giáo Hoàng Piô X có lẽ được nhiều người Công Giáo nhớ đến qua việc ngài khuyến khích chúng ta thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhất là trẻ em.
Tên thật của ngài là Joseph Sarto và là người con thứ trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn. Ngài lên ngôi giáo hoàng khi 68 tuổi, lấy tên là Piô X, và là một trong những giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ 20.
Vì rất lưu tâm đến chính trị, ngài khuyến khích người Công Giáo Ý tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn. Tuy ngài không ban bố các thông điệp xã hội nổi tiếng như vị tiền nhiệm, Đức Piô X đã lên án việc đối xử tệ hại các thổ dân trong những đồn điền ở Peru.
Vào ngày kỷ niệm ngài lên ngôi giáo hoàng năm thứ 11 thì Âu Châu rơi vào cuộc Thế Chiến I. Đức Piô đã thấy trước điều đó, và viễn ảnh ấy đã giết ngài chết.
Suy niệm 1 Bí tích Thánh Thể
Thánh Giáo Hoàng Piô X khuyến khích chúng ta thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhất là trẻ em.
Bí tích Thánh Thể là bí tích Chúa Giêsu ban Mình và Máu Ngài cho chúng ta, để chúng ta cũng hiến mình chúng ta cho Ngài trong tình yêu và kết hợp với Ngài khi rước lễ.
Mỗi lần rước lễ, chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu chặt chẽ hơn, làm cho chúng ta trở nên phần tử sống động của Thân Mình Ngài, đổi mới ơn thánh chúng ta đã nhận được trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, và làm cho chúng ta mạnh sức để chiến đấu chống lại tội lỗi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn dọn mình xứng đáng để đón rước Thánh Thể mỗi khi đi tham dự thánh lễ.
Suy niệm 2 Nghèo nàn
Thánh Giáo Hoàng Piô X là người con thứ trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn.
Luôn luôn nhớ đến gốc gác khiêm tốn của mình, ngài tuyên bố: "Tôi sinh ra nghèo nàn, tôi sống nghèo nàn và tôi sẽ chết nghèo nàn." Ngài cảm thấy khó chịu vì hình thức bề ngoài ở giáo triều, có lần ngài ngấn lệ nói với một bạn thân: "Hãy coi phẩm phục mà người ta khoác cho tôi đây." Với một người bạn khác, ngài nói: "Đó là sự đền tội khi buộc phải chấp nhận các nghi thức này. Họ dẫn tôi đi với binh lính bao quanh như Đức Giêsu khi bị bắt trong vườn Giệtsimani".
Quá khứ khiêm tốn của Đức Piô X không phải là một cản trợ cho sự tương giao với Thiên Chúa và với người dân mà ngài thực sự quý mến. Ngài có được sức mạnh, sự nhân từ và nhiệt tình đối với dân chúng do bởi nguồn gốc của mọi ơn sủng, đó là Thần Khí Đức Giêsu. Trái lại, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì quá khứ của chúng ta. Sự tủi hổ khiến chúng ta xa rời những người hơn mình. Ngược lại, nếu ở địa vị cao sang, chúng ta thường khinh miệt những người mộc mạc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng: "mọi sự phải quy phục Đức Kitô" nhất là các người bị tổn thương của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng mặc cảm về tình trạng nghèo nàn về vật chất của mình, nhưng hãy lo sợ về cái nghèo tinh thần và đạo đức của mình.
Suy niệm 3 Giáo hoàng
Đức Piô X là một trong những giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ 20.
Giáo Hoàng là vị Giám Mục của Giáo Phận Rôma, lãnh đạo tinh thần của các tín hữu Công Giáo, tức là chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo Rôma, tổ chức đã tồn tại hơn 2000 năm qua, và là định chế lâu đời nhất trên thế giới vẫn hoạt động và ảnh hưởng cho đến ngày nay. Giáo Hoàng cũng là người đứng đầu quốc gia Vatican, vương quốc nhỏ nhất thế giới được bao bọc bởi thành phố Rôma.
Theo Giáo Luật Giáo Hội Rôma, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, Giáo Hoàng cũng là người có quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp trọn vẹn trên quốc gia Vatican. Giáo Hoàng cũng là thủ lãnh các Giám Mục trên toàn thế giới. Giáo Hoàng hiện nay là Đức Bêêđitô XVI, người được bầu trong Mật Nghị Hồng Y vào tháng 4 năm 2005.
* Lạy Chúa Giêsu, xin gìn giữ và bảo vệ Đức Giáo Hoàng để ngài vững tay lèo lái con thuyền Giáo Hội.
Suy niệm 4 Chính trị
Đức Piô X rất lưu tâm đến chính trị.
Vì rất lưu tâm đến chính trị, ngài khuyến khích người Công Giáo Ý tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn. Một trong những hành động đầu tiên khi lên giáo hoàng là ngài chấm dứt sự can thiệp của các nhà cầm quyền vào việc bầu cử giáo hoàng -- là một thói quen đe dọa sự tự do của cơ mật viện khi chọn tân giáo hoàng.
Vào năm 1905, khi Pháp bất đồng với Tòa Thánh và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của Giáo Hội nếu không cho phép chính quyền xen vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội, Đức Piô X đã can đảm từ chối thỉnh cầu này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết rõ phân rõ giới hạn như Chúa dạy: Cái gì của Xêda và cái gì của Thiên Chúa (Mt 22,21).
Suy niệm 5 Thông điệp
Tuy không ban bố các thông điệp xã hội nổi tiếng như vị tiền nhiệm, Đức Piô X đã lên án việc đối xử tệ hại các thổ dân trong các đồn điền.
Ngài cũng sai một ủy ban cứu trợ đến Messina sau trận động đất và xây dựng nơi tạm cư cho các người tị nạn mà chính ngài chịu sự tốn phí.
Các Giáo Hoàng phát biểu hoặc đưa ra các tài liệu từng loại để nhận biết với từng mức độ thẩm quyền có ảnh hưởng chung đến Giáo Hội. Thông Điệp là một trong các loại văn kiện với nội dung thường là để cổ võ, khuyến khích đời sống đức tin, luân lý dựa trên những biến đổi xã hội, thế giới.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các nhà hoạt động xã hội luôn theo sát đường hướng của Giáo Hội qua các thông điệp xã hội.
Suy niệm 6 Chết
Viễn ảnh ấy đã giết ngài chết.
Âu Châu rơi vào cuộc Thế Chiến I. Đức Piô đã thấy trước điều đó, và viễn ảnh ấy đã giết ngài chết. "Đây là sự đau khổ sau cùng mà Chúa gửi đến cho tôi. Tôi sẽ sung sướng hy sinh tính mạng để gìn giữ con cái đáng thương của tôi khỏi tai họa khủng khiếp này". Ngài từ trần sau khi cuộc chiến bắt đầu được vài tuần lễ.
Để diễn tả Đức Piô X, một sử gia viết rằng ngài là "một người của Thiên Chúa biết sự bất hạnh của thế giới và sự khó khăn của đời sống, và với sự cao quý của tâm hồn, ngài muốn an ủi tất cả mọi người".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dám chết vì sứ mạng của mình.