Suy niệm hạnh thánh _ 08/8

Thánh ĐA MINH
 (1170-1221)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Sinh trong một gia đình quyền quý và đạo hạnh ở Tây Ban Nha, ngay từ nhỏ Thánh Đa Minh đã có chí hướng đi tu. Ngài theo học ở Palencia, và có lẽ được thụ phong linh mục trong khi còn đi học, và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma năm 1199. Ở đây ngài làm bề trên của một tu nghị, nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh Bênêđíctô.
Năm 1203, ngài tháp tùng Đức Giám Mục của Osma đến Languedoc, là nơi Thánh Đa Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian, và giúp cải tổ dòng Xitô. Vào năm 1214, Bá Tước Simon tặng cho Thánh Đa Minh một lâu đài ở Casseneuil, và cùng với sáu môn đệ, thánh nhân đã thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Trong Công Đồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Đa Minh thất bại trong việc xin phê chuẩn tu hội, nhưng được Đức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Đa Minh) được thành lập.
Thánh Đa Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng. Dòng Thánh Đa Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng.
Ngài được phong thánh năm 1234.
Suy niệm 1 Nổi tiếng
Đa Minh nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh Bênêđíctô.
Ngài sớm thành danh khi còn đi học mà đã được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma, cũng như tại đây ngài được làm bề trên của một tu nghị.
Nhưng điểm nổi bật là tinh thần sống sát quy luật của Thánh Bênêđíctô, vốn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các đan viện ở Tây Phương trong thời Trung Cổ. Có thể do một điểm tương đồng là ngay từ nhỏ ngài cũng có chí hướng tu trì như Thánh Bênêđíctô, nhưng chắc chắn vì Quy Luật này vừa giữ được bản chất của luật là sự nghiêm nhặt vừa có sự chừng mực trong vấn đề khổ hạnh, rất phù hợp với tính khí hài hòa của ngài.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không sống nhằm tìm vinh danh mình nhưng chủ yếu làm sáng danh Chúa.
Suy niệm 2 Chống với lạc thuyết Albigensian
Thánh Đa Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian.
Kết hợp với việc rao giảng, ngài nỗ lực chống đối bằng việc thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ ở Prouille trong thuộc địa của phe Albigensian và giao cho một vài nữ tu trông coi với quy luật do chính ngài viết ra, cũng như một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Hơn thế, khi vị đại diện đức giáo hoàng bị bè phái Albigensian sát hại năm 1208, Đức Giáo Hoàng Innôxentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh do Bá Tước Simon IV cầm đầu để chống với bè rối này. Thánh Đa Minh đích thân đi theo đạo quân để rao giảng cho những người lạc giáo, nhưng không thành công lắm.
Với tài hùng biện, với trí tuệ sáng ngời, thánh Đaminh cũng đành thua cuộc trước sự tung hoành của bè rối Albigensian. Nhưng nhờ tràng chuỗi Mân Côi, ngài đã gặt hái thành công: bè rối Albigensian tan rã và có hơn 100.000 người trở lại đạo.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con siêng năng lần chuỗi Mân Côi, để nhờ đó chúng con lướt thắng được các mưu chước ma quỷ cám dỗ.
Suy niệm 3 Lạc thuyết Albigensian
Thánh Đa Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian.
Cũng nên biết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhóm Albigensian vốn mang danh xưng này vì khởi nguồn từ một thành phố miền nam nước Pháp tên là Albi. Nhóm này đã rất thành công trong việc thuyết phục người khác theo họ. Vào thời đại mà giáo hội miền nam nước Pháp bị tục hóa. Trong khi các giám mục địa phương xa lánh quần chúng, ăn mặc sang trọng, đi xe tứ mã, sống đời xa hoa, thì giáo sĩ nhóm Albigensian ăn vận đơn sơ, đi chân không, mặc quần áo đơn giản. Do đó họ có một bề ngoài gần gũi với đức khó nghèo của Thánh Kinh hơn. Miền nam nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha bị ảnh hưởng rất mạnh của nhóm này.
Thuyết Albigensian dựa trên thuyết nhị nguyên về hai nguyên tắc đối nghịch nhau, sự thiện và sự dữ, mà mọi vật chất được coi là xấu xa và người tạo nên thế giới vật chất được coi là ma quỷ. Do đó, học thuyết Nhập Thể bị khước từ, và Cựu Ước cũng như các Bí Tích bị tẩy chay. Để trở nên tuyệt hảo hay "tinh tuyền", người theo thuyết này phải tránh tình dục và cực kỳ kiêng cữ ăn uống. Nhịn đói đến chết được coi là một hành động cao quý. Với hình thức thái quá này, thuyết Albigensian được coi là nguy hiểm cho xã hội và cả Giáo Hội nữa. Vì thế Đức Giáo Hoàng Alexandrô III đã triệu tập công đồng Latêranô III vào năm 1719 với sự tham dự của 300 giám mục và 400 giáo sĩ, và đã lên án lạc giáo này.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn khiêm tốn tự dấm ngực mình: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, vì do gương xấu của mình mà gây cớ vấp phạm cho nhiều người khác.
Suy niệm 4 Tu hội
Thánh Đa Minh đã thành lập một tu hội.
Tu hội này nhằm tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian. Trong Công Đồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Đa Minh thất bại trong việc xin phê chuẩn tu hội, nhưng được Đức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Đa Minh) được thành lập.
Hiện nay dòng có mặt trên 62 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhờ các bước chân thừa sai đầu tiên tức năm 1550. Châm ngôn là chiêm niệm và truyền thông chân lý. Mục đích là rao giảng Tin Mừng khắp thế giới. Linh đạo là nói với Chúa và nói về Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin ân thưởng bội hậu cho các thành viên dòng Đa Minh đang còn sống cũng như đã qua đời.
Suy niệm 5 Thành lập
Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Đa Minh) được thành lập.
Thánh Đa Minh chẳng những thành lập mà ngài còn dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng.
Đặc biệt ngài triệu tập hội đồng chung trong dòng vào năm 1220 ở Bologna và từ trần ở đây vào năm tiếp đó, sau khi bị lâm bệnh và buộc phải trở về trong chuyến rao giảng ở Hung Gia Lợi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân đã sinh thì phải dưỡng, vì việc sau còn khó gấp bội lần việc trước.
Suy niệm 6 Hài hòa
Dòng Thánh Đa Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng.
Một thức ăn quá cay dầu ngon mấy đi nữa, thì người dị ứng với tiêu hoặc ớt cũng không tài nào thưởng thức được. Một chiếc áo da thú dầu sang trọng và đắt giá bao nhiêu cũng không thể mặc vào, nếu người ấy đang đi dưới sức nóng mặt trời như thiêu như đốt. Thật đúng như lời cổ nhân dạy: tức nước thì vỡ bờ; hoặc câu chuyện ngụ ngôn: con nhái muốn phình lớn cho bằng con bò thì chỉ đành chịu tan xác thôi.
Chìa khóa mang lại thành quả cho dòng trong việc hoán cải các tội nhân, đó tinh thần hài hòa học được từ Đấng sáng lập giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng. Chính Thiên Chúa thượng trí và siêu việt cũng nêu gương qua việc nhập thế làm người và dùng ngôn ngữ của loài người để tiếp cận với con người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống hài hòa với mọi người trong mọi vấn để để dễ lôi kéo họ về với Chúa.