TÔI LÀ
NGƯỜI KHIÊM TỐN
NHẤT TRẦN GIAN!
NHẤT TRẦN GIAN!
Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người
nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng
dạy các chân lý cao sâu… nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống
khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật.
Xưa lẫn nay và đến muôn đời, người
khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo
thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể
sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực:
“Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ,
như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người
được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì
sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó” (Hc 3,18.20.28).
Bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay tường
thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc
nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy
chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được
người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ
cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là
khiêm tốn đích thực đây? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của
Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và
khiêm nhượng (x.Mt 11,28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói
rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật
(x.Ga 18,37).
Sự
thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta
có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa
Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7,29; 16,28; 17,1-26).
Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước
hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ
không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những
khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh
nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo
hay cuồng ngông.
Sự
thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là
mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần
khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu
toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6,38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý
Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương
thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của
Người” (Ga 4,34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang có đều
do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của
mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của
cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được
hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”
(x. Mt 20,28).
Khi truyền bảo những người dọn tiệc
đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những
người tàn tật, đui mù, nghèo hèn... chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương
thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy
đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn
chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt
hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống
tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.
Trong một dịp tĩnh tâm, một linh mục bạn
thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học
hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái
gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trổi vượt tất cả. Con
thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian”.
Quả thật, dù là giám mục hay linh mục,
dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có
chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, hết thảy chúng ta đều vướng phải
cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải
là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng
xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thưở nào đã khiến tiên tổ và cả
chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St
3,1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng
những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm
nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.
Trong hỏa ngục rất có thể có những người
rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều
phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu… nhưng chắc chắn sẽ không hề
có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì
xứng với việc đã làm…Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”
(Lc 23,41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa
Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê
Thuột