Danh nhân _ Hegel

HEGEL  
(GEORG WILHELM FRIEDRICH)
(1770-1831)  
Triết gia Đức rất danh tiếng, cha đẻ lối lý luận mới gọi là Biện chứng pháp.
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Stuggart, mất tại Berlin vì bệnh dịch tả.
Trước hết tiên sinh nghiên cứu Triết học tôn giáo, viết nhiều sách về tôn giáo như Lịch sử Đức Chúa Jésus.
Tiên sinh chịu ảnh hưởng tư tưởng J.J Rousseau (mặc dầu Rousseau tạ thế đã lâu) quen thân với Schelling, triết gia Đức.
Từ năm 1807 về sau, tiên sinh viết những sách Hiện tượng luận về Trí tuệ (Phénoménologie de l`Esprit, 1807), Sơ học Triết lý (Propédeutique philosophique, 1811), nhưng sách căn bản của tiên sinh là Khoa học của Luận lý (Science de la Logique, 1816).
Giáo sư tại Đại học Heidelberg, Đại học Berlin, tiên sinh có cho in cuốn Bách Khoa Triết học (Encyclopédie des Sciences philosophiques), cuốn Triết học về Luật (Philosophie d Droit).
Sau khi tiên sinh tạ thế rồi, môn đệ của tiên sinh cho xuất bản những bài giảng về Thẩm mỹ học (Esthétique), về Triết học của Tôn giáo (Philosophie de la Religion).
TÓM TẮT QUAN NIỆM LỊCH SỬ CỦA HEGEL:
Tiên sinh chia lịch sử ra làm 3 loại:
-        Lịch sử nguyên thủy (Histoire originale) do những người chứng kiến chép lại.
-        Lịch sử suy tưởng hay phản tỉnh (Histoire réfléchie), tức là lịch sử cho phép chúng ta rút ra những kinh nghiệm đã qua để dùng cho hiện tại.
-        Lịch sử dưới quan điểm triết học (Histoire philosophique) hay là Triết gia của Lịch sử.
Theo tác giả, lịch sử không phải là sự kế tiếp của những ngẫu nhiên. Biến cố sau là kết quả của biến cố trước. Những vĩ nhân cũng không làm gì hơn là làm những công việc mà lịch sử đương chờ đợi họ. Không phải họ muốn tạo ra gì thì tạo và bất cứ lúc nào cũng tạo ra được đâu. Không. Lịch sử điều khiển tất cả. Chuyện đến là phải đến.
Vậy sử gia chỉ còn có công việc là tìm cho ra những nguyên lý, những luật lệ đã chi phối những biến cố lịch sử và như vậy có thể tiên đoán tương lai của nhân loại.
TÓM TẮT TRIẾT HỌC HEGEL (HÉGÉLIANISME).
Triết học này được trình bày nhiều trong 2 cuốn sách Hiện tượng luận về Trí tuệ và Khoa học Luận lý. Theo đây thì tác giả tin rằng chúng ta có thể đạt đến sự biết tuyệt đối của thực tại (réalité) bằng phương pháp biện chứng (dialectique). Luận lý này gồm có 3 giai đoạn: chính đề (thèse), phản đề (antithèse) và hợp đề (synthèse).
Xin cử ra đây một ví dụ:
-        Trong chế độ phong kiến, có giai cấp thống trị áp bức (chính đề).
-        Giai cấp bị trị thiệt thòi, uất ức lâu ngày trở nên tử thù với giai cấp thống trị (phản đề).
-        Giai cấp bị trị liên minh lại lật chế độ phong kiến mà thành lập chế độ Dân chủ (hợp đề)…
ẢNH HƯỞNG CỦA HEGEL:
Triết học và quan niệm lịch sử của tiên sinh được phổ biến khắp Châu Âu nhất là tại Ý và Nga.
Thuyết Duy vật Sử quan của Marx và Engels là con đẻ của quan niệm lịch sử Hegel.
Những triết gia hiện đại như Husserl, Heidbegger, Sartre đều chịu ảnh hưởng nhiều ít của tư tưởng Hegel.
Tiên sinh được liệt vào bậc Thầy, vào bậc những giáo chủ. Trong bài văn tế đọc nhân dịp lễ tống táng tiên sinh, Viện trưởng Đại hoc Bá linh so sánh tiên sinh với Đức Chúa Jésus.
Tháng 4-1930, được thành lập tại La Haye Hội Nghiên cứu Hegel quốc tế (Hegel Bund), cứ 2 năm họp 1 lần.
Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết