Danh nhân _ Goethe

GOETHE
(JOHANN WOLFGANG)
(1749-1832)
Thi sĩ, kịch gia danh tiếng nhất, đồng thời là một nhà bác học có thực tài của nước Đức.
TIỂU SỬ VÀ CÔNG NGHIỆP
Sinh tại Francfort trên sông Main, mất tại Weimar.
Bắt đầu viết văn, làm thơ, lúc còn nhỏ tuổi. Lớn lên học Luật, Văn chương, Y khoa.
Từ năm 1768, tên tiên sinh bắt đầu xuất hiện trên văn đàn bằng những tập thi cảm, những kịch:
-        Werther, một câu chuyện tình.
-        Clavigo, một bi kịch.
Từ năm 1775, tiên sinh tham gia vào nhiều công việc chính trị, làm cố vấn rồi giữ chức Bộ trưởng cho Quận công Charles Auguste, tham dự vào chiến tranh Phổ chống Pháp cách mạng (1792-1793), có gặp Nã Phá Luân đệ I,…
Trong thời gian này, tiên sinh vẫn không quên sáng tác, nào là:
-        Hermann và Dorothée, một câu chuyện tình (1797).
-        Vị hôn thê của Corinthe (La fille naturelle, 1803).
-        Faust, một bi kịch viết từ 1806 đến 1832 mới xong.
-        Thơ và sự thật (1811-30).
-        Shakespeare vô tận (1815-25, Shakespeare sans fin).
-        Người Do Thái lang thang (le Juif errant) in ra sau khi tiên sinh tạ thế (1836)…
Ngoài ra, tiên sinh còn là một nhà khoa học, có để lại nhiều công trình nghiên cứu quý giá như: Sự biến đối của cây, Sự biến đổi của thú vật, Quang học, Luận về màu sắc (Théorie des couleurs)…
TÓM TẮT NHỮNG TÁC PHẨM CẦN BIẾT:
Tiên sinh viết nhiều lắm, nếu kê đủ cả thì có trên 100 văn phẩm, nhưng đây chỉ nghiên cứu những tác phẩm được truyền tụng hơn hết:
* WERTHER hay là Những Nỗi Thống khổ của Werther (Les souffrances du Jeune Werther).
Werther yêu cô Charlotte, Charlotte đã được hứa hôn với Albert. Albert biết mối tình của Werther, nhưng vẫn đề Werther giao thiệp tự do với Charlotte, chỉ canh chừng 2 người mà thôi. Sau đó Charlotte đã thành vợ của Albert. Một thời gian Werther thất vọng quá rồi tự sát.
Câu chuyện đơn giản quá, nhưng cái đề tài đắm đuối như vậy, lúc bấy giờ là rất mới, rất “ăn khách”. Thêm vào đó, tài kể chuyện của tác giả, văn chương súc tích của tác giả làm cả Châu Âu lúc bấy giờ đều phải đọc Werther. Đại tướng Napoléon Bonaparte đi đánh Ai cập mà phải mang theo một bản để đọc say sưa chẳng khác gì sách gối đầu.
* FAUST là một vở kịch mà tác giả đã tốn công phu gần 30 năm. Gốc nó là một câu chuyện có phần truyền kỳ:
Xưa kia có lẽ có một nhà bác vật tên là Faust sống vào thế kỷ XVI, có thể liên lạc được, kết bạn được với quỷ.
Tác giả sửa đổi lại, thêm vào nhiều tình tiết để thành một vở tuồng và đại ý như sau:
Bác sĩ Faust muốn khám phá nhiều bí mật của vũ trụ, muốn tại hưởng khoái lạc mà không làm sao toại nguyện được.
Quỷ Méphistophèles xuất hiện và hứa sẽ thỏa mãn Faust về 2 phương diện nói trên với điều kiện là sau khi Faust được toại nguyện rồi thì Faust sẽ phải là thuộc quyền sở hữu của quỷ. Faust bằng lòng.
Cam kết xong, Faust theo quỷ, khám phá được một số bí mật của vũ trụ, theo quỷ tìm khoái lạc. Chàng ta dỗ dành cô Marguerite, có con với Marguerite, rồi bỏ Marguerite, để Marguerite thất vọng tự tử.
Đến đây Faust bắt đầu thất vọng:
-        Óc tò mò, muốn khám phá bí mật của vũ trụ, càng đi xa bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu, vì vũ trụ bao la quá, huyền bí quá…
-        Sự săn đuổi khoái lạc hỗn độn cũng chỉ mang lại cho Faust những sự hối hận, buồn tủi, chán chường.
Sau rốt, Faust chỉ còn thấy vui trong sự sáng tạo (création).
Faust bèn đi chiếm những miền xa xôi, dự định cả một chương trình khai khẩn, biến những miền khô khan ấy thành những cánh đồng phì nhiêu… nhưng đã già rồi, cái chết đang chờ đợi Faust.
Faust hối hận trước kia đã mất nhiều thì giờ vào những việc không đâu, vì vậy nay chưa làm được việc gì thì đã phải chết.
Bằng bi kịch này, tác giả muốn nói răng sứ mệnh của con Người là Sáng tạo, là Hành động và Giá trị, danh dự con Người cũng chỉ ở chỗ đó mà thôi.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN
Goethe, một văn sĩ, thi nhân danh tiếng, một chính trị gia được các vua chúa lúc bấy giờ tôn vào bực Thầy, một nhà bác học giỏi, là một thiên tài xưa nay hiếm có.

Trích tác phẩm DANH NHÂN THẾ GIỚI
của Trịnh Chuyết