Kinh nghiệm của cha I Nhã (Ignatio) là
một sự gặp gỡ giữa chính mình và Thiên Chúa, trong sâu xa thanh tịnh của cõi
lòng, nơi chúng ta cảm thấy bình an, vui sướng, tràn đầy sức sống và tình yêu,
là kinh nghiệm gặp Thiên Chúa và bắt đầu từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh
Ý và Tình Yêu của Ngài.
Lm. Julian Élizaldé Thành, SJ
Bị
bệnh gan nặng nhưng tâm hồn đầy thanh thản, bình yên, cha thánh I Nhã lìa đời
ngày 31 tháng 7 năm 1556 trong căn phòng tĩnh lặng chỉ có chính cha với Thiên
Chúa.
Lúc
sinh thời, cha I Nhã Loyola tha thiết ước mong đem đến cho mọi người tin mừng về
Thiên Chúa và để mọi người nhận biết rằng Thiên Chúa thương con người, đã sai
Con Một yêu dấu của Ngài làm người. Tin Mừng về Chúa Kitô bị đóng đinh chết và
sống lại để giải thoát, kêu gọi loài người trở về sự thánh thiện nguyên thủy và
mời gọi con người sống mãi với Thiên Chúa. Giáo Hội cũng chỉ loan báo tin mừng
này, nhưng cha I Nhã, dựa vào kinh nghiệm bản thân, có một phương thế đặc biệt
để giúp nhiều người nhận thấy Tin Mừng như một kinh nghiệm bản thân.
Chính
cha I Nhã có kinh nghiệm nhận thấy Thiên Chúa một cách sống động, thân tình,
không thể nghi ngờ được. Kinh nghiệm của cha I Nhã không phải là hình ảnh Chúa
hiện ra, hoặc nước mắt sốt sắng hay là một cảm giác lạ lùng khác mà là kinh
nghiệm nhận thấy Thiên Chúa hiện diện một cách yên lặng và thật gần gũi. Một
kinh nghiệm khác hẳn với lối suy tư và lý thuyết sâu xa về Thiên Chúa. Cũng
khác với lòng hăng hái dấn thân làm việc tông đồ, kinh nghiệm của cha là một sự
gặp gỡ giữa chính mình và Thiên Chúa, trong sâu xa thanh tịnh của cõi lòng, nơi
chúng ta cảm thấy bình an, vui sướng, tràn đầy sức sống và tình yêu, là kinh
nghiệm gặp Thiên Chúa và bắt đầu từ bỏ chính mình để nhường chỗ cho Thánh Ý và
Tình Yêu của Ngài.
Kinh
nghiệm này của thánh I Nhã bắt nguồn từ một vết thương ngài bị nơi đầu gối
trong một cuộc chiến xảy ra ở thành Pamplona vào năm 1521 giữa quân Pháp và
quân Tây Ban Nha. Lúc ấy, I Nhã là một sĩ quan rất trẻ và anh dũng của hoàng đế
Tây Ban Nha. I Nhã đã đôn đốc, nâng đỡ tích cực tinh thần binh sĩ của mình, một
lực lượng bé nhỏ, để kháng cự và đương đầu với quân Pháp đang bủa kín, bao vây
thành. Bị thương nặng, I Nhã trở về Loyola, nơi mà 30 năm trước, I Nhã, con út
của một đại chủ vùng Loyola (miền bắc Tây Ban Nha) chào đời. Trong suốt 6 tháng
trời dưỡng thương, I Nhã rất yếu, thập tử nhất sinh nhiều lần. Trôi theo tháng
ngày dưỡng bệnh, các kế hoạch cũ của I Nhã bắt đầu lung lay. I Nhã là một chàng
thanh niên hào hoa, khoáng đạt, tràn tinh thần hiệp sĩ, đầy tham vọng. Mặc dù
song thân muốn I Nhã trở thành linh mục nhưng I Nhã lại có kế hoạch khác: tham
vọng của I Nhã lớn lắm: I Nhã thích ăn chơi hơn là đọc kinh, lãnh nhận các bí
tích hoặc tuân giữ các giới răn của Chúa.
Ở
Loyola và Manresa, năm 1521 và 1522, I Nhã bắt đầu kết thân với Thiên Chúa.
Tình thân mới đã mở mắt I Nhã và, nhờ kinh nghiệm nội tâm, I Nhã bắt đầu hiểu
giá trị của các bí tích, lòng sùng kính Ðức Mẹ, mục đích các diều răn Thiên
Chúa. Ngay từ bước đầu trên đường về nhà Cha, Chúa Giêsu là hình ảnh vẹn toàn của
Chúa Cha đã giúp I Nhã hiểu tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian và chính
mình. Suốt cuộc sống, cha I Nhã luôn luôn biết tìm hiểu và cảm mến Thiên Chúa
mênh mông, bao la qua cử chỉ nho nhỏ, đơn sơ trong cuộc sống Chúa Giêsu. I Nhã
tìm thấy Thiên Chúa bằng cách tìm hiểu và thương mến bước theo chân Chúa Giêsu
Nazareth, con của Mẹ Maria. Ðức Mẹ dẫn I Nhã đến với Chúa Giêsu. Ðể kết thân với
Chúa Giêsu cũng như mỗi lần muốn đạt tới một ơn tối quan trọng (ba lời tâm sự
trong Tuần 1, lời tâm sự Hai Cờ Hiệu...) cha I Nhã đã khẩn cầu với Ðức Mẹ trước.
Năm
1524, I Nhã ngồi chung lớp với các trẻ em để học La ngữ và can đảm bắt đầu bước
trên đường trở thành linh mục. Muốn có một căn bản vững chắc về thần học, I Nhã
sang Ba-Lê là trung tâm văn hoá nổi danh nhất Âu Châu thời ấy và học đến năm
1535, I Nhã tốt nghiệp hai cấp bằng cử nhân triết học và cao học thần học. Sau
một năm chuẩn bị sốt sắng, ngài thụ phong linh mục và làm lễ mở tay năm 1536.
Cha I Nhã xác tín rằng mọi người đều có thể gặp Thiên Chúa một cách thân tình.
Cha dùng các khoá cấm phòng theo phương pháp Linh Thao để hướng dẫn các vị giám
mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân nam nữ. Trong các khoá Linh Thao, cha giúp họ mở
lòng lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Trong Linh Thao, họ trở về với Thiên
Chúa và bắt đầu bước theo Chúa Giêsu như người bạn đường chí ái.
Trong
số các thầy cùng học tại đại học Ba-Lê, có một nhóm nhỏ dấn thân theo cha I
Nhã. Năm năm sau, nhóm này thành lập dòng Tên (dòng Chúa Giêsu). Người thanh
niên hiệp sĩ, tự ái cao ngạo I Nhã xưa, nay bắt đầu theo chân Thầy, nghèo và
khiêm nhường. Dòng của cha I Nhã cũng theo nếp sống nghèo, khiêm nhường, xa quyền
thế ngoài đời và quyền thế trong Giáo Hội. Sinh ra trong một gia đình giàu có,
quý phái, quen biết với nhiều người có địa vị cao sang, cha I Nhã có thể được
phong chức cao trong Giáo Hội, nhưng ngài không bị ảnh hưởng của quyền thế cao
trọng, chức bậc giàu sang lôi cuốn. Cha luôn luôn theo Chúa Giêsu: nghèo và
khiêm nhường. Ðây là một nét của dòng Tên, hiện tại xem ra hơi thiếu. Có rất
nhiều hình thức quyền thế: tiền bạc, bằng cấp cao, thế lực chính trị, ảnh hưởng...
Chúng ta dễ bị tham quyền và lấy cớ cần một chút phương tiện và quyền thế mới để
có thể rao giảng Tin Mừng. Trong khi Chúa Giêsu chỉ sử dụng quyền của sự thật
và tình thương, và đã cứu chuộc chúng ta nhờ sự yếu đuối của thập giá.
Cha
I Nhã kính nể và thương mến Hội Thánh. Ngài luôn luôn phục vụ và bênh vực Hội
Thánh, nhất là trong thời các giáo phái Tin Lành cảm thấy bất mãn và tách khỏi
Giáo Hội Công Giáo. Năm 1540, Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận dòng Tên để
phục vụ Giáo Hội dưới quyền chỉ huy của Ðức Thánh Cha. Cha I Nhã luôn luôn muốn
phục vụ và sống trong lòng Giáo Hội (xem các nguyên tắc sống trong lòng Giáo Hội)
nhưng cha không chịu nịnh bợ những người cầm quyền trong Giáo Hội. Cha phục vụ
và thương mến Giáo Hội được Chúa Giêsu lựa chọn và sai đi để mang Tin Mừng cứu
rỗi đến mọi người. Ðối với cha I Nhã, các giáo dân, cũng như chủ chiên là nhiệm
thể của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu là đầu. Như thánh Phaolô, cha I Nhã tin rằng
Giáo Hội, nhờ Chúa Thánh Thần, là cô dâu duyên dáng, tinh tuyền, chung thủy của
Chúa Giêsu.
Vì
mến Giáo Hội và mong Giáo Hội chu toàn sứ mệnh đem Tin Mừng đến với nhân loại,
cha I Nhã luôn luôn mang tinh thần canh tân đến các cộng đoàn. Cha bị nhiều
linh mục và giáo sĩ nhìn với cặp mắt nghi ngờ, ghen ghét. Cha bị đại diện của
Giáo Hội bắt giam tù ở Alcala và Salamanca. Tại La Mã cha cũng bị vài giáo phẩm
cao cấp ghét thậm tệ. Trong tinh thần canh tân, cha I Nhã có nhiều sáng kiến mới.
Cha luôn luôn muốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách của đồng loại: năm 1538 cha mở
phòng ăn tại La Mã cho hàng trăm người nghèo ăn mỗi ngày để thoát nạn đói. Mở một
cư xá đặc biệt để đón nhận các cô gái hoang đàng, muốn trở về xây dựng lại cuộc
sống. Cha mở lớp huấn nghệ ngay trong thành phố và giúp họ chuẩn bị trở về với
đời để trở nên người đàng hoàng hữu ích. Cha mở cư xá cho người Do Thái và Hồi
Giáo muốn học đạo Công Giáo.
Cha
I Nhã có tinh thần uyển chuyển, đầy óc sáng tạo để đáp ứng với nhu cầu mới, đồng
thời ngài có một tinh thần sâu xa, vững chắc: nuôi dưỡng phát triển đời sống nội
tâm; xét mình, nguyện ngắm Kinh Thánh, sùng kính Ðức Mẹ, vâng phục Ðức Giáo
Hoàng, có tinh thần khó nghèo, lòng khiêm nhường. Trên hết, ngài muốn là bạn đồng
hành của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa và đáp lại các nhu cầu tinh thần của tha
nhân. (Trích ĐH 7-8/ 1984)
LM
Julian Élizaldé Thành, SJ