Mỗi Kitô hữu đều có những cái để từ bỏ,
nhưng cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái
tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, để được ngay từ bây giờ niềm vui an bình, và hạnh
phúc.
Có
một câu chuyện kể như sau:
Một
cô gái sống cô đơn trong căn nhà gỗ cạnh khu rừng. Một hôm, giữa lúc dạo chơi,
cô bỗng thấy hai chú chim non mất mẹ đang thoi thóp trong tổ trên một chạc cây.
Cô vội đem về nuôi trong một cái lồng rất đẹp. Tình thương của cô đã làm cho
hai chú chim non lớn nhanh và trổ mã. Mỗi sáng chúng cất tiếng líu lo chào đón
cô. Ngày kia, cô sơ ý để một chú chim sổ lồng. Không muốn tình yêu của cô bay mất,
nên cô vội chộp lấy chú chim bé bỏng. Cô sung sướng giữ chặt nó trong tay.
Nhưng khi nới lỏng tay ra cô mới bàng hoàng thấy con chim đã khép mắt lìa đời.
Cô
thẫn thờ nhìn con chim lẻ bạn còn lại trong lồng. Có lẽ nó cần được tự do bay
vút lên bầu trời trong xanh. Cô tiến đến chiếc lồng và nhẹ nhàng tung chú chim
lên cao. Nó lượn trên vai cô, hót vang những giai điệu thánh thót mà cô chưa một
lần được thưởng thức trong đời. Qua tiếng hót mượt mà diệu kỳ ấy, cô chợt hiểu
rằng cách nhanh nhất để đánh mất tình yêu là khi ta nắm giữ nó thật chặt. Trái
lại, để giữ mãi sự yêu thương thì ta phải ân cần trao cho cuộc tình một đôi
cánh tự do.
Cô
gái chỉ được lại niềm vui khi cô bằng lòng chịu mất đi chú chim bé bỏng. Vì hạnh
phúc của loài chim là được tung bay trên bầu trời, và niềm vui của con người là
được nghe tiếng chim thánh thót.
Bài
Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu cũng dạy: "Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy"
(Mt 16,25). Cần phải mất đi để được lại:
Người
Kitô hữu chỉ thực sự hạnh phúc khi dám mất đi cái tạm bợ để được lại cái vĩnh hằng,
dám mất đi cái mau qua để được lại trường tồn.
Người
Kitô hữu chỉ thực sự khôn ngoan khi sẵn lòng mất đi của cải phù vân để được lại
gia tài vĩnh cửu, mất đi sự sống hay chết để được lại sự sống đời đời.
Hiểu
được cái gì phải mất đi và cái gì sẽ được lại đã không phải là dễ dàng, mà sống
được điều đó lại càng khó khăn hơn. Ðâu phải dễ dàng từ bỏ những cái mình thân
thiết nhất, yêu quí nhất, những cái mình dày công kiếm tìm, theo đuổi. Ðâu phải
dễ dàng, để mất đi những thú vui, khoái lạc, thỏa mãn giác quan, đê mê thân
xác. Ðâu phải dễ dàng triệt tiêu cái tôi cao ngạo, tự mãn, tự tôn đã từng được
vuốt ve nuông chiều. Phải suy nghĩ cho thật nhiều, phải cầu nguyện cho thật
lâu, để sáng suốt nhận định về cái được, cái mất, cũng là để khỏi phải hối tiếc
khi đã quá muộn. Ðây hẳn là câu mà Ðức Giêsu đề nghị chúng ta suy nghĩ: Ai muốn
theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24). Theo Thầy
là vác thập giá mình mà theo lại không dễ chịu chút nào. Nếu thế, thì đây là một
đòi hỏi hết sức gắt gao, nghiêm túc không thể tùy hứng làm hay không làm. Vì
ngay sau đó, Ðức Giêsu đã cảnh báo: Người (Chúa Cha) sẽ thưởng phạt ai nấy xứng
việc họ làm (Mt 16,27).
Các
tông đồ đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa nên đã được gấp trăm cả đời này lẫn đời
sau. Các vị tử đạo đã từ bỏ sự sống ngắn ngủi, để được lại sự sống muôn đời.
Thánh Têrêsa đã từ bỏ cả tuổi thanh xuân nương mình trong chốn viện tu, để được
lại biết bao linh hồn nhờ lời cầu nguyện, hy sinh âm thầm. Augustino đã từ bỏ đời
sống xa hoa trụy lạc, để được lại một vị thánh giám mục khôn ngoan thánh thiện
lừng danh trong Giáo hội.
Mỗi
Kitô hữu đều có những cái để từ bỏ, nhưng cần thiết nhất và cũng khó khăn nhất
là phải từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi cao ngạo, ích kỷ, hưởng thụ, để được
ngay từ bây giờ niềm vui an bình, và hạnh phúc. Trên nỗi đau của từ bỏ chúng ta
thấy ý nghĩa ngọt ngào của sự hy sinh, hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của
thiên đàng. Baeteman nói: "Khi hy sinh dâng lên cao thì hồng ân đổ xuống
nhiều".
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con
biết cái gì cần phải mất đi, cái gì cần phải từ bỏ, để chúng con được nhẹ nhàng
bước theo Chúa trọn con đường mà Chúa muốn chúng con đi. Xin cho chúng con
trung thành theo Chúa đến cùng, cho dù là chông gai, đau khổ, vì chỉ có Chúa mới
là cùng đích cuộc đời chúng con, Amen .
snhn