CHÚA NHẬT
XIV QUANH NĂM C
Is 66,10-14;
Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20
I.
Giáo
Huấn Phúc Âm:
Môn đệ là người được Chúa chọn và sai
đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân.
Truyền giáo phải theo qui luật truyền
giáo như:
-
Môn đệ không là nhân vật chính, nhưng là
người đi trước để chuẩn bị cho Chúa đến sau. Tất cả là vì Chúa và cho Chúa, Đấng
Cứu Thế.
-
Giảng Tin Mừng là giảng về “Triều đại Thiên
Chúa đã đến gần!” Môn đệ chỉ giảng về Chúa thôi. Việc Chúa đến là tin mừng, là
niềm vui cho muôn người.
-
Không độc quyền làm chủ việc rao truyền Tin
Mừng: Chia sẻ với đồng nghiệp. Đó là nhiệm vụ chung. Tin mừng là của Chúa, để
rao truyền về Chúa, chứ không của riêng cá nhân nào.
-
Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng:
Không cần cụ bị hay dự trù hành trang cồng kềnh. Chúa không quên ơn và cũng
không để những ai làm việc cho Ngài phải thiếu thốn.
-
Đừng chào hỏi ai dọc đường. Không nên để mất
thời giờ vào những giao tế không cần thiết. Bao nhiêu người khác đang cần nghe
Lời Chúa, vì “lúa chín đầy đồng!”
-
Cuộc đời truyền giáo đầy khó khăn. Nhưng sẽ
thành công vì luôn có Chúa đồng hành.
II.
Vấn
nạn Phúc Âm
Khó tìm thấy một nối kết nào giữa bài
đọc I, bài trích sách Tiên Tri Isaia chương 66.10-14 và bài Phúc Âm thánh Luca
hôm nay?
Isaia được kêu gọi làm tiên tri năm
742 trước công nguyên. Ông thi hành sứ mạng tiên tri qua ba triều đại: Jotham,
Achaz và Ezechia. Dưới thời vua Achaz, thời chính trị Israel yếu kém
và sợ sự lấn chiếm của ngoại bang. Isaia tiên báo về Đấng Emmanuel ra đời trong
chương 7. 3-14. Đấng Emmanuel đến sẽ ban bình an cho muôn dân. Emmanuel là tên
Chúa Giêsu và có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Nên trong Phúc Âm Luca hôm nay Chúa dặn
môn đệ trước khi đi truyền giáo “Vào bất cừ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình
an cho nhà này!” Đây là câu chào hỏi, câu chúc lành và cũng là lời tuyên bố là:
Chúa đến! Bình an là Chúa! Chúc bình an là cầu Chúa đến hiển trị.
Nên các môn đệ đi truyền giáo là mang
Chúa đến mọi tâm hồn, cũng giống như tiên tri Isaia trong Cựu Ước đã tuyên bố về
Đấng Emmanuel sẽ đến, tức Đấng mang bình an, yên ủi và là thời giải phóng và thời
khải hoàn cho dân Chúa.
Trong Cựu Ước, tiên tri là những sứ
ngôn của Chúa được Chúa chọn để chuẩn bị cho mọi người đón nhận Chúa là Đấng
Emmanuel, Đấng Bình an và mang niềm vui hạnh phúc cho muôn nhà. Trong Tân Ước,
chính Đấng Emmanuel sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, chuẩn bị cho dân
chúng đón Đấng ban Bình an, giải thoát và hạnh phúc cho con người.
Qui luật truyền giáo:
Ai là người ra những qui luật hay
nguyên tắc về truyền giáo?
Thưa chính Chúa Giêsu, bản thân Ngài
là Đấng được sai đi, Ngài là Đấng Messiah, là sứ giả của Thiên Chúa, là con Trời
được sai xuống trần để thi hành sứ mạng cứu đời. Ngài là nhà truyền giáo tiên
khởi. Chỉ mình Ngài mới có khả năng và có quyền ra những qui luật truyền giáo.
Qui luật truyền giáo được nhà truyền
giáo Giêsu thiết lập có những điểm chính như sau:
-
Môn
đệ Chúa là người được Chúa chọn và sai đi truyền giáo.
Nên không ai có quyền tự cho mình là môn đệ Chúa và tự động đi truyền đạo. Chúa
chọn và Chúa sai đi. Trong sách tiên tri Isaia chương 61.1 và Phúc Âm Luca
chương 4.18 đều nói về “Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người
nghèo khổ và tuyên bố năm hồng ân cho kẻ bị giam cầm..”
-
Truyền
giáo là đi trước để chuẩn bị cho người ta đón rước Chúa.
Chúa là nhân vật chính, là Đấng Cứu Thế. Nên truyền giáo là giảng về Chúa và giảng
Tin Mừng rằng: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần! Hãy nhớ lời Thánh Phaolô trong
thư gửi Giáo Đoàn Corintô chương 3.5-9 “Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là
những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa
ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế,
kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên,
mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao
theo công khó của mình. Thật vậy, chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh
em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên”
-
Tin
tưởng phó thác vào tình yêu thương và ơn huệ đặc biệt dành cho người truyền
giáo: Đừng để mình trở nên cồng kềnh, hay quá bận bịu với những
trang bị vật chất hay những giao tế và những gắn bó tình cảm như chào hỏi, kết
thân làm quen, nhận họ hàng nhưng phải chú trọng đến việc mang Chúa hay Tin Mừng
đến cho mọi người “Bình an cho nhà nầy! và giảng về “Triều Đại Nước Thiên Chúa
đã đến gần!”
-
Tính
đơn sơ “ăn những gì người ta dọn!” Nếp sống đơn giản “đừng mang theo
túi tiền, bao bị, giày dép” sẽ là một minh chứng về sứ mệnh tông đồ của mình:
Tông đồ được chọn và được sai đi. Không đòi hỏi, nhưng chấp nhận những gì được
chiêu đãi. Tính đơn sơ và nếp sống nghèo hèn đơn giản sẽ làm cho dân chúng mộ mến,
tin tưởng và rộng rãi với người tông đồ.
-
Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Tông đồ
Chúa không được “shop around” để cân đo, so tính xem chỗ nào “ngon” hơn hay tiện
nghi hơn và quyết định “đóng đô” nơi ngon lành nhất. Nếu làm như thế sẽ gây sự
buồn phiền mặc cảm cho những gia đình nghèo. Họ sẽ không bao giờ được phúc đón
vị tông đồ của Chúa. Tông đồ Chúa không
so đó, chọn lựa, nhưng chấp nhận và vui lòng với những gì mình có hay mình được
tiếp đón.
-
Lúa chin đầy đồng: Cánh đồng truyền giáo
mênh mông, hàng triệu người cần nghe rao giảng tin mừng. Đừng để Tin Mừng Chúa
bị giới hạn trong một làng, một thị trấn hay một khu vực nào đó. Tin mừng Chúa
là niềm vui, là bình an, là chính Chúa cần được mang đi khắp nơi. Việc rao giảng Tin Mừng cần phải san
sẻ cho người khác. Từng hai người một hay từng 10 người, từng
100 người đều có nhiệm vụ rao giảng tin mừng. Tin mừng không có “copy right”
hay giữ bản quyền.
Nhà truyền giáo sẽ gặp nhiều chông gai
như chiên được sai vào giữa đàn sói. Nhưng rồi “cả ma quỉ cũng phải khuất phục
chúng con!” Có khó khăn, có thử thách, có chết chóc… nhưng “tên anh em đã được
ghi trên trời” Đó là phần thưởng bội hậu dành cho người rao giảng Tin Mừng
Chúa.
Có những linh mục đang tuổi hoạt động
nhưng không thấy ở trong nhà xứ và cũng không thi hành công tác mục vụ gì cả,
nghĩa là thế nào?
Thật sự không ai có thể trả lời thỏa
đáng: tại sao một linh mục đang tuổi làm việc mà lại “bị thất nghiệp” trừ chính
đương sự và Đức Giám Mục hay Bề Trên của đương sự. Tôi xin áp dụng bài phúc âm
hôm nay để nói là vị tông đồ nầy đã không được sai đi thi hành nhiệm vụ truyền
giáo. Tại sao?
Có thể linh mục nầy vì lý do gì đó đã
không sống và làm việc trong địa phận mình nhập tịch. Linh mục phải có địa phận
gọi là linh mục địa phận hay dòng tu gọi là linh mục dòng theo như điều 265
trong Giáo Luật: “Bất cứ giáo sĩ nào cũng
phải nhập tịch hoặc vào một Giáo Hội địa phương hoặc vào một phủ Giám Chức tòng
nhân hoặc vào một Dòng tu nào hoặc vào một Tu đoàn hưởng năng quyền ấy; bởi đó,
tuyệt đối không chấp nhận các giáo sĩ không có Bề Trên hoặc lang thang.”
Nên có thể linh mục nầy đang lang
thang chăng? Như trường hợp một số linh mục rời Việt Nam sang định cư bên Mỹ theo diện
HO. và chưa nhập hay bị từ chối nhập tịch một địa phận bên nầy. Trường hợp như
thế, vị linh mục nầy vẫn có thể làm lễ riêng và chỉ được ban Bí Tích Xức Dầu bệnh
nhân trong trường hợp nguy tử. Còn những công tác mục vụ công khai khác thì
không được phép vì không có năng quyền do Giám Mục địa phương ban. Chúng ta có
thể nói một cách cho dễ hiểu giống như một sinh viên tốt nghiệp y khoa, có khả
năng khám bệnh, nhưng không ai mướn thì làm sao thi hành khả năng “bác sĩ” mình
đang có. Vị bác sĩ “thất nghiệp” nầy không thể ngang nhiên tới nhà thương đưa bằng
Bác sĩ và khám bệnh được. Ông có thể thực hiện khả năng bác sĩ của mình trong
trường hợp một bệnh nhân nguy tử khi không sao tìm thấy y tá hay bác sĩ.
Có một điều cần biết về chức thánh
linh mục và bài sai hay năng quyền. Sau khi được phong chức linh mục, vị tân
linh mục là linh mục đời đời. Tuy nhiên không có nghĩa là vị linh mục nầy có
quyền làm tất cả mọi bí tích và mọi công tác mục vụ trên toàn thế giới. Thánh
chức ban cho linh mục được quyền dâng lễ. Bài sai của Đức Giám Mục mới cho linh
mục năng quyền dâng lễ công khai nơi mình được bổ nhiệm cũng như ban bí tích và
thi hành công tác mục vụ. Vị linh mục “thất nghiệp” nầy không thể đến một nhà
thờ nào đó, đưa thẻ linh mục và làm lễ hay cử hành bí tích công khai. Chiên nào
cũng có đàn và có chuồng cũng như có chủ chiên. Chủ chiên là người được sai, tức
người đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Chúa là chủ chiên mà cũng là cửa chuồng
chiên. Giám Mục là chủ chiên và cũng là cửa chuồng chiên giáo phận. Phải có
“bài sai” mới có năng quyền thi hành nhiệm vụ chủ chăn.
III.
Thực
hành Phúc Âm:
Nếp sống đơn giản ít tốn kém và rất tự
do
Tôi có dịp nhận ra nhiều trói buộc do
tính thiếu đơn giản của bản thân:
Tôi thích uống Iced-Cap, nó giống như
loại cà phê sữa đá của Việt Nam
mình. Nên khi lái xe, tôi phải đảo mắt tìm chỗ bán Iced-Cap. Nhiều khi tôi phải
đánh vài vòng mới tìm ra quán cà-phê có Iced-Cap. Khi có được ly Iced-cap to tướng
trong xe, tôi cứ phải bận bịu thưởng thức chầm chậm từng ngụm càphê lạnh nầy. Nếu
uống chưa xong trên xe thì tôi phải mang Iced-Cap theo. Tôi vất vả với túi
xách, với áo khoác, với những dụng cụ linh tinh khác và với Iced-Cap. Vào phòng
họp hay nơi làm việc, tôi tiếp tục thưởng thức từng ngụm càphê lạnh… Nhiều khi
bận vướng quá nhiều chuyện, tôi làm đổ ly Cà-Phê hay phải tìm chỗ có thùng rác
để vất ly Iced-Cap rỗng. Công việc không tập trung được vì ly cà-phê.
Đúng là mình lệ thuộc vào những chuyện
không cần thiết. Tôi đã tự tạo cho mình nếp sống bề bộn, thiếu đơn giản nầy. Nước
lạnh là thức uống tốt nhất cho sức khỏe, cho việc thanh lọc thân thể mà lại rẻ
tiền. Từ trước, tôi chỉ uống nước lạnh và uống trước khi vào làm việc. Nhưng
khi chạy theo “mode” uống Iced-Cap, tôi tự làm cho mình lệ thuộc, mất tự do và
tốn kém.
Đức Thánh Cha Phanxicô càng ngày càng
được toàn thế giới ngưỡng mộ vì tính đơn sơ và đơn giản của Ngài. Ngài không có
nhiều đồ đạc phải di chuyển từ Á Căn Đình tới Rôma. Tài sản của Ngài là người
nghèo. Người nghèo thì nhiều vô kể và ở mọi nơi. Nên ở tại Rôma Ngài có đủ người
nghèo để làm tài sản cho mình.
Khi còn làm Hồng Y Tổng Giám Mục ở Á
Căn Đình, cứ cuối tháng là Ngài mang 30 cọng dây thun tới trao cho người giao
báo. Đây là những dây thun cột gói báo trao cho Ngài mỗi sáng. Ngài cám ơn người
giao báo và giữ những cọng dây thun rẻ tiền nầy nhằm tiết kiệm chút ít cho người
lao động.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm
về tính thiếu đơn giản và nếp sống cồng kềnh bề bộn của mình. Chuẩn bị hành
trang cho một chuyến đi là chuyện khó làm cho người sống thiếu đơn giản. Nhiều khi chúng ta hiểu lầm là càng
mua sắm nhiều vật dụng là càng tiện nghi và sung túc. Không đâu! Càng tạo nhiều
nhu cầu bản thân là càng lệ thuộc và tốn kém.
Tôi có kinh nghiệm về sự thuyên chuyển
nhiều trong đời linh mục. Nên chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết cho bản
thân và cho công việc. Càng nhiều, càng tốn kém, càng mất giờ và nhiều khi phí
phạm vì không cần đến. Dù sao, cuộc đời nầy cũng là một hành trình và mọi người
đều được kêu gọi và sai đi truyền giáo, sai đi rao giảng tin mừng. Người ta chỉ
mừng khi thấy một người đơn sơ, có nếp sống đơn giản hơn là một người quá bận bịu
với quá nhiều thứ nhu cầu cá nhân, bề bộn với những bận vướng gia đình hay chuyện
riêng tư. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… vì thợ đáng ăn lương mà!