Người có biệt tài khuyên nhủ và an ủi
Thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa
Thánh Thần. Thái độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu
và đại lượng.
Hôm nay, Giáo Hội kính
nhớ Thánh Barnaba Tông đồ. Là một người Do Thái sinh trưởng tại đảo Sýp vào khởi
đầu của đạo Kitô, Barnaba có tên là Giuse, thuộc dòng tộc Lêvi. Có lẽ thánh
nhân từng sống tại Giêrusalem trước khi Chúa Giêsu chịu tử nạn. Vì nhiệt tình
và sự thành công trong công tác rao giảng, cho nên thánh nhân được các thánh
tông đồ tặng cho biệt hiệu là Barnaba, nghĩa là "người con có biệt tài
khuyên nhủ hay an ủi". Sau khi trở lại, thánh Phaolô đến Giêrusalem, nhưng
cộng đoàn tín hữu tại đây vẫn còn ngờ vực thiện chí của ngài.
Chính Thánh Barnaba là
người đứng ra bảo đảm và giới thiệu Thánh Phaolô với các Tông đồ, nhưng sau đó
Thánh Phaolô lui về ẩn dật trong nhà ngài tại Tácxô trong nhiều năm và Barnaba
vẫn ở lại Giêrusalem. Sau này, các Thánh Tông đồ sai Barnaba đến Antiokia để điều
tra về sự thành công của Thánh Phaolô trong công tác rao giảng Tin Mừng cho dân
ngoại, Barnaba đã nhận ra ngay ơn Chúa trong công việc của Thánh Phaolô. Ðây là
lý do để nối kết 2 người lại với nhau trong cánh đồng truyền giáo của dân ngoại.
Cả hai sát cánh bên nhau tại Antiokia trong vòng một năm. Một trận đói lớn đã
tàn phá Giêrusalem, Barnaba và Phaolô đã quyên góp để mang về Giêrusalem cứu trợ.
Sau công tác này, cả hai trở về Antiokia và mang theo một người bà con họ hàng
với Barnaba là Marcô, vị thánh sử tương lai.
Từ Antiokia, cùng với
Marcô, Barnaba và Phaolô lên đường đi đến đảo Sýp, quê hương của Barnaba và từ
đó sang Tiểu Á. Tại một trạm đầu tiên ở Tiểu Á, Marcô đã chia tay với Barnaba
và Phaolô. Barnaba và Phaolô bắt đầu những trạm truyền giáo cam go nhất. Mỗi một
bước đi là mỗi một lần bị chống đối và bách hại từ phía những người Do Thái. Những
người này cũng xúi giục dân ngoại chống lại các vị Tông đồ.
Tại Líttra, sau khi
Thánh Phaolô chữa lành một người tàn tật, dân thành xem các ngài như những vị
thần. Họ định giết bò để tế cho các ngài nhưng liền sau đó bị người Do Thái xúi
giục họ lại quay ra tấn công hai ngài. Riêng Thánh Phaolô bị gây thương tích.
Dù bị chống đối và bách hại, hai vị Tông đồ vẫn hoán cải được nhiều người cũng
như tổ chức được giáo đoàn. Bị người Do Thái và dân ngoại chống đối và bách hại,
Barnaba và Phaolô còn gặp khó khăn ngay cả từ phía cộng đoàn Giêrusalem. Vấn đề
xoay quanh việc có nên cắt bì cho dân ngoại không. Hai vị thánh này đã tranh đấu
và cuối cùng đã tìm được giải pháp trong cộng đoàn Giêrusalem.
Về sau, trong chuyến
đi trở lại để viếng thăm các cộng đoàn, Barnaba và Phaolô đã chia tay nhau mỗi
người một ngã. Barnaba đi với Marcô đến Sýp; Thánh Phaolô cùng với một người
môn đệ tên là Xila trở lại Tiểu Á. Những năm tháng còn lại của Barnaba không
còn được nhắc đến nữa. Nhưng cũng như Thánh Phaolô, Thánh Barnaba vừa rao giảng
Tin Mừng vừa tự lực cánh sinh. Khi Thánh Phaolô bị giam tại Rôma, Marcô đã trở
thành môn đệ của ngài. Ðiều này cho thấy rằng Barnaba không còn nữa.
Theo truyền thuyết,
Thánh Barnaba là vị giám mục đầu tiên của thành Milanô. Dù thế nào đi nữa, tất
cả mọi truyền thuyết đều gặp nhau trong cùng một điểm là xem Barnaba như con
người được mến chuộng nhất trong thế hệ Kitô đầu tiên. Trong sách Công vụ Tông
đồ, thánh sử Luca gọi ngài là một con người tốt, đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thái
độ của ngài đối với thánh Marcô chứng tỏ một trái tim nhân hậu và đại lượng.