Sống đức tin _ niềm tin có sức đổi mới

Vinh quang của các vị tử đạo
là dấu chỉ về một cuộc tái sinh
Người ta đã nghiền nát các ngài một cách tàn bạo. Thật khủng khiếp, nhưng cũng đầy ý nghĩa, vì sự tàn bạo đó ai cũng thấy là đã làm phát sinh những động lực mạnh mẽ khiến hình thành một dân mới – mới về phương diện đạo đức.  
 Trích bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI
trong lễ phong thánh các vị tử đạo U-găng-đa

Các vị tử đạo Phi châu này đã thêm một trang mới vào Danh bộ Các Thánh Tử Đạo, vào cuốn sổ ghi tên những người chiến thắng. Trang sách đó cho thấy những sự việc vừa bi thảm, lại vừa cao đẹp. Chúng tôi coi đó là trang sử xứng đáng tiếp nối những bài tường thuật hiển hách về châu Phi ngày xưa. Chúng ta, những con người của thời đại hôm nay, những người kém lòng tin, chúng ta vẫn tưởng rằng sẽ không bao giờ lại có những trang sử hùng tráng như xưa.
Thánh Âu-tinh và nhà thơ Pơ-ru-đen-xi-ô đã kể lại những thành tích đầy xúc động của các vị tử đạo ở Si-li-um, ở Các-tha-gô, và của các vị tử đạo trong “Đoàn Người Trắng thành U-ti-ca” (300 vị chết trong hầm vôi đang sôi). Thánh Gio-an Kim Khẩu thì hết lời tán dương các vị tử đạo Ai-cập. Những thành tích của tất cả các vị vừa được nhắc đến cùng với thành tích của các vị tử đạo trong cuộc bách hại của những người Văng-đan xưa, ai có thể ngờ rằng thời nay lại được tiếp nối bởi những câu chuyện không kém nét hào hùng, không kém phần hiển hách.
Phi châu ngày xưa có các vị tử đạo và các bậc chứng nhân đức tin, những nhân vật nghìn năm không quên như thánh Síp-ri-a-nô, thánh Phê-li-xi-ta, thánh Pe-pê-tua, và nhất là thánh cả Âu-tinh. Trước đây, ai có thể tiên đoán rằng sau các vị đó sẽ có ngày chúng ta còn được kể thêm danh tánh rất thân thương của thánh Ca-rô-lô Loan-ga, thánh Mát-thi-a Mulumba, thánh Calemba và hai mươi đồng bạn tử đạo. Cả những vị thuộc Giáo hội Anh giáo đã chịu chết vì danh Đức Ki-tô cũng cần phải được nêu danh nữa.
Các thánh tử đạo Phi châu nói đây đã mở đầu một kỷ nguyên mới, không phải là kỷ nguyên bách hại và tranh chấp, nhưng là kỷ nguyên tái sinh về cả hai mặt đạo cũng như đời.
Phi châu đã được tưới gội bằng máu của các vị tử đạo mới này, những vị tử đạo đầu tiên trong kỷ nguyên chúng ta – ước chi cũng là những vị cuối cùng, vì lễ toàn thiêu của các ngài cao quý và đắt giá biết bao! – Phi châu đã được tự do và độc lập. Quả thật, Phi châu đang tái sinh.
Người ta đã nghiền nát các ngài một cách tàn bạo. Thật khủng khiếp, nhưng cũng đầy ý nghĩa, vì sự tàn bạo đó ai cũng thấy là đã làm phát sinh những động lực mạnh mẽ khiến hình thành một dân mới – mới về phương diện đạo đức -. Một nếp sống tinh thần mới phải được kiến tạo để truyền lại cho hậu thế. Nếp sống đó phải là một biển tượng nói lên sự chuyển biến và phải chuyển biến thật sự. Trước đây là một lối sống đơn sơ mộc mạc, tuy không thiếu những giá trị nhân bản đáng quý, nhưng người ta lại bị ràng buộc trong tình trạng nô lệ chính mình, khiến cho lối sống đó không còn đáng trọng, không đứng vững được nữa, nay phải bước qua một nền văn minh hướng tới những biểu lộ cao quý nhất của tinh thần con người, tới những hình thái thượng đẳng của cuộc sống xã hội.