Con người hiện đại
không thể chỉ nghĩ cho mình
không thể chỉ nghĩ cho mình
Đằng sau những trang viết của ông
luôn có một người ngồi ngẫm ngợi và thoáng cười hiền chấp nhận mọi kẻ khác
mình.
Cuộc ra mắt tiểu thuyết Hồ Quý Ly vẫn sóng
gió dù Nguyễn Xuân Khánh không phải người đầu tiên công bố một quan điểm lịch sử
khác bằng văn học. Trước đó, Nguyễn Huy Thiệp đã ngất ngây với đòn dư luận vì
Vàng lửa, Phẩm tiết dám nhìn lại những ngụy triều, những anh hùng. Ngất ngây vì
cạnh cơn giận sôi người của đám đông phản đối còn có cả những người đỏ mặt tía
tai để ủng hộ. “Tôi chỉ im lặng”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhớ lại.
Mất
tích gần 30 năm
Hồ Quý Ly được tái bản, ông Khánh vẫn tiếp
tục im lặng. Tiếp theo, cuốn tiểu thuyết được giải thưởng Hội Nhà văn. Tới giờ
tác phẩm đã được tái bản lần thứ 11, ông không im lặng nữa mà… bênh những người
đã phản đối mình. Ông nói đại ý hồi đó người ta phản đối vì không dễ chấp nhận
ý thức thay đổi, ý thức khác nhất là về một kẻ luôn bị coi như ngụy triều. Tôn
vinh lại là điều khó. Ngay cả bây giờ, khi thành nhà Hồ “hoành tráng” với danh
hiệu di sản văn hóa thế giới, nhận định về vương triều này đã thay đổi, thay vì
đắc ý, ông vẫn chấp nhận sự khác biệt muốn bóp chết mình ngày nào. “Không phải chỉ tôn trọng mình, còn phải tôn
trọng cả tha nhân. Ở Việt Nam
cái chấp nhận người khác mình còn khó lắm”, ông nhìn nhận.
Cũng vì cái khó khăn ấy mà ông đã mất tích
trên văn đàn gần 30 năm, sau một biến cố về nhận thức. 30 năm quả là dài. Nó sẽ
còn dài hơn khi không được viết, ông khó kiếm tiền. “Nói chung mọi người cũng khổ. Tôi hơi khổ hơn vì con tận bốn đứa mà
toàn con giai cả. Ăn thì như thuồng luồng”, ông nhớ lại thời bị cấm viết đủ
thứ, may mà còn được dịch. Việc dịch cũng nhờ người bạn là ông Phạm Toàn mang tới
cho. Cùng với Trần Dần, Dương Tường, ông nhận bản tiếng Anh của Viện Thông tin
rồi dịch sang tiếng Việt. Sách dịch khó hai đường. Ngoại ngữ khó, hiểu biết
chuyên môn khó. Chuyên gia lắm khi cũng chịu, thế nên sách mới tới tay các ông.
Dịch nhiều mảng, trong khi ông vốn được đào tạo từ trường Y khoa, và trước đó
là tú tài toán. “Dịch là học, cô thấy
không?”, ông nói.
Cái
khuynh hướng của tôi khác. Tôi không đi tìm hình thức mà chủ yếu là vấn đề, suy
tư của dân tộc mình là chủ yếu
Cuộc đời ông là những cuộc tự học nối tự học
dài đằng đẵng. Mới 13-14 tuổi đầu, cậu bé Hà Nội vốn đi học muộn khi đó đã va
vào chiến tranh, tản cư mất gần 2 năm. Tới lúc hồi cư về Hà Nội, ông học tranh
học cướp thời gian, học sao cho thật nhanh. Sợ phải kéo dài thì sự chậm càng chậm,
ông học một năm hai lớp, thậm chí có năm ba lớp. “Thường mỗi năm học 2 hoặc hơn 2 lớp. Liên tục học, ngày xưa gọi là học
gạo. Tôi học nhanh chóng đuổi năm tháng bị mất. Lâu dần thành thói quen tự học.
Nếu chỉ dựa vào thầy thì coi như vứt đi rồi. Đến năm 1951 tôi vào Đại học Y. Học
2 năm thì đi bộ đội”, nhà văn nhớ lại.
“Chấp nhận sự khác mình là rất khó”
TS Phạm Xuân Thạch cho rằng con người trong
thế giới của Nguyễn Xuân Khánh bị trói buộc trong muôn vàn mối quan hệ. Vì thế,
họ nhiều khi không thể hành động dứt khoát theo một ý thức hệ hoặc theo một lựa
chọn chính trị nào. Ông có được cái nhìn khác về “cái làng Việt Nam” giữa những
sóng gió của lịch sử, nơi thường trực dao động giữa những lực đối kháng và hòa
giải. Hơn thế nữa, ngay cả những đối kháng, xung đột trong tiểu thuyết của Nguyễn
Xuân Khánh cũng không chịu một lực tác động mang tính ý thức hệ duy nhất.
Với văn học, ông đã từ trung tâm bị văng ra
ngoại biên rồi lại từng bước được tái khẳng định trong văn học trung tâm. Trong
những tác phẩm (đã được chính thức thừa nhận bằng giải thưởng) của ông, theo TS
Phạm Xuân Thạch, cốt lõi luôn có “xung đột
giữa những lời giải cho một câu hỏi: điều gì là tốt cho dân tộc Việt”. Tinh
thần dân tộc chủ nghĩa chính là yếu tố mang tính ý thức hệ bền vững nhất trong
các tiểu thuyết lịch sử của ông. Nó hướng mãi tới sự chấp nhận đa dạng để khẳng
định bản lĩnh dân tộc trong đối đầu với cả cái ngoại lai lẫn xung đột nội tại.
Liệu có phải sự đa chiều trong nhìn nhận sự
vật, con người bắt đầu từ quan điểm chấp nhận đa dạng của ông hay không? Làm
sao ông có thể bước qua sóng gió mà vẫn thong dong, trong làn văn không một mảy
may chua chát? “Nói chung lại là, phải
nói thế này, chế độ của mình có cái rất đẹp, có cái không được. Chúng tôi bỏ tất
cả đi theo cách mạng thì làm sao oán hận được. Trong cuộc đổi thay ghê gớm đến
như thế chắc chắn sẽ có những không bình thường sẽ xảy ra”, ông nói.
Trong cuộc trải nghiệm của mình, tới khi thể
hiện bằng văn bản, ông lúc nào cũng thấu hết mà vẫn thong thả như thế. Không thể
tìm thấy một câu văn trau chuốt, duy mỹ, sướng tê người qua cả ba tiểu thuyết
đã được giải thưởng của ông (Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa). Bù
lại, không khí - nền văn hóa tổng thể của những thân phận lại hút người đọc.
Ông tự nhận: “Cái khuynh hướng của tôi
khác. Tôi không đi tìm hình thức mà chủ yếu là vấn đề, suy tư của dân tộc mình
là chủ yếu”.
Vấn đề của dân tộc theo ông vẫn là chuyện vốn
văn hóa. Nói như cụ Phan Châu Trinh xưa là khai dân trí. “Các cụ tìm điểm đó đúng. Nên cái căn bản vẫn là chuyện triết lý giáo dục.
Phải đào tạo người độc lập sáng tạo chứ không phải đào tạo người chủ yếu nghe”,
nhà văn ngoài 80 vẫn đọc sách ngày 3 tiếng buổi tối nói.
Học, tự học, khai dân trí như ông muốn để cuối
cùng vẫn là có lối sống hiện đại. “Tôi viết
Đội gạo lên chùa do có cảm tình với đạo Phật, sự Từ- Bi- Hỷ- Xả. Tôi nói tới đạo
Phật là chuyện lối sống chứ không phải chuyện đi tu. Lối sống Phật giáo hợp với
xã hội hiện đại bởi nó tôn trọng cả thân xác con người. Lối sống ấy cùng cực
tôn trọng mình và tôn trọng cả tha nhân (người khác) nữa. Chứ con người hiện đại
không hề là con người chỉ nghĩ cho mình”, ông nói.
“Tôn trọng khác hẳn mặc kệ. Tôn trọng là trong
bản thân mình mình trân trọng người ta. Nó khác hẳn chuyện muốn làm gì kệ ông.
Văn hóa chấp nhận sự khác mình là rất khó ở cái nước Việt Nam này. Vì triết
lý kiểu ta là độc tôn, cái đó là không chấp nhận”,
Nguyễn Xuân Khánh nói.