Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Hiện Xuống (lễ vọng)

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
LỄ VỌNG
St 11,1-9; Rm 8,22-27; Ga 7,37-39
BÀI ĐỌC I: St 11,1-9
                1 Thuở ấy, mọi người đều nói một thứ tiếng và dùng những từ như nhau. 2 Trong khi di chuyển ở phía đông, họ tìm thấy một đồng bằng ở đất Sin-a và định cư tại đó. 3 Họ bảo nhau: "Nào! Ta đúc gạch và lấy lửa mà nung! " Họ dùng gạch thay vì đá và lấy nhựa đen làm hồ. 4 Họ nói: "Nào! Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời. Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng, để khỏi bị phân tán trên khắp mặt đất.”
5 Đức Chúa xuống xem thành và tháp con cái loài người đang xây. 6 Đức Chúa phán: "Đây, tất cả chúng nó họp thành một dân, nói một thứ tiếng. Chúng mới khởi công mà đã như thế thì từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. 7 Nào! Ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn, khiến chúng không ai hiểu ai nữa.”8 Thế là Đức Chúa phân tán họ từ chỗ đó ra khắp nơi trên mặt đất, và họ phải thôi không xây thành phố nữa. 9 Bởi vậy, người ta đặt tên cho thành ấy là Ba-ben, vì tại đó, Đức Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của mọi người trên mặt đất, và cũng từ chỗ đó, Đức Chúa đã phân tán họ ra khắp nơi trên mặt đất.
ĐÁP CA: Tv 103
Đ. Lạy Chúa, xin gởi Thần Khí tới và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này. (x. c 30)
1 Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Áo Ngài mặc: toàn oai phong lẫm liệt,2a cẩm bào Ngài khoác: muôn vạn ánh hào quang.
24 Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng!Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. 35c Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!
27 Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn. 28 Ngài ban xuống, chúng lượm về, Ngài mở tay, chúng thoả thuê ơn phước.
Ngài lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. 30 Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên,và Ngài đổi mới mặt đất này.
BÀI ĐỌC II: Rm 8,22-27
            22 Thưa anh em, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. 24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.
26 Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. 27 Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG.
Hall-Hall: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài. Hall.
TIN MỪNG: Ga 7,37-39
            37 Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: 38 "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.”  39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.

CHÚA THÁNH THẦN GIÚP DÂN CHÚA
HOÀN TẤT THÁP BABEL MỚI
            Dựa vào các Bài Kinh Thánh chúng ta mới được nghe trong Thánh Lễ hôm nay, Hội Thánh muốn ta hiểu và tiếp tay với sứ mệnh của Chúa Thánh Thần, vì:
-         Chúa Thánh Thần giúp Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giêsu.
-         Mỗi khi chúng ta dự Thánh Lễ, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cùng nhau hoàn tất tháp Babel mới.
1/ Chúa Thánh Thần giúp Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giêsu.
            Thánh Phaolô nói: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng Chúa Thánh Thần cầu nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,26: Bài đọc II).
            Thánh Gioan ghi nhận ý của Đức Giêsu nói: “Ai tin vào tôi, người ấy được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, khi tôi được tôn vinh” (Ga 7,39: Tin Mừng). Mà Đức Giêsu được Chúa Cha tôn vinh khi Ngài vâng theo ý Chúa Cha, tự hiến mạng sống mình vì yêu cứu nhân loại, làm của lễ dâng Chúa Cha (x. Ga 12,23. 27-28; Pl 2,6-11).
            Những chứng từ trên đây cho chúng ta xác tín rằng: Mỗi khi chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ - lúc Đức Giêsu được tôn vinh – là chúng ta được Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, Ngài cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng tiếng rên xiết khôn tả, như Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Đức Giêsu trước giờ Tử Nạn, giờ bị cám dỗ: Tâm hồn Đức Giêsu xao xuyến, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha bằng tiếng rên xiết khôn tả: “Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng chính giờ này mà Con đã đến” (Ga 12,27).
Như thế khi chúng ta dâng Lễ, Chúa Thánh Thần làm cho những đau khổ của chúng ta vì thực hành Tin Mừng, được cộng tác với đau khổ của Chúa Giêsu, góp phần vào Hy Lễ của Ngài thêm hoàn hảo (x. Cl 1,24), và như thế, lời cầu rên xiết của chúng ta được hòa với lời cầu rên xiết của Chúa Giêsu dâng Chúa Cha, cho chúng ta cùng được tôn vinh trong Chúa Giêsu, là được chia phần chiến thắng vinh quang của Ngài, vì chúng ta đã được đồng lao cộng khổ với Ngài (x. Rm 8,17).
2/ Mỗi khi chúng ta dự Thánh lễ, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cùng nhau hoàn tất tháp Babel mới.
            Thánh Gioan ghi nhận: “Đức Giêsu đứng trong Đền thờ và hô lớn tiếng nói rằng: Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Thánh Kinh đã nói: Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38).
            Rõ ràng Đức Giêsu lớn tiếng thiết tha kêu gọi mọi người tới Đền thờ để dự Hy tế của Ngài, và từ lòng Ngài – đã bị đâm thâu – tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Những dòng nước hằng sống đó là Lời hằng sống và thịt máu Ngài ban cho ai đến tham dự để được sống dồi dào! (x. Ga 10,10)
            Có những người Do Thái sùng đạo và nhiều người mới gia nhập Do Thái giáo, họ sống tại 16 quốc gia khác nhau ở khắp bốn phương trời, họ nói tiếng địa phương theo các miền họ sinh sống, thế mà vào ngày lễ Ngũ Tuần, họ tuốn về Giêrusalem được nghe Lời Chúa do các môn đệ của Đức Giêsu giảng bằng tiếng miền Galilê, thế mà ai cũng hiểu như tiếng địa phương của mỗi dân (x. Cv 2,1-11).
            Như thế là đối lại hình ảnh con cháu ông Noe, xưa kia họ muốn xây tháp Babel cao chạm trời để lưu danh muôn thưở, nhưng tiếc rằng khi đang thi công, thì mỗi người tự nhiên nói tiếng khác lạ, không ai hiểu nhau nữa! Thế là công trình xây tháp Babel bị bỏ dở, dân tản đi khắp thế giới tìm kế sinh nhai  (x. St 11,1-9: Bài đọc I).
            Nhưng vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu Phục Sinh về Trời hoàn tất Phụng vụ mới, thay thế cho hy tế mà dân Do Thái vẫn dâng theo Luật Môsê, ai tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất, mà tới tham dự Phụng Vụ mới này, thì được nghe Lời Chúa và được rước Chúa Giêsu Phục Sinh vào lòng, hơn hẳn đoàn lũ dân trong ngày lễ Ngũ Tuần, họ đến chỉ được nghe Lời Chúa do các Tông Đồ giảng. Để với Lời Chúa hướng dẫn đời họ và sức mạnh của Thánh Thể Chúa Ki-tô ban cho, họ cùng nhau xây dựng cuộc đời thành công “chạm tới Trời”, tức là được Chúa Giê-su đang ngự bên Chúa Cha mở cửa cho vào Thiên Đàng, hưởng sự sống vinh quang đời đời. Nhưng đó vẫn còn là niềm hy vọng của người Công giáo hôm nay, đúng như lời thánh Phaolô nói: “Ơn cứu độ đến với chúng ta trong hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không thấy, chúng ta vẫn kiên nhẫn đợi trông! (Rm 8,24-25: Bài đọc II).
            Vậy nay ta được tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, thì mỗi ngày Chúa Thánh Thần lấy công nghiệp của Chúa Giêsu giúp ta vượt qua tội lỗi vào cõi sống sung mãn, hơn xưa toàn dân Do Thái họp nhau cử hành Phụng Vụ theo Luật Môsê mừng ngày lễ trọng đại nhất là tổ chức một tuần mừng Lễ Lều, để tạ ơn Chúa đã cho dân vượt qua Biển Đỏ, thoát nô lệ Ai Cập, tiến về miền đất chảy sữa và mật (x. Xh 3,8), đồng thời tạ ơn Chúa về những thu hoạch mùa màng trong năm đem lại (x. Lv 23,33-36; Dnl 16,13-15; Ds 29,12-29).
Nhưng vào lễ Ngũ Tuần, ông Phêrô không dâng hoa trái đầu mùa thu hoạch ở ruộng đồng, mà dâng 3.000 người đã tin vào lời giảng của ông và xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy, đó mới là của lễ đầu mùa dâng tiến Chúa (x. Gc 1,18). Vào ngày thứ tám bế mạc Lễ Lều, dân múc nước từ suối Silôê ở chân đồi Giêrusalem rồi rước lên Đền Thờ giữa rừng đuốc sáng. Chính trong Lễ này, Đức Giêsu có mặt, Ngài mới là Chủ Phụng Vụ, Ngài ban nước sẽ đổ ra từ cạnh sườn bị đâm, khơi nguồn ơn cứu độ, và Ngài cũng chính là ánh sáng ban sự sống cho thế gian (x. Ga 8,12; 7,37-38: Tin Mừng), để bất cứ gia đình nào, cộng đoàn nào cùng tham dự Hy lễ của Chúa Giêsu, để được nghe Lời và được lãnh nhận Chúa Giêsu Phục Sinh (rước lễ), họ sẽ được Chúa giúp cùng nhau xây dựng cuộc đời hoàn tất tháp Babel mới “chạm Trời”, lưu danh muôn thuở, tức là được ơn Chúa cứu độ! (x. St 11,1-9; Cv 2,1-11). Thế nên chúng ta hãy hiệp cùng Hội Thánh dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài” (Tung Hô Tin Mừng); và “lạy Chúa, xin gởi Thần Khí tới, và ngài sẽ đổi mới mặt địa cầu” (Tv 104/103,30: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
            Ơn cứu độ đến với chúng ta trong hy vọng, hy vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không thấy, chúng ta vẫn kiên nhẫn đợi trông! (Rm 8,24-25).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH




(xem Lễ Vọng – Bài 2)