Hai cuộc sống
Ai đã học gương Thầy
trong cuộc thương khó mà sống đời hoạt động, thì hãy theo Thầy. Còn ai đã bắt đầu
sống đời chiêm niệm, thì hãy ở lại cho tới khi Thầy đến, và lúc Thầy đến, ắt Thầy
sẽ làm cho cuộc sống chiêm niệm của người ấy nên hoàn hảo.
Hội Thánh được biết là có hai cuộc sống Thiên
Chúa đã mạc khải và trao ban: cuộc sống trong đức tin và cuộc sống trong trực
kiến; cuộc sống thời lữ hành và cuộc sống nơi cư ngụ vĩnh viễn; cuộc sống lầm
than vất vả và cuộc sống nghỉ ngơi an nhàn; cuộc sống thời đi đường và cuộc sống
tại quê hương; cuộc sống phải ra sức làm việc và cuộc sống được thưởng phúc
chiêm ngưỡng.
Thánh Phê-rô tông đồ là tiêu biểu cho cuộc sống
trước, còn thánh Gio-an thì cho cuộc sống sau. Toàn bộ cuộc sống trước diễn ra
trên trần gian này cho đến ngày tận thế, và sẽ kết thúc trong ngày đó. Cuộc sống
sau thì khác: nó sẽ chỉ hoàn thành sau ngày tận thế, nhưng sẽ không bao giờ chấm
dứt trong thế giới tương lai. Vì thế, Chúa Giê-su mới bảo ông Phê-rô: Hãy theo
Thầy, nhưng lại nói về ông Gio-an: Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi
Thầy đến, thì việc gì đến anh. Phần anh, hãy theo Thầy.
Anh hãy theo Thầy, hãy noi gương Thầy mà chịu
đựng những khốn khó trần gian. Còn Gio-an phải ở lại cho tới khi Thầy đến ban
phúc lộc vĩnh cửu. Có thể nói rõ hơn thế này: ai đã học gương Thầy trong cuộc
thương khó mà sống đời hoạt động, thì hãy theo Thầy. Còn ai đã bắt đầu sống đời
chiêm niệm, thì hãy ở lại cho tới khi Thầy đến, và lúc Thầy đến, ắt Thầy sẽ làm
cho cuộc sống chiêm niệm của người ấy nên hoàn hảo.
Người có lòng đạo đức và nhẫn nại đến cùng sẽ
theo Đức Ki-tô và theo Người đến chết. Còn người muốn hiểu biết đầy đủ về Đức
Ki-tô thì sẽ ở lại cho tới lúc Người đến, và lúc đó hẳn người sẽ tỏ mình ra
hoàn toàn cho họ.
Ở nơi đây, trong cõi đất dành cho kẻ chết, dĩ
nhiên phải chịu những nỗi khốn khó của thế gian này; còn ở nơi kia, trong cõi đất
dành cho người sống, sau này mới được thấy những phúc lộc Chúa ban. Điều Chúa
Giê-su nói: Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến thì không được hiểu
như thể Người nói là ở lại hay ở lại mãi mà phải hiểu là đợi chờ. Quả thế, điều
mà ông Gio-an là tiêu biểu không được thực hiện bây giờ, nhưng sẽ được thực hiện
khi Đức Ki-tô đến. Còn điều mà ông Phê-rô là tiêu biểu (ông là người đã được
nghe lời kêu gọi Anh hãy theo Thầy), nếu không làm ngay từ bây giờ thì sẽ không
đạt được điều mong đợi.
Nhưng xin đừng ai tách hai tông đồ lừng danh
đó ra. Cả hai đều sống cuộc sống mà ông Phê-rô là tiêu biểu và cả hai cũng sẽ sống
cuộc đời mà ông Gio-an là tiêu biểu. Trên bình diện tiêu biểu, một người theo
Chúa, một người ở lại. Nhưng trong lãnh vực đức tin, cả hai đều đã chịu những
cơn khốn khó trong cuộc đời lầm than này, cả hai đều đợi trông những phúc lộc
trong cuộc đời tràn ngập hạnh phúc vĩnh cửu.
Không nguyên các vị đó, mà còn cả Hội Thánh,
Hiền Thê của Đức Ki-tô, phải được giải thoát khỏi những thử thách của cuộc đời
này và phải được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời mai sau.
Hai cuộc đời ấy đều được ông Phê-rô và ông
Gio-an làm tiêu biểu, mỗi ông tiêu biểu cho một cuộc đời. Thật thế, cả hai ông,
đều sống cuộc đời chóng qua này trong đức tin. Cả hai sẽ được hưởng đời sống
vĩnh cửu khi được trực kiến Thiên Chúa.
Vậy, vì mọi tín hữu đều khăng khít thuộc về
thân mình Đức Ki-tô, và vì mục đích điều khiển con thuyền Hội Thánh trong cuộc
đời đầy phong ba bão táp này, nên ông Phê-rô, vị thủ lãnh các Tông Đồ đã nhận
được chìa khóa Nước Trời để cầm buộc và tháo cởi tội lỗi. Cũng vì hết mọi tín hữu
đó mà ông Gio-an, tác giả Tin Mừng, đã nằm tựa đầu vào ngực Đức Ki-tô để tìm thấy
ở đó một chỗ thật yên hàn trong cuộc sống rất thân mật.
Không nguyên một mình ông Phê-rô mà cả Hội
Thánh cầm buộc và tháo cởi tội lỗi. Cũng không nguyên một mình ông Gio-an uống
nơi mạch suối tức nơi lòng của Chúa. Ông Gio-an đã rao giảng về Ngôi Lời, Đấng
đã có lúc khởi đầu, Đấng hướng về Thiên Chúa và rao giảng về những mầu nhiệm
cao siêu khác liên quan đến thần tính của Đức Ki-tô, đến Ba Ngôi Thiên Chúa và
một bản tính Thiên Chúa. Những chân lý này, ông sẽ được chiêm ngưỡng nhãn tiền
trong Nước Trời; còn từ bây giờ cho tới khi Chúa đến, ông chỉ thấy lờ mờ như
trong một tấm gương. Chính Chúa Ki-tô phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên mặt đất,
để ai nấy tùy theo khả năng có thể đến mà đón nhận.