Họa Trung Hữu Phúc, Phúc Trung Hữu Họa
Ngày xưa có một ông
vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một
người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra
những lời khuyên hữu ích.
Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết
thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có
phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: "Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức
vua".
Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt
bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: "Hẳn
đây là một điềm xấu?".
Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: "Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức
vua". Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.
Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm
khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối
cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại
làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay.
Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo
và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần.
Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời
nói của người cận thần năm xưa: "Tốt
hay xấu thì khó mà có thể nói trước được". Nếu không bị mất một ngón
tay, nhà vua có thể đã bị giết.
Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và
xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù
đày. Trái lại, người cận thần nói: "Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức
vua giam thần lại".
"Tại sao?",
nhà vua hỏi.
"Bởi nếu đức vua
không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản
địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để
dâng lên vị thần của họ".
Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ
không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ.
Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng.
Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng
dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn
nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn.
Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc
tồi tệ và ngược lại.
Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ
là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.
Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất
là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng
(Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và
cuộc sống vẫn muôn màu.
Nguồn: http://www.taberd75.com
Thoạt tiên, những suy tư trên nghe thấy cũng có lý, và cũng hay. Nhưng hãy coi chừng. Đó là những suy tư mang bóng dáng của chủ nghĩa tương đối, chỉ đúng cho một thế giới hữu hạn. Chủ thuyết này phủ nhận sự tuyệt đối nên chỉ trình bày một thế giới mà mọi chuyện chỉ là tương đối, trong điều xấu cũng có cái tốt, nhưng cũng chẳng có điều gì là tuyệt đối tốt. Bởi đó mà trong thế
giới này không có lý tưởng nào đủ mạnh để người ta dám chết vì nó.
Nếu tôi sống được 1000
năm mà không dám chết cho một lý tưởng thì đâu là giá trị của đời tôi? Có lẽ
làm một cây cổ thụ vài ngàn năm tuối thì hơn!
Thiên Chúa mời gọi
tôi bước vào là một thế giới khác hẳn: trong đó tôi tìm ra được một điều có giá
trị tuyệt đối: TÌNH YÊU. Tình yêu làm cho mọi chuyện đều nên tốt; ngược lại, chẳng
có gì là tốt cả ở nơi thiếu vắng tình yêu.
Tình yêu là sự sống của
Thiên Chúa, một sự sống không bao giờ tắt, một giá trị không bao giờ mất, luôn chiếu
sáng hy vọng về một tương lai tốt đẹp, giúp tôi tìm được bình an, vượt qua cả những đe dọa của sự chết: “Thiên Chúa ta đầy
lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi
nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
(Lc 1,78-79)