Một chút suy tư _ biết và không biết

BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
Một người toàn tâm toàn ý sống bác ái, như Mẹ Têrêxa chẳng hạn, thì việc bác ái trở thành một nhu cầu rất cần thiết nhưng cũng hết sức bình thường, như hơi thở.
Khổng Tử có ví von: “Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy!” 
Một người mới vào chợ cá, lúc đầu còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa bởi cái xấu mà mình không hay biết. Hay đó là chuyện bình thường, thấy đã quen mắt, nghe đã quen tai, đầu óc đã xơ cứng, chai đá như khứu giác của con người ở lâu trong chợ cá, còn đâu phân biệt được mùi hôi nữa!
Cũng theo lời Khổng Tử: “Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.”
Như kẻ vào vườn hoa lan đầy hương thơm, lúc đầu còn nhận ra mùi hương nhưng dần dà trở thành quen thuộc, trở thành bình thường, không còn thấy hương thơm, như kẻ tiểu nhân sống với người quân tử dần dần được cảm hóa lúc nào mà không hay biết. 
Còn Chúa Giêsu lại dạy: “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm.” (Mt 6,3)
Một người mới tập sống bác ái thì biết mình đang làm việc bác ái, thậm chí còn đếm được hôm nay, tuần này, năm nay... mình giúp bao nhiêu người, giúp việc gì, giúp bao nhiêu... Còn một người đã toàn tâm toàn ý sống bác ái, như Mẹ Têrêxa chẳng hạn, thì việc bác ái trở thành một nhu cầu rất cần thiết nhưng cũng hết sức bình thường, như hơi thở. Nếu có ai hỏi tại sao lại làm việc này, việc nọ, người ấy sẽ ngạc nhiên hỏi lại: “Tại sao lại không làm?”