Tôi thuộc loại người nào?
Ai ai cũng có một cách giao tiếp riêng, nhưng theo các nhà
tâm lý học Âu Mỹ thì người ta có thể xếp vào một số loại sau đây để có thể hiểu
rõ hơn về cách giao tiếp của mọi người cũng như của chính bản thân mình:
- Loại phòng thủ. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "phòng thủ" , luôn luôn lo sợ
bị người khác tấn công. Mọi người thường thích tránh xa những ai sử dụng
loại giao tiếp này, vì vậy những người này hay than phiền về sự lạnh nhạt
của người đời.
- Loại sợ sệt. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "sợ sệt" luôn luôn chấp nhận
phần lỗi về mình. Họ tự coi như nhân viên thừa hành của mọi người. Chúng
ta có thể quan sát loại giao tiếp này của một số ít người Việt có mặc cảm
thấp kém khi giao tiếp với người da trắng (phải chăng vì 100 năm đô hộ của
giặc tây?).
- Loại vua chúa. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "vua chúa" vừa kiêu ngạo, vừa
ích kỷ, luôn luôn coi mình là trung tâm của vũ trụ. Mọi người thường ghét
ngầm loại này và chẳng chút xót thương khi họ gặp việc khó khăn.
- Loại hời hợt. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "hời hợt" đon đã nói cười để
mọi người biết đến mình, làm bộ tự phê bình để mọi người chú ý, không bao
giờ suy nghĩ trước khi nói. Họ không tế nhị và không có cá tính riêng biệt.
- Loại độc tài. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "độc tài" muốn kiểm soát sự
suy nghĩ cũng như cảm xúc của người khác. Họ tiếp xúc với mọi người chỉ có
mục đích để đạt được những gì họ muốn. Họ thường bị cô lập và cô đơn.
- Loại bi kịch. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "bi kịch" luôn luôn thổi phồng
những chuyện nhỏ nhặt thành những bi kịch lớn lao. Mọi người đều mất tin
tưởng đối với những người giao tiếp theo loại bi kịch.
- Loại nạn nhân. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "nạn nhân" không bao giờ chịu
nhận trách nhiệm của họ đối với mọi hiện tượng xẩy ra cho họ. Họ cho rằng
họ không phải là nhân tố, không phải là kẻ cộng tác, cũng chẳng phải là
người thụ hưởng các thành quả của các hành động. Họ tự coi như bị bắt buộc
sống trong bể khổ và những sự khổ đau đó là do kẻ khác gây ra cho họ. Họ
thường thụ động, thiếu kiểm soát và không có khả năng vượt các trở ngại.
- Loại biết hết. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "biết hết" tự cho là mình
thông thái, mổ xẻ từng hoàn cảnh đến mức nhàm chán. Sự phân tích quá mức
làm cho mọi người chung quanh chỉ muốn xa lánh họ.
- Loại rỉ tai. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "rỉ tai" thích thì thầm vào
tai người khác những chuyện mà họ nói là chỉ có họ biết. Không ai tin tưởng
những người này. Trong khi cố gắng tìm cách để thân mật và được người khác
tin tưởng, họ đã làm mất niềm tin của mọi người đối với họ.
- Loại ba phải. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "ba phải" luôn luôn trả lời về
mọi đóng góp, mọi giải pháp của người khác bằng một câu: "đúng, nhưng
mà... " , và tiếp theo là những lập luận để bác bỏ mọi đóng góp, mọi
giải pháp của người khác. Họ làm cho người khác bị bực bội và rồi chính họ
bị bực bội.
- Loại trì hoãn. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "trì hoãn" gặp việc gì cũng
nói để mai sẽ làm. Loại người này không thực tế, không muốn giải quyết các
vấn đề của bản thân. Mọi người chẳng ai muốn giúp đỡ họ vì biết rằng giúp
cũng vô ích mà thôi.
- Loại giấu giếm. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "giấu giếm " luôn luôn giấu
giếm một chuyện nào đó. Khi người khác tìm cách lật tẩy thì họ càng giấu
giếm kỹ hơn. Mọi người mất tin tưởng ở họ và không muốn có những thân tình
với họ.
- Loại tráo trở. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "tráo trở" thay đổi thái độ
quá mau, ai tâm tình với họ hôm trước thì hôm sau đã thấy hối hận tại sao
mình lại dại dột quá tin người. Họ làm cho mọi người sợ họ và mất tin tưởng.
- Loại không tưởng. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "không tưởng" muốn áp đạt cho
mình và cho người khác những mục tiêu không thực tiễn, không phù hợp với
cuộc sống hiện thực chung quanh, nhất quyết đóng vai ngây thơ vô tội, bất
chấp cả những quy luật đơn giản trong đời sống.
- Loại toàn hảo. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "toàn hảo" luôn luôn cho là
mình hơn người khác, luôn luôn có thái độ kiêu ngạo, ngang ngược. Nhưng
trong cuộc sống thực tế không có gì là toàn hảo cả, người xưa đã có câu
"nhân vô thập toàn" nghĩa là ở trên đời không có ai là toàn hảo
cả, chân lý đó ngày nay vẫn đúng và sẽ còn đúng mãi trong tương lai. Vì vậy
những người đó không bao giờ đạt được mục tiêu của họ, luôn luôn cảm thấy
bứt rứt, ít khi nào được thoải mái tươi vui.
- Loại thảm họa. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "thảm họa" luôn luôn cho rằng
họ biết rõ ngày tận thế sắp đến. Ðối với họ, ở nhà cũng như ở sở làm việc,
trong kinh tế hay trong thời tiết, thảm họa luôn luôn sắp đến. Cuộc sống của
họ luôn luôn vội vã, lo âu. Cảm xúc thái quá của họ làm những người chung
quanh khó chịa và mệt mỏi.
- Loại cằn nhằn. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "cằn nhằn" không bao giờ bằng
lòng với bất cứ chuyện gì, luôn luôn than thở, nóng quá, lạnh quá, mệt
quá, xa quá, khó quá v.v... cuộc đời bất công, không ai biết đến nhu cầu của
họ, không ai lo lắng cho họ, họ bị phân biệt đối xử, bị bạc đãi. Họ hết cằn
nhằn đến than thở, hết than thở đến cằn nhằn. Mọi người chung quanh chỉ muốn
họ câm miệng lại.
- Loại buôn tội. Những người
giao tiếp với người khác theo kiểu "buôn tội" hiểu rằng nếu tạo
được cho người khác có mặc cảm tội lỗi là có thể điều khiển và kiểm soát
người khác được. Dù bạn đối xử thế nào thì họ cũng đóng vai bị tổn thương
nặng nề để bạn có cảm giác là đã phạm tội hay xấu hổ về hành động của bạn.
Sau khi đọc 18 loại khuyết điểm được liệt kê
theo bảng phân loại trên mà bạn không thấy mình ở một mục nào cả thì nên xem lại
coi bạn có nằm ở mục Pharisiêu, và những người thích lên án không: “Gioan đến,
không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: "Ông ta bị quỷ ám." Con Người
đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: "Đây là tay ăn nhậu,
bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi." (Mt 11,18-19)
Chúa Giêsu gọi thói quen lên án là men
Pharisêu, một loại men hay lây và rất nguy hiểm: “Khốn cho các người, hỡi các
kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho
thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng
không để họ vào.” (Mt 23,13)
Còn khi thấy mình đang mang một khuyết tật tâm
hồn nào đó, hãy học hỏi kinh nghiệm của ĐGH Gioan XXIII được ghi lại trong cuốn
Những người lữ hành trên đường hy vọng:
Trong cuốn "Tâm hồn nhật ký" Đức
Gioan XXIII đã ghi lại tất cả cuộc sống thiêng liêng của ngài, trong đó phần
quan trọng nhất là phần ghi lại những lần tĩnh tâm từ lúc còn ở chủng viện
(1898) cho đến những năm trên ngôi Giáo Hoàng (1963). Đối với ngài, mỗi lần
tĩnh tâm là mỗi lần kiểm điểm lại cuộc đời và có quyết định mới.
Đặc biệt là
lúc đã ngoài 80 tuổi, gần từ giã dương thế, mặc dù ở trên ngôi Giáo Hoàng bận rộn
muôn nghìn công việc đại sự, ngài vẫn thường xuyên tự kiểm điểm. Ngài luôn quyết
tâm sống xứng đáng là một tâm hồn cao cả, muốn sửa đổi mình liên lỉ để sống đẹp
lòng Chúa cho đến giây phút cuối cùng.
Ngày thứ
hai 14.8.1961, ngài ghi:
"Sáu khẩu hiệu để sống hoàn hảo. Muốn được
sống hoàn hảo, tôi phải:
1- Ao ước nên "công chính và thánh hảo" chỉ vì
mong làm đẹp lòng Thiên Chúa.
2- Hướng mọi tư tưởng và hành động của tôi vào sự phục vụ
cùng làm sáng danh Chúa và Hội Thánh.
3- Rất bình tĩnh trước mọi biến cố xảy ra cho tôi hay cho
Hội Thánh, vì biết rằng Chúa gọi tôi. Luôn làm việc và chịu khổ vì Hội Thánh.
4- Luôn luôn phó thác cho Thiên Chúa Quan phòng.
5- Luôn luôn nhìn nhận tôi là không.
6- Sắp xếp công việc mỗi ngày rõ ràng, có trật tự."