ANH SẼ ĐƯỢC Ở VỚI TÔI
Đặt Mình Thánh (mời
quì)
(Hát
một bài tôn thờ Thánh Thể)
Lời
dẫn:
Ai
cũng bước vào đời với hai bàn tay trắng, dù số phần của mỗi người có nhiều điểm
khác nhau nhưng mọi người lại có một điểm chung rất giống nhau, là sẽ lìa đời
với hai bàn tay trắng.
Nếu
tất cả những gì để tìm kiếm của đời người chỉ nằm ở đời này thì cuộc đời nào
cũng có một chung cuộc phi lý, một ý nghĩa rỗng tuếch, như cái bong bóng xà
phòng – màu mè mà chẳng là gì!
Khi
đó cuộc sống con người như một hành trình trên con đường cùng, bế tắc vì không
có điểm đến. Trên đó bước dài chẳng hơn gì bước ngắn, bước mau hay bước chậm
cũng như nhau.
Trong
lúc mọi người đang lúng túng tìm ra một lối thoát cho cuộc đời mình thì chính
cái chết đau thương, có vẻ bế tắc của Chúa Giêsu lại mở ra cho mọi người một
lối thoát và một lối đi lên, cả trong những tình huống như không còn gì để hy
vọng!
Lời Chúa: (mời đứng)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca, (Lc 23, 33-34.39-43)
Khi đến nơi gọi là "Đồi
Sọ", họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một
tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: "Lạy
Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người:
"Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi
với!" Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy
mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích
đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!" Rồi
anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin
nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay,
anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm: (mời ngồi)
Trước con mắt của thế tục, Chúa Giêsu đã có một chung cuộc hoàn toàn mất
mát! Sự mất mát đó đã được tiên báo trong sách tiên tri Isaia, về Người Tôi
Trung của Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho
người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” (Is
50,6)
Mặc dù Đức Kitô bị hình khổ đau đớn, lăng mạ nhục nhã, nhưng đó không
phải là thất bại, vì chính Ngài - Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã sẵn lòng
chấp nhận: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ
thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”
(Is 50,7)
Để đi đến một sự dấn thân lớn lao như thế, ắt phải có một điều gì hết
sức quí trọng mà Ngài muốn tìm kiếm, phải có một bài học vô cùng giá trị mà
Ngài muốn truyền đạt lại cho mọi người.
“Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.”
Mùa Chay còn được gọi là mùa thao luyện tâm hồn cho các môn đệ Đức Kitô,
được bắt đầu bằng một ngày chay tịnh, và kết thúc bằng cuộc tưởng niệm cuộc tử
nạn và phục sinh của Đức Kitô.
Tinh thần cốt yếu của Mùa Chay, do đó, là nhắc nhở mọi tín hữu về tính
phù vân, chóng qua, của mọi điều thiện hảo thế tục, không phải để buồn sầu,
thất vọng, mà để tìm kiếm những điều thiện hảo thực sự và bền vững.
Quả thực là ngay cả trong các việc đạo đức, người ta cũng dễ bị cám dỗ
tìm kiếm những điều chóng qua, với những suy nghĩ sống đạo đức sẽ được Chúa ban
phúc lành cho công việc làm ăn, cho sức khỏe… hay được người khác khen là có
lòng đạo đức… mà quên đi điều cốt yếu phải tìm là lòng mến: “Giả như tôi có
nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có
đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang
xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm,
mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có
đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà
bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cr 13,1-3)
Đúng thế, đây chính là điều Chúa Giêsu dạy cho mọi môn đệ của Chúa một
cách hết sức thiết thực và cụ thể trong cuộc khổ nạn của Ngài: “Đức mến thì
nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm
điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù,”
(1Cr 13,4-5)
Chúa là tình yêu. Trong cuộc khổ nạn, Chúa bị mất hết, nhưng chính trong
khi chịu mất hết mà Chúa sống một cách hoàn hảo nhất sự sống của Thiên Chúa –
tình yêu sẵn lòng quên mình vì người mình yêu: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống
phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)
Khi bằng lòng chịu chết vì người mình yêu, Chúa đã chiến thắng.
Dù bị xử tử, nhưng ngay tại Canvê, viên sĩ quan La Mã đã phải thốt lên: “Quả
thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54), tên trộm chịu đóng đinh cùng
với Chúa đã nài xin: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ
đến tôi!" (Lc 23,42).
Và nơi tông đồ Phêrô đã trốn chạy trước cuộc khổ nạn, tình yêu của Chúa
trên thập giá đã hoán cải và làm cho ông nhận ra vẻ đẹp linh thánh và sức mạnh
từ trời cao trong những đau khổ Chúa chịu để rồi ông thấy đó mới thực là con
đường đúng đắn mà người môn đệ của Chúa phải đi: “Nếu anh em làm việc lành
và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh
em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì
anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2,
20-21).
Lạy
Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chính
khi chịu mất tất cả mà Chúa tỏ ra cho chúng con thấy đâu là điều quí trọng vượt
lên trên tất cả.
Chúng
con tôn thờ tình yêu Chúa! Tình Yêu đã sẵn lòng chấp nhận mọi thua thiệt chỉ để
cho chúng con được sống.
Lạy
Chúa, chúng con thấy mình chính là kẻ trộm cùng chịu đóng đinh với Chúa. Nhiều
khi chúng con cư xử như kẻ trộm bên trái, không nhận mình có lỗi, lại còn lên
giọng khích bác, thách thức người khác, cả với Chúa là Đấng chịu chết vì mình.
Riêng
kẻ trộm bên phải đã dạy chúng con một bài học thật hay, thích hợp với hiện
trạng tâm hồn chúng con: đó là nhận biết mình là kẻ tội lỗi, bất xứng, rồi chạy
đến với lòng thương xót của Chúa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông,
xin nhớ đến tôi!"
Thế
nhưng, thái độ của anh làm cho chúng con phải ngạc nhiên: tại sao anh lại xin
một tử tội cho anh vào Nước của người ấy?
Vâng,
cảm phục một tấm lòng nhân hậu, không chỉ thinh lặng chịu đựng mọi bất công mà
còn cầu nguyện cho những kẻ lên án mình, anh như thấy mình bước vào một thế
giới khác, anh cảm nghiệm được sức mạnh và sự thu hút nơi con người hết sức
khốn cực đó, và anh đã ao ước được sống với người ấy, ‘xin nhớ đến tôi’, mà không ngờ rằng đó chính là Thiên Chúa của
mình.
Lạy
Chúa, chúng con đang sống trong Năm Đức Tin. Đây là cơ hội thuận tiện để mỗi
người chúng con cảm nghiệm lại niềm vui của người sở hữu sức mạnh tuyệt vời của
niềm tin, mà đức mến là lời tuyên xưng đầy sức mạnh của niềm tin.
Lời
loan báo Tin Mừng có sức thuyết phục nhất là lời tuyên xưng đức tin bằng đời
bác ái, như Chúa đã tha thiết dặn dò trong bữa Tiệc Ly: “Thầy ban cho anh em
một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như
Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 13,34)
Xin
cho chúng con đừng quên lời dặn dò của Chúa, mà sẵn lòng chấp nhận chịu thua
thiệt, mà ao ước và làm điều tốt lành cho người khác, kể cả những người làm
phiền lòng chúng con, trong niềm vui tin rằng phần thưởng lớn nhất đã được Chúa
chuẩn bị cho con, bất kể bao nhiêu yếu hèn, bất xứng của con: “Anh sẽ được ở với Tôi!”
“Có
Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi
trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” (Is
50,7)
Hát: “Đâu có tình yêu
thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…”