NHẬN BIẾT
Lần kia, một vị thầy
ước muốn được thoáng nhìn thấy tâm hồn của con người và trắc nghiệm những nhận
định của họ về chính bản thân mình. Ông mời ba người đi qua đường vào nhà ông.
Quay sang
người đầu tiên, ông nói “Giả thử anh nhìn
thấy một cái túi đựng đầy những đồng tiền vàng, thì anh sẽ làm gì với cái túi
đó?”
Người đàn
ông trả lời: “Tôi sẽ trả cái túi đó ngay
cho người chủ của nó, tất nhiên là tôi phải biết được ai là chủ nhân”.
Vị thầy kêu
lên: “Thật là điên rồ?”. Thế rồi ông
đặt cùng một câu hỏi cho người thứ hai.
Người đó
đáp “Tôi sẽ không trả lại cái túi đó cho
người chủ của nó, mà bỏ ngay vào túi của tôi. Tôi không quá ngu xuẩn đến nỗi để
mặc cho thứ của cải từ trời rơi xuống đó trượt khỏi tay tôi như vậy đâu”.
Vị thầy kêu
lên: “Đồ vô loại!”. Thế rồi ông đặt
cùng một câu hỏi cho người thứ ba.
Người đó
đáp “Thưa thầy, làm sao tôi có thể biết
được là tôi sẽ làm gì trong trường hợp này? Liệu tôi có khuất phục được khuynh
hướng xấu xa chăng? Hoặc sự dữ sẽ nhanh chóng chế ngự tôi, và khiến tôi cứ lấy
đi thứ tài sản thuộc về người khác? Tôi không biết nữa. Nhưng nếu có ơn Chúa
ban sức mạnh cho tôi chống lại khuynh hướng xấu, thì tôi sẽ trả số tiền đó lại
cho người chủ của nó”. Vị thầy kêu lên: “Những
lời nói của anh thật là hay. Quả thật anh là một con người khôn ngoan”.
Vị thầy cho
rằng người đàn ông đầu tiên là điên rồ. Tại sao? Bởi vì anh ta hoàn toàn thiếu
sự nhận biết bản thân mình. Anh ta dám cho rằng mình có đủ sức mạnh, để kháng cự
lại chước cám dỗ giữ lại món tiền. Không ai biết chắc chắn rằng mình không thể
sa ngã được. Người ta không sa ngã bởi vì yếu đuối, nhưng lại sa ngã là do họ
nghĩ rằng mình mạnh mẽ.
Vị thầy gọi
người đàn ông thứ hai là hạng vô loại, bởi vì anh ta có ý định giữ lại tài sản
không phải thuộc về mình, mà lương tâm không hề day dứt chút nào. Đối với một
con người như vậy, chước cám dỗ là một cơ hội để làm cho mình giàu có lên, bằng
tài sản của người khác.
Vị thầy
khen ngợi người đàn ông thứ ba là một con người vừa tốt bụng, vừa khôn ngoan.
Đó là vì anh nhận biết rằng mình yếu đuối giống như tất cả mọi người khác. Anh
hy vọng rằng khi đương đầu với chước cám dỗ giữ lại số tiền, thì anh sẽ có sức
mạnh để làm được điều đúng đắn. Nhưng anh biết rằng để làm được như vậy, anh cần
phải có ơn Chúa giúp, và anh chuẩn bị để tìm kiếm sự giúp đỡ đó.
Tất cả chúng ta
đều yếu đuối và dễ sa ngã. Đây có thể là một sự thật gây bối rối, nhưng trong khi liều
lĩnh, chúng ta lại không biết đến điều này. Vấn đề lớn trong thời đại của chúng
ta là chúng ta đã thất bại trong việc nhận biết chính mình, trong việc nhận ra
sự dữ và đối phó với sự dữ ở ngay trong con người mình. Tuy nhiên, khi nhận biết
và chấp nhận sự thật thấp hèn này, thì chúng ta có được một niềm an ủi và sự tự
do.
Chúng ta phải
đấu tranh chống lại sự dữ nơi những người khác và nơi xã hội. Nhưng cuộc đấu
tranh gay go nhất là chống lại sự dữ phát xuất từ ngay bên trong con người của
chúng ta. Bản chất của chúng ta là có những xung đột nội tâm cứ thúc giục chúng
ta, làm cho chúng ta luôn luôn có thể thực hiện được điều tốt lành, nhưng điều
đó không bao giờ là dễ dàng cả. Chiến thắng gay go nhất chính là chiến thắng
chính bản thân mình.
Chước cám dỗ
của Đức Giêsu không phải là đóng kịch, mà là sự thật. Những cám dỗ của Đức
Giêsu là những chước cám dỗ của các Kitô hữu thuộc tất cả mọi thời đại: sống chỉ
vì vật chất; tìm kiếm vinh quang cho bản thân mình, hơn là vinh quang cho Thiên
Chúa; và từ bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa, để tôn thờ quyền lực và sự nổi tiếng
theo thế gian.
Chiến thắng
của Đức Giêsu vượt lên trên Satan không phải là chiến thắng một lần cho tất cả.
Người đã chiến thắng một cuộc chiến đấu, chứ không phải là một cuộc chiến
tranh. Còn có những lần tấn công khác mà chúng ta cần phải cự tuyệt. Một số người
cho rằng mình sẽ đạt được một cấp độ, khi họ vượt ra ngoài chước cám dỗ. Đức
Giêsu không bao giờ đạt được một cấp độ, các thánh cũng vậy. Thiên Chúa ở với
chúng ta trong những cuộc đấu tranh của chúng ta, giúp đỡ chúng ta chế ngự nó.
Thánh
Augustinô nói: “Chính thông qua chước cám
dỗ, mà chúng ta nhận biết được bản thân mình. Chúng ta không thể chiến thắng đạt
được triều thiên của mình, trừ phi chúng ta vượt qua được chước cám dỗ đó, và
chúng ta không thể vượt qua được, trừ phi chúng ta đi vào cuộc chiến đấu, và
không có cuộc chiến đấu, trừ phi chúng ta có một kẻ thù và những chước cám dỗ
mà kẻ thù đó mang lại.”