NĂM
C
Is
62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11
BÀI ĐỌC I: Is 62,1-5
1 Vì lòng
mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao
đành, tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực
lên như ngọn đuốc. 2 Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công
chính của ngươi, mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người
ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.3 Ngươi
sẽ là ngọc miện huy hoàng trong lòng bàn tay Đức Chúa, sẽ là mũ triều thiên
vương giả Thiên Chúa ngươi cầm ở tay.4 Chẳng ai còn réo tên ngươi:
"Đồ bị ruồng bỏ! " Xứ sở ngươi hết bị tiếng là "Phận bạc duyên
đơn." Nhưng ngươi được gọi: "Ái khanh lòng Ta hỡi! " Xứ sở ngươi
nức tiếng là "Duyên thắm chỉ hồng." Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem
lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.5 Như tài trai
sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là
niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.
ĐÁP CA: Tv 95
Đ. Hãy kể cho muôn dân được biết
những kỳ công Chúa làm. (x. c.3)
những kỳ công Chúa làm. (x. c.3)
1 Hát lên mừng Chúa một bài
ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! 2a Hát lên mừng
Chúa, chúc tụng Thánh Danh!
2b Ngày qua ngày, hãy loan báo
ơn Người cứu độ, 3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho
mọi nước hay những kỳ công của Người.
7 Hãy dâng Chúa, hỡi các dân
các nước, dâng Chúa quyền lực và vinh quang, 8a hãy dâng Chúa vinh
quang xứng danh Người.
9 Hãy thờ lạy Chúa uy nghiêm
thánh thiện,toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.10ac Hãy
nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng
chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
BÀI ĐỌC II: 1Cr 12,4-11
Thưa anh em, 4
có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.5 Có nhiều
việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.6 Có nhiều hoạt động
khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.7 Thần
Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.8 Người thì
được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban
cho ơn hiểu biết để trình bày.9 Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng
tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa
bệnh.10 Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên
tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng
lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.11 Nhưng chính
Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi
cách, tuỳ theo ý của Người.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. 2Tx.
2,14
Hall-Hall: Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng
ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su.
Hall.
TIN MỪNG: Ga 2,1-11
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong
tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su.2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng
được mời tham dự.3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với
Người: "Họ hết rượu rồi." 4 Đức Giê-su đáp: "Thưa bà,
chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến."5 Thân
mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo."
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người
Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.7
Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy
tới miệng.8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem
cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc
nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã
múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: "Ai ai
cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn
anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ."11 Đức Giê-su
đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của
Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
MẸ MARIA TRONG
MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA
MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA
Mầu
nhiệm Thiên Chúa cứu độ loài người, được thực hiện vào “Ngày Thiên Chúa” ra
tay. Ngôn sứ Is 25,6-12 đã diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa như một “bữa tiệc đầy cao lương rượu nồng, ai được
tham dự không còn tủi nhục, khóc lóc, vì tử thần đã bị đánh gục, và như thế
Chúa đã lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, cất khăn tang bao trùm mặt đất,
để mọi người đầy hân hoan vui sướng trong ơn Ngài cứu độ”.
Bữa
tiệc trọng đại ấy chính là tiệc cưới của Con Chiên (Chúa Giê-su), trong tiệc
cưới ấy cô dâu được mặc áo trúc bâu là công đức của các thánh (x. Kh 19,7-8). Tiệc
ấy được khai diễn vào “ngày thứ ba”, sau khi Đức Giêsu tìm được người yêu có
tâm tư say mê Lời Chúa giống như ông Nathanael ngồi dưới gốc cây vả đọc Sách
Luật (x. Ga 1,45-51; 2,1a: Tin Mừng).
Thực
ra “ngày thứ ba có tiệc cưới tại Cana”
đã trở thành dấu chỉ báo trước vào ngày thứ ba sau khi Đức Giêsu từ cõi chết
sống lại, Hội Thánh bắt đầu làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giêsu, tức là dâng
Lễ theo lệnh Ngài truyền (x. 1Cr 11,23-27). Bởi vì trước Phục Sinh ba ngày, Đức
Giêsu là Ađam Mới đã “thiếp ngủ” trên thập giá, và từ cạnh sườn Ngài: Evà mới
là Hội Thánh được sinh ra. Chân lý đã được báo trước: “lúc ông Ađam ngủ, Thiên Chúa lấy phần thân thể từ cạnh sườn ông, tạo ra
cho ông người vợ, khi thức dậy, Ađam đã reo lên: “Đây là xương tôi, đây là thịt
tôi” (x. St 2,21-23). Như thế, Hội Thánh được sinh ra bởi xương thịt của
Đức Giêsu hơn thuở xưa bà E-và được sinh ra bởi xương thịt Ađam (x. St 2,23). Ta
lại biết Hội Thánh cũng là con của Đức Maria, vì nơi đồi Sọ, Đức Giêsu đã gọi
Đức Maria bằng danh hiệu BÀ, nguyên ngữ Hy Lạp là Gune. Danh BÀ được Đức Giêsu
lập lại lời sách Sáng thế gọi “BÀ Evà là
mẹ của chúng sinh” (x. St 3,20), là Đức Giêsu hữu ý xác nhận: BÀ Maria là
Mẹ của các Kitô hữu. Vì thế Đức Giêsu nói với Đức Ma-ri-a về môn đệ của Ngài: “Thưa Bà (Gune), đây là con của Bà”, rồi
Ngài nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”
(x. Ga 19,26-27).
Nếu
chúng ta chú ý đến các chi tiết xảy ra ở tiệc cưới Cana, thì thấy được lặp lại
vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu:
TẠI CANA (Ga 2: Tin Mừng)
1/ Vào ngày thứ ba có tiệc cưới tại Cana xứ Galilê (x. Ga 2,1).
2/ Nơi tiệc Cana,
có Đức Giêsu, Mẹ Maria và các môn đệ cùng được mời tham dự (Ga 2,1b-2).
3/ Tiệc cưới thiếu rượu (x. Ga 2,3a), thì
đôi tân sẽ bị người ta kết án là bất hạnh.
4/ Đức Giêsu nói với Mẹ Maria: “Thưa Bà
(Gune), giữa tôi và Bà có liên quan gì, Giờ tôi chưa đến” (x. Ga 2,4).
5/ SÁU chum nước lã biến thành sáu chum
rượu ngon (x. Ga 2,6).
6/ Nước biến thành rượu nho ngon hơn rượu
cũ (x. Ga 2, 9-10).
7/ Chủ tiệc nếm rượu mới khen rất ngon (x. Ga
2,9-10), làm cho tiệc cưới hoàn toàn tốt đẹp.
|
NƠI NÚI SỌ (Ga 19)
1’ Vào ngày thứ ba sau cuộc Tử Nạn, Đức Giêsu
phục sinh, rồi Ngài hẹn gặp 11 môn đệ ở xứ Galilê sai các ông đi ban Thánh
Tẩy và truyền giảng Lời để đưa nhân loại vào dự tiệc Hội Thánh (x. Mt
28,16t), bắt nguồn từ Thập Giá, có Rượu Mới là Giáo Lý Mới được Chúa Giêsu
làm hoàn hảo (x. Mt 5,17; Mt 9,14-17). Vì từ Giao Ước trở thành Di Chúc bằng
máu (x. Dt 9,16).
2’ Nơi đồi Sọ, lúc Đức Giêsu dâng lễ trên
thập giá, có Đức Maria, có môn đệ Gioan và vài phụ nữ đến “tham dự” (x. Ga
19,25-26). Đây là dấu báo trước bắt đầu Hội Thánh đi truyền giáo, có Đức Mẹ
cùng cầu nguyện với các môn đệ và một số phụ nữ, có cả anh em họ của Đức Giêsu
(x. Cv 1,13-14).
3’ Đức Giêsu trên thập giá kêu “Ta khát” (x. Ga 19,28). Ngài khao khát
có người đến uống nước hằng sống Ngài ban qua Phụng Vụ Ngài thiết lập. Vì ai
uống nước Ngài ban thì đời đời không phải khát, bởi được sống hạnh phúc dồi
dào như Ngài (x. Ga 4,14; 10,10).
4’ Vào Giờ chết Đức Giêsu (x. Ga 12,27),
Ngài mới bộc lộ liên quan giữa Ngài với Đức Maria: Bà (Gune) là Eva Mới, là
Mẹ của Hội Thánh, như Ngài đã trao ông Gioan cho Mẹ Maria: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Ga
19,26-27).
5’ Cả vũ trụ này đã được Thiên Chúa tạo
dựng trong SÁU ngày, tuy nó tốt đẹp thì cũng giá trị như nước lã. Nhưng nay
ai biết nghe Lời Chúa Giê su dạy và thực hành như lời Mẹ Maria dặn, thì Đức
Giêsu biến công trình Chúa đã tạo dựng trong SÁU ngày, nhất là con người được
trở nên con Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha trong Chúa Giêsu,mà ngợi khen Thiên
Chúa (x. Rm 8,14t), hơn người ta khen rượu ngon trong tiệc cưới Cana (x. Ga
2,10).
6’ Nước từ cạnh sườn Đức Giêsu đổ xuống,
khơi nguồn nước Bí tích Thánh Tẩy, ai tin và lãnh nhận, thì họ được tháp vào
Chúa Giê-su là cây nho thật (x. Ga 15,1t), tạo nên vườn nho tốt có trái thật
ngọt, hơn dân Do Thái xưa Chúa đã chọn họ tưởng là thứ nho ngọt, hóa ra lại
là nho chua loét! (x. Is 5).
7’ Trên thập giá Đức Giêsu, Chủ Hy Tế nếm
dấm rồi nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (x.
Ga 19,29-30).
|
Vậy tiệc cưới Cana
đã trở nên dấu chỉ Hội Thánh Chúa Kitô. Ta được sống trong Hội Thánh nhờ có Mẹ
Maria:
1/ MẸ MARIA MUỐN TA SỐNG XỨNG DANH LÀ HIỀN THÊ
CỦA CHÚA KITÔ.
Tiệc cưới Cana là dấu chỉ tiệc Cưới Con Chiên, “Tân nương mặc áo trúc bâu, áo nàng dệt bằng
công đức của các thánh” (Kh 19,7-8). Thế thì nhờ lãnh Bí tích Thánh Tẩy, ta
là Tân Nương của Tân Lang Giêsu (x. 2Cr 11,2; Ga 3,29), ta hãy hiệp thông với
Mẹ Maria và các thánh, đó là áo trúc bâu để ta nên người hầu việc Nước Thiên
Chúa. Đã là người hầu, thì phải làm theo lời Mẹ dạy: “Giê-su bảo gì, cứ làm theo” (Ga 2,5), để diễn tả bổn phận người
Hiền Thê của Tân Lang Giêsu, là làm vinh hiển Cha trên trời, như lời ngôn sứ
Isaia đã nói: “Chẳng ai còn réo tên
ngươi: "Đồ bị ruồng bỏ! " Xứ
sở ngươi hết bị tiếng là "Phận bạc duyên đơn." Nhưng ngươi được gọi:
"Ái khanh lòng Ta hỡi! " Xứ sở ngươi nức tiếng là "Duyên thắm
chỉ hồng." Vì ngươi sẽ được Đức
Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.Như tài trai sánh
duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui
cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,4-5:
Bài đọc I).
Sống như thế là ta đã
mặc lấy Chúa Kitô (x. Gl 3,27), và cũng mặc lấy công đức của các thánh nữa (x. Kh
19,8). Vì “Chúa không cứu con người cách
riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT số 9). Đây là Mầu Nhiệm Các Thánh Cùng Thông
Công.
2/ TA CHỈ THỰC SỰ ĐƯỢC TẠO DỰNG THEO HÌNH ẢNH
THIÊN CHÚA (St 1,26-27) KHI BIẾT THI HÀNH LỜI MẸ MARIA DẶN: “GIÊSU BẢO GÌ, CỨ
LÀM THEO” (Ga 2,5).
Như chúng ta đã biết Phúc Âm Luca và Gioan
chỉ ghi sáu lần Đức Maria nói:
-
Lần I: Lc 1,34: Mẹ nói với Thiên thần trong lúc truyền tin: “Việc đó xảy đến thế nào, vì tôi không biết
đến việc vợ chồng”.
-
Lần II: Lc 1,38: Mẹ lại nói với Thiên thần: “Này tôi là tôi tới Chúa, xin Chúa làm cho tôi điều Chúa nói”.
-
Lần III: Lc 1,46-55: Mẹ dùng lời Kinh Thánh dệt lại thành bài ca tụng
Thiên Chúa tại nhà bà chị họ Êlysabeth. (Lời cầu nguyện ngợi khen Chúa của Mẹ
dài nhất trong sáu lần Mẹ nói, và Mẹ đã dùng Lời Chúa đan kết lại. Noi gương
Mẹ, Hội Thánh dạy: “Cầu nguyện phải đi
đôi với việc đọc Kinh Thánh” – HCMK số 25).
-
Lần IV: Lc 2,48: Mẹ trách Giêsu lúc tìm thấy Con ở Đền Thờ: “Tại sao Con làm thế, đây cha Con và mẹ đã
đau khổ tìm Con!”
-
Lần V: Ga 2,3: Mẹ trình bày nhu cầu tiệc cưới thiếu rượu với Đức Giêsu:
“Nhà này hết rượu”.
-
Lần VI: Ga 2,5: Mẹ nói với loài người: “Giêsu bảo gì cứ làm theo!” (Tin Mừng)
Như vậy năm lần đầu Đức Maria nói với thiên
thần và thưa với Chúa; chỉ có một lần duy nhất, lần thứ sáu, lần cuối cùng Mẹ
nói với loài người: “Giêsu bảo gì, cứ làm
theo!”
Ta biết khởi đầu cuộc tạo
dựng vũ trụ, Thiên Chúa nói sáu lần, vạn vật xuất hiện rất tốt đẹp. Dù ngày thứ
sáu và lần thứ sáu, lần cuối cùng Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26).
Nhưng thực ra lúc đó A-đam, Evà tổ tiên loài người, mới chỉ đẹp như các sinh
vật (x. 1Cr 15,45), số phận không hơn gì loài thú (x. Gv 3,18-19). Nhưng vào
thời Tân Ước, ai làm theo lời duy nhất Mẹ Maria nói lần thứ sáu: “Giêsu bảo gì cứ làm theo” (Ga 2,5). Họ
mới thực sự trở nên con người tốt đẹp tuyệt vời như Thiên Chúa, đến nỗi được
đồng hóa với Thiên Chúa về nguồn gốc, về máu thịt, và cả về sự sống của Thiên
Chúa toàn năng, toàn thiện (x. Gl 2,20; Dt 2,11.14; Ga 6,57).
3/ TA PHẢI CẦN NHỜ MẸ MARIA DẠY BIẾT CỘNG TÁC
VỚI CHÚA GIÊSU, VÌ MẸ RẤT CÓ UY QUYỀN TRONG MẦU NHIỆM NƯỚC CHÚA.
a-
Đức Maria
là Mẹ Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm Ngôi Hiệp (Công Đồng Êphêsô năm 431). Với uy quyền của
người Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người, nên trong tiệc cưới Cana,
Đức Maria làm nổi bật vai trò người Mẹ chăm sóc nhu cầu của con cái. Cụ thể
tiệc cưới thiếu rượu chưa có ai đến nhờ cậy Mẹ, mà Mẹ đã nhìn thấy trước nhu
cầu của con cái Mẹ. Thiếu rượu là một sự ô nhục đối với đôi tân hôn, vì tiệc
cưới kéo dài bảy ngày, mà mới ngày thứ ba đã thiếu rượu, nên Mẹ phải trình bày
nhu cầu ấy với Đức Giêsu, Con Mẹ: “Nhà
này thiếu rượu” (Ga 2,3: Tin Mừng). Với uy quyền của một người Mẹ, lời Mẹ
nói với Đức Giêsu không phải chỉ là lời đề nghị, mà còn là một mệnh lệnh, giống
như trong gia đình, mẹ nói với con: “Thau
đồ này chưa giặt”, có nghĩa là mẹ ra lệnh cho con phải thi hành ngay.
b-
Đức Maria
là Eva Mới, là Hiền Thê của Tân Lang Giêsu, Adam cuối cùng (x. 1Cr 15,45), vì trong mầu
nhiệm Nước Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a còn được gọi là Hiền Thê của Thiên Chúa, thì
lời của Tân Nương nói với Tân Lang trở thành yêu sách trong yêu thương: “Chàng phải đoán ý Nàng để thi hành”,
giống như hai cô cậu đang sánh bước trên đường, nàng nói: “Anh kìa, cô kia mặc áo đỏ, em thích lắm”, thì đương nhiên chàng
phải hiểu rằng: nàng đang đòi chàng phải mua áo đỏ!
c- Đức Maria là Bà Chúa (Maria tiếng Do Thái là
Miryam, bởi tiếng gốc Ả Rập “Mri”, có nghĩa là “Được Yêu Mến”. Maria theo tiếng
Aram,
người Do Thái nói là “Mara”, có nghĩa là “Chúa, Chủ”): Mẹ nói với những người
giúp việc trong bữa tiệc: “Hãy đến cùng
Giê-su, Ngài bảo gì cứ làm theo!” (Ga 2,5), câu nói này Mẹ đã lập lại
nguyên văn lời vua Pharaôn nói với những người đến Ai Cập xin ông bán lương
thực cho, vua lại bảo họ: “Hãy đến cùng
Giuse, ông ấy bảo gì cứ làm theo!” (St 41,55).
Ta biết vào thời vua
Pharaôn cả thế giới lâm nạn mất mùa suốt 7 năm, nên mọi người phải tuốn đến Ai Cập
mua lương thực, nhờ sự khôn ngoan của ông Giuse trong 7 năm được mùa, đã thu
góp thóc lúa vào các kho dự trữ, vì ông biết trước khi những năm mất mùa đến,
mới có lương thực mà bán cho dân, thu lời cho vua Pharaôn, và còn bảo đảm sự
sống cho thế giới khỏi bị chết đói. Lúc ấy, vai trò của vua Pharaôn được mọi
người trên thế giới phải suy tôn như một chúa tể có quyền ban sự sống cho mọi
dân tộc, khi ông dủ lòng thương ra lệnh bán thóc lúa (x. St 41t); thế thì Đức
Maria trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, thân thế và uy quyền của Mẹ là Bà Chúa
còn hơn vua Pharaôn. Ai đến cầu khẩn với Đức Maria, thì phải nghe và làm theo
lời Mẹ dạy “Giêsu bảo gì,cứ làm theo”
(Ga 2,5), để có lương thực vươn đến sự sống đời đời, đến nỗi được đồng hóa với
Thiên Chúa (x. Ga 6,57; Ga 15; Gl 2,20). Nếu không làm theo lời Mẹ dạy, thì
phải đói khổ, khốn nạn trong hỏa ngục, hơn những người chết đói vì mất mùa thời
vua Pharaôn!
Tuy nhiên uy quyền của Mẹ Maria không vượt
quá quyền năng Lời Đức Chúa Trời, nên Mẹ bảo người ta phải làm theo Đức Giêsu,
dù lệnh ấy vô lý. Thực vậy, tiệc đã mãn, không ai dùng nước đựng trong các chum
đặt trước nhà để thanh tẩy trước khi nhập tiệc, mà người ta đang cần rượu, để
tiệc cưới không tàn niềm vui. Thế mà Đức Giêsu lại bảo người giúp việc đổ nước
đầy sáu chum, mỗi chum khoảng 40 lít. Nếu họ thấy vô lý không làm, thì chắc
chắn hôm đó sẽ không có rượu mới, dù Mẹ Maria uy quyền đến đâu cũng phải bó tay!
Ta biết rằng vì tình yêu Chúa Giêsu muốn mời
gọi những ai đã thuộc về Ngài cộng tác với Ngài để cùng thực hiện chương trình
cứu độ loài người theo ý Cha trên trời.
Thực vậy, bất cứ ai đã được Chúa cứu độ khởi
đi từ Đức Maria, đều là những chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô
Phục Sinh. Khi Chúa Giêsu đã toàn thắng mọi sự dữ, kể cả thần chết, Ngài đến
thổi hơi: Trao ban Thánh Thần cho những người thuộc về Ngài (x. Ga 20,22).
Thánh Thần đến phân bổ cho dân Chúa mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, để cùng
xây dựng Hội Thánh cách vẹn toàn: Đức Maria thì sinh Chúa Giêsu là Đầu của Hội
Thánh; còn các Kitô hữu thì sinh các chi thể làm cho Thân Mình Mầu Nhiệm Đức Kitô
Giêsu là Hội Thánh được đầy đủ các chi thể, để mỗi chi thể hoạt động dưới ơn
của Chúa Thánh Thần phân cho. Thánh Phaolô nói: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì
được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban
cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì
cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.Người
thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân
định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được
ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả
những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người” (1Cr 12,7-11: Bài đọc II). Vì “Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng
ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Ki-tô Giê-su”
(2Tx. 2,14: Tung Hô Tin Mừng).
Vậy trong đời sống đạo
của ta, ai cũng cảm nghiệm tình yêu Chúa dần dần phai lạt, có khi cạn kiệt,
không mặn nồng như ngày mới theo đạo, nhất là khi phải lao mình vào xã hội để
tìm kiếm nhà, cơm, áo, thuốc men! Nếu muốn làm cho tình yêu Chúa trong tâm hồn
ta lên ngôi, thú vị hơn rượu nồng, thì không có cách nào hơn là thực hành Lời
Chúa dạy, như Mẹ Maria đã dặn dò trong tiệc cưới.
d- Mẹ Maria, Đấng
Đồng Công Cứu Chuộc: Tác giả Tin Mừng thứ tư đã minh chứng chân lý này bằng cách ông chỉ
cho độc giả thấy Mẹ Maria xuất hiện hai lần trong cuộc đời công khai của Đức
Giêsu:
- Mở đầu cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu. Mẹ có mặt với Đức Giêsu tại
tiệc cưới Cana, và ngay phút đầu trước khi Đức
Giêsu khởi sự lên tiếng giảng dạy, Mẹ đã dặn mọi người: “Giêsu bảo gì, cứ làm theo” (Ga 2,5: Tin Mừng).
- Cuối cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu, khi Ngài bị treo trên thập giá,
Mẹ Maria lại xuất hiện đứng dưới chân thập giá, Đức Giêsu biết chương trình
Chúa Cha trao cho Ngài thực hiện cần phải có Mẹ cộng tác và tiếp tục, nên Đức
Giê-su đã thưa với Mẹ về những người Ngài tuyển chọn: “Thưa Bà, này là con Bà” (Ga 19,27).
Cách viết như trên,
thánh Gioan đã diễn tả hình ảnh Mẹ Maria đang dang rộng hai tay ôm lấy mọi sinh
hoạt của Con mình, từ khởi sự cho đến hoàn thành. Nếu trong lời kinh chúng ta
vẫn cầu nguyện “từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa”, thì Đức
Giêsu qua cách viết của ông Gioan cũng nói “từ khởi sự cho đến hoàn thành, tôi
đều nhờ Mẹ Maria cộng tác”. Sự cộng tác của Mẹ Maria tham gia vào công việc của
Đức Giê-su như người vợ chia sẻ trách nhiệm với người chồng. Như thế, sự liên quan trách nhiệm giữa Đức Giêsu và Mẹ Maria mãi
đến GIỜ Đức Giêsu bị treo trên thập giá, mới được mạc khải. Đó là lý do Đức Giêsu
đã nói với Mẹ Ngài trong tiệc cưới Cana: “Giữa tôi và Bà có liên quan gì, vì GIỜ tôi chưa đến” (Ga 2,4: Tin Mừng).
Đức Giê-su là Thiên
Chúa toàn năng mà còn cần đến Đức Maria cộng tác, huống chi chúng ta là kẻ thấp
hèn, vụng về, yếu đuối, bất tài, mù quáng, sao chúng ta không cần đến Mẹ giúp
đỡ giống Đức Giêsu.
Ta có sống cậy nhờ nơi
Mẹ Maria, Mẹ mới giúp ta cách thực hành Lời Chúa như Mẹ đã có kinh nghiệm, có
thế ta mới “kể cho muôn dân nhận biết
những kỳ công Thiên Chúa làm” (Tv 96/95,3: Đáp ca).
Truyện kể:
Cậu Karol Wojtyla lên 7 tuổi, đứng bên giường
mẹ đang hấp hối, cậu khóc nức nở! Người mẹ nắm tay con ôn tồn nói: “Con đừng khóc, mẹ này chỉ là vú nuôi con,
khi Chúa rước vú này về với Chúa, thì người Mẹ thật của con là Đức Maria xuất
hiện, sẽ đích thân chăm sóc con.”
Từ ngày ấy, cậu tỏ
lòng sùng kính Đức Mẹ cách đặc biệt, tưởng đó cũng là lý do quan trọng mà ngày
18-10-1978 Chúa đã chọn ngài lên ngôi Giáo hoàng (Gioan Phaolô II), đem lại
nhiều lợi ích cho Hội Thánh và cả xã hội trong mọi lãnh vực.
Vậy ta được làm con
Chúa trong Hội Thánh, thì Đức Maria mới thực là Mẹ thật của ta.
Một chú bé nghèo khổ, quần áo tả tơi, không biết chữ o
tròn hay méo, lê đôi chân gầy đi đến một khu phố nghèo nàn ở Ba-lê (Pháp). Chú
ấy là tên là Gioan, lên 6 tuổi, đi tìm ông già Bouin, sống bằng nghề viết thư
mướn.
Chú bé vào nhà lễ phép cúi đầu chào ông cụ. Ông già hỏi:
-
Cháu muốn gì?
Chú vội thưa:
-
Cháu muốn viết một bức thư.
Ông
già ra giá ngay:
-
Đưa đây 10 xu.
Chú bé ngập ngừng rồi thưa
lại:
-
Xin lỗi cụ, cháu không có
tiền.
Nói xong chú thất thểu đi
ra, ông già ngó theo thương hại, kêu chú trở lại:
-
Này, mày không có đến 10 xu
sao? Mày là con ai?
Chú bé từ tốn đáp:
-
Dạ cháu là con má cháu.
Ông già nói:
-
Vậy là ta hiểu rồi, cháu
không có 10 xu, má cháu cũng không có, vậy viết thư để xin chút cháo ăn đỡ đói
phải không?
Chú bé gật đầu. Ông già nói tiếp:
-
Được rồi vào đây ông viết
giúp cho.
Ông Bou-in nghĩ thầm: mình
có hy sinh một chút thời giờ, tốn ít mực, ít giấy thì cũng chẳng ra nghèo. Ông
liền lấy bút giấy ra viết: Ba-lê, ngày… tháng… năm… Kính thưa ông.” Ông đọc lại
cho chú bé nghe và bảo muốn gì thì nói để ông viết tiếp. Chú bé ấp úng:
-
Dạ không phải ông ạ!
Ông già gạn hỏi:
-
Không phải ông thì bà?
Chú bé run run thưa lại:
-
Dạ cũng không phải bà.
Ông Bouin thấy bực mình nên
cáu gắt nói:
-
Đã không biết ai để gởi mà
lại đòi viết thư.
Chú bé lấy hết can đảm thưa
lại:
-
Dạ, cháu muốn viết thư cho
Mẹ Ma-ri-a .
Ông già cười rồi nghiêm
nghị nói:
-
Mày chế nhạo lão gìa này
hả? Cút ra khỏi nhà tao ngay!
Chú bé ngoan ngoãn
bước ra khỏi cửa, ông nhìn theo thấy thương hại nên gọi chú trở lại, quan sát
kỹ chú bé một lúc, rồi ông hỏi tiếp:
-
Tên cháu là gì?
-
Dạ tên cháu là Gioan.
-
Gioan gì nữa?
-
Dạ, Gioan thôi ạ.
-
Nhưng cháu muốn xin gì cùng
Đức Mẹ?
-
Dạ cháu muốn thưa với Ngài
là má cháu đã ngủ từ 4 giờ chiều hôm qua, hai tay để trên ngực, người lạnh
ngắt, cháu không làm sao đánh thức má cháu dậy được!
Nghe đến đó ông già hiểu ngay là mẹ em đã
chết vì đói, ông rươm rướm nước mắt và nghĩ thầm: mình chẳng thiếu của ăn, còn
mẹ con chú này thì lại chết đói! Ông già ôm ghì lấy chú bé vào lòng, và ôn tồn
nói:
-
Từ nay ông sẽ là ba của
cháu.
Vậy một bức thư không được gởi đi, nhưng đã
có hiệu quả là cụ già biết thương người, và Mẹ trên trời đã dùng cụ để chăm sóc
cậu bé Gioan.
THUỘC LÒNG.
Mẹ Maria chỉ nói
với loài người một câu: “Chúa bảo gì, con
cứ làm theo!” (Ga
2,5)
Linh mục GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH