Sống đức tin _ mong manh như sương khói


MONG MANH NHƯ SƯƠNG KHÓI
Những ngày cuối năm này, trên nhiều ngã đường và các ngõ ngách đời, những cánh chim xanh vẫn vâng lời chim đầu đàn tung cánh ra đi tìm những quà tặng thiết thực dâng lên Chúa giáng trần, là những số phận người, nếu không bám víu vào lòng Chúa xót thương, thì số phận họ đằng trước chỉ còn là bức tường của tối tăm, đói khát, tuyệt vọng và mong manh như sương khói… 
·        Lời Người Cha Già Đau Khổ
Ngồi co ro trên băng ghế của một quán cóc nơi xóm nghèo, người đàn ông già cả bẩy muơi sáu tuổi bỗng nức lên, khi cô tình nguyện viên có lời quan tâm tới gia cảnh.
-         Khổ lắm, khổ lắm cô ơi! Thân già tôi, kiệt quệ thế này, lấy gì mà lo cho chúng!
Theo lời ông cụ, vốn từng là một dân đàn anh đàn chị nơi xới bạc sòng bài khu vực chợ Bà Chiểu thời tuổi trẻ, từng thắng nhiều, thậm chí là trúng số, nhưng cũng không kéo nổi những bàn thua. Lúc tàn cuộc cờ là lúc người vợ mất.
Người đàn ông gà trống nuôi năm con, nuôi cho có lớn, chứ còn chuyện học hành cũng chỉ là chuyện xa xôi hoang tưởng. Cuộc sống càng lúc càng xô ông vào đường cùng. Cách nay mười năm ông bòn vét nốt số vốn còm, dắt con cái về ngoại thành, cũng còn may mà mua được cái nhà. Đám con lớn lên, đứa phụ hồ, đứa làm thuê. Chúng thương ai thì cứ thế mà dắt người về, con gái con trai, con rể con dâu, chúng lại sinh nở ra bầy cháu và vẫn ở trong cùng ngôi nhà ấy.
-         "Khổ quá sức!" cô chủ quán bỗng chen vô, khi ông cụ xổ một tràng ho tưởng như chẳng muốn ngưng.
-         "Ông bị phổi!" cô quán phân trần, "Thằng con trai ổng chết cũng bệnh này, còn một thằng rể thì chết vì bệnh "Ấy".
Cái bệnh "ấy" mà cô chủ quán nói thác đi cho ông cụ đỡ tủi thân - chính là căn bệnh HIV - và đây cũng chính là nguyên nhân đưa đến đại thảm họa cho cô con gái út của ông cụ đáng thương, mà cứ nhắc đến là ông cụ lại trào nước mắt. 
·        Lời Cô Gái Trẻ 3 Đời Chồng
Tìm tới nhà người tình nguyện viên sau một dịp lỗi hẹn, hai vợ chồng dắt theo một cháu bé thơ, trên tay cô gái còn xách theo một bọc xốp màu đen. Hóa ra vợ chồng họ dắt con đi hái rau chùm bao mọc hoang ở cánh đồng.
-         “Kệ, ăn cho đỡ đói! Mát ruột và cũng đỡ đau!” cô gái trẻ khẳng khiu như que tăm bảo thế.
Cô gái khẳng khiu ấy có cái tên rất đẹp là Hồ Ngọc Thúy, sanh năm 1980. Song nhìn cô bây giờ, không ai có thể hình dung là tuổi cô còn trẻ thế. Bây giờ, cô chỉ còn như cái xác biết đi. Đó là hậu quả của căn bệnh thế kỷ.
Chắp nối những câu kể hụt hơi vì thở dốc của cô, thêm tiếng thở dài của anh chồng, và tiếng bi bô kêu đói bụng của đứa bé thơ, sẽ hiện ra toàn cảnh một số phận.
Thúy có tới 3 người chồng. Người thứ nhất chung sống với Thúy không được mấy hôm, đùng một cái anh này bị tai nạn giao thông. Trong những câu thều thào sau cùng, anh này ký thác vợ mình cho một cậu bạn thân của mình quê ở miền Trung vào làm thuê ở Sài Gòn, và thế là anh chàng miền Trung gật đầu...cái rụp!
Và thế là đợi cô gái trẻ nguôi ngoai sự buồn chết chồng, anh chàng miền Trung cuốn gói dọn tới nhà ông cụ, ra mắt nhạc gia, và trở thành người chồng thứ hai của cô gái có tên Ngọc Thúy.
Họ sống với nhau khá hòa thuận trong cái cảnh nghèo. Hai vợ chồng cùng nhau đi bán hàng xôn, là những búi chùi nồi xoong, thìa đũa tre, và gần tết là những phong bao lỳ xỳ đỏ.
Thì cũng chỉ đủ “tay làm hàm nhai”, nhưng hễ mùa mưa thì đói dài dài. Ngại ở nhà bố vợ mà túng quẫn nhôi nhai, cứ mùa mưa là anh chàng dồn hàng vào bao, lên tận miệt Bình Phước, Phước Long, gửi vợ lại nhà ăn bám nhạc gia cũng tong teo, và mấy người anh em đàng vợ.
Sống với nhau mấy năm, hai người càng ngày càng gầy quắt, mà chẳng có mụn con nào. Cô gái cứ bảo là: “đói ăn, lấy sức đâu mà đẻ!”
Cho đến một ngày nọ, anh chàng đi bán về, túi có chút tiền lời, mới “chơi đẹp” gọi vài chai bia đãi đằng ông bố vợ.
Đêm ấy anh chàng nôn thốc nôn tháo ra máu tươi. Đem vào bệnh viện cấp cứu, cô vợ cứ càu nhàu: “Uống chi nhiều để lủng bao tử thành ra nỗi!”
Bác sỹ gọi cô gái lên trấn an tư tưởng, và báo cho cô một sự thật phũ phàng: Người chồng bị bệnh HIV chuyển sang AIDS giai đoạn cuối rồi, phổi đã ruỗng bởi vi trùng, vô phương cứu chữa!
Cô vợ chỉ kịp vòng về báo bố già tin xấu đó. Cả một gia đình nghèo gom góp tý tiền, thêm chút tiền hàng xóm chạy qua hỏi thăm, cô vợ rinh anh chồng về mãi miền Trung để anh này kịp... chết nơi quê cha đất tổ.
Và thế là Thúy lại không chồng, lại cô đơn, lại bám víu vào ông bố già, thở chẳng ra hơi, nghèo xơ xác.
Hàng xóm gần có anh chàng Nguyễn Quang Ánh, tên ở nhà gọi là Tý. Anh cũng ít chữ, thường làm phụ hồ và đốn cây thuê. Lúc thất nghiệp anh ta đi trúm lươn, mò cá dưới đìa, đi qua nhà, lại sớt cho cha con cô Thúy mấy con. Sớt cá ra sao thì không ai hay, mà bỗng đâu anh này đùng đùng đòi dọn đồ sang nhà cô Thúy, ai gỡ cũng không ra. Anh chàng bảo thương, rất là thương và xót xa cái cô gái mỏng manh hai đời chết chồng và đang mang bệnh đó.
Lúc bấy giờ có một cánh chim xanh tình nguyện nhà ở gần, cũng hết lời tư vấn những điều nên làm và không nên làm cho anh chàng. Song tư vấn thì cứ tư, mà dọn đồ sang nhà cô nàng thì anh ta cứ dọn.
Chim xanh chuyển nhà đi, đâu có biết anh ta cùng cô Thúy sinh một lèo hai đứa con. Hậu quả là hai vợ chồng cũng nhiễm bệnh. Cô vợ ốm nhom, cơm chẳng đủ no, áo chẳng mặc lành, không công ăn việc làm. Cạn sức tàn hơi, họ phải mang một đứa con đem cho một người mãi bên quận 6 nuôi giúp.
Và đó là lý do vợ chồng cô đi tìm cánh chim xanh ngày xưa từng đến khuyên lơn. Lần này thì anh chàng nằn nỉ: Xin cô giúp con, giúp con với!
Cánh chim xanh nhỏ bé giúp làm sao được những việc lớn lao? Làm sao xóa được căn bệnh mà cả thế giới không thuốc chữa? Nhưng giúp hai con người trẻ ấy gượng dậy là việc phải làm và nên làm. Một việc nữa chim xanh thấy mình phải ra tay giúp ngay đó là khi nghe người mẹ trẻ nấc lên: “Cháu nhớ con quá cô ơi! Bây giờ muốn sang nhà người ta đón nó về, dù là về chơi đón năm mới, thì cũng phải có tiền, quà cáp cho người nuôi con mình, và có tý lận lưng mà bồi dưỡng cho chị em nó.”
Khi cô gái khóc, đứa bé thơ ôm mẹ, một tay sờ sờ những giọt nước mắt lăn dài. Quay mặt đi người tình nguyện viên tự nhủ lòng: Để mẹ gặp được con thì phải giúp thôi. Nhận được tin này, cách nửa vòng trái đất người linh mục lãng tử nhận lời giúp cho người mẹ gặp con, và giúp cái gia đình tan tác dặt dẹo trong khổ đau ấy chí ít sẽ có một cái Tết đoàn viên hoan hỉ.
Còn việc cụ thể trước mắt mà các chim xanh phải làm, là hướng dẫn, thậm chí phải cưỡng chế nếu cần để anh chàng tên Tý đi xét nghiệm và điều trị theo sự hướng dẫn của y tế. Cả hai cháu nhỏ cũng sẽ phải làm, nhưng tâm trạng của hai vợ chồng nhà này là dấu bệnh để con không bị kỳ thị, nên sẽ phải thuyết phục sao cho êm thấm.
Và một việc cần làm hơn tất cả mọi việc mà ai cũng có thể làm được, đó là dâng lời cầu nguyện, xin lòng Chúa xót thương quan phòng che chở cho gia đình của họ. Dù họ không có đạo, nhưng tình nguyện viên cũng sẽ báo cáo cho cha sở tại trường hợp này, các đoàn thể của giáo khu sẽ nới thêm vòng tay yêu thương họ. 
Tin tưởng phó thác họ cho lòng thương xót của Chúa và ước mong nhận được lòng thương xót của mọi người để gia đình họ sẽ có thêm chút cơ hội tồn vong. Quả thật, với thảm trạng hiện nay, số phận hai con người này, ngoài cái tình quấn quýt lấy nhau, thì mọi sự khác mong manh như sương khói!
Trong Năm Đức Tin, ước chi mỗi người thể hiện việc sống đức tin bằng tấm lòng bác ái để tạo thêm cơ hội sống cho những phận người cùng khốn. Sự sống của họ, dẫu đếm từng ngày, sẽ thay vạn lời tri ân tha thiết nhất!
T.H
Đêm Giao Thừa 2013