Danh nhân thế giới _ Churchill (Winston)

CHURCHILL (WINSTON)
Chính trị gia Anh quốc lỗi lạc nhất và có công nhất trong Đệ nhị Thế chiến, một vĩ nhân của Thế giới hiện đại đồng thời là một nhà văn có biệt tài và phong phú (1874-1965).
TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP
Sinh tại điện Blenheim ở Wood stock (Oxford), qua đời tại Londres, Sir Winston Leonard Spencer Churchill thuộc dòng quý phái. Thân sinh, Lord Randolf Churchill, một chính trị gia. Ông nội là quận công Marlborough. Mẹ, bà Jeannette Jérôme, lệnh ái một nhà kinh doanh ở Nữu ước, chủ và quản nhiệm tờ New York Times một thời kỳ…
Thuở nhỏ, Winston được giao cho nữ quản gia, bà Everest, nuôi nấng… Ông không thích học hành, còn oán nhà trường nữa là khác. Thay đổi 2, 3 trường, ở đâu ông cũng là người học trò “chuyên đội sổ”, ngoài ra, ông còn nóng nảy, nghịch ngợm, xấu nết. Bạn bè đều ghét… Thể thao không biết, La tinh ngữ cũng dốt, nhưng ngược lại, ông có bộ óc rất minh mẫn, thuộc lòng rất nhiều sách xưa.
Ông thôi học ở bậc Trung học, không được một mảnh bằng nào rồi vào trường võ bị Sandhurst, nhập vào ngành kỵ mã. Suốt trong thời kỳ nhập ngũ, tiên sinh tham chiến rất nhiều nơi: Âu, Á, Mỹ, Phi… có tham dự vào cuộc đàn áp của Tây ban nha ở thuộc địa Ba cu, đánh giặc với tướng Kitchener ở Soudan (1898)…., đồng thời gởi về các báo chí những bài tường thuật hay phóng sự chiến trường. Văn chương của tiên sinh khá hay, không phải ở tại sở học mà ở chỗ tiên sinh “sống” nhiều, hăng say với máu lửa, và nhất là nhờ đọc sách nhiều…
Năm 1908, tiên sinh kết duyên cùng Clémentine Hozier, một trang tuyệt sắc, con nhà danh giá và học hành cũng cao. Với tiên sinh, bà không những là người vợ lý tưởng mà còn là một tay “cố vấn” đáng yêu, trong suốt đời hoạt động của ông chồng.
Từ ngày tiên sinh giải ngũ, tiên sinh làm cho tờ báo Morning Post và được đặt phái về Transvaal theo dõi cuộc nổi loạn của Boers. Bị giặc Boers bắt, ông vượt ngục, hiên ngang đi giữa thành phố, nhảy đại lên một tàu hỏa của quân địch… trong lúc đó thủ cấp của tiên sinh còn bị giặc treo giá. Câu chuyện này vang dội khắp nước Anh thành một đề tài hấp dẫn trên mặt các báo chí.
Năm 26 tuổi, tiên sinh đã được xem như một nhà báo giỏi rồi, một vị anh hùng nữa là khác, và tiên sinh bắt đầu hoạt động chính trị rồi tham gia vào Chính quyền:
-          Năm 1901: đắc cử nghị sĩ về cánh Bảo thủ nhưng nhiều người cho tiên sinh quá khích và nhiều tham vọng. Sau đó (1904), vì bốc đồng ý trong nội bộ đảng về vấn đề Nam Phi châu, tiên sinh ra Đảng và gia nhập đáng Tự do.
-          1906 đến 1914: nhiều lần Thứ trưởng và Bộ trưởng (Nội vụ, Tài chính, Thương mại..,).
-          1914 sau ngày tuyên chiến, Tổng trưởng Bộ chiến tranh.
Trong nhiệm vụ quan hệ này, tiên sinh đã tỏ ra rất dồi dào sáng kiến: canh tân toàn bộ Hải quân Anh quốc, bỏ lối dùng than đá, thay vào bằng dầu cặn (mazour), trang bị đại bác nòng lớn (chưa Hải quân nước nào có cả), đóng thêm nhiều tàu chở dầu, thiết lập không quân trong Thủy quân (Royal Naval Flying Corps), đóng thêm nhiều chiến hạm, ra lệnh chế tạo những loại chiến xạ bọc sắt để vượt hầm hố, thủy tổ của loại thiết giáp sau này.
-         Nhờ vậy trong một thời gian ngắn, Anh quốc đã đủ sức đối phó với Hải quân Đức đang nắm quyền chủ động trên mặt bề.
-          Năm 1915, nhân vài mặt trận thất bại mà người ta đổ lỗi cho tiên sinh, tiên sinh từ chức…
-          Năm 1916, tiên sinh giữ chức bộ trưởng Quân khí. Tức thì tiên sinh ra lệnh sản xuất hàng loạt chiến xa.
-          Năm 1924, tiên sinh trở lại với Đảng Bảo thủ và được mời giữ chức bộ trưởng tải chính.
-          Năm 1929, xin từ chức và sống suốt trong 10 năm, tựa hồ như lãng quên chính trị, vì người ta chỉ thấy tiên sinh viết báo, sách, diễn thuyết hoặc là họa,…
-          Ngày 3 9 1939, nước Pháp rồi đến nước Anh tuyên chiến với Đức. Nội các Chamberlain vời tiên sinh vào bộ Hải quân… Sau khi nội các Chamberlain từ chức, Anh hoàng trao quyền cho tiên sinh và, chính ở địa vị này, tiên sinh đã trở thành một vĩ nhân của Thế giới. Tiên sinh giữ chức mới này đồng thời lãnh đạo cuộc chiến đấu của Anh quốc chống phe Trục cho đến ngày 23-5-1945, ngày mà Đức quốc xa và Phát xít Ý đều bị đánh bại…
-          Những năm 1951 đến năm 1955, tiên sinh lại lãnh đạo một lần sau cùng Chính phủ Anh quốc. Để tri ân một người dân đã có công nhiều với đất nước, Nữ hoàng Elizabeth II tặng tiên sinh huy chương Garter năm 1953 (Huy chương này được thành lập từ thế kỷ XIV và là huy chương giá trị nhất tại Anh quốc. Số người được cái vinh hạnh này chỉ đến số 25 mà thôi).Tháng 4/1963, chính phủ Hoa kỳ thừa nhận tiên sinh như là công dân danh dự của nước Hoa kỳ. Nghi lễ về sự thừa nhận này được tổ chức tại Bạch cung dưới sự chủ tọa của Tổng thống Kennedy. Tiên sinh không qua dự lễ này được vì trước đó, tiên sinh bị tai nạn xe hơi và đến ngày hôm đó, sức khỏe của tiên sinh cũng chưa được bình phục. Tiên sinh phải gửi người con trai qua Bạch cung đại diện cho tiên sinh. Tuy vậy, hình ảnh vô tuyến của tiên sinh tại Luân đôn vẫn được chuyển qua Hoa kỳ nhờ vệ tinh nhân tạo Relay.
Tiên sinh qua đời ngày 24/1/1965, thọ 91 và cố nhiên đám tang của tiên sinh được đặt lên hàng quốc tang. Hầu hết các quốc gia đều có cử đại diện đến Anh quốc nghiêng mìn trước hương hồn của người có một không hai trong lịch sử thế giới hiện đại.
VĂN NGHIỆP
Trong những năm rời khỏi chính giới, Churchill hoạt động ở các lĩnh vực khác và ở đâu tiên sinh cũng tỏ ra là có thiên tư. Tiên sinh thích hội họa, ngao du đây đó, diễn thuyết, viết sách và làm cả thợ hồ nữa.
Về văn nghiệp, tiên sinh có một năng lực sáng tác dồi dào và một nhãn quan rộng rãi bao la mà không một văn nhân nào trong thế hệ của tiên sinh bì kịp. Tiên sinh viết nhiều loại như ký sự chiến tranh, chính trị, lịch sử, nghiên cứu,… Dưới đây xin kê những tác phẩm chính:
 12 bộ tuyển tập về những bài diễn thuyết của tiên sinh.
Cuộc Khủng hoảng Thế giới (The World Crisis, 19231920), 4 cuốn.
Những mẩu chuyện trong đời niên thiếu tôi (My Early Life, 1930).
Quận công Marlborough, tiểu sử, thời đại của người (Marlborough, his life and time) 4 cuốn là bộ sử vĩ đại nghiên cứu về thời kỳ ông nội tiên sinh làm việc tại triều.
Những danh nhân hiện đại (Great Contemporaries 1937).
Nhất là bộ ký ức chiến tranh Thế chiến lần thứ II (World War II memoirs) in từ năm 1948 đến năm 1954 mới hoàn thành.
Do công trình trước tác này và nhiều tác phẩm nghiên cứu khác nói trên, tiên sinh được giải thưởng Văn chương Nobel năm 1953, giải thưởng mà trước tiên sinh chỉ có sử gia Theodor Mommsen được tặng mà thôi.
 Năm 1951, song song với những công việc trên, tiên sinh lại tiếp tục bộ sử khổng lồ mà tiên sinh đã khởi công và viết mỗi khi mỗi ít suốt 20 năm. Bộ này tên là History sau đó được xuất bản tại Pháp năm 1956 dưới tên là Les Géants de I’Histoire (những nhân vật vĩ đại của lịch sử).
TÓM TẮC NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỘ KÝ ỨC ĐỆ NHỊ THẾ CHIẾN
Gồm nằm 6 cuốn dày:
Giông tố sắp đến (The Gathering Storm) kể những nguyên nhân từ năm 1919, qua những năm 1929, 1930… 1935, 1936… dần dần đưa đến chiến tranh 1939, thuật lại sự khai chiến của Pháp, của Anh quốc với Đức quốc sau khi nước này xâm chiến Ba lan, tả những vụ tấn công của quân Đức trên đất Na uy, Thụy điển, Đan mạch cho đến lúc Pháp quốc đầu hàng.
Giờ khốc liệt (The finest hour) tả lại những năm từ 1940 về sau, Pháp bị đánh, bị chiếm đóng cho đến lúc Anh quốc, một mình, đứng ra đương đầu với Đức quốc bằng không quân, thủy quân.
Cuộc Đại Liên minh (The Grand Alliance) nhắc lại những vụ tấn công ồ ạt của Đức quân vào đất Nga sô, cuộc chiến đấu dũng cảm của dân tộc này cho đến lúc Hoa kỳ nhảy vào vòng chiến. Anh quốc không còn chiến đấu lẻ loi nữa mà đã có thêm sự hợp tác của Nga sô, của Hoa kỳ, tức là Đại Liên minh vậy.
Nẻo quanh của Vận mệnh (The hinge of fate) chia làm 2 phần chính: Nhật mở rộng mặt trần những năm 194243, sự giải phóng những đất đai Bắc phi. Tác gải có giải thích nhan đề trên như sau: Sở dĩ gọi là nẻo quanh của vận mệnh là vì trong thời gian này Đồng minh thất trận gần suốt 6, 7 tháng trước và 6, 7 tháng sau lại thắng trận liên miên…
Kèm khép lại (Closinh the ring) trình bày những chiến bại của Đức, Ý và của Nhật.
Chiến tranh và thảm kịch (Triumph and Tragedy).
Văn chương ở đây lưu loát, phong phú. Niều nhận xét tinh vi, tế nhị giúp cho chúng ta thấy được nhiều khía cạnh của cuộc Đại chiến II này. Ngoài ra tiên sinh cũng đã biểu lộ một đường lối xử thế và chính tiên sinh cũng có ghi đường lối ở trang đầu bộ sách bất hủ của tiên sinh. Có thể tóm tắt trong mấy dòng:
Lúc lâm chiến: Cương quyết
Lúc bại trận: Khăng khăng một mực
Lúc chiến thắng: Khoan dung
Lúc hòa bình: Thiện chí.
Đây cũng là phương châm thành công của tiên sinh vậy.
VÀI DÒNG KẾT LUẬN
Winston là người của lịch sử Anh quốc. Tiên sinh là một trong những vị anh hùng xưa nay của Anh quốc như Marlborough (ông nội tiên sinh), Nelson, Pitt, Disraeli… và, còn hơn nữa, là “một người tượng trưng cho Anh quốc” (the man who is England).
Đối với thế giới trong Đại chiến II vừa qua, tiên sinh là một trong ba người đã chiến thắng Đức, Nhật, Ý, đã đem lại hòa bình, an ninh cho nhân loại. Tiên sinh là người của lịch sử nhân loại này.