Tìm hiểu Lời Chúa _ chủ nhật I mùa vọng


CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG (năm C)
Gr 33,14-16; 1Tx. 3,12 - 4,2;
Lc 21,25-28.34-36
BÀI ĐỌC 1: Gr 33,14-16
14 Này, sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa. 15 Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. 16 Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: "Đức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta! "
ĐÁP CA: Tv 24
Đ. 1b Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa.
4 Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
8 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.
10 Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa. 14 Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Người.
BÀI ĐỌC 2: 1Tx. 3,12-4,2
3 12 Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy.13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.
4 1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa.2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 84,8
Hall-Hall: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Hall.
TIN MỪNG: Lc 21,25-28.34-36
            Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: 25 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."
            34 "Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người."

CHÚA ĐẾN CHO TA
ĐỨNG THẲNG VÀ NGẨNG ĐẦU LÊN!
            Thời gian trong Phụng Vụ mà Hội Thánh sinh hoạt, được đặt mốc giữa hai lần Ngôi Hai giáng trần: ngày Sinh Nhật và ngày Cánh Chung. Thánh Kinh gọi mỗi lần Chúa đến là “Ngày của Giavê”. Phụng Vụ Hội Thánh cử hành làm “hiện tại hóa” công trình Thiên Chúa cứu độ con người mà Ngài đang thực hiện dần dần tới lúc viên mãn. Ta hãy phân biệt ý nghĩa và giá trị giữa hai lần Chúa đến và biết sống tinh thần mùa Vọng.
I. PHÂN BIỆT HAI LẦN NGÔI II GIÁNG TRẦN TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ NHÂN LOẠI.

Chúa đến lần I
(Giáng Sinh)
Chúa đến lần II
(Cánh Chung)
a-      Ngài đến cách âm thầm như sương trời thấm vào tấm lông chiên của ông Ghêđêôn phơi ngoài sân (x. Tl/Qa 6,36t).
a’ Ngài đến trong vinh quang, uy quyền, rúng động cả vũ trụ, vì Ngài là Con Đấng Toàn Năng tự trời ngự đến (x. Lc 21,27: Tin Mừng).
b-     Ngài đến trong tinh thần khiêm nhu, làm con bác thợ mộc Giuse (x. Lc 4,22).
b’ Ngài đến trong uy quyền của Vua muôn vua, Vua vũ trụ.
c- Ngài đến biến tội ra ơn cho những ai biết hối cải và tin theo Ngài, thì Ngài cho họ vào Thiên Đàng (x. Rm 5,20; Lc 23,43).
c’ Ngài đến xét xử kẻ không thương giúp đồng loại, Ngài cho Satan lôi nó vào nơi khóc lóc nghiến răng (x. Mt 25,41t).
d- Ngài sinh ra trong cảnh nghèo khó, Mẹ đặt Ngài nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,7); khốn nạn nhất là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh Ngài bị lột trần trụi, bị tra tấn ác nghiệt đến chết trên thập giá! (x. Mt 27,28-30).

d’ Ngài đến trong y phục sáng chói như mặt trời (x. Mt 17,2) và tiêu diệt sự ác khỏi Nước Thiên Chúa (x. Kh 20,14). Đó là ngày kinh hoàng như Ngài nói: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21,25-27: Tin Mừng).
            Lịch sử dân Do Thái được Chúa dùng vua Cyros, người ngoại giáo giải phóng khỏi ách nô lệ Babylon để trở về quê hương tái thiết Đền Thờ, đã trở nên dấu chỉ diễn tả vào ngày cánh chung:
- “Này, sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giu-đa.Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33,14-15: Bài đọc I): Ngày cánh chung, Chúa Cha sai chính Con Một Ngài giải phóng loài người khỏi mọi sự ác, Người thuộc dòng vua Đavid, Đấng Công Chính, Người sẽ trị Nước theo công bình chính trực.
            - “Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành: "Đức Chúa là-sự-công-chính-của-chúng-ta!” (Gr 33,16: Bài đọc I): Tất cả những ai kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh, Chúa sẽ cho về hưởng phúc an cư lạc nghiệp trong thành thánh Giêrusalem trên trời.
II. SỐNG TINH THẦN MÙA VỌNG.
            Chúa dạy điều phải làm và việc phải tránh:
            1/ Điều phải tránh.
                  a- “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34: Tin Mừng). Vì “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính,bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Vì thế mà thánh Phaolô nói: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết. Được thế Chúa sẽ cho anh em bền tâm vững chí, trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Chúa chúng ta quang lâm cùng với các Thánh của Ngài” (1Tx. 3,12-13: Bài đọc II).
            2/ Việc phải làm.
            Đức Giêsu dạy: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36: Tin Mừng).
                  * Luôn tỉnh thức để nghe Lời Chúa: Tác giả Luca sau khi ghi Lời Đức Giêsu dạy: “Luôn tỉnh thức và cầu nguyện”, thì ông cho thấy một hình ảnh đẹp: “Toàn dân sáng sớm thức dậy chạy đến gặp Đức Giêsu trong Đền Thờ để nghe Ngài giảng” (Lc 21,38).
                  * Luôn tỉnh thức còn có nghĩa là sẵn sàng chia sẻ cho đồng loại đúng lúc và phải thời (x. Lc 12,42).
            Để cụ thể việc chia sẻ đúng lúc và phải thời, ta chỉ dùng tiền của vào bốn mục đích sau:
1-     Làm phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh (Điều Răn V trong sách GLHT số 2041-2043).
2-     Nuôi sống bản thân, bảo đảm sức khỏe tốt để phục vụ (x. St 1,26b.29; St 2,16; Cn 30,8-9; Mt 6,11).
3-     Tạo ra phương tiện để phục vụ (x. Lc 19,15t).
4-     Chia sẻ cho người không có khả năng tự kiếm sống (x. 1Ga 3,18; Cv 2,44-45).
            Áp dụng bốn điều trên cách cụ thể:
            * Mục đích thứ I: “Tiền của để làm phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh”.
            Vì Hội Thánh là Mẹ chúng ta, muốn dạy ta phải ý thức dùng tiền của, Hội Thánh đã đưa Luật mới – Giới Răn thứ V của Hội Thánh – “đóng góp tiền của theo Đức Tin và lòng Mến của mỗi người”. Nên việc dâng cúng của cải vào Nhà Thờ, khởi đi từ Đức Tin và lòng Mến, chứ không phải vì Luật buộc để “bố thí” cho Nhà Chúa, hoặc Hội Thánh muốn có nhiều tiền thì cấp bằng Ân Nhân!
            Ở đây xin mở cái ngoặc: Sáu Điều Răn cũ của Hội Thánh nay gom lại thành bốn:
            - Điều I: Gồm dự Lễ và kiêng việc xác (điều I và II cũ).
            - Điều II: Xưng tội ít là một lần trong năm (điều III cũ).
            - Điều III: Rước Lễ mùa Phục Sinh (điều IV cũ).
            - Điều IV: Ăn chay và kiêng thịt (điều V và VI cũ).
            * Mục đích thứ II: Tiền của để nuôi sống bản thân, bảo đảm sức khỏe để phục vụ. Vì:
            - Thiên Chúa đã trao vũ trụ vào tay loài người làm chủ, được quyền hưởng dùng (x. St 1,26b.29; St 2,16).
            - Của cải thiếu thốn sẽ sinh trộm cắp, của cải dư thừa sẽ lấp mắt không nhận biết Chúa, của cải đủ dùng là tốt nhất (x. Cn 30,8-9).
            - Đức Giêsu dạy chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (Mt 6,11).
            * Mục đích thứ III: Tiền của để tạo ra phương tiện phục vụ.
            Vì mỗi người là quản lý của Chúa, Chúa đã ban tiền của để sinh lời: “Người làm sinh lời gấp mười, chủ cho lãnh đạo mười thành; người làm sinh lời gấp năm, chủ cho lãnh đạo năm thành” (Lc 19,15t).
            Cụ thể khi tôi có vốn, tôi tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người.
            * Mục đích thứ IV: Tiền của để chia sẻ cho những người không có khả năng tự kiếm sống.
            - Thánh Gioan nói: “Kẻ nào có của đời này thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu mà khóa lòng dạ lại, thì làm sao lòng mến của Chúa có nơi nó” (1Ga 3,17).
            - Thánh Luca ghi nhận: “Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, đã bán tài sản góp chung lại, để mọi người được sống đồng đều, không ai giàu, không ai nghèo” (Cv 2,44-45).
            - Giáo Lý Công Đồng Vat II trong Hiến Chế Hội Thánh trong Thế Giới Hôm Nay số 69 dạy: “Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng, Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế mà của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý theo Luật công bằng là Luật đi liền với Đức Ái: Khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ cách chính đáng, không phải chỉ như của riêng mình, nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình, mà còn cho cả người khác. Vả lại, mọi người có quyền có một phần của cải cho mình và cho gia đình”.
            Ai biết dùng tiền của vào bốn mục đích gợi ý như trên, cụ thể khi thấy nhu cầu nào cần hơn thì dồn tiền của cho nhu cầu đó nhiều hơn. Đó là người có “tinh thần nghèo khó”, được Chúa Giêsu xếp hàng đầu trong tám Mối Phúc (x. Mt 5,1-11).
            Do đó “CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ LẤY” (Cv 20,35). Có ba phúc hơn đó là:
            1/ Được giống Thiên Chúa là Đấng luôn luôn cho, cho là dấu biểu lộ tình yêu (x. Ga 13,35; 1Ga 3,14-18; 1Ga 4,8).
            2- Được Chúa cho nhiều hơn, như Ngài nói: “Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn đã lắc đầy tràn tóe ra mà đổ vào vạt áo các ngươi” (Lc 6,38). Do đó thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa có quyền đổ tràn ân lộc mọi thứ xuống cho anh em, để anh em vừa được luôn luôn sung túc mọi bề, vừa còn dư giả mà làm mọi việc phúc đức” (2Cr 9,8-10).
            3- Được chất kho trên trời, nơi trộm không lai vãng và mối mọi không nhấm nát (x. Lc 12,33).
B. CẦU NGUYỆN LUÔN
            Đức Giêsu đã minh họa cung cách cầu nguyện bằng hình ảnh bà góa luôn đòi mọi người phải sống công lý, nói về công lý, bênh vực những ai thiết tha đòi công lý, như bà đã đòi hỏi thẩm phán bất lương công nhận bà đang sống trong công lý (x. Lc 18,1-8).
            Nếu ai cũng lo đặt công lý (Lời Chúa) vào lòng người, để dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, tất cả cho vinh quang Thiên Chúa (x. 1Cr 10,31), thì quả thật Nước Thiên Chúa đã ngự đến, và cũng chính vì luôn cầu nguyện, lo sao Lời Chúa bao trùm lòng mọi người, nên sau khi Chúa Giêsu về Trời, ông Luca không ghi Lệnh Chúa dạy các Tông Đồ phải đi khắp thế gian rao giảng … (x. Mt 28,19-20), nhưng ông lại ghi “các Tông Đồ vào Đền Thờ đêm ngày cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,53). Vào Đền Thờ cầu nguyện cụ thể là dâng Lễ mỗi ngày mới là cách tôn thờ Thiên Chúa đích thực, như Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: “Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,23-24).
-         Thần Khí chính là Lời Thiên Chúa, là Thân Thể thứ hai của Đức Kitô (x. Ga 6,63; HCMK số 21).
-         Sự Thật là Chúa Giêsu (x. Ga 14,6).
            Như vậy Lời Chúa và Chúa Giêsu là hai phần chính của Thánh Lễ. Nhờ cầu nguyện trong Thánh Lễ mà ta được Chúa cho “đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì chúng ta sắp được cứu chuộc” (x. Lc 21,28).
            Nói tắt:
            Chúa muốn mọi người luôn đứng thẳng và ngẩng đầu lên, một khi họ “sống vô phương trách cứ trong sự thánh thiện trước mặt Chúa” (1Tx. 3,12 -4,2: Bài đọc II).
            Vậy sống tinh thần mùa Vọng là để lãnh nhận ơn cứu độ Chúa ban cho con người lần II, đặc biệt mỗi khi tham dự Thánh Lễ, Chúa làm cho ta mỗi ngày nên hoàn hảo, xứng đáng cất lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 24/23,1b: Đáp ca), và “lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 84/83,8: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
            Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần (Rm 14,17).
Lm. Giuse Đinh Quang Thịnh