Giáo sư Kobayashi Yoshisuke – viện trưởng Viện Nghiên cứu
kinh doanh Kobayashi (thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản) trong buổi
trò chuyện với chúng tôi tại quê hương ông, đã nói một câu khiến chúng tôi nhớ
mãi: "các bạn đã có con cái, hãy coi con cái mình là ”tài sản quốc gia”,
chính vì thế phải hướng dẫn con đi đúng con đường đất nước cần và nuôi dưỡng
nhân cách đẹp, học làm người từ nhỏ cho con”.
Tôi may mắn là một trong 64 thanh niên Việt Nam được sang Nhật Bản tham gia
Chương trình Đào tạo Lãnh đạo trẻ do JICA tổ chức.
20 ngày sống trên đất Nhật, đi dọc từ Tokyo về tận vùng đất xa
xôi Hokkaido, thuộc miền Bắc, dường như ở đâu chúng tôi cũng gặp những người
dân Nhật hiền hòa, chu đáo và thân thiện.
Nhưng chúng tôi vẫn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhất
là khi nghe giáo sư Kobayashi Yoshisuke kể: “Khi
tôi lên ba tuổi, ngồi cạnh mẹ đương may áo Kimono. Mẹ dạy tôi nhiều điều, rằng
sống phải biết nhường nhịn, ăn nói phải nhỏ nhẹ, tác phong phải nhã nhặn...
Sau này tôi học lên rất
cao, nhưng sách vở không giúp tôi được gì nhiều cho nhân cách của tôi, bằng việc
tôi học từ người mẹ”.
Những tâm sự về cách giáo dục con cái của giáo sư Kobayashi Yoshisuke,
chúng tôi đã ngày càng “nhìn thấy” rõ hơn trong tính cách người Nhật mà chúng
tôi gặp trong thời gian ở Nhật.
Trên đường phố ở Hokkaido
tôi thấy giới trẻ Nhật phần lớn họ ăn mặc giản dị, nét lịch thiệp dễ thấy khi xếp
hàng lên tàu điện hay vào cửa hiệu.
Tranh thủ lúc chờ đợi có người lấy báo ra đọc, người nhắn tin điện
thoại, hay lấy sách tiếng Anh ra học. Nét nhã nhặn ở những người trẻ còn thấy
khi họ đi bộ đúng lề đường, lái ôtô không hề bấm còi, cũng như chạy chậm ở ngã
tư nhường cho người đi bộ qua đường.
Và trên chuyến tàu về Jica Sapporo một buổi chiều, khi hai phụ nữ
luống tuổi vừa bước lên, tôi thấy một đôi trai gái liền bật người dậy nhường chỗ
ngay.
Ngồi trên tàu điện, dù có rất nhiều cảm nhận mới mẻ về thành phố
này muốn quay sang trò chuyện với đồng nghiệp, đành phải chờ dịp khác, khi tôi
thấy người Nhật ai cũng yên lặng, họ giữ trật tự bởi có rất nhiều người đang
tranh thủ ngủ...
Tôi nhận ra, ở nhiều nơi công cộng của Sapporo nhẽ ra sẽ rất ồn ào, thì ngược lại nó
vô cùng lặng lẽ, dù phố đông người qua lại. Đó có lẽ là nét lịch lãm của người
Nhật, không “ăn to nói lớn” ở nơi công cộng.
Tính cách chu đáo, nhiệt tình chúng tôi gặp ở nhiều chàng trai,
cô gái trẻ. Khi bị lạc đường ở bến tàu điện ngầm giữa trung tâm thành phố Sapporo, thấy tôi lo lắng,
một cô gái trẻ đã dẫn tới cửa lên tàu.
Điều lạ là tôi thấy cô gái ấy vẻ mặt cũng đầy lo lắng. Khi chúng
tôi lúng túng không tìm ra cửa hàng 100 yên, một chàng trai Nhật cao ráo đã dẫn
tới tận cửa cách đó chừng 500m. Chưa kịp cám ơn, đã thấy chàng trai cúi gập người
chào với nụ cười hiền lành nở trên môi.
Hôm từ sân bay Narita ở Thủ đô Tokyo
về Việt Nam,
cạnh tôi ngồi là một chàng trai trẻ người Nhật được bố cho sang du lịch thành
phố Hồ Chí Minh.
Sau bữa điểm tâm trên máy bay, chàng trai ra vẻ ngại ngùng quay
sang hỏi tôi, bằng tiếng Anh: “Tôi đã lỡ
cầm cả chiếc khay thức ăn lên ăn. Ở Việt Nam, nếu ăn như vậy thì có bị coi là mất
lịch sự không? Nếu có thì cho tôi xin lỗi”.
Tôi khá bất ngờ trước câu hỏi của chàng trai, liền trả lời: “Ồ, không”. Câu chuyện về văn hóa ứng xử
của những chàng trai, cô gái trẻ này luôn làm tôi cảm thấy ấm lòng mỗi lần nhớ
lại.
Những ngày sau khi thảm họa sóng thần vừa xảy ra ở Nhật, tôi thường
liên lạc để chia sẻ với nước bạn qua Phạm Tuấn Anh – nghiên cứu sinh tiến sỹ từng
sống ở Trung tâm JICA Sapporo, nơi chúng tôi có hai mươi ngày trên đất Nhật trước
đây.
Tuấn Anh vừa về Việt Nam cưới vợ vài tháng trước. Cô dâu
Đào Thị Thúy làm việc tại Ban Quốc tế Trung ương Đoàn. Tôi nói với Tuấn Anh, thảm
họa sóng thần và động đất ập đến với người dân Nhật Bản khiến chúng tôi càng
khâm phục và ngưỡng mộ người Nhật hơn, khi thấy trong họ sự can đảm, bình tĩnh
khi đối phó với khó khăn, thiên tai.
Dù tình cảnh khó khăn, nhưng không hề xảy ra hỗn loạn, đặc biệt
bất chấp sự tàn phá và sự khan hiếm hàng hóa, không xảy ra cảnh cướp bóc...
Chúng tôi cho rằng, có được điều đó là bởi tính cách lịch sự, thật
thà, giàu lòng tự trọng, tôn trọng lẫn nhau, và giàu tính tương thân tương ái
đã ăn sâu vào máu của người dân Nhật Bản, mà họ được cha mẹ giáo dục từ bé.
Phạm Tuấn Anh tâm sự: “Thực
ra, cách giáo dục con cái của người Nhật cũng giống người Việt. Đó là một khi
con cái có việc làm sai trái, Các ông bố bà mẹ đều chỉ cho con những cái đã làm
sai.
“Nhưng người Nhật thường
nói rõ, nói thẳng ra để con nhỏ nhận thức ra vấn đề. Còn một số ông bố, bà mẹ
người Việt lại nói “lái”, nói chệch đi khiến một số đứa trẻ chưa kịp nhận ra,
hoặc không hiểu, đã nghĩ khác vấn đề đi.
“Hay như, một đứa bé
không may bị ngã, các ông bố bà mẹ người Nhật thường không đỡ con dậy, mà động
viên con đứng lên, chỉ cho con lý do tại sao con ngã, vừa để phòng tránh, vừa dạy
con tính tự lập.
“Còn một số ông bố bà mẹ
người Việt thấy con ngã, thường chạy vội lại đỡ con dậy, rồi xuýt xoa, thậm chí
còn đánh vào một đồ vật nào đó: “chừa này, chừa này”, khiến con trẻ có suy nghĩ
đổ lỗi cho người khác hoặc cho sự vật khác ngoài bản thân mình, và tệ hơn nữa
là bố mẹ đã vô tình tạo cho con trẻ cảm giác đã “trừng phạt” được “đối phương”.
Câu chuyện của Tuấn Anh khiến tôi chợt nhớ lại sâu sắc câu chuyện
về dạy con của người Nhật mà tôi đã từng được nghe giáo sư Kobayashi Yoshisuke
kể.
Và thông điệp “Coi con
mình là tài sản quốc gia để nuôi dạy con biết sống vì quốc gia, vì vận mệnh
chung của dân tộc” trong câu chuyện của GS K. Yoshisuke bỗng bật dậy trong
tiềm thức cửa tôi như vậy...
Người viết: Khánh Nam
03/04/2011