Tết trung thu

 Tết Trung Thu

 TÌM HIỂU THÊM VỀ TẾT TRUNG THU
Tết và Lễ Hội ở Việt Nam có rất nhiều, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tết là cách nói tắt của hai chữ “Lễ Tiết”. Mọi cái Tết đều ít nhiều gắn với truyền thống văn hoá dân tộc này hay dân tộc khác.Nước ta mỗi mùa đều có Tết riêng. Mùa Xuân ngoài Tết Nguyên Đán còn có Tết Nguyên Tiêu, mùa Hạ có Tết Đoan Ngọ, mùa Thu có Tết Trung Thu, mùa Đông có Tết Trùng Thập. Tết Trung Thu là tết giữa mùa Thu. Ở nước ta mùa Thu là mùa mát mẻ nhất. Nó không ẩm như mùa Xuân, không nóng bức như mùa Hè, không rét mướt như mùa Đông. Tháng Tám "trăng thanh gió mát", nước trong leo lẽo, nông dân vừa xong việc đồng áng, bước vào thời gian nông nhàn, rảnh rang. Họ tổ chức Tết Trung Thu để vui chơi cùng con trẻ cho vơi nỗi nhọc nhằn.
Theo nghiên cứu của học giả P.Giran người Pháp trong Magiet religion, Pa-ri, 1912, thì từ xưa người ta đã coi trọng mặt trăng và mặt trời, xem như một cặp “vợ chồng”. Họ quan niệm mặt trăng chỉ sum họp với mặt trời mỗi tháng một lần (vào cuối tuần trăng), sau đó từ ánh sáng của chồng, nàng Nguyệt mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương, trở thành trăng non, trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy mặt trăng là âm tính, chỉ về phụ nữ và đời sống vợ chồng.
Vào ngày Rằm tháng Tám, nàng Nguyệt lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng trăng. Lại có quan niệm rằng, trong cuộc đấu tranh giữa hai cõi âm và dương thì mùa Thu là lúc âm (đại diện là trăng) phản công và chiến thắng. Từ đây đêm dài hơn ngày và mặt trăng ở lại trên bầu trời cũng lâu hơn. Vì vậy, mùa Thu là mùa của kết hôn. Cho nên Tết trông trăng xưa vốn là Tết của tất cả mọi người, cả người lớn và trẻ em. Thuở đó, đêm Trung Thu, trai gái từng nhóm tập trung ở một khoảng sân trống, hát giao duyên, gọi là hát ghẹo (nhau). Sau đó người con trai có thể mời người yêu ra ngoài để tâm sự.
Múa lân (còn gọi múa sư tử) 
Ngày xưa, đêm Trung Thu, mọi nhà đều mở cửa, ai cũng có thể đến thăm nhau, cùng phá cỗ và ngắm trăng, nhiều khi cổ chỉ là vài món hoa quả. Về sau, dưới chế độ phong kiến thì mọi thứ "phi lễ giáo" bị loại, không còn chuyện trai gái ghẹo nhau, theo nhau trong đêm Trung Thu, nên tết Trung Thu chuyển thành Tết dành cho trẻ em, là phù hợp với sự trong sáng của đất trời mùa Thu và của cả tâm hồn trẻ thơ.
Trong dịp Tết, cha mẹ thường sắm đồ chơi cho con để thể hiện một ước vọng nào đó. Đặc biệt là các loại đèn như: đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn ông sao... Theo truyền thuyết, thì đèn cá chép được nhiều người chơi nhất. Người ta kể rằng: Vào đời nhà Tống có con cá chép biến thành tinh, đến Tết Trung Thu lại biến thành người, hãm hại dân chúng. Bao Thanh Thiên liền tâu với vua chỉ dụ cho dân làm đèn cá chép treo trên cửa nhà để yêu tinh thấy cùng giống sẽ bỏ đi nơi khác.
Đèn cá chép:
Còn có sự tích kể rằng: Đèn cá chép bắt nguồn từ cá chép vượt Vũ môn quan trên sông Dương Tử ở Trung Hoa để hóa thành Rồng. Trên sông có một ghềnh nước lớn tên là Vũ Môn (hoặc Long Môn). Hàng năm họ hàng nhà cá chép về đấy thi nhau nhảy qua ghềnh. Con nào vượt qua được sẽ hóa thành Rồng. Ở nước ta tương truyền tại vùng Hương Khê, Hà Tĩnh, cũng có Vũ Môn và có cá chép thi vượt ghềnh mỗi năm. Tục chơi đèn cá chép là do các bậc cha mẹ mong muốn con cái mình sẽ vượt Vũ Môn trong học hành, thi cử, mong đỗ đạt thứ hạng cao.
Đèn kéo quân:
Đèn kéo quân (còn gọi đèn cù)
Ngày xưa khi gần đến Tết Trung Thu nhiều nhà làm đèn kéo quân. Đèn kéo quân còn gọi là đèn cù, hình lục giác hay bát giác. Chơi đèn kéo quân là một thú vui thanh nhã của dân kinh đô xưa vào dịp Tết Trung Thu.
Ở kinh thành Thăng Long xưa còn có Hội đèn Quảng Chiếu (một loại đèn kéo quân khổng lồ) thường tổ chức thi vào dịp Tết Nguyên Tiêu hay Rằm tháng Tám. Năm Hội tường Đại khánh Nguyên niên ( 1110) đời Lý Nhân Tông, đã được miêu tả rất sinh động hội đèn kéo quân Quảng Chiếu trong văn bia chùa Đọi, dựng năm 1121. Sách “An Nam chí lược” ghi: “ Đêm Nguyên Tiêu, triều đình nhà Trần dựng cây đèn trên sân rộng, gọi là đèn Quảng Chiếu, muôn ngọn đèn sáng rực trên trời, dưới đất. Các vị sư đi quanh đèn đọc kinh, các quan đứng xung quanh đèn làm lễ Triều đăng…”. Trong đêm hội đèn còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối và nhiều trò vui dân gian cùng các sinh hoạt ca, múa, nhạc tưng bừng, sôi nổi khắp kinh thành. Đèn kéo quân được lưu truyền và trở thành trò chơi dân gian rộng khắp.
Đèn được cấu tạo bởi hai bộ phận chính là khung vỏ bên ngoài và các vòng quân bên trong. Khung bên ngoài được dựng thành hình lục giác hay bát giác, dán bằng giấy bản trắng, mỏng, dai, thường dùng giấy Lệnh của làng Bưởi, làng Cót bên sông Tô Lịch , hoặc giấy Xuyến chỉ màu trắng (còn gọi là giấy Tàu bạch) của Trung Quốc, để làm nổi các hình bên trong khi đèn được thắp lên. Những chiếc nan tre được chuốt kỹ, lắp ráp với nhau và được buộc bằng lạt mềm rất chắc. Những dóng trụ đèn này được quấn bằng các loại giấy màu, giấy trang kim vàng óng ánh, trổ những họa tiết để dán vào phần đầu và chân các trụ đèn khiến cho đèn thêm lộng lẫy.
Phần trong đèn có một trục tre tròn, nhỉnh hơn chiếc đầu đũa, phía trên gắn một chiếc chong chóng bằng giấy có nhiều mũi để hứng gió. Các hình tướng sĩ, binh mã, xe pháo, hoặc các nhân vật lịch sử hay nhân vật trong các truyên cổ tích, được gắn vào những vòng tre đặt dưới cánh chong chóng, xếp thành ba, bốn vòng cách nhau khoảng mươi phân. Khi đèn được thắp lên, sức nóng tỏa ra theo đối lưu sẽ đẩy chong chóng quay, vòng quân quay đều quay theo. Dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo, các nhân vật, con thú…lần lượt in bóng lên từng khoang đèn theo vòng tròn, trông như cuộc hành quân liên tục không ngưng nghỉ. Trẻ con xúm xít quanh đèn, vừa xem vừa lắng nghe người lớn thuyết minh nội dung câu chuyện thể hiện bằng các hình bóng ấy.
Điều kỳ thú khi xem đèn kéo quân là ở chỗ mặc dù tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã… đều là hình tĩnh nhưng khi chạy vòng quanh lại gây cho ta ảo giác như chúng biết cử động, ta như đang được xem một trận chiến hay một cuộc đuổi bắt dồn dập đầy lý thú.
Và để tăng thêm trí tò mò cho trẻ, các nghệ nhân còn làm hình các con rối có thể cử động được rồi gắn vào đèn kéo quân. Con rối có hai phần, phần tĩnh và phần động, đều được gắn vào mặt ngoài màn giấy. Phần động được gắn vào phần tĩnh bằng khớp nối. Một sợi dây nhỏ được nối rất khéo từ phần động vào trục quay chong chóng. Trên trục quay có cái mấu nhỏ, mỗi vòng mấu đi qua lại kéo sợi dây làm cho con rối giật lên, hạ xuống trông rất vui mắt. Đây là những rối dây đơn giản nhưng lại rất gây ấn tượng cho trẻ thơ. Ông Nghè Tân đã có bốn câu thơ tả đèn kéo quân mang tính triết lý:
Một lũ ăn mày, một lũ quan
Quanh đi, quẩn lại chỉ một đàn
Đến khi dầu hết, đèn không cháy
Chẳng thấy ăn mày, chẳng thấy quan …
Múa Lân (múa Sư tử):
Múa Lân hay còn gọi là múa Sư tử vào tết Trung thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Theo sách Tàu thì "Kỳ" là tên con sư tử đực, "Lân" là tên con sư tử cái. Người ta không phân biệt chúng là đực hay cái nên gọi chung là Kỳ Lân. Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị. Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn. Có thể thấy từ xa xưa, dân gian đã quan niệm đồ chơi cũng góp phần giáo dục con người, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ ước vọng về một tương lai tươi đẹp.
Bánh Trung Thu:
Dịp Tết Trung thu có rất nhiều loại bánh, nhưng phần lớn là bánh hình tròn tượng trưng cho mặt trăng và bánh hình vuông tượng trưng cho mặt đất. Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về chiếc bánh Trung thu, nhưng có một truyền thuyết được phổ biến nhiều nhất, đó là vào những năm cuối triều Nguyên (Trung Hoa), bọn thống trị phong kiến áp bức bóc lột nhân dân rất tàn khốc, khiến dân chúng bất bình và nuôi ý chí phản kháng mãnh liệt. Ít lâu sau, có hai vị thủ lĩnh là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá tổ chức nông dân vùng lên khởi nghĩa chống lại bè lũ phong kiến thống trị tàn bạo. Để có thể truyền tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những cái bánh hình tròn, trong có nhét một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm Rằm tháng Tám. Những chiếc bánh Trung thu được người ta chuyển cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc. Từ đó, tin tức về cuộc khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi và cuộc khởi nghĩa đã thành công, đập tan sự áp bức bóc lột của bọn phong kiến thống trị. Sau này, cứ vào ngày Rằm tháng Tám là người dân Trung Hoa lại làm bánh Trung thu để kỷ niệm sự kiện ấy. Như vậy, tục ăn bánh Trung thu trong ngày Rằm tháng Tám có xuất xứ từ Trung Quốc và được lưu truyền tới ngày nay. Còn có truyền thuyết khác lại kể rằng: Bánh Trung thu có từ thời nhà Đường. Nó được coi như một thứ đồ lễ cúng thần Mặt trăng. Ngày đó, ở kinh thành Trường An đã có những cửa hiệu bán bánh Trung thu...
Ngày nay, vào dịp Tết Trung thu, ở nước ta cũng như một số nước vùng Đông Nam Á, người ta thấy có nhiều loại bánh, nhiều loại đồ chơi đủ màu sắc với những hình dáng bắt mắt, hiện đại, đắt tiền, có cái giá hàng mấy trăm cho đến cả triệu đồng nhưng chỉ đáp ứng cho trẻ con nhà giàu. Tiếc thay, những chiếc bánh, chiếc đèn xa xỉ đó ngày càng xa rời các loại bánh, loại đèn dân dã, cổ truyền mang hồn dân tộc.
Cỗ Trung thu
 LÊ XUÂN