Thuyết
biến hóa, tiến hóa
và vận mệnh con người
và vận mệnh con người
Đặt vấn đề
Ba vấn đề nêu ra trên đây thuộc về những
phạm vi khác nhau, cho nên thiết tưởng muốn giải quyết cho ổn thỏa thì trước hết
cần phải nhận định cho rõ về nội dung các khái niệm.
Đã có một thời thuyết biến hóa (évolutionnisme) được coi như là chân lý vĩnh cửu của
khoa học, có thể đưa ra để phi bác quan niệm chủ trương có vị Thiên Chúa tạo
thiên lập địa (créationisme). Thực vậy, một bên thì có những tín hữu – hiện nay
phần lớn là thuộc giáo phái Tin Lành ở Hoa-kỳ - cố bám chặt vào một ít văn từ của
Thánh Kinh, trong sách Sáng thế, chương I, nói rằng Thiên Chúa sáng tạo ra các
sinh vật, loại nào ra loại ấy. rồi cho rằng các loại sinh vật đều có hình dạng
cố định ngay từ đầu (fixisme). Trái lại, bên kia thì có thuyết biến hóa. Nói
cho đích xác thì trong buổi đầu, ông tổ là Charles Darwin (1809-1882) viết sách
về nguồn gốc các loại sinh vật (1859) đã đưa giả thuyết biến hóa đó ra trong phạm
vi chương trình nghiên cứu của ông, với mục đích là để giải thích sự biến chuyển
hạn hẹp từ loại này sang loại khác mà thôi. Sau đó thì Herbert Spencer
(1820-1903) chủ trương là nên nới rộng và tổng quát hóa lối giải thích ấy ra
cho toàn thể các sinh vật. Thế là thuyết biến hóa đã thành hình.
Hai lập trường có vẻ thật mâu thuẫn nhau,
cho nên người ta thấy hình như phải chọn một trong hai: thuyết biến hóa hay là
quan niệm tạo thiên lập địa.
Nhưng mâu thuẫn là thế nào? Nói cho cùng
thì ta chỉ có thể nói tới sự mâu thuẫn, khi có hai sự kiện hay hai lý thuyết
trái ngược nhau mà lại cùng nằm ở trong một phạm vi, cùng được đề cập theo một
quan điểm, cùng được xét theo một tiêu chuẩn, hay là theo một cách thức đo lường.
Ví dụ ta không thể nói cái cảm giác về thời gian lâu hay chóng (thuộc phạm vi
tâm lý) có mâu thuẫn hay không với cái chiều không gian vắn hay dài (thuộc phạm
vi đo lường của khoa học).
Như thế thì sao có thể so sánh giữa một
bên là niềm tin về những điều không thuộc về phạm vi hình sắc, một bên là những
quan sát và lý luận khoa học, mà nói có hay không có mâu thuẫn? Lý thuyết là
như thế đó, nhưng khi nói lên lập trường về một hiện tượng cụ thể thì khó mà
tránh mâu thuẫn giữa hai câu “hình dạng các sinh vật là cố định” và “hình dạng
các sinh vật không cố định”, nhưng có biến hóa (évolution), vì khi nói suông
như thế người ta thường không nhận ra rằng hai câu này vẫn còn tựa vào hai tiêu
chuẩn khác nhau. Vì thế nếu muốn luận lý cho chặt chẽ thì chỉ có thể có mâu thuẫn
giữa hai lập trường “hình dạng các sinh vật là cố định” và “hình dạng các sinh
vật không cố định”; chứ quan niệm tạo thiên lập địa không trực tiếp liên quan đến
thuyết biến hóa.
Xét chung về mặt lý thuyết thì thuyết biến hóa và quan niệm tạo thiên lập
địa không cùng nằm trong một phạm vi, không theo một quan điểm hay một tiêu chuẩn,
cho nên khó mà so sánh để nói có mâu thuẫn với nhau hay không. Vì lý do sau
đây. Một bên thì quan niệm tạo thiên lập địa đặt vấn đề trên bình diện siêu
hình học: vạn vật tựa vào nền tảng nào mà có. Về cái câu hỏi không thuộc về phạm
vi khoa học này, thì người ta tự chọn lấy lập trường tiên kiến: người thì cho rằng
vạn vật tự nhiên có như thế, người thì cho rằng có một vị thượng trí nào đó,
khác hẳn vạn vật, đã làm nền tảng cho nó có đó. Còn bên kia là thuyết biến hóa
thì đứng trong phạm vi khoa học, cho nên không có ý tìm xem vạn vật tựa vào nền
tảng nào mà có, nhưng chỉ tìm xem vạn vật đã có đó rồi thì vận chuyển biến hóa
như thế nào, và đặt ra các định luật làm giả thuyết để giải thích và kiểm chứng
xem đúng hay sai.
Cho nên khi đứng trong bình diện khoa học
mà xét về sự biến hóa của vạn vật đã có đó, thì những người có quan điểm khác
nhau về nền tảng của vũ trụ đều có thể bàn bạc như nhau về các định luật khoa học,
theo một tiêu chuẩn như nhau, không ai khoa học hơn ai [1].
Muốn hạn hẹp cái vẻ mâu thuẫn giữa hai lập
trường, có người đưa ra nhận xét sau đây: những chân lý do Thiên Chúa hay thần
trí nào mặc khải cho biết thì có tính cách chắc chắn, còn những giả thuyết cũng
như những định luật khoa học mà người ta tìm ra, tuy là có tính cách tổng quát,
nhưng lại chỉ là tạm thời, vì lẽ mỗi khi thấy có một sự kiện đi ngược lại, thì
phải đưa ra xét lại, vì giả thuyết cũng như định luật không còn có giá trị tổng
quát nữa. Nói như thế cũng đúng một phần nào. Có điều là càng ngày người ta
càng thấy rằng thuyết biến hóa, tuy theo lý thuyết thì chưa phải là chân lý
vĩnh viễn, nhưng cũng không phải chỉ là một giả thuyết giả tưởng vớ vẩn, vì thực
ra nó giúp cho ta có được cái nhìn tổng hợp về tất cả các điều sở đắc về khoa
sinh vật học.
Từ khi triết gia người Pháp Henri
Bergson (1859-1941) dùng từ ngữ “évolution créatrice”, nghĩa là “sự biến hóa có
sáng tạo” thì người ta dần dần thấy rằng hai khái niệm trên đây cũng không hẳn
là hoàn toàn mâu thuẫn. Đàng khác tín hữu đạo Ki-tô khi dùng chữ “sáng tạo” hay
“dựng nên” (création), thì thường cho kèm thêm từ ngữ “duy trì” hay là “gìn giữ”
(conservation); như thế là vì có ý nói rằng công việc sáng tạo của Thiên Chúa
không phải chỉ là việc đầu tiên trong khoảnh khắc làm cho có vạn vật, rồi sau
đó vạn vật tự nó biến hóa, nhưng là một việc lâu dài trong thời gian, gồm cả
sáng tạo lẫn duy trì. Như vậy phải chăng hai khái niệm “sáng tạo” và “biến hóa”
lại cũng chỉ là một? Phải chăng sự biến hóa làm nảy nở ra những hình thể mới, lại
cũng chỉ là sự sáng tạo, hay nói cho rõ hơn: lại cũng chỉ là sự “sáng tạo đang
tiếp tục” (création continue)? Chẳng lẽ biến hóa hay là sáng tạo thì cũng là
như nhau?
Vậy muốn tránh cái tệ “ông nói gà, bà
nói vịt” thì cần phải xác định các khái niệm “biến hóa” và “tạo thiên lập địa” (création)
trong phạm vi và tiêu chuẩn riêng của chúng.
Ở đây tôi thấy không cần đi sâu vào cuộc
tranh luận giữa hai lập trường không cùng nằm trong một phạm vi như thế [2], nhưng chính vì thuyết biến hóa có thể làm
điểm tựa cho một quan niệm về vận mệnh con người, cho nên thiết tưởng cũng nên
tiếp theo thuyết biến hóa mà đặt vấn đề tiến hóa và vận mệnh con người.
1 - Thế
nào là biến hóa?
Trong một đoạn văn trong sách Le
phénomène humain (Hiện tượng con người), viết vào khoảng giữa năm 1938 và năm
1940, một linh mục người Pháp là nhà nghiên cứu cổ vật học, Pierre Teilhard de
Chardin (1881-1972), có viết: “về sự kiện biến hóa nói chung chung thì ngày nay
các nhà nghiên cứu (…) đều đồng ý cả” [3], nhưng họ vẫn còn bàn luận chưa giải
quyết xong hai vấn đề: một là cách thức
biến hóa của các sinh vật, hai là hướng
đi của sự biến hóa.
Luận điệu như thế có thể làm cho ta ngạc
nhiên. Thực vậy, nếu ta chưa biết hướng đi của sự biến hoá vì đó là vấn đề
tương lai, thì thật dễ hiểu; nhưng nếu ta không tìm ra guồng máy hay là cách thức
biến hóa của các sinh vật, từ loại này sang loại kia, từ ngành này sang ngành
khác, thì đã chắc gì là có biến hóa, nhất là khi sự biến hóa không phải là một
sự kiện mà ta trực tiếp quan sát được. Vậy biến hóa là sự kiện hiển nhiên, hay
chỉ là một quan niệm, một ý tưởng trong đầu óc chúng ta?
Trong sách Bài học về triết học thực
nghiệm [4], ông tổ của thuyết thực nghiệm (positivisme) là Auguste Comte
(1798-1857) có viết: “Nếu trong khi quan sát các hiện tượng mà ta không đưa
chúng về một vài nguyên lý, thì không những ta không có thể thâu góp những quan
sát rời rạc lại với nhau, và vì thế cũng không đi tới kết quả nào cả, mà rồi ta
cũng hoàn toàn không có thể nắm được chúng; và thường thường thì ta cũng không
nhận ra sự kiện nào cả”. Nói thế khác, cũng phải có sẵn một vài ý tưởng lý thuyết,
rồi mới có thể nhận ra sự kiện loại này hay loại khác, nhất là về sự biến hóa.
Đủ biết nếu chủ trương chỉ căn cứ vào kinh nghiệm mà thôi, thì kinh nghiệm chỉ
gặp những cá vật đặc thù, rời rạc, cho nên không ai có thể nói lên được cái gì
tổng quát cả.
Nói cho cùng thì không có sự kiện nào là
tuyệt đối, nằm sẵn đó một cách khách quan, nhưng chỉ có những sự kiện tương đối,
hoặc là tùy thuộc vào giác quan của mỗi người, hoặc là tùy thuộc vào những ý tưởng
lý thuyết mà người ta đồng ý công nhận với nhau. Vì thế ngoài một số ý tưởng có
tính cách thơ mộng, như trong các truyện trẻ em hay là trong áng văn De rerum
natura (Về bản tính của vạn vật) của nhà văn La-tinh Lucretius (98-55 trước
Công Nguyên), thì ngày nay cũng như trong mấy nghìn năm trước đây, không có ai
thấy rằng các sinh vật biến hóa từ loại này sang loại khác, mà chỉ thấy rằng tự
nhiên thì loại nào sinh ra loại ấy. Nói thế khác, biến hóa không phải là một sự
kiện mà giác quan ta trực tiếp thâu nhận được, nhưng là một cấu trúc lý thuyết
mà người ta đặt ra để giải thích và tổng hợp vô số những điều quan sát khác
nhau.
1.1 – Biến
hóa là có thay đổi [5]
Vạn vật trong trời đất có thay đổi, đó
là điều ai nấy ở đâu đâu cũng đều nhận ra, và cái gì biến hóa cũng phải có thay
đổi. Một trong tứ thư của Khổng học là Kinh Dịch, bàn về sự thay đổi trong trời
đất. Cũng vào thời Thượng cổ đó thì ở đất Hi-lạp cũng có Hêrakleitos nhận định
rằng vạn vật thay đổi, “vạn vật đều trôi chảy”. Ai cũng thấy như thế.
Tuy vậy trong cuộc sống người ta phải có
dự định, tính toán công việc trước sau, phải dự tính qua loa được hiệu quả của
hành động. Vì thế nếu các hiện tượng trong thế giới lại nay thế này mai thế
khác, rời rạc, vô thường, không theo qui tắc gì cả, thì ta không thể hiểu gì được,
cũng không sống được, vì không có thể trù tính được gì cả, mà có hoạt động thì
cũng không biết kết quả sẽ ra sao. Ấy là nếu ta còn nhận ra “ta”, chứ nếu chính
cái “ta”, cái “bản ngã” cũng không nhận ra nốt, thì không có vấn đề gì hết, vì
có ai nữa đâu mà đặt vấn đề!
Vì thế chính trong các hiện tượng mỗi
lúc mỗi khác, người ta phải tìm ra những cái gì kha khá vững bền để làm tiêu
chuẩn cho hoạt động. Ví dụ dưới những hình thức khác nhau, lúc động lúc tĩnh,
khi co khi dãn, ta vẫn nhận ra là một sự vật, là một nhân vật; có nhận ra cái gốc
(bản thể) như thế ta mới nói được rằng sự vật hay nhân vật ấy đã thay đổi, nếu
không như thế thì đó chỉ là một mớ hiện tượng nối tiếp nhau một cách rời rạc
không liên quan gì với nhau. Để đánh dấu cái gốc hay cái bản thể đã nhận ra [6],
ta đặt cho nó một cái tên riêng, ví dụ như: “(con chó) Mực”. Có thỏa thuận đặt
tên như thế thì ta và người khác mới hiểu như nhau là mình cùng nói về cái gì.
Thế rồi đối với những sự vật giống nhau, thì người ta xử lý với chúng theo một
kiểu cách nhất định, xếp chúng thành một loại và đặt cho chúng một cái tên
chung ví dụ như: “con chó”. Cũng thế, người ta đặt cho các đặc tính của sự vật
mỗi thứ một tên nhất định, ví dụ như: “xanh”, “đỏ”, “cứng”, “mềm”. Có thế mới
có thể thông đồng tư tưởng được với nhau. Có đặt tên cho đúng, có “chính danh”,
thì thế giới ta nhìn mới có trật tự, không còn hỗn độn, có thế ta mới tránh được
nhiều cái hiểu lầm, mới có thể nói truyện được với nhau, mới chung sống được với
nhau.
Vì thế khi dùng ngôn từ, thì tự nhiên là ta phân loại và tổng quát hóa.
Nhìn thoáng qua một sự vật X, nếu ta gọi nó là con chó, thì cho dù ta chưa
trông thấy kỹ càng, ta đã xếp nó vào loại “chó” và gán cho nó các đặc điểm của
“chó”. Cũng vậy, khi ta thấy một người thuộc loại A đã làm công việc B (ví dụ tội
ác), thì nếu không dè chừng, ta rất dễ tổng quát hóa, mà cho rằng người thuộc
loại A đều là phường tội ác B cả. Có biết khoa luận lý học, ta mới tránh được
sai lầm như thế.
Cho dù là có như thế đi nữa, thì khi người
ta nói lên cũng vẫn còn có thể vô tình hay hữu ý nói lên không đúng hẳn, và người
nghe vẫn có thể hiểu trệch đi. Nhưng nếu lại chủ trương ngược lại rằng đừng
dùng ngôn ngữ nữa – có người gọi đó là “vô ngôn” – cũng có thể thông đồng tư tưởng
và hiểu nhau một cách sâu xa được, thì hỏi là hiểu được cái gì, lấy gì làm bằng
chứng, và biết đâu trong trường hợp đó người ta thực ra lại chẳng thông đồng gì
cả, và cũng chẳng có gì để hiểu, để thông đồng cả, vì cái gọi là sâu xa, biết
đâu lại chỉ là một cái lỗ hổng không đáy, tối đen như mực, không ai dò biết được
gì cả.
Khi nói đến sự thay đổi thì phải căn cứ
vào hai điểm: 1) cái gì thay đổi? và 2) thay đổi ở chỗ nào? Ví dụ khi ta nói với
người bạn: “Anh đã thay đổi nhiều”, tức là ta nhận ra người ấy chẳng hạn trước
đây “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”, mà bây giờ thì “tóc bạc da mồi”, “khố
rách áo ôm”, nhưng đồng thời ta nhận ra vẫn là một người ấy. Cái vẫn là một ấy
là cái gốc, cái “bản thể” (substance), còn những cái không còn là một như xưa
thì triết học gọi là cái “tùy thể” (accidents).
Triết gia Hi-lạp thời Thượng cổ là
Aristotêlês (384-322 trước CN) đã phân biệt ra hai thứ thay đổi. Thay đổi loại
thứ nhất thì động chạm đến chính cái bản thể, ví dụ như sự sinh hay sự diệt,
sinh ra hay là hư nát đi (génération, corruption). Thay đổi loại thứ hai thì
không động đến bản thể (sự vật vẫn còn đó), nhưng chỉ động tới những cái tùy
tùng (accidents). Loại này lại có nhiều hạng: khi sự vật lớn lên hay là nhỏ lại,
thì tức là có thay đổi vể lượng thể (quantité); khi sự vật ra khác đi
(altération), thì là thay đổi về phẩm thể (qualité); ngoài ra sự vật có thể
không thay đổi về lượng hay về phẩm, nhưng thay đổi vị trí (mouvement).
Bây giờ ta xem kinh nghiệm của ta về sự
thay đổi gồm có những yếu tốâ nào. Muốn thế, ta sẽ lần lượt xét về sự vật và về
chủ thể.
Xét về mặt sự vật, nếu nói rằng nó có
thay đổi, thì tức là ta phải nhận thấy trong sự vật ấy có một cái gì trước sau
vẫn thế, đồng thời cũng phải nhận ra có những điểm trước sau không như nhau.
Nói thế khác, phải nhận ra cái gì vẫn là một (identité) và cái gì đã ra khác
(altérité), không có yếu tố thứ hai thì không có thay đổi, mà không có yếu tố
thứ nhất thì không có gì thay đổi cả.
Sau khi xét theo quan điểm sự vật, thiết
tưởng cũng nên ghi nhận rằng nhiều khi ngôn từ làm cho ta lầm tưởng rằng đối vật
mà ta nói tới thì vẫn là một cái gì có thể xác định rõ ràng. Ví dụ như khi ta
nói: “Giới thanh niên đã thay đổi”, “Nếp sống đã thay đổi”, “Sự sống đã thay đổi”,
v.v., thì thực ra ta chỉ thấy có nhiều người, nhiều con vật, nhiều cây cỏ khác
nhau đã nối tiếp nhau, không có cái nào biến thể, chứ ta không thấy rõ cái gì
là cái giới thanh niên, cái nếp sống hay sự sống, trước sau vẫn là một như thế,
đồng thời trước sau lại không như nhau.
Nay ta xét về mặt chủ thể, nghĩa là xét
theo quan điểm của con người đang từ bên ngoài quan sát sự vật. Nếu nói lên được
rằng sự vật có thay đổi, thì tất nhiên con người phải là một chủ thể trước sau
vẫn là một, có trí nhớ, vừa nhớ được cái trước, vừa nhận được cái sau, quán xuyến
được tất cả, cho nên có thể tổng hợp trong cùng một sự vật cái hình dạng mình
đã thấy khi trước và cái hình dạng mình mới thấy lúc sau. Khi đứng trước hai tấm
hình, một hình đứa trẻ còn mặc quần thủng đũng, một hình ông lão tóc bạc phơ,
thì người ngoại cuộc thấy là hai cái khác nhau, còn người trong cuộc thì biết rằng
cả hai hình trước sau đều là hình của chính mình – trước sau cũng vẫn là mình –
và vì thế nhận ra là mình đã thay đổi nhiều.
Nên chú ý là: nếu phải có chủ thể trước
sau vẫn là một, mới có thể nói về sự vạn vật thay đổi, thì có vấn đề thật là
nan giải mà ít ai nghĩ đến, nó là như sau: một đàng thì thuyết biến hóa chủ
trương vạn vật biến hóa rất chậm, phải hàng vạn hàng triệu năm mới thay hình đổi
dạng, một đàng thì con người ta chỉ sống chừng vài chục năm, hay là hơn kém một
trăm năm, như thế thì tìm đâu ra một chủ thể sống hàng vạn hàng triệu năm, trước
sau vẫn là một, để quan sát và nói lên những cái thay đổi của vạn vật [7]? Nếu
cho rằng có con người hay là không có con người quan sát, vạn vật vẫn cứ biến
hóa một cách khách quan, thì cũng phải có ai đó là “khách đứng bên ngoài mà
xem”, cũng phải có ai khác biết và nhìn được hết tất cả mới nói lên được như thế.
Nói thế khác, sự biến hóa của vạn vật
không phải là một sự kiện mà ai nấy đều quan sát được, nhưng là kết quả tạm thời
của những giả thuyết và lập luận lý thuyết xây dựng trên một số sự kiện đã quan
sát được.
1.2 –
Thay đổi chưa hẳn đã là biến hóa
Nhìn vào các sinh vật ta thấy thật là
chúng có thay đổi, có phát triển từ một tế bào rất nhỏ, cho đến khi trưởng
thành thì hình dạng rất khác lúc ban đầu, nhưng ta thấy mỗi loại đều theo một
chương trình phát triển riêng, loại nào ra loại ấy, rồi thôi, ví dụ ta không thấy
con khỉ nào biến thành người, không thấy con cá nào biến thành loài sống trên cạn,
không thấy con cóc nào biến thành cô công chúa đẹp đẽ như trong truyện trẻ em.
Có người chủ trương rằng các đợt phát triển sinh lý của loài động vật cao cấp
cũng chính là những đợt biến hóa của sự sống hay sức sống trong thời gian hàng
triệu năm. Nhưng như thế chỉ là so sánh giữa những cái thay đổi hay phát triển
mà ta quan sát được trong thời gian ngắn ngủi, với một giả thuyết mà ta phỏng
đoán về những cái biến hóa có thể xảy ra trong một thời gian hàng triệu năm, dài
hạn hơn đời sống của ta bội phần. Vì thế, thay đổi hay phát triển chưa hẳn đã
là biến hóa sang loại khác.
Tuy vậy chính các đợt phát triển của con
người ta về các mặt sinh lý, tâm lý và văn hóa đã gợi cho người ta cái mô hình
để quan niệm cuộc biến hóa tổng quát của các sinh vật. Như ta biết, mãi tới thế
kỷ XIX thì thuyết biến hóa mới được đưa ra trong phạm vi sinh vật học, nhưng
trước đó thì ai nấy đều công nhận con người cũng như các xã hội đều đã có phát
triển rất nhiều. Như thế là lịch sử con người (histoire humaine) đã gợi ra cho
các nhà khoa học một số ý kiến để quan niệm một lịch sử thiên nhiên (histoire
naturelle).
1.3 – Biến
hóa: sự kiện hay là lý thuyết?
Câu trả lời đã được nói hở ra trên đây:
biến hóa không phải là một sự kiện hiển nhiên mà ta quan sát được, nhưng là một
lý thuyết. Tuy vậy, muốn nói cho đủ ý, phải nhắc lại rằng sự kiện và lý thuyết
bao giờ cũng phải đi đôi với nhau. Thực ra thì ta biết có nhiều sự kiện rời rạc,
tự nó không đưa đến quan niệm biến hóa, nhưng khi ta muốn có một cái nhìn tổng
hợp về các sự kiện tản mát trong thời gian và không gian đó, thì ta đưa ra một
lý thuyết để giải thích và giải thích thêm cả những sự kiện ở ngoài vòng kinh
nghiệm của ta, ta phỏng đoán một cách tổng quát là tất cả các sự kiện đều ăn khớp
với nhau theo một qui luật lý tưởng. Lúc đó các sự kiện trước đó rời rạc mới xuất
hiện như là thành phần của một lịch trình biến hóa của các sinh vật. Sau đây ta
sẽ xem lý thuyết biến hóa đã đi từ những sự kiện rời rạc mà thành hình như thế
nào.
Sự kiện đầu tiên về các sinh vật là loại
nào sinh ra loại ấy. Ai cũng nhận như thế, vì, như vừa nói trước đây, ngoài những
truyện trẻ em ra, thì không ai thấy người bởi khỉ mà ra [8], không ai thấy người
sinh ra cóc hay là cóc biến thành cô tiên đẹp đẽ. Cho nên khi nói đến việc
Thiên Chúa tạo thiên lập địa thì người ta tự nhiên quan niệm rằng ngay từ đầu
các sinh vật đã có hình dạng cố định.
Nhưng kinh nghiệm bao giờ cũng có tính
cách hạn hẹp và đồng thời không có tính cách tất nhiên. Ta đã kinh nghiệm thấy
như thế này, nhưng chắc gì là trước sau và đâu đâu cũng vẫn như thế? Nhà khoa học
Pasteur đã thí nghiệm thấy rằng sinh vật không bộc phát từ chỗ không có sự sống.
Nhà khoa học Wirchow đưa ra nguyên lý “omnis cellula e cellula” nghĩa là “các tế
bào đều từ tế bào mà phát sinh”. Nhưng kinh nghiêïm của họ thì có hạn: chắc gì
là ở các nơi khác, các lúc khác, cũng vẫn phải như thế mãi?
Tuy vậy kinh nghiệm về hình dạng cố định
của sinh vật đã là nền tảng cho phép phân loại trong khoa thực vật học do Carl
von Linné (1707-1778) đưa ra. Ai cũng thấy là loại nào thì sinh ra loại ấy với
hình dạng cố định. Cho nên đã có một thời khoa học giải thích rằng hình dạng
các sinh vật đều đã có sẵn đầy đủ ngay trong hạt giống, rồi phát triển lớn ra.
Từ đó người ta quan niệm các sinh vật là như cái hộp đựng hạt giống: hộp lớn đựng
sẵn hộp nhỏ, rồi hộp nhỏ lại đựng sẵn hộp nhỏ nữa, và cứ như thế mãi mãi. Chính
vì trong giới khoa học đang có quan niệm như vậy, cho nên vào năm 1859 dư luận
rất mực xôn xao, khi Charles Darwin đưa ra một giả thuyết làm lý thuyết giải
thích sinh vật biến hóa từ loại này sang loại khác – người Pháp gọi “loại” là
“espèce” [9]. Cũng cần phải nói thêm là chữ “loại “ dùng ở đây cũng chỉ có phạm
vi rất hẹp, vì đây là chỉ mới bàn về loại dưới cùng, mà chứ chưa dám nói đến
các loại trên, như sau này Spencer sẽ đề nghị một cách tổng quát. Ngoài ra người
ta vẫn nhận định rằng hễ khác loại (espèce) thì không pha giống được. Cho nên nếu
bảo là có thể biến hóa từ loại này sang loại khác, thì đó là một điều còn mới mẻ,
cho nên chưa dễ có ai vội vàng chấp nhận ngay mà không kiểm chứng..
Trước khi nhận định về lý thuyết của Darwin, cũng nên chú ý rằng
thời đó cũng đã có hai sự kiện gây ra khó khăn cho quan niệm chủ trương rằng
hình dạng sinh vật là cố định, và như thế là gợi cho người ta ý niệm biến hóa.
Một là: chính các nhà cổ vật học đã quen có quan niệm cố định, cũng phải nhận định
rằng khi khai quật các cổ sinh vật thuộc các thời đại khác nhau, thì thấy rằng
những loại sinh vật đơn sơ hơn thì đã có trước những loại phiền phức hơn, và
cũng thấy có những loại mà ngày nay không còn nữa. Hai là: trái lại với quan niệm
cho rằng hình dạng các sinh vật đã cố định ngay từ trong trứng, trong hạt giống,
thì khi quan sát sự phát triển của quả trứng gà, người ta thấy rằng con vật có
tổ chức rất phiền phức đã từ quả trứng có tổ chức đơn sơ mà ra.
Để giải thích hai sự kiện ấy, giải pháp
thứ nhất là cho rằng vật chất vô tri vô giác có thể bộc phát thành ra sinh vật,
nhưng như thế thì cũng khó xuôi, sau những thí nghiệm của Pasteur. Vì giải pháp
ấy cũng là như chủ trương cái phép thần thông làm cho cái không sinh ra cái có.
Giải pháp thứ hai là cho rằng Thiên Chúa
hay là Hóa công đã tác tạo kế tiếp nhau hàng vạn hàng triệu lần, mỗi khi có xuất
hiện một loại sinh vật mới. Nếu quan niệm rằng sự tác tạo là một tác động chốc
lát, thì phải nhận giải pháp thứ hai này. Nhưng như vậy thật là mệt mã và bận rộn
đối với Thiên Chúa hay Hóa công, đồng thời cũng là đứng ra ngoài phạm vi khoa học.
Còn lại giải pháp thứ ba, cho rằng loại
cũ sinh ra loại mới. Thoạt nhìn thì có vẻ như pháp thuật, vì chưa bao giờ có ai
thấy loại này biến ra loại khác. Nhưng nếu ta căn cứ vào sự kiện là trong khi
các sinh vật có đực có cái sinh sôi nảy nở, thì con không hoàn toàn giống bố
hay giống mẹ, nhưng có khác đi một chút. Darwin căn cứ vào đó và suy luận ra rằng:
nếu thế hệ sau khác thế hệ trước một chút, thì sau nhiều thế hệ những cái biến
thể nho nhỏ – gọi là variation, variété – chồng chất lên nhau có thể đưa tới một
loại khác hẳn, không pha giống được với loại cũ nữa.
Điều khó khăn cho Darwin là cho đến nay những cái biến thể nho
nhỏ vẫn còn nằm ở trong khuôn khổ của một loại dưới cùng (espèce). Tuy vậy ai cấm
người ta hi vọng rằng biết đâu lại chẳng có thể đi đến chỗ đổi ra loại khác?
Trong khi chờ đợi có thêm chứng lý thì
ta thấy có hai ý kiến có thể biện bạch cho thuyết biến hóa. Một là: hệ thống
phân loại sinh vật ra theo nhiều cấp bậc làm cho ta liên tưởng đến hệ thống cha
truyền con nối, bắt đầu từ một ông tổ: cấp trên sinh ra cấp dưới, như trong gia
đình. Hai là: khoa cổ vật học cho ta thấy là sinh vật cấp trên, đã có trước,
thì đơn sơ hơn, mà sinh vật cấp dưới, đã có sau, thì phiền tạp hơn. Hai ý kiến
đó chập lại với nhau làm cho ta có thể tưởng tượng ra rằng các sinh vật có thể
là cùng do một nguồn gốc mà sinh ra, và cứ sau mỗi thế hệ thì cơ thể của chúng
lại phiền tạp hơn. Như thế mỗi loại chỉ là một trạm dừng tạm thời – và dừng rất
lâu – của cuộc biến hóa. Đó là đại ý thuyết biến hóa. Xét lý thì nó không hẳn
là vô lý, nhưng vẫn chỉ là lý thuyết, cho nên còn cần phải kiểm chứng.
Việc kiểm chứng không phải là dễ như trở
bàn tay. Vì trong thực tại mà ta quan sát được thì chỉ thấy những sự kiện không
có liên tục. Xét theo cổ vật học thì những loại cấp trên cấp dưới khác nhau đã
được khai quật, tuy có thể minh chứng rằng cái đơn sơ có trước cái phiền tạp,
nhưng lại ở những địa điểm khác nhau, cho nên làm sao mà nói được rằng cái này
sinh ra cái kia. Ngoài ra thì dù có xét trong chiều dài của thời gian hay là
xét trong thời điểm hiện tại, thì các loại sinh vật mà ta tìm ra vẫn cách biệt
nhau, không pha giống được. Nếu không chứng thực được gì hết mà cứ bảo rằng
đùng một cái là có thể nhảy vượt bực, thì cũng như là tin phép thần thông biến
hóa, như trong một số tôn giáo.
Vì thế thuyết biến hóa chỉ còn một giải
pháp, đó là cho rằng những cái biến thể nho nhỏ (variation) cứ chồng chất lên
mãi thì sẽ làm cho sinh vật chuyển dần sang loại khác. Quan niệm này đã được
tăng cường do thuyết biến dịch của nhà khoa học Hòa-lan, Jan de Vries
(Mutationstheorie, 1901-1903). Oâng này cho rằng mình đã quan sát được rằng
sinh vật có thể nhảy vượt bực từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng những cái
nhảy vượt như thế thì rất họa hiếm, đồng thời cũng lại chỉ là những cái nhảy rất
nhỏ. Một khi đã tạm nhận lý thuyết như thế thì vấn đề quan trọng cần phải giải
quyết trong thực nghiệm là làm sao tìm cho ra trong chặng đường biến hóa những
mắt xích còn thiếu (chainons manquants), để nối kết hai loại cách biệt, không
pha giống được. Nếu không tìm ra những mắt xích còn thiếu, thì không thể nói là
có biến hóa thực sự. Ngược lại, nếu tin rằng có những mắt xích còn thiếu mà
mình phải tìm cho ra, thì lại chính là vì người ta đã tiên nhận giả thuyết là
có biến hóa! Thật là cái vòng quẩn!
Vấn đề đã đành là khó giải quyết, nhưng
nếu chỉ có chuyển biến lung tung, đi rồi lại lui, không theo phương hướng hay
qui tắc nào cả, thì làm sao có thể biến hóa được?
Darwin cho rằng cái động lực
của sự biến hóa là sự thích nghi (adaptation) tùy theo môi trường sinh hoạt, để
có thể tồn tại và sống sót. Oâng gọi nó là “tự nhiên đào thải”. Chữ “đào thải” ở
đây là “sélection” có nghĩa là “lựa chọn”, dùng nó một cách mập mờ như thế làm
cho người ta nghĩ rằng sinh vật có cái ý thức hay dự định muốn thích nghi để tồn
tại. Để tránh cái hiểu lầm đó, Darwin
phân trần ngay rằng những cái thay đổi đều là ngẫu nhiên, chứ không hề có ai lựa
chọn gì cả. Khi viết sách về nguồn gốc các loại sinh vật thì ông viết ngay dưới
đầu đề cuốn sách là ông bàn về “sự tồn tại của những sinh vật khéo thích nghi
hơn cả”. Nhưng nói như thế cũng lại chỉ là cái vòng quẩn, không có nội dung gì
cả, vì rằng ông gọi “những cái tồn tại được” là “những cái khéo thích nghi hơn
cả”. Cho nên câu ông nói tựu chung chỉ là thế này: “sự tồn tại của những vật tồn
tại được”!
Thuyết biến hóa của Darwin đã có tiếng vang dữ dội, nhiều người
công kích, nhưng cũng có nhiều người theo gót, cho đó là tiến bộ. Dù sao, nói
chung chung thì viễn tượng có vẻ sáng sủa rõ ràng, nhưng có đi vào từng chi tiết
mới thấy là không thiếu gì những vấn đề then chốt chưa giải quyết xong.
Vấn đề thứ nhất là cái “gia phả” của các
sinh vật. Trong sách Cuộc biến hóa của loài người, Roger Lewin viết: “Từ đầu thế
kỷ cho đến nay các quan niệm về liên quan họ hàng giữa loài người và các loài
khỉ lớn đã thay đổi từ căn bản” [10], nghĩa là không còn ai biết chắc loài khỉ
nào gần loài người hơn cả và có thể đã chuyển biến thành người [11]. Aáy là
chưa nói đến liên quan họ hàng giữa các sinh vật khác.
Vấn đề khác quan trọng hơn nữa là nếu ta
tìm ở đâu đó ra được một loại X làm mắt xích ở giữa loại A và loại B, thì không
những ta phải xét xem, về thời điểm và địa điểm, A có thể biến thành X và X có
thể biến thành B hay không; mà hơn nữa còn phải tìm ra vô số mắt xích khác nối
A với X, X với B một cách liên tục. Như thế thì bao giờ kiểm chứng được cho đầy
đủ? Để tránh vấn đề nan giải này, người ta đưa ra giả thuyết rằng đã có những vụ
động đất dữ dội làm tan hết các di tích về các loại trung gian. Thế là hết truyện,
khỏi phải tìm chứng cớ lôi thôi. Nhưng chính vì không thể kiểm chứng được, cho
nên vấn đề này không còn nằm trong phạm vi khoa học nữa.
Xem như thế ta thấy thuyết biến hóa là kết
quả của một số giả thuyết mà các nhà khoa học dùng để tổng hợp các sự kiện tự
nó vốn rời rạc, làm thành một hệ thống tổng quát hợp lý, nhưng còn để trống nhiều
chi tiết chưa tìm ra, đồng thời lại gây ra nhiều vấn đề nan giải. Có điều là,
như Teilhard đã viết, cũng trong đoạn văn đã dẫn trên đây, nếu bỏù thuyết đó
ra, thì chưa ai tìm được một lý thuyết khoa học khác có thể dùng để mô tả toàn
thể vũ trụ một cách nhất quán, hữu lý và có mạch lạc hơn. Vì thế cho nên không
thể coi thuyết biến hóa như là một giả thuyết tầm thường, do tưởng tượng vớ vẩn
mà ra.
Cũng nên chú ý là khoa học thực nghiệm
đã bắt đầu với môn vật lý học, cho nên chỉ cần dùng có một nguyên lý nhân quả để
giải thích mà thôi. Đến khi nghiên cứu về loài vật và loài người, thì tuy có biết
rằng các loài đó có hoạt động tự chủ, tự quy, chứ không phải là những cái máy,
nhưng các học giả lại thường chỉ dùng một nguyên ý nhân quả như đã quen trong vật
lý học, vì cho rằng nguyên lý cứu cánh (finalité) có tính cách chủ quan. Thật
đúng như thế, nếu ta nhân cách hóa thiên nhiên, gán cho thiên nhiên những ý định
như con người, thì ta làm sai nguyên tắc. Nhưng nếu con người là chủ thể, biết
đặt ra cứu cánh hay mục đích để theo đuổi, mà ta lại chỉ coi như là máy móc,
thì cũng lại là sai nguyên tắc nữa. Có ai tìm hiểu con người, xã hội và lịch sử,
mà lại không nói đến dự định, cứu cánh, hay ẩn ý? Nhưng nếu xét đến quan điểm
và dự định của con người thì tức là ta phải vượt ra bên ngoài phạm vi vật lý học
[12].
(còn tiếp)
Trần Văn Toàn
Bài đăng ở tập san Định Hướng
__________
Chú thích
[1] Chính vì không biết phân biệt phạm vi khoa
học với siêu hình học và tôn giáo, cho nên một số người lẫn lộn tiêu chuẩn chân
lý của hai bên, làm hại cho cả khoa học lẫn tôn giáo. Một bên thì có người gây
ra mâu thuẫn giả tạo, làm cho nhà khoa học chê tôn giáo là không khoa học. Một
bên khác thì lại có người chạy theo khoa học, lấy khoa học làm tiêu chuẩn cho
tôn giáo, rồi cho rằng tôn giáo này hay tôn giáo kia có tính cách khoa học, và
nói lên những chân lý khoa học. Họ muốn gán cho tôn giáo cái uy tín của khoa học,
mà quên rằng đó là hai phạm vi chân lý khác nhau. Làm như thế chỉ là “lấy râu
ông cắm vào cằm bà”. Thiết tưởng thay vì tranh luận vô ích, ta chỉ cần hỏi họ
xem những nguyên tắc tôn giáo đó đã sinh ra phương pháp khoa học như thế nào và
vì sao các nhà lãnh đạo tôn giáo đã không chuyển thành những nhà khoa học. Hơn
nữa, nếu tôn giáo chỉ nói lên những chân lý khoa học mà thôi, thì khi có khoa học
rồi, ai còn cần đến tôn giáo đó nữa?
[2] Về cuộc tranh luận sôi nổi này, tạp chí Le
nouvel Observateur, có trình bầy tỉ mỉ trong số đặc biệt ngoại lệ xuất bản vào
tháng 12/2005 và tháng 1/2006, với nhan đề là “La Bible contre Darwin (Entre
débat scientifique et combat politique, les évangélistes partent à l’assaut de
la société américaine. Les dérives créationnistes en France)”, 83 trang.
[3] Oeuvres (Tác phẩm toàn tập), t. 1, in năm
1955, trang 153.
[4] Cours de philosophie positive, Paris, Garnier, 1909,
trang 15.
[5] Tiếng Pháp gọi biến hóa là “évolution”, gọi
thay đổi là “changement”.
[6] Người Pháp gọi cái bản thể là “substance”,
và đã khéo chọn cái tên, cái danh-từ (“nom”), dùng để gọi nó là “substantif”.
[7] Teilhard de Chardin viết: “Khi tôi thử tưởng
tượng ra vũ trụ trước lúc bắt đầu có các sinh vật, hay tưởng tượng ra các sinh
vật vào thời cổ sinh vật học, thì tôi không quên rằng khi tưởng tượng rằng có một
Người đứng ngoài quan sát các giai đoạn trước khi có xuất hiện ra tư-tưởng trên
quả đất này, như thế là có cái mâu thuẫn tầy trời. Tôi không tự phụ rằng tôi mô
tả các giai đoạn ấy đúng như đã có trước đây, nhưng tôi chỉ nói rằng ta phải tưởng
tượng ra như thế cho nó phù hợp với cái vũ trụ đang có thật bây giờ đối với ta:
tôi không nói về quá khứ tự nó như thế nào, nhưng nói về cái quá khứ dưới con mắt
của chúng ta là người đứng ở cao điểm biến hóa.” (Le phénomène humain, trang ).
[8] Nhà khoa học người Pháp, Yves Coppens
(sinh vật học, và cổ vật học) có kể truyện rằng khi nghe ông nói về thuyết người
bởi khỉ thì bà nội của ông nói: “Mày có thể là bởi khỉ mà ra, chứ tao thì không”!
[9] Loại ở trên “espèce” là “genre”, trên nữa
là “famille”, rồi “ordre”, “classe”, “embranchement”, và loại trên cùng gọi là “règne”
chia ra thành ba là khoáng vật, thực vật và động vật. Tuy khoa học phân biệt rõ
ràng các loại ra làm bẩy cấp như thế, nhưng trong ngôn ngữ hằng ngày thì người
ta không dùng đích xác như thế. Dù sao, các danh từ chuyên môn đó – cũng như
các từ: loại, hạng, lớp, ban, ngành, v.v. trong tiếng Việt – và vị trí trong
các cấp bậc, thì là do các nhà chuyên môn khoa học thỏa thuận xếp đặt với nhau.
[10] L’évolution humaine, Paris, Seuil, Points-Sciences, N. 70, 1991,
tr. 40.
[11] Vì không biết chắc loài khỉ nào gần loài
người hơn cả, cho nên, để tránh không giải đáp vấn đề, người ta nghĩ không nên
nói người bởi khỉ, nhưng nên nói là khỉ và người cùng do một ông tổ mà ra. Oâng
tổ nào thì không ai biết, và có biết đi nữa thì cũng lại phải giải đáp các vấn
đề đặt ra trên đây.
[12] Tuy vậy vẫn còn có người muốn phủ nhận tự
do của con người, cho rằng đó chỉ là cái cảm giác chủ quan hoàn toàn do vật chất
gây ra. Nhưng trong lập trường như thế làm gì có cái chủ quan? Thiết tưởng vì
thế nên nói: “nghiên cứu con người”, chứ không nên nói: “khoa học con người”,
vì khoa học con người chỉ nghiên cứu về mặt khách quan, đo lường được, chứ
không có cách nghiên cứu về chủ thể. Xem bài: TVT, “Mấy nguyên tắc về khoa học
con người”, tạp chí Nghiên cứu Con Người (Hà Nội), tháng 2 năm 2004, trang
59-71, và bài “Liên quan nhân quả trong khoa học”, trong số sau của cũng tạp
chí đó