Nghiên cứu _ một vài hiện tượng tôn giáo và phân tâm học


II.                   ALFRED ADLER VÀ “CHÍ HÙNG BÁ” 
Nhập đề:
Đã có một thời các nhà tâm lý học chiều sâu cố công tìm kiếm để nhận diện cho được cái khuynh hướng nền tảng, cái bản năng gốc, làm bá chủ trong đời sống con người. Freud (1856-1939) cho rằng mình đã gặp thấy, ông gọi nó là Libido, là khuynh hướng dục tính.
Theo ông tổ phân tâm học thì chính Libido chi phối hết mọi động trạng của con người, không những trong đời sống bình thường, mà cả trong những trường hợp bất bình thường hay tâm bệnh, cả trong nghệ thuật, văn chương, tôn giáo…
Lập trường của Freud là lập trường quá khích, người ta dễ nhận thấy tính cực đoan của nó và bởi thế, thuyết Libido của Freud bị đả kích mãnh liệt từ nhiều phía: Tâm lý, Đạo đức, Tôn giáo, Y học v.v.
Không phải năm bảy mươi năm sau mới có người lên tiếng, cũng không phải chỉ những nhà đạo đức bất bình với Freud, mà ngay cả trong hàng ngũ đệ tử của Freud cũng bất đồng với lý thuyết quá khích của thầy. Một trong những đại đệ tử trực tiếp, đời thứ nhất của Freud, đã đưa ra một lý thuyết khác hẳn lập trường của Freud. Đó là thuyết, xin tạm gọi là “chí hùng bá” của Alfred Adlet (người Áo, 1870-1937).
Phần I. TRÌNH BÀY LÝ THUYẾT
Về cái bộ máy tâm linh cụ thể gồm ba tầng, mà Freud đã cố công dựng lên và giải thích: Ngã, Siêu Ngã, và Phi Ngã, cùng với sự vận hành của bộ máy ấy ra sao thì Adler không phủ nhận, ít là không đề cập đến. Nhưng về cái khuynh hướng cổ sơ và cơ bản của con người thì Adler không nhất trí và cho rằng không phải cái Libido làm bá chủ như Freud tưởng, mà chính là cái “chí hùng bá”, cái khuynh hướng vượt thắng, cái nhu cầu tự thể hiện, nhu cầu thống trị, cái mà triết gia Nietzsch gọi là “ý chí quyền lực, volonté de puissance”.
Đó là cái ý muốn phát triển bản ngã mình, hiển dương cái tôi, bành trướng quyền lực của mình trên kẻ khác. Ý muốn đó không phải luôn luôn thể hiện được. Khi nó gặp những cản trở như những thua kém nơi tinh thần, những bất bình thường nơi thân thể thì đẻ ra mặc cảm tự ti, và tìm kiếm bù trừ. Để minh họa cho ý tưởng này, ta nhớ một câu người Việt thường nói: “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún”.
Thực ra không có sự xếp hạng ở đây. Ở đây chỉ nói lên sự bất bình thường của cơ thể. Sự bất bình thường này có thể, và thường khi, làm nên những chuyện gì đó khác thường, phi thường. Dường như Tạo Hóa nhân hậu và công bằng đã áp dụng cái luật bù trừ mà chính Ngài đã đặt để trong vạn vật: “Có tật thì có tài”, bớt cái này Ngài thay cái khác.
Nhưng không phải khuynh hướng vượt thắng chỉ có mặt nơi hạng người bất bình thường về cơ thể. Cản trở là cái luật chung, nên mặc cảm tự ti và tìm kiếm bù trừ là hiện tượng phổ biến nơi mọi người. Adler cho rằng đối với sống đông, đi tìm khoái lạc, tìm tình ái, tìm những cảm xúc nọ kia, thường chỉ là tìm sự đền bù cho những thua thiệt tự nhiên, tìm sự thỏa mãn gián tiếp cho những tham vọng không thực hiện được.
Vẫn theo Adler, thì nói chung, những tiện nghi như xe cộ, nhà cửa, đồ dùng, áo quần, máy móc… những du hí, xa hoa, láng coóng sang trọng được người ta tìm kiếm ở đời không hẳn vì khoái lạc chúng mang lại mà thực chất chúng là những dấu hiệu tỏ ra mình hơn người, những cách thức để tự thể hiện giá trị với đời mà thôi.
Tóm lại, tất cả những gì mà Freud đã giải thích bằng sự dồn nén thì Adler giải thích bằng mặc cảm tự ti và bằng sự bù trừ; cái Libido của Freud đã bị Adler thay thế bằng cái chí hùng bá, cái ý chí quyền lực, cái khuynh hướng vượt thắng. Theo Adler, đó là khuynh hướng nền tảng, bá chủ, chi phối mọi động trạng nơi con người, bất luận ở thời kỳ nào của cuộc sống, bất luận trong lãnh vực sinh hoạt nào của con người.

Lm. Aug. Hoàng Đức Toàn, BMT.



I.              SIGMUND FREUD VÀ “LIBIDO”

II.            ALFRED ADLER VÀ “CHÍ HÙNG BÁ”