Nghiên cứu _ hiện tượng tôn giáo và phân tâm học


I.                   SIGMUND FREUD VÀ “LIBIDO”
Nhập đề:
Với sự dè dặt nhất, chúng ta vẫn có thể nói: hai thế kỷ vừa qua đã có ba bộ óc lớn: Albert Einstein, Karl Marx và Sigmund Freud, (cả ba đều gốc Do thái). Einstein, với thuyết tương đối, đã mở cửa cho loài người nhìn lên cõi bao la của vũ trụ, cũng như đã đem con người len lỏi vào thế giới cực tiểu của hạt nhân. Marx thì nhuộm đỏ một phần lớn diện tích trên địa cầu, nhuộm đỏ nhiều trái tim của giới lao động cùng khổ. Freud, trái lại, dẫn chúng ta vào cõi thâm u sâu thẳm của miền vô thức, khai mở cho thời kỷ được gọi là tâm lý học chiều sâu.
Chúng tôi không nói về bộ óc thứ nhất, Einstein, vừa được thế giới đánh giá là bộ óc khoa học phi thường nhất trong suốt ngàn năm thứ hai, vì đó không phải là lãnh vực chuyện môn của chúng tôi. Cũng không nói về bộ óc thứ hai, Marx, thuộc lãnh vực xã hội, vì vấn đề là cần một lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng bao hàm một sự từ khước trong đó.
Chúng ta chỉ đến với Freud, 1856-1939, người đã dựng nên lý thuyết phân tâm, đã chủ xướng một phương pháp trị liệu tâm bệnh, ngày nay rất phổ biến tại các nước tiên tiến, dầu là dưới những danh xưng khác nhau, như các văn phòng tư vấn, hướng nghiệp, tâm thần v.v. Giả thiết mọi người đã biết rõ hoặc biết qua lý thuyết phân tâm rồi nên chỉ xin nêu lại mấy ý niệm nòng cốt trong phân tâm học (Phần I) để dễ đối chiếu với một ít hiện tượng thường gặp trong đời sống trẻ em, người thường, người tu sĩ, linh mục, (Phần II), và với một vài qui chiếu nhỏ theo chiếu hướng mục vụ, tu đức (Kết luận)
PHẦN I. TRÌNH BÀY LÝ THUYẾT
1.      Bộ máy tâm linh
Với tinh thần khoa học thực nghiệm của con người thời đại, Freud đã cố gắng thiết định một nội dung cụ thể cho đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh, theo Freud, gồm có 3 khu vực của 3 cái ngã khác nhau:
Dưới cùng là khu vực của Ẩn ngã hay Phi ngã, Freud gọi là Id (le Ca, le Non-Moi). Id là cái tôi ẩn kín, căn bản nhất, nơi thường trú của những bản năng sơ đẳng nhưng rất mãnh liệt, như bản năng ích kỷ, bản năng phá hoại, bản năng gây hấn… nhất là bản năng tình dục mà Freud gọi là Libido. Id là miền vô thức, và trong miền vô thức này, trong khu vực này, chính nguyên lý khoái lạc, principe du plaisir, điều hành chi phối tất cả. Đòi hỏi khoái lạc, khoái lạc tức thời, khoái lạc tối đa. Đó là khu vực vô thức dưới cùng.
Ở giữa là khu vực của Ngã hay Hiển ngã, Freud gọi là Ego (le Moi). Ego là cái tôi hợp lý, điều hành mọi hành vi theo ý chí, dưới sự soi sáng của lý trí. Như thế nguyên lý điều động khu vực Hiển Ngã, chính là nguyên lý thực tại, principe de la réa1ité. Đây là khu vực của ý thức.
Ở trên hết là khu vực của Siêu Ngã, Freud gọi là Super-Ego (le Sur-Moi). Super-Ego là chỗ kết hợp mọi ảnh hưởng của xã hội, tôn giáo, tập tục v.v. Tất cả tạo ra một mớ tin tưởng và luật lệ, tabou, mà Siêu Ngã có nhiệm vụ phải giữ gìn. Ở khu vực này, nguyên tắc điều hành là nguyên tắc đạo đức, principe de la morale (morale do chữ latinh mos, moris, là phong tục, luật lệ, moeurs, règle).
Ba khu vực của đời sống tâm linh đó không phải chồng chập lên nhau trong một trạng thái ổn định như ba tầng của một ngôi nhà. Trái lại có một sự xung đột thường xuyên, một đàng là những khuynh hướng hạ tiện từ cái Ẩn Ngã tìm cách trổi lên, một đàng là những mệnh lệnh, cấm đoán, hạn chế mà cái Siêu Ngã luôn luôn đè xuống. Và cái Hiển Ngã, tức cái ý thức tâm lý theo quan niệm thông thường, chỉ là một vùng nhỏ hẹp nằm giữa cuộc tranh chấp của hai cái ngã kia.
Có biết được cơ cấu tổ chức và cách vận hành như thế của guồng máy tâm linh, l’appareil psychique, thì mới hiểu được các ý niệm khác của Freud.
2.      Dồn nén hay ức chế
Freud cho rằng Super-Ego có nhiệm vụ kiểm giới thường xuyên khu vực Hiển Ngã. Nếu co một khuynh hướng nào bị xã hội, tôn giáo, tập tục… lên án trà trộn vào khu vực Hiển Ngã, thì Siêu Ngã phải dồn đẩy xuống khu vực Ẩn Ngã. Tất cả đều diễn ra một cách vô thức, mù quáng. Tiến trình đó Freud gọi là ức chế hay dồn nén, refoulement. Siêu Ngã như một ông cảnh sát, một anh an ninh, hoặc dùng chính cách so sánh của Freud thì nó đóng vai một thứ “chó ngao, cerbère”, canh cửa địa ngục, giữ cho khu vực ý thức được trật tự, sạch sẽ. Một khuynh hướng hay một ý tưởng nào đã bị dồn đẩy xuống khu vực Ẩn Ngã thì sẽ trở thành vô thức, đương sự không còn nhận biết nó nữa.
3.      Mặc cảm và tâm bệnh
Những khuynh hướng bị dồn nén không chết đi, cũng không ở yên một bề. Tuy bị đẩy lui, chúng vẫn giữ tất cả cường lực của chúng. Chúng như thứ khí nén, càng nén phản lực càng mạnh, càng muốn bung ra. Hay một so sánh thô lỗ bình dân khác, như con chó cũi; càng cũi kín, càng dữ. Trong bóng tối của vô thức, những ẩn ức đó vẫn có thể tác quái. Chúng thường tụ họp lại và tạo ra cái mà Freud gọi là mặc cảm, complexe.
Mặc cảm là một kết hợp ít nhiều yếu tố của cái tôi bị dồn đẩy vào vô thức, nhưng từ miền vô thức vẫn tiếp tục giật dây những động trạng của con người. Mặc cảm có thể xuất hiện dưới nhiều cách: hoặc lợi dụng thời khắc mà việc kiểm giới lo là, anh chó ngao mệt mỏi, thế là chúng đột nhập vào vùng ý thức; hoặc chúng trá hình, đội lốt, mang thông hành, hộ chiếu giả để không bị nhận diện và đi thoát.
Quan sát từ ngoài, ta có thể nhận ra mặc cảm qua những biểu lộ như chiêm bao, những hành vi hố, quên lãng và tâm bệnh. Chiêm bao, rêve, là thể hiện trá hình một ham thích bị dồn nén, vg. em bé mơ ôm một bánh gateau lớn mà thực ra chỉ là cái gối nhồi bông vừa trệch khỏi đầu lúc em ngủ. Ấy là vì ban ngày đi qua hàng bánh ngọt ở phố, em nhìn thấy chiếc bánh lớn và ước ao có được.
Những hành vi hố, actes manqués, như nói lỡ lời, viết lỡ chữ. Nói lỡ lời, vg. khi ông Ất chết, thay vì nói “chia buồn” tôi đã nói lỡ lời là “chia vui.” Lý do thâm sâu nằm trong vô thức của tôi là ông Ất bị tai biến, liệt giường liệt chiếu đã lâu năm, chết đi cũng là chuyện mừng cho gia đình, cho người bệnh! Viết lỡ chữ, lapsus d'écriture, vg. khi kể tên các thứ hoa trong vườn, đến tên hoa huệ, anh sinh viên đã viết hoa chữ Huệ vì Huệ là người anh đang yêu v.v. Quên lãng vô tình vg. quên đi thử áo cưới vì không muốn có đám cưới đó.
Nhất là qua những hiện tượng tâm bệnh, névrose. Theo Freud, những ham muốn bị dồn đẩy vào cõi vô thức, trở lại xung đột với cái tôi hữu thức và để lại ở đây một thứ thế phẩm, substitut, mà ý thức như do một thỏa hiệp giữa hai phe, tạm thời chấp nhận. Thế phẩm chính là những triệu chứng trong tâm bệnh vg. lo lắng không đâu, sợ hãi vô cớ, hoảng hốt, bần thần v.v. Nguyên do của những chứng này là sự xung đột giữa những động lực tâm lý đối nghịch, làm cho tâm trí mất thăng bằng, trở nên bệnh hoạn.
4.      Libido
Trong những khuynh hướng bị dồn nén, có một khuynh hướng Freud coi như chủ đạo, chi phối tất cả các miền vô thức khác, đó là libido. Libido là khuynh hướng gốc, basic instinct, của toàn thể con người. Trong tư tưởng của Freud, libido, trước có nghĩa như bản năng tình dục, sau được hiểu rộng như sự ham mê khoái lạc nói chung. Freud cho rằng libido được xuất hiện theo bốn thời kỳ: thời kỳ cửa miệng, thời kỳ hậu môn, thời kỳ tiềm ẩn, và thời kỳ dậy thì.
Xin giải thích thêm một tiếng về hai thời kỳ đầu. Thời kỳ cửa miệng, stade oral, đứa bé thích bù, thích mút ngón tay, thích ngậm vú mẹ, lắm khi không phải vì đói mà vì khoái. Em khóc, em quằn quại, nhưng nếu đặt tay vào miệng em một vú giả, vú cao su, plastic, thì em sẽ im ngay và ngủ dễ dàng. Cho thấy bú không phải là một sinh hoạt thuần túy sinh lý, dinh dưỡng, mà còn là một sinh hoạt tâm lý, vì nó mang lại khoái cảm mạnh trong nhiều tháng đầu cuộc đời.
thời kỳ hậu môn, stade anal, thì em bé thích bài tiết, thích người lớn lau rửa, đụng chạm vào mông. Nhiều khi muốn ru em ngủ thì chị phải bế em vỗ vỗ nhẹ vào mông, em dễ chịu và sẽ ngủ ngon. Như thế, libido xuất hiện rất sớm, ngay từ tuổi ấu thơ của cuộc đời. Ngoài ra đứa bé cũng thích vò xé, đạp đổ, biểu hiện của khuynh hướng gây hấn mà Freud sẽ nói nhiều lúc ông về già, sau những trải nghiệm bản thân của hai cuộc thế chiến.
Đến năm tuổi bắt đầu có mặc cảm Oedipe, khiến cho, nếu là con trai thì tập trung cái libido vào mẹ và tỏ ra đối nghịch với cha, và nếu là con gái thì ngược lại. Đứa bé coi một trong hai người thân là đối tượng tình yêu, và dành cho người kia một ác ảm như đối với tình địch. Tuy nhiên, tình cảm này tự nhiên bị dồn đẩy vào vô thức. [1]
Từ 6 tuổi trở lên, những khuynh hướng bất chính tuổi thơ ấu bị giáo dục ngăn chặn, lùi dần vào vô thức hết. Rồi đến tuổi thiếu niên, dậy thì, libido lại có cơ hội trồi lên một lần nữa, tạo ra cơn khủng hoảng vừa về sinh lý vừa về tâm lý mà tùy cách giải quyết hướng dẫn, có thể đi đến một thỏa mãn thăng bằng hoặc đưa đến một tình trạng trục trặc bệnh hoạn.
5.      Chuyển hóa và thăng hóa
Quan niệm như thế, libido là cái gì có vẻ ghê tởm. Nhưng vẫn theo quan niệm của Freud, libido cũng có thể đóng những vai trò tinh thần cao đẹp. Libido là cái khuynh hướng sơ thủy, cốt cán, nhưng từ đó có thể phát sinh nhiều khuynh hướng khác. Freud không ngần ngại cho rằng những tình cảm vị tha, thẩm mỹ, luân lý, lý tưởng, tôn giáo đều bắt nguồn từ cái libido kia cả. Việc này xảy ra là do hiện tượng chuyển hóa, dérivation, những khuynh hướng mà Freud gọi là thăng hóa, sublimation. Thăng hóa chính là một biến thái từ những khuynh hướng thấp kém thành những khuynh hướng cao thượng, bằng cách thu hút và khơi dẫn cái nguồn cường lực sinh tâm là cái libido, cho nó chảy vào những lối tốt, nhằm vào những đối tượng hay, tương tự như người ta làm thủy lợi vậy. Chính nhờ hiện tượng thăng hóa này mà những biến thái trong thi ca, nghệ thuật, luân lý, lý tưởng hoặc tôn giáo.


[1] Mặc cảm Oedipe: Laios, vua thành Thèbes, có vợ là hoàng hậu Jocaste. Do được sấm báo cho biết, sẽ bị con trai giết và con trai sẽ lấy mẹ, nên Laios đem con mới sinh bỏ trên núi. Bọn mục đồng lượm được, đem bán cho vua thành Corinthe. Khi đã trưởng thành Oedipe tới đền Delphes để xin sâm cho biết lý lịch của mình, mình sinh ra thế nào. Dọc đường cãi lộn với một hành khách đã lớn tuổi và giết chết người này. Oedipe không hay người mình vừa giết là Laios, cha của mình.
Thời đó, Créon làm vua, có con quái vật nhân sư, Sphinx, xuất hiện giết chết nhiều người. Créon hứa cho bất kỳ ai trừ được con quái vật thì sẽ nhường ngai vàng và gả Jocaste cho làm vợ. Oedipe đi tới cửa thành Thèbes, giải nghĩa được câu đố của con nhân sư, trừ được con quái vật, giải thoát cho dân cả miền, được Créon nhường ngôi vua và được cưới hoàng hậu Jocaste làm vợ. Lên làm vua, cưới Jocaste làm vợ, Oedipe sinh được bốn con. Nhưng cuối cùng Oedipe khám phá ra bí mật của đời mình: giết cha, lấy mẹ. Jocaste thắt cổ tự tử; Oedipe móc mắt và để con gái là Antigone dẫn đi ăn xin, lang thang…



I.                   SIGMUND FREUD VÀ “LIBIDO”

II.               ALFRED ADLER VÀ “CHÍ HÙNG BÁ”