Học làm người _ người mẹ và đứa con

NGƯỜI MẸ và ĐỨA CON
Có một người mẹ và một đứa con. Người mẹ thì xấu xí, gò má gầy còm, và có một con mắt bị chột. Người mẹ hàng ngày bán vé số để nuôi con ăn học, và hằng ngày vẫn đón con đi học về sau khi bán vé số xong.
Người con thì mặc cảm với bạn bè trong lớp nên đã nói với mẹ rằng: “con không muốn mẹ đón con ở cổng trường nữa, mẹ hãy đón con cách xa cổng trường một chút để bạn bè không nhìn thấy mẹ của con nghèo nàn, xấu xí và bị chột”. Người mẹ đồng ý và đón con cách xa xa cổng trường.
Năm sau đứa con đòi lên tỉnh học, người mẹ đồng ý, và ngày ngày người mẹ phải bán nhiều vé số hơn, phải làm thêm nhiều giờ hơn, để con có tiền ăn học. Trong những năm học đó đứa con lâu lâu về thăm mẹ một lần và cũng chỉ lấy tiền xong rồi đi. Và đứa con đó cũng vào đại học, nhưng cũng hiếm khi về thăm mẹ.
Tốt nghiệp đại, trở thành bác sĩ, nhưng anh vẫn không về thăm mẹ. Và anh đã kết hôn với một người phụ nữ rất xinh xắn và nhân hậu, nhưng anh không mời mẹ lên chứng giám, mà mời một người khác giàu có hơn, cốt là để cho bạn bè biết là mình sinh ra trong một gia đình khá giả, có học thức.
Đám cưới xong anh vẫn không dẫn vợ về ra mắt mẹ. Rồi vợ anh sinh cho anh hai đứa con trai khôn ngoan và bụ bẫm, nhưng anh vẫn không dẫn con về cho bà nhìn cháu một lần.
Và người mẹ đã quyết định lên Sàigòn để kiếm con, nhưng vô tình đứa con trai của bà không có ở nhà, mà chỉ có người vợ và 2 đứa cháu đang nô đùa ở ngoài sân. Bà không dám vào nhà mà chỉ lén nhìn một hồi lâu, mắt rưng rưng và trở về nhà.
Vì sợ bạn bè biết được gia đình của anh nghèo hèn và có một người mẹ chột, nên anh quyết định đưa ba mẹ con sang Singapo sinh sống.
Một thời gian sau, anh có một chuyến công tác từ thiện ở Việt nam, tiện đó anh trở về thăm mẹ thì Bà đã không còn sống, và có một người hàng xóm trao cho anh lá thư.
Trong thư viết như sau:
Con yêu của mẹ, khi con đọc được dòng thư này thì mẹ đang ở thế giới bên kia rồi.
Mẹ rất hãnh diện vì con đã trưởng thành,
Mẹ rất tự hào vì con đã có sự nghiệp,
Mẹ rất vui khi con có được một người vợ hiền lành, đảm đang,
Mẹ rất vui vì có hai đứa cháu kháu khỉnh và thông minh,
Mẹ còn rất hãnh diện hơn khi đồng hành cùng con suốt nhiều năm tháng qua
Vì trong những năm con còn nhỏ, con nô đùa chẳng may bị hư mất một con mắt, nên đã lấy con mắt của mẹ thế cho con.
[Sưu tầm]
Câu truyện có thật, ngỡ ngàng, cảm động, cay đắng, đáng trách và nguyền rủa.
Điều răn thứ Tư của Chúa là thảo kính cha mẹ, vẫn không thay đổi.
Luật dân sự về báo hiếu cũng vẫn còn. Nhưng nếu luật này thực hiện nghiêm minh, cùng với giáo dục thật tốt về lòng biết ơn ông bà tiên tổ của nhà trường, thì chắc chắn sẽ có ít những mảnh đời, những trường hợp vô cùng thương tâm như vậy.
Con cái dễ có khuynh hướng nhìn về thành quả của mình đạt được, hơn là những tác nhân làm ra thành quả đó. Vì thế, biết bao đóng góp, công sức, hy sinh giúp cho thành công, sẽ trở thành quá khứ, trở thành kỷ niệm.
Còn hiện tại phải là của họ, do họ, bởi họ mà ra. Vì vậy, gia đình, cha mẹ, anh em bạn bè, lối xóm, thầy cô, rất có thể trở thành rào cản, ảnh hưởng đến thế giá, danh dự, uy tín, thể diện, kết quả họ đã làm. Họ muốn nhận trọn gói về công phúc, do công sức, tài trí của mình. Thế nên, phủ nhận người thân cho bớt ảnh hưởng đến mình là điều không gì khó hiểu.
Qua câu truyện trên, ta mới thấy được sự nguy hiểm vô cùng về trí khôn, tài năng, mà thiếu lòng từ tâm, thiếu đạo đức. Có kiến thức mà không thiếu giáo dục về đạo đức và biết ơn thì thật nguy hiểm. Lòng đạo đức giống chiếc bánh lái, sẽ đưa ta đi đúng đường đúng hướng, biết phân định tốt xấu, phải trái và quyết định làm điều lành, tránh điều dữ.
Qua câu truyện trên, ta lại thấy được tình thương vô cùng lớn lao của mẹ cha.
Mẹ cha chẳng tính toán với con cái, không kể công với cháu chắt.
Mẹ cha không hề quản ngại, chẳng nề hà việc gì, miễn là có lợi cho con cái là được.
Mẹ cha vì muốn con cái hiểu được tình thương của mình, nên đã sẵn sàng chịu thiệt rất nhiều về bản thân.
Mẹ cha vì muốn con mình không mặc cảm tự ti với bè bạn và cuộc sống nên đã phải ngậm đắng nuốt cay, phải nhường nhìn, vì thể diện và cả sĩ diện của con cái nữa.
Mẹ cha vì con cái nên đã không nghĩ đến bản thân, chẳng màng đến thể diện của mình, sẵn sàng làm mọi sự, chịu thiệt thòi mọi bề, thiếu thốn mọi thứ.
Vì thế, nếu con cái hiểu được mà thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ, cầu nguyện, trân trọng, quý mến cha mẹ, thì đây chính là niềm hạnh phúc lớn lao của các bậc sinh thành. Còn ngược lại thì nỗi đau cắn xé cõi lòng lại tăng cao từ con cái, nỗi tủi nhục lại được kéo dài.
THANH THANH