Suy tư lễ Thánh Tâm _ về ơn gọi linh mục

Lễ Thánh Tâm 2012
NGÀY CẦU XIN ƠN THÁNH HÓA LINH MỤC
- Thánh hoá các linh mục cần đến sự trợ lực của ơn thánh.
- Thánh hoá các linh mục cần đến lời cầu nguyện của toàn thế giới.
- Thánh hoá các linh mục cần được thực hiện theo khuôn  mẫu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Chúng ta bước vào Trái Tim Chúa Giêsu, bước vào thánh  điện của Tình yêu Thiên Chúa qua khung cửa là một vết thương mang hình lưỡi đòng. Đây chỉ là một cách nói để thi vị hoá một yêu cầu rất hiện thực, và cũng không thi vị cho lắm, của tình yêu, đó là hy sinh đến chết.
Lưỡi đòng chỉ là vật dụng cuối cùng, chung tay với mão gai và đinh sắt, để hoàn tất cuộc hành hình thập giá, để làm bật chốt khoá cuối cùng của kho tàng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu vĩ đại, một trái tim không giữ lại gì cho mình, dù đó chỉ là vài giọt nước và máu. Lưỡi đòng chủ ý để chứng thực cái chết, nhưng trái tim với vết thương đã trở thành biểu tượng của tình yêu đến cùng, và hôm nay là lời mời gọi cho việc thánh hoá các linh mục theo khuôn mẫu Thánh Tâm.
Với Trái tim Chúa Giêsu, trái tim của chúng ta vừa tìm được một mẫu mực nhân bản của một trái tim nhân loại, vừa có lý tưởng tuyệt vời của một trái tim Thiên Chúa, để vừa học được cách sửa đổi những khiếm khuyết của con người tự nhiên, vừa được thánh hoá trong ơn gọi linh mục.
Chúng ta hãy nhìn ngắm Trái tim của Chúa Giêsu như Trái tim của con người, Trái tim của Thiên Chúa, và Trái tim đang sống.
Rồi chúng ta lại nhìn vào trái tim của mình, các linh mục, qua Trái tim của Phêrô.
TRÁI TIM CON NGƯỜI
Không phải có hai loại tình yêu: nhân loại và Thiên Chúa, chỉ có một tình yêu, nhưng được diễn đạt ở hai tầm mức khác nhau.
Chúa Giêsu mang trong người một trái tim nhân loại, một trái tim đã biểu lộ những cảm xúc rất người. Nhiều lần khi đọc Tin mừng, chúng ta như bất chợt gặp phải một con người hơn là một Thiên Chúa.
Một trái tim nhân hậu
Đức Giêsu đã từng “nổi giận” ở sân Đền thờ, hơi “cáu gắt” khi gọi Phêrô là Satan, hơi “sẵng giọng” khi bảo các thượng tế: “các ông không nói, tôi cũng không nói” (Lc 20,8)), một chút “dí dỏm” khi hỏi các môn đệ có bao nhiêu bánh, hoặc “các con cũng muốn bỏ đi luôn chứ?” (Ga 6,67), có lẽ hơi ngán ngẫm khi nói với Philipphê “Thầy ở với các con bao lâu rồi mà các con vẫn chưa biết Thầy sao?” (Ga 14,9), hay như thể “dỗi hờn” khi bảo ba môn đệ thân tín “cứ ngủ đi”, và cả “giả vờ” muốn đi xa hơn, . . .
Nhưng trên tất cả, chúng ta vẫn nhìn thấy một người “chạnh lòng thương” khi thấy dân chúng đói (Mt 15,32 // Mc 8,1-3), bảo các môn đệ nghỉ khi thấy các ông mệt (Mc 6,31), dừng bước để chia sẻ nỗi buồn với bà goá vừa mất người con trai (Lc 7,11), hai lần nức nở trước cái chết của bạn thân (Ga 11,33.38).
* Một người tìm cách mang lại những gì tốt nhất cho những người mình gặp gỡ.
Một trái tim thân ái
Đức Giêsu sống như môt người “bạn” với môn đệ “đến mà xem, và ở lại”, với Nicôđêmô, với các trẻ nhỏ, với những người tội lỗi, nhóm thu thuế, với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob (Ga 4,7).
* Một người không muốn khước từ, bỏ rơi bất cứ người nào.
Một trái tim ân cần
Đức Giêsu lo cho người khác đến từng chi tiết, Người không quên chúc lành cho các thiếu nhi, nhắc người nhà Giairô đem thức ăn cho cô bé vừa được cứu sống (Lc 9,55), biết là Phêrô cũng không có tiền nộp thuế đền thờ (Mt 17,27), lo sẵn lửa cho các tông đồ nướng cá, . . .
* Một người đến để phục vụ.
TRÁI TIM CỦA THIÊN CHÚA
Chính Trái tim nhân loại của Đức Giêsu đã mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, Tình yêu của Trái Tim Ba Ngôi. Cũng là Tình yêu nhưng là tình yêu ở mức độ tuyệt đối, tình yêu không thể hiểu nổi, tình yêu toàn năng làm được mọi sự.
Trái tim mở đường cho phép lạ
Trái tim của Đấng quyền năng không sử dụng quyền năng. Samaria, Vườn Cây Dầu, Golgotha
Trái tim thương xót, "anh muốn tôi làm gì cho anh", "Giakêu xuống mau".
Trái tim nhẫn nại, với các môn đệ, Giuđa, Phêrô.
Trái tim tha thứ, tìm người đau yếu, không kết án người có tội, chết vì tội nhân.
Trái tim thánh hoá, "đừng phạm tội nữa" (Ga 8,11), "hãy đứng dậy", "có yêu mến Thầy không?"
Trái tim yêu thương con người tới mức đến với con người và chết cho con người. Trái tim của người cha nhân hậu (Lc 15,11), của người mục tử nhân lành, của bà lão đi tìm đồng tiền đánh rơi (Lc 15,9), người trồng vả, trồng nho. Trái tim dành cho những con người chưa biết và chưa muốn yêu thương, bội bạc, hờ hững, khô cứng. Trái tim yêu thương đến cùng với tình yêu mạnh hơn cả tội lỗi và sự chết: tình yêu đang mời gọi chúng ta ngày càng sống bởi tình yêu, vì tình yêu và cho một tình yêu lớn lao hơn.
TRÁI TIM ĐANG SỐNG
Trái tim của Đấng chịu đóng đinh nhưng đã sống lại, Trái tim của Đấng đã chết nhưng nay vẫn sống. Trái tim vẫn sống trong Giáo Hội và trong mỗi người chúng ta. Trái tim đang gọi mời trái tim chúng ta. Trái tim đang sống nên vẫn còn đang đập trong trái tim con người, nhất là trong trái tim linh mục. Trái tim đang sống chính là Trái tim Thánh Thể, là suối nguồn của tình yêu Thiên Chúa đổ vào trái tim con người để chúng ta có thể yêu như Thầy đã yêu, nghĩa là với sức năng động và cường độ của tình yêu Thiên Chúa, với tầm cao, độ sâu và chiều rộng dài của tình yêu cứu thế. Trái tim đang sống chính là trái tim Giáo Hội, là dòng chảy hiệp thông trong Thân thể nhiệm mầu, là nhịp đập yêu thương của đức ái mục tử.
TRÁI TIM LINH MỤC
Sức mạnh thánh hoá các linh mục sẽ được đón nhận từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhưng điểm xuất phát của tiến trình thánh hoá chính là trái tim của linh mục. Chúng ta cần nhìn vào chính trái tim của mình, nhưng để khỏi phải đụng chạm đến một cá nhân nào, đồng thời cũng để tránh nghĩ đây chỉ là những trường hợp tưởng tượng không có thật, chúng ta xin mượn trái tim của Phêrô để làm thí dụ điển hình.
Chúng ta thử nhìn vào “điện tâm đồ” của trái tim Phêrô còn lưu lại trong Tin mừng. Yêu mến Thầy từ đầu đến cuối, nhưng Phêrô cũng có vấn đề về tim.
-                 nhịp đập không đều: quả quyết đến độ bốc đồng nhưng cũng yếu đuối nhát đảm, thề sống chết với Thầy, rút gươm chém kẻ bắt Thầy, nhưng cũng bỏ chạy, rồi lại đi theo, nhưng lại không có mặt ở Golgotha,
Nhiều quyết tâm, dốc lòng, dự định, nhưng hay quên và hay bỏ.
-                 tim yếu: suýt ngất trên đỉnh Tabor, nhưng lại đột quỵ trong sân dinh thượng tế
Thật sốt sắng lúc tĩnh tâm, nhưng còn nhiều sơ hở trong cách sống.
-                 hở van tim: van dùng để kiểm soát lượng máu chảy vào và đi qua tim. Tin tưởng “vâng lời Thầy con xin thả lưới”, trung thực, “Xin Thầy tránh xa con”, chấp nhận phiêu lưu “bỏ mọi sự theo Thầy”, nhưng dường như vẫn muốn được đền bù thoả đáng “này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” – “Thầy là Đấng Kitô”, nhưng vẫn muốn Thầy đừng đi chịu chết và “Thầy mà rửa chân cho trò sao?”
Quảng đại từ bỏ nhưng có thể còn tìm bù trừ, chưa đủ can đảm hoặc chưa đủ ý thức nên chưa thật sự siêu thoát
-                 thông ngăn tim: đã cố gắng chạy đến mồ, đã gặp Thầy sống lại, nhưng dường như còn muốn trở về nghề cũ “tôi đi đánh cá đây”
Yêu mến Giáo Hội nhưng vẫn thích hoạt động theo ý riêng, theo chủ trương riêng
-                 phình động mạch: gây thiếu máu nuôi chính trái tim, thiếu máu cơ tim. “Bỏ Thầy chúng con theo ai”, nhưng vẫn ngủ say trong khi Thầy đổ mồ hôi máu, vẫn bỏ Thầy để chạy thoát thân.
Hăng say hoạt động nhưng xao lãng cầu nguyện. Mục vụ chỉ còn là những sinh hoạt bên ngoài, thiếu chiều sâu của nội tâm, không còn là phương thế thánh hoá cho cả đoàn chiên lẫn mục tử.
Tuy dù còn thiếu sót, nhưng trên tất cả, trái tim Phêrô vẫn dành cho Thầy, và Thầy vẫn đón nhận Phêrô: Ga 21,15 - hỏi: agapas // đáp: philô, lần thứ ba: hỏi cũng bằng phileis.
Dù Phêrô làm gì, Chúa vẫn dõi theo, có khi cũng trách, cũng mắng, nhưng chủ yếu là để tiếp tục hướng dẫn và đào tạo cho Phêrô ngày càng giống Thầy hơn. Từ nhiệt tình đơn sơ ban đầu, trải qua kinh nghiệm đau thương của thiếu sót, bất toàn, yếu hèn, Chúa muốn chúng ta theo Ngài với ý thức ngày càng sâu sắc hơn, với quyết tâm ngày càng vững vàng hơn, và với con người ngày càng nhân bản và thánh đức hơn.
Thánh Tâm Chúa không chỉ để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn và suy niệm, nhưng để trái tim của chúng ta chạm vào, được chữa lành, được sống lại, được đồng hình đồng dạng. Luôn phải để cho Tình yêu của Thánh Tâm chất vấn tình yêu mục tử của chúng ta. Cần chấp nhận cuộc thường huấn trường kỳ cho trái tim linh mục: từ “ở với” tiến dần đến “ở trong”, không là “đi sau đi trước”, nhưng sẽ “đi ngang, tay trong tay”.
Trái tim Chúa đang sống nên nguồn tình yêu sẽ không bao giờ cạn – và những bài học cho trái tim chúng ta cũng không bao giờ ngưng.
Lm. Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn


LỜi Kinh cỦa Linh MỤc
Lạy Chúa, Chúa đã gọi con lãnh nhận tác vụ linh mục, vào một thời điểm lịch sử, như các Tông Đồ buổi ban đầu, Chúa mong muốn mọi kitô hữu và đặc biệt là các linh mục, trở nên những chứng nhân cho các kỳ công của Thiên Chúa, và cho sức mạnh của Thánh Thần Chúa.
Xin cho con cũng trở thành chứng nhân cho phẩm giá con người, cho phẩm chất cao cả của tình yêu và cho quyền năng của thừa tác vụ đã lãnh nhận:
Xin cho con sống tất cả những điều đó, bằng một cung cách thấm đượm niềm say mê Chúa, bởi tình yêu, chỉ vì tình yêu và cho tình yêu lớn lao mà thôi.
Xin cho cuộc đời độc thân khiết tịnh của con, nên như lời “xin vâng” trong vui mừng và hạnh phúc, phát xuất từ niềm tín thác và tận hiến cho tha nhân, để phục vụ Giáo Hội.
Xin ban sức mạnh đỡ nâng khi con sa vào yếu đuối, và chớ gì những thành công của con cũng làm Chúa vui lòng.
Lạy Mẹ Maria,
chưa có ai đã thốt lên lời “xin vâng” cách tuyệt vời, cao cả như Mẹ.
Xin Mẹ cho con biết biến đổi cuộc sống con mỗi ngày, thành nơi nuôi dưỡng tinh thần quảng đại và thánh hiến, và dưới chân bao nhiêu Thập Giá nơi gian trần, con được cùng với Mẹ, tháp nhập vào cái chết đớn đau mang ơn cứu độ của Đức Kitô, để được cùng Người vui hưởng vinh quang phục sinh đến muôn đời. Amen.