Phêrô – Phaolô, hai Thánh tông đồ cả, hai cột
trụ chính của tòa nhà Hội Thánh hằng năm được kính nhớ trọng thể chung một ngày
lễ 29/6. Hai vị là Tông Đồ như nhau. Thánh Phaolô dù không có chức Giáo Hoàng
như thánh Phêrô nhưng cũng tương đương chức vị ấy không kém gì. Hai khuôn mặt,
hai cuộc đời xem ra khác nhau nếu không muốn nói là ngược hẳn nhau dưới cái
nhìn nhân loại. Cả hai đã ở chức vị cao trong Hội Thánh và là tông đồ lớn. Qua
con người và cuộc đời hai Ngài. Ta có thể khẳng định cách vô tư là làm tông đồ
thậm chí làm Giáo Hoàng là dễ ợt. Đâu phải nói bừa mà là với những lý chứng
sau:
Thánh Phêrô thất học không biết chữ và Thánh
Phaolô học rộng biết nhiều. Thế thì ai lại không có thể làm tông đồ! Dù vạm vỡ
như Phêrô hay bé người như Phaolô cũng làm tông đồ được thì ai cũng làm được.
Nói năng lợi khẩu như Phêrô hay lắp ba lắp bắp khi mở miệng như Phaolô mà cũng
giữ chức vụ cao trong Hội Thánh thì ai cũng làm Giáo Hoàng được cả. Từ người giữ
lề luật kỹ lưỡng như Phaolô vốn là biệt phái đến người không màng giữ luật rửa
tay, rửa chén bát, thậm chí không biết cách cầu nguyện như Phêrô cũng làm tông
đồ được thì ai cũng làm được. Những điều trên đây cho ta thấy việc làm tông đồ
hay được đứng vào hàng chức vị cao trong Hội Thánh là do Chúa ban chứ không một
ai được quyền tự mình lấy. “Ngồi bên hữu bên tả Chúa Giêsu là do Chúa Cha an
bài “( x. Mt 20,23 ). Tất cả đều là bởi ân sủng và quyền năng của Chúa.
Tuy nhiên ân sủng không loại bỏ tự nhiên để xứng
làm tông đồ cho Chúa thì con người chúng ta cần đáp trả cách nào đó. Nghĩa là cần
có các nền tảng nào đó để ân sủng Chúa phát huy sức mạnh nơi chúng ta. Những điểm
chung nơi hai Thánh cả Phêrô-Phaolô chính là các nền tảng ấy.
Sự nhiệt thành: không ai không công
nhận lòng nhiệt thành của hai Thánh Phêrô và Phaolô. Nhiệt thành là luôn đi đầu
trong việc khó mà việc đó phải là việc tốt, việc đáng làm, ít là theo sự nhận định
của mình (có khi có thể chủ quan). Ta thấy Thánh Phêrô thời gian theo Thầy
Giêsu thường đi trước các anh em còn lại. Các con bảo Thầy là ai? Phêrô nói
ngay Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống. Chúng con có bỏ Thầy mà đi
không? Cũng Phêrô lên tiếng trước “ Bỏ Thầy chúng con biết theo ai, vì Thầy có
lời ban sự sống đời đời. Ta lên Giêrusalem và Con Nguời sẽ bị nộp vào tay các
Thượng Tế… Dù sai lầm trong chủ quan nhưng vì ý tốt Phêrô cũng lên tiếng cản
ngăn Thầy.
Lòng nhiệt thành của
Phaolô thì quá rõ. Trước đó cũng vì sai lầm trong niềm tin, Ngài đã tích cực
tìm cách hãm hại Kitô hữu sơ khai. Sau khi được ơn trở lại, Thánh Phaolô không
quản ngại gian khó để rao giảng Tin Mừng. Năm lần bị đánh đòn thiếu một roi đầy
bốn mươi, ba lần bị tra tấn, ba lần bị đắm tàu, một lần bị ném đá, một ngày một
đêm lênh đênh trên biển khơi, những gian khổ ấy vẫn không ngăn được bước chân của
người đầy lòng nhiệt thành là Phaolô. Ai cũng có thể làm tông đồ, ai cũng có thể
làm Giáo Hoàng nhưng phải chăng không thể thiếu vắng lòng nhiệt thành?
Sự khiêm tốn: Người ta đã nói: sự
nhiệt thành cộng với sự ngu dốt thành sự phá hoại. Theo thiển ý tôi phải cộng
thêm sự cố chấp mới chính xác. Vì thế bên cạnh lòng nhiệt thành luôn cần có sự
khiêm tốn. Nhân bất thập toàn. Phận người thật khó tránh sai sót hay lỡ lầm.
Khiêm tốn để biết sửa sai, biết bắt đầu lại và nỗ lực vươn lên. Khi theo Thầy
Giêsu, dù bị quở trách có vẻ nặng nề nhưng Phêrô vẫn vui vẻ vâng theo. Không thấy
ngài cãi lại Thầy mỗi khi được sửa dạy. Lòng khiêm tốn của Ngài được tỏ bày qua
những dòng nước mắt thống hối ăn năn của người đánh cá dày dạn gió sương, mưa nắng.
Phaolô cũng thế, khi biết
mình đi sai đường thì đã vội quay trở lại. Sự khiêm tốn còn thể hiện nơi lời giảng
dạy của các Ngài. Dù đang ở vị thế cao trọng, đang làm được những sự lạ lớn lao
có vẻ như hơn cả Thầy chí thánh ( x. Ga 14,12 ) thì hai Ngài vẫn khiêm tốn nói
những sự thật về mình để rồi được sử sách ghi lại cho hậu thế. Ít có ai đương ở
chức cao quyền trọng mà lại đi nói chuyện xấu về mình, ngoại trừ người có lòng
khiêm tốn xâu xa. Phêrô không ngại kể chuyện bị Thầy la mắng, chuyện mình chối
Thầy ba lần, chuyện mình thất học và mù chữ. Tương tự như thế, Thánh Phaolô khi
rao giảng thường nhai đi nhai lại chuyện trước đây mình bắt bớ Hội Thánh Chúa
và rằng mình chỉ là đứa con sinh non, là tông đồ rốt hết và không xứng làm tông
đồ.
Lòng yêu mến: Làm tông đồ, làm Giáo
Hoàng là dễ ợt nhưng không thể thiếu một nền tảng tự nhiên đáng kể nhất đó là
lòng yêu mến. Trong nhóm Muời Hai, hỏi có ai yêu mến Thầy hơn Phêrô? Chính Chúa
Giêsu phục sinh trên bờ hồ Tibêria đã minh nhiên khẳng định điều này: “ Simon,
con của Gioan, con có mến ta hơn những người này không?” Phêrô trả lời: Thưa Thầy
Thầy biết mà…” ( Ga 21,15 ).
Với Phaolô thì tình yêu
Chúa thúc bách Ngài rao giảng Tin mừng. Không có gì, dù trời cao hay đất thấp
dù biển rộng hay sông sâu, dù thiên thần hay thiên phủ, dù…. có thể tách Ngài
ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Ngài khẳng định: “Tôi sống
nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Cả hai Thánh Tông
Đồ đã để lại cho chúng ta cảm nhận này: “ Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (
Phêrô ); “ Yêu thương là chu toàn mọi lề luật” ( Phaolô ).
Làm tông đồ cả – làm Giáo Hoàng ư? Dễ ợt–ai
cũng có thể –Thế nhưng cái điều có thể ấy cần được dệt xây trên sự nhiệt thành,
lòng khiêm nhu và tình yêu mến của chúng ta.
Lạy hai Thánh Phêrô - Phaolô tông đồ xin cầu
cho chúng con.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa